Nhạc sĩ Bằng Giang tên thật là Trần Văn Khởi, sanh năm 1938 tại Biên-Hòa. Yêu âm nhạc nhiều hơn chữ nghĩa nên Bằng Giang đã dấn thân vào cõi nhạc từ rất sớm. Ông tham gia văn nghệ nơi các trại lính ở Biên-Hòa và nhận được sự giúp đỡ của người chủ hầm đá ở Bửu-Long (Biên-Hòa), khẳng định tên tuổi trong bước đầu sự nghiệp. Hai sáng tác đầu tiên viết với ca sĩ Chế Linh là “Đêm buồn tỉnh lẻ” và “Bài ca kỷ niệm”. Ông có một số sáng tác với Châu Kỳ, Hồ Đình Phương nhưng được yêu chuộng và nhắc nhở nhiều nhất qua những sáng tác riêng như “Thành phố mưa bay”, “Người em xóm Đạo”, “Về thăm xóm Đạo” (Người em xóm Đạo 2), “Mai anh đi rồi”, “Người về đơn vị mới” v.v.

Sau ngày mất nước, ông định cư ở Gia-Nã-Đại rồi chuyển sang Hoa-Kỳ. Ông vẫn sáng tác, phổ thơ của bạn hữu tuy không được phổ biến rộng rãi như thời còn ở trong nước. Tuổi đời chồng chất và sau nhiều năm bịnh tật, nhạc sĩ Bằng Giang ra đi ngày 8 tháng 10 vừa qua, để lại nỗi ngậm ngùi tiếc nhớ cho người yêu nhạc.

Nhạc Sĩ Bằng Giang   

Giờ ra chơi của đám học trò lớp 12C2 hết sức sôi nổi và xôm tụ. Mấy đứa con gái xúm lại nói chuyện rôm rả và chia nhau bánh trái ăn lấy thảo. Đám con trai thì chia thành nhiều nhóm với những thú tiêu khiển khác nhau. Mấy đứa siêng học và học giỏi thì khoe nhau sách vở với nhiều đề thi hóc búa cùng với những trung tâm luyện thi nổi tiếng. Ở một góc khác, vài bạn mượn tập vở của nhau ghi chép lại vì theo không kịp nhịp giảng dạy của thầy cô trong giờ học. Một nhóm khác bu lại cái radio nhỏ xíu để nghe chương trình “nhạc không lời” (nhạc hòa tấu) được phát thanh trên đài FM. Xóm nhà lá của Tám thì ngồi tán dóc, thong thả kể chuyện đất trời mưa trưa, nắng sớm. Trong nhóm có thằng Thuận ròm hay cống hiến những bài ca muồi rệu. Nó giỏi sửa lời bài ca và sôi nổi vỗ tay theo nhịp trên bàn nghe đôm đốp …

Xem thêm:   Lang thang thành nội cuối Hè

“Mùa xuân này mẹ đi thăm con

Mới biết vùng đất Lê Minh Xuân

Ôi, nơi đây hăng hái đào kinh

Con tui mới nếm mùi sình”

Còn vài ba bài nhạc nữa mà Thuận thường hay “trình diễn” xôm tụ mỗi khi được bạn bè yêu cầu và hát rất hay như “Nếu một ngày”, “Đêm buồn tỉnh lẻ”…

Nhạc phẩm “Đêm buồn tỉnh lẻ” được viết theo điệu Boléro với ý nhạc chứa chan và lời ca thắm thiết thường gợi cho Tám những suy nghĩ bâng quơ cùng những nỗi buồn của cuộc sống sau ngày hậu chiến. Tuổi 16, 17 lớn lên trong cái xã hội nghèo khó, đói cơm thiếu áo và lo âu trước một tương lai không định hướng.

Hết bậc trung học, Tám may mắn vượt biên đến được bến bờ tự do và định cư ở một xứ sở lạnh giá, đơn côi. Vì tánh tình mẫn cảm nên Tám hay bâng khuâng nhớ nhà, nhớ bạn dù kỷ niệm ngày xưa đã bảng lảng, xa xôi. Những khi rảnh rỗi, Tám hay ca hát nghêu ngao những bài hát cũ cho đỡ buồn và cứ nao lòng khi nhớ đến những ngày xưa thân ái …

“Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi

Tơ duyên xưa còn hay mất

Mái trường ơi em tôi còn học nữa

Hay ra đi từ độ nào

Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau

Đi trên con đường lẻ loi

Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa

Bao yêu thương và nhớ

Anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn” (*)

Tìm hiểu qua sách báo, Tám biết được “Đêm buồn tỉnh lẻ” là một hợp soạn đầu tay của hai nhạc sĩ Bằng Giang và Tú Nhi (ca sĩ Chế Linh). Ca sĩ Chế Linh nổi tiếng nhanh chóng với giọng ca “đợt sóng mới” cũng như nhờ sự “lancé” của các hãng dĩa và báo chí. Nhạc sĩ Bằng Giang âm thầm vẽ lên khung trời âm nhạc những lời ca trầm buồn như gởi gắm tâm sự của người trai trong thời loạn. Chiến cuộc dâng cao khiến cho người ở lại hậu phương và kẻ nơi miền giới tuyến, hai phương trời cách biệt, biết nói sao cho hết bao lời thương tiếng nhớ …

Xem thêm:   Nói với điên điển

“Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường

Gởi lại phố phường chuyện đôi mình thương mai xa cách ngàn phương

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá

Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng

Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa” (**)

Chiến tranh tàn khốc trùm phủ lên miền quê hương nghèo khó và súng đạn vốn dĩ vô tình khiến cho xóm Đạo đìu hiu, người thương thôi hết chờ mong mà lặng lẽ đi về một cõi khác …

Hình tài tử Ngọc Tuyết trên tờ nhạc “Thành phố mưa bay” của Bằng Giang 

“Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày

Trở lại xóm đạo còn đâu người yêu ôi hoang vắng đìu hiu

Nhặt cành hoa trắng xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá

Em ơi em ơi nhớ hoài nhớ nhau muôn đời

Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi” (**)

“Người em xóm Đạo” của Bằng Giang là một chuyện tình đau thương, không đoạn kết và mang ảnh hưởng ít nhiều từ những vần thơ lâm ly “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan.

Không chỉ trong “Người em xóm Đạo” hay “Về thăm xóm Đạo” mà ở những tác phẩm khác, nhạc sĩ Bằng Giang cũng phác họa bức tranh đời lính gian lao, phố xá tiêu điều cũng như tuổi trẻ u hoài trước thảm họa chiến tranh …

Xem thêm:   Dã quỳ nở rồi, em có về không?

“Có những chiều thành phố mưa bay

Công viên buồn, tượng đá cũng buồn

Chân đi tìm tuổi hồng sa mạc nắng

Câu kinh giáo đường, ngày tháng trút đau thương” (***)

Lớn lên ở miền đất Biên-Hòa trù phú, hiền lành, và dù ở trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ Bằng Giang vẫn giữ được tâm hồn dạt dào say mê âm nhạc như thuở ban đầu bước thấp, bước cao. Dẫu bao biển dâu thay đổi, nước mất nhà tan, ông đã sống và vui, buồn qua từng khung nhạc với trái tim nồng nàn của người nhạc sĩ. Tiễn đưa ông theo định luật muôn đời, sống gởi thác về, người yêu nhạc vẫn nhớ về ông và những nhạc phẩm khắc họa một thời chinh chiến trên một quê hương đã quá đỗi lầm than.

TV, (12.10.2024)

(*) Đêm buồn tỉnh lẻ

(**) Người em xóm Đạo

(***) Thành phố mưa bay