(Em nhé in đừng hát câu hồi hương)
Năm 1975, cuộc chiến ở miền Nam đã bước vào giai đoạn cuối. Tháng Tư buồn bã với những chuyến bay vội vã đánh dấu cuộc rút quân toàn diện của quân đội đồng minh sau mấy mươi năm tham chiến. Những gia đình có thân nhân làm việc trong chính quyền Cộng Hòa hay người di cư trốn chạy cộng sản theo hiệp định Geneve hồi 1954 cũng dạt trôi theo dòng người di tản.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bị thất lạc gia đình và người yêu. Gia đình anh và gia đình chị đã kịp có mặt trên những chuyến bay cuối cùng trước ngày Sài-Gòn hấp hối. Anh bị kẹt lại và cuộc sống lâm vào khúc rẽ mới. Tiệm sách Thanh Bình của bố mẹ anh ở Hải-Phòng ngày trước và được tái dựng lại ở Sài-Gòn sau cuộc di cư bị đóng cửa. Sách vở bị “niêm phong” và tịch thu. Hai cửa tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng và Đại Chúng ở gần đó cũng mang chung một hệ lụy. Anh lặng lẽ đứng trên balcon nhà nhìn xuống thấy người ta khuân sách báo ra giữa đường chất thành đống rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa vô tình cũng đốt luôn những tờ nhạc của anh bay tơi tả theo những cơn gió nghịch mùa. Mấy đứa nhỏ hiếu kỳ mon men đến gần và len lén lượm những trang giấy vương vãi nhét vào túi áo. Anh Bình (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) bồi hồi nhớ gia đình, thương nhớ người yêu vì không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Nỗi niềm đó đã được anh khắc họa trên cung đàn, phím nhạc …
“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ”
Người thương đã ra đi và Sài-Gòn đang lâm lụy. Mùa xuân có về trên những con phố cũ đã một thời lụa là mưa nắng. Ngày nào còn tay trong tay và trao nhau những lời thương yêu, trìu mến. Dĩ vãng như bao cung tơ, tất cả đã xa, hình bóng cũ cũng nhạt nhòa theo buổi chiều tà nắng quái. Hỡi người thương nơi phương trời xa có thấu cho tâm tình của người ở lại …
“Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần
Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh
Em có bao giờ thấu cho lòng anh”
Người ra đi biết có nhớ thương về chốn cũ. Nơi này, ngày vẫn qua, đêm về lặng lẽ và mây xám vẫn ngập ngừng trôi. Lang thang trên con phố dài, dư âm cuộc tình nồng thắm như vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Những tờ thư xưa, những bài hát cũ là nhật ký của những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Nắng Sài-Gòn có nhuộm vàng màu lụa Hà-Đông và lá thư xanh có tô hồng thêm màu yêu đương đôi lứa …
“Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà-Đông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong”
Sau nhiều năm sống lạc lõng và cô đơn trên mảnh đất quê nhà, anh Bình vượt biển thành công đến trại tị nạn Mã-Lai-Á (Malaysia) và được định cư ở Hoa-Kỳ vào năm 1981. Một lần anh rời quê ở lứa tuổi thiếu niên, thêm một lần bỏ nước để hy vọng tìm được tự do và đoàn tụ với những thâm tình. Trên đất mới, anh đã gặp lại chị Thanh Vân và mối duyên xưa được nối lại sau 7 năm dài cách biệt.
Nhạc phẩm “Em còn nhớ mùa xuân” là bài hát duy nhất được viết tại quê nhà sau tháng Tư năm 1975. Tác giả đau lòng trước hoàn cảnh đất nước, gia đình ly tán và tình yêu bị chia cách. Mây vẫn bay trên nền trời Sài-Gòn nhưng sao đượm nét buồn thương, bi hận. Ai nấy cũng gượng sống, gượng cười và hy vọng một dịp may mắn nào đó sẽ thoát khỏi một đất nước tơi bời, tan tác …
“Trời Sài-Gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay”
Ngày đó, anh thầm nhắn nhủ với người yêu nơi phương xa, dù đi đến đâu xin hãy nhớ Sài-Gòn của ngày hôm qua, của dĩ vãng tình yêu một thời mưa gội, nắng chan. Cái tên “Sài-Gòn hòn ngọc viễn đông” không thể nào phai phôi hay mất dấu theo ngày tháng. Sài-Gòn vẫn mong chờ ngày em trở lại, quy cố hương và hát với nhau bài tình ca năm cũ …
“Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Paris, đây Luân-Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài-Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài-Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương”
Sau mấy chục năm biển dâu thay đổi, tâm tư và suy nghĩ của ngày xưa cũng đổi khác. Cái Sài-Gòn mưa nắng lụa là nay chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã xa giữa một đất nước xác xơ, phân rẽ. Có một lần trong chuyến du lịch về miền Đông Nam Á, chỉ thêm một bước nữa là anh và chị sẽ về đến quê nhà nhưng rồi lại thôi. Lòng tham và sự tàn ác của kẻ thắng cuộc khiến cho bước chân đi xa không còn dịp nào trở về chốn cũ. Sài-Gòn ngựa xe một thuở đã xa xôi như những ngày mưa mù, gió xóa. Giấc mơ hồi hương nay đã lỗi thời, lạc điệu và chỉ còn là một nỗi ngậm ngùi trong lòng người viễn xứ. Trong vô vàn tiếc nuối, anh vẫn ngân nga bài hát cũ và trong lòng dâng lên một niềm tái tê, chua xót …
“Những thành phố em đã đi qua
Đây Paris, đây Luân-Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài-Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài-Gòn mai sau
EM NHÉ XIN ĐỪNG HÁT CÂU HỒI HƯƠNG”
TV (01.12.2024)