Trước 1975, ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi có đọc thơ Ðức Phổ, đăng rải rác trên các báo, tạp chí thời bấy giờ, bẵng đi một thời gian khá dài, tôi lại thấy bài thơ “Dưới mái nhà xưa” của anh đăng trên một trang mạng. Những câu thơ như găm vào gan ruột của những kẻ đồng cảnh ngộ: “Anh đã về dưới mái nhà xưa/ Mẹ Cha không còn nữa/ Nhà trống, nương vườn xơ xác/ Chỉ còn con vện vẫy đuôi!” . Và có lẽ những ai khi không còn cha mẹ, trở về lại mái nhà xưa vẫn luôn là: “Khi cắm nén hương lên bát hương đã cũ/ Kỷ niệm theo về/ Cùng hương khói mang mang/ Tự nhiên anh khóc…”. Không chỉ là những câu thơ giản dị, đồng cảm mà tôi còn cảm thấy “gần gũi” bởi cái bút danh và cũng là tên thật của anh: Ðức Phổ, tên của một huyện ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, quê cha, nơi tôi có những năm tháng ấu thơ, cơ cực, và cũng thật thú vị, bởi anh sinh ra ở quê gốc Thừa Thiên, Huế, đất cố kinh lừng lẫy của các “ôn, mệ” một thời, cũng là quê mẹ tôi. Con người đôi khi có những tình cảm tưởng chừng… mơ hồ, nhưng lại gắn bó bởi tình “đồng hương, đồng khói” như thế, mở đầu cho sự giao lưu tâm cảm, bền chặt!

Viết về thơ Ðức Phổ có rất nhiều người tên tuổi, lẫy lừng ở miền Nam trước đây và hải ngoại đã viết như Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Hoàng Xuân Sơn, Luân Hoán, Nguyễn Vy Khanh… Song tôi vẫn thích sự “thú nhận” của anh Trần Hoài Thư là:

Tôi vẫn hằng đọc thơ anh. Ôi! Những bài thơ vẫn còn ở lại trong tôi sau khi đọc xong, bắt tôi phải giật mình: “Mai về bỡ ngỡ núi sông”… trang “Văn Việt. Org” đã nhận xét: “Thơ Ðức Phổ có ngôn ngữ giản dị, giọng điệu từ tốn, như những lời tâm sự thân mật. Thể thơ cổ điển hoặc gần với cổ điển. Ðiều gây ấn tượng trong thơ anh là việc sử dụng khá thường xuyên mối quan hệ giữa hiện tại ở vùng đất mới và quá khứ, hình ảnh của hoài niệm được đặt trên nền xám của bức tranh hiện tại, nơi vô thức có thể tìm đường đi tới….”

Ðức Phổ quan tâm đến vần điệu, sự chọn lọc hình ảnh, những diễn tiến tâm lý trong quá trình hội nhập vào xã hội Bắc Mỹ. Khi loại bỏ bớt nhu cầu mô tả các xúc cảm, đôi khi vượt quá khả năng mang vác của ngôn ngữ, thơ anh có sự chiếu sáng của lương tri trên những khúc quanh lịch sử. Trong thơ Ðức Phổ tiếng gọi của bổn phận, tiếng gọi của cái đẹp ngày càng trở nên rõ ràng. Vì thế việc khen “Phò mã tốt áo” sẽ thừa, nên tôi chỉ chọn những gì mà bản thân thấy cùng chung sự rung cảm và hòa điệu trong những bí ẩn mà thơ ca vốn có cần thêm sự giải mã với góc nhìn của người đọc…

Tuyển tập Thơ Đức Phổ. Bìa và trình bày Hà Nguyên Du. Văn Học Mới phát hành, 2020  

Ở vào cái lứa tuổi ngoài thất thập “xưa nay hiếm”, thơ Ðức Phổ có cái nhìn tưởng như “nhàn nhã” song lại đau đáu một nỗi niềm: “Suốt ngày ở nhà như một quản gia/ Quản gia chỉ là kẻ trông nhà/ Mà nhà chẳng có gì để mất/ Chỉ sợ mất mình như kẻ vong gia.” (Ngày của một người hưu trí, trang 280) và điều ấy lại được nhà thơ nhắc lại trong bài “Ngày hưu”: “ Ngày hưu trôi chậm vô cùng…” rồi: “Tháng ngày quẩn quanh vô nghĩa/ lòng nhớ nào biết nhớ gì/ ở không như là không ở/ thế gian xa lắc ngoài kia” (trang 57) nhuốm một chút ý nghĩa sắc không cửa Phật cùng với sự “giác ngộ” khôn cùng của sự chấp nhận, thuận theo ý mệnh! Câu thơ “Vong gia” làm ta sởn gai ốc, chạnh tới nỗi niềm “vong quốc” của những người dám đi tìm tới cõi tự do!

Xem thêm:   Nhẫn

Tình yêu thì không có tuổi? Vâng, với thơ Ðức Phổ, tình càng nồng đậm, đẫm hương mãi nhớ: “Anh về thăm em rồi đi xa. Rất vội/ Những nồng nàn… Nấc.Nghẹn giấu trong tim!/ Phút lưu dấu xưa, sau… Chừng khó nói/ chỉ đôi lòng. Chung một tiếng yêu thôi!” (Mới xa mà đã nhớ, trang 53), là những run rẩy của một thời: “Từ em mặc lụa qua cầu/ hồn anh mấy mảnh nát nhầu, chưa khâu/…..Em qua cầu mắt rưng rưng/ sóng chao chiếc bóng ra từng gợn. Tan!/ Anh vờ tình lật sang trang/thoáng trên mặt giấy có hàng lệ rơi!...” (Áo lụa qua cầu, trang 83). Là một món nợ tình thật… khó trả: “Em sang sông. Yên phận gái sang sông!/Ta ở lại điếng hồn trông nước rút/Trơ cùng ta những tháng ngày bạc nhược/ Khi nợ một ân tình đâu dễ bước ung dung!…” (Em sang sông ta nợ một ân tình, trang 112). Bởi cái sức mạnh của tình yêu là nhắc nhớ!: “khi không còn tình yêu của em/ dẫu có lao vào vòng đại dịch/ dẫu thân thấm nhiễm đại trùng/ hồn vẫn còn nhớ mùa hoa năm trước!..” (Thơ cho ngày 8/3/2020, trang 272). Có lẽ nào là sự… “Hồi xuân”: “Anh xưa ngó núi bất cần/ đồi trông bất chấp…(xấu gần, đẹp xa…)/Bây chừ đồi núi đơm hoa/ ham vui còn kịp chăng?.. Tà huy ơi!”(Hồi xuân, trang 116).

Thơ Ðức Phổ còn mang nặng những nỗi niềm của người tha hương, nhớ về cố thổ với trái tim của một người lính, từng có thời gian dọc ngang trên sông biển, để một lần anh “Gởi tình qua biển”: “Và có thể… ngày sau…Có thể/ mỗi buồn vui là mỗi bước thăng trầm/ hãy nồng mặn như gởi tình qua biển/ gió muôn trùng biết thổi tới em không?!” (trang 45). Cồn cào những nỗi niềm cũ: “đã bao năm xa xứ xa quê/ lỡ bước đăng trình chưa kịp về/ gió bụi phong trần chưa rũ sạch/nên đành mang nỗi nhớ sắt se/… ta ở xứ người no cơm ấm cật/ mẹ quê nhà áo vá phất phơ.” (Bên trời nhớ mẹ, trang 33). Những dòng thơ của người con xứ Huế, như những dòng nước mắt của xa xót: “Mười năm xa Huế như cơn mộng/ tỉnh lại.Thăm Hương lệ chực tràn/ Rượu thấm. Dăm thằng ngồi Thương Bạc/ rưng rưng Thừa Phủ… bẵng đò giang!” để rồi: “Ngồi uống tàn canh trăng Vỹ Dạ/ hồn đầy sương và… tóc pha sương!/ Mười năm ly khách về chăng lạ?/Dâu bể muôn chiều vẫn cố hương!” (Dâu bể muôn chiều vẫn cố hương, trang 17). Ðể rồi với đồng đội cũ gặp nhau: “Thời ngang dọc, xưa, không còn nữa/ mà mùi phèn nước mặn chưa phai/ Ðời lưu vong ngày vắn đêm dài/ thân áo gấm khó tròn giấc ngủ!/ giờ giáp mặt bạn đồng đội cũ/ những vàng son một thuở không còn/ nhưng trong mỗi tấc lòng vẫn giữ/ Tổ quốc mình mãi mãi Việt Nam!” (trang 149).

Nhà Thơ Đức Phổ

Bạn bè văn chương của anh thì rất nhiều. Người viết bài chưa một lần tao ngộ. Chỉ mới nghe tiếng nhau trên Smartphone, cũng coi là “Văn kỳ thanh” mà mến mộ nhau, như anh đã từng viết trong thơ: “Người bạn văn sống chung thành phố/ đã bao năm chưa gặp mặt bao giờ/ mới giọng nói từ chiếc phone hớn hở/ đã trong lòng phơi phới những hoa xuân...” và “đọc thơ bạn nỗi lòng nghe tít tắp/ nỗi u hoài cánh chắp mấy trùng chia.” (trang 244).

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Chợt nhớ trong một Email gần đây anh tâm sự về thơ 7 chữ của anh, anh viết nhiều những bài 7 chữ, dồn nhiều công sức để làm mới thể loại thơ đã có từ… hàng ngàn năm nay. Một thể loại thơ gần với thơ Ðường, song đã được người Việt gia công làm mới để chuyên chở tâm hồn của người Việt, nhất là trong phong trào thơ mới cũng gần thế kỷ nay!

Thật vậy, trong toàn bộ tập thơ đã có gần 50 bài thơ Ðức Phổ sử dụng thể loại thơ 7 chữ (trên 143 bài thơ trong tập). Thoạt đọc, thoạt ngâm nga vẫn nghe âm vang những “hạo khí” buồn âm điệu cũ, của những “kẻ sĩ” ngang tàng, khí khái nhưng thất cơ lỡ vận như: “Qua đèo thấy núi thấp bằng đất/ há dễ leo cao là thấy đời!…” rồi “Hãy vá giùm nhau điều loang vỡ/ bao vết cài bom đạn sẽ đơm da” (Phấn nhụy thấm đời sau, trang 7), hay như “Mới hay trong máu còn tinh huyết/ để tạ ơn đời buổi gặp nhau!” (Bên trời lưu ly, trang 13), thêm chút rượu và nghĩa khí giang hồ: “Người dưng gặp riết thành thân mật/ Hẹn tết khề khà nhắp rượu vui” (Nghinh xuân dặm khách, trang 59), hoặc: “nói thiệt, rượu nào chẳng uống say/ nhưng rượu ngọt tình chỉ đêm nay…./…nay giữa chợ không dưng muốn khóc/ chân ngập ngừng bước lạc đường quê.” (Cuộc rượu tàn canh, trang 233).

Tuyển tập Thơ Đức Phổ. Bìa sau

Song nếu để ngẫm ngợi, nghiên cứu, sẽ thấy một thể loại 7 chữ khác mang thương hiệu “Ðức Phổ”, đó là câu chữ vừa giản dị, nhưng chắt lọc, ẩn chứa sự thâm trầm của người từng trải: “Ngày bạn đi ta còn khoai, sắn/ đêm sương rừng đắp riết cũng quen” (Chuyện cũ, trang 43). Chỉ một từ “đắp” đã nói lên nhiều thứ của một “chuyện cũ”, hay như trong câu “Bạn mình có đứa không chịu nhục/ vượt rào bị bắn, chết tỉnh bơ.” . Cụm từ và cũng là hình ảnh “Chết tỉnh bơ”, tưởng rất bình thường, song lại ẩn chứa một hàm ý “ngang tàng, khí phách, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng” là vậy! Hay như những từ ngữ hình ảnh tưởng chừng quen nhưng cũng rất lạ trong khổ thơ: “muốn thắp ngọn đời lên đỉnh, hú/ chiêu hồn, về đậu nhánh sông thơ/ núi lạc sông rồi, người lạc xứ/ mà không phai nỗi nhớ quê nhà” (Khát vọng, trang 127).

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Ở đây, người đọc còn bắt gặp sự đổi mới như sự bắc cầu, nối dòng giữa câu thơ cuối và câu thơ đầu tiếp theo, theo lối thơ “Tân hình thức” như: “Hú chiêu hồn, thơ núi, người lạc xứ mà không phai nỗi nhớ quê…”, hay như ở bài thơ “ Mẹ ơi mai ngày” trang 138, ta thấy rất rõ sự nối dòng cách tân đó: “Sẽ rất muộn màng nếu trong đêm/ nay không nói được lời yêu kính/ Mẹ không tỏ lòng nhớ thương Mẹ/ hiền bằng một đóa hoa tưởng nhớ…”.

Thảng hoặc, trong một khổ thơ 7 chữ, nhà thơ thêm vào một câu 8 chữ, hoặc 9 chữ, làm thay đổi sự cũ mòn? Hay âm hưởng của cả bài thơ: “Bạn bảo, lâu hung không chộ/ Mi đi lâu không nhớ Huế răng hè?” (Trăng rụng, trang 77), và: “Cái vận nghèo rồi cũng qua mau/ Ngày gặp lại tuổi chiều vừa ghé/ Vô số chuyện vui buồn đã kể /Những mồi ngon rượu quý đã ê chề!” (Tình bạn, trang 75). Mà có lẽ riêng phần thơ 7 chữ của anh, chắc phải có riêng một bài mới nói đủ điều muốn nói?

Khép lại bài viết, mong rằng thơ Ðức Phổ luôn là những buồn, vui… cùng chia sẻ với mọi người, những độc giả yêu thích thơ anh, như anh đã viết: “Ân sủng. Người chia nửa tiếng cười...” (Mùa nhớ, trang 297).

THV

Katy,TX đêm 14/03/2021