ĐỂ CHO NGÀY NGẮN” (ĐCNN), NXB Thuận Hóa, tháng 9/2022, là tập thơ sau 3 tác phẩm sáng tác bằng tiếng Việt và 4 tác phẩm dịch thơ, văn bằng hữu. Sách dày 224 trang với 144 bài thơ, lời giới thiệu của nhà văn Sóng Triều và những cảm nhận của các Giáo sư, Tiến sĩ, dịch giả, văn thi sĩ trong và ngoài nước … của cô giáo, nhà thơ, dịch giả Võ Thị Như Mai, hiện đang sống và giảng dạy ở Western Australia (Tây Úc).

Nếu như ĐCNN, với nhà văn Sóng Triều: “Gần như là 100 mệnh đề với những khổ thơ tiếp nối, tựa bức tổng phổ diễn đạt đa nhiệm màu sắc cuộc sống bằng rất nhiều ngôn ngữ suy tưởng lặn chìm …” (trang 9 ĐCNN). Thì Giáo sư, dịch giả Nguyễn Đại Hoàng nhận xét: “Nhà thơ, dịch giả Như Mai VT, xuất hiện trên thi văn đàn Việt Nam như một lẽ bình thường chứ không phải bất ngờ, hay bất thường – một đặc tính mà ta thường gặp trong thơ cô. Bởi thơ Như Mai ẩn dụ rất nhiều nhưng Hiểu Được! Bởi thơ Như Mai ngoài tình yêu còn đề cập đến khá nhiều thực tế đời sống và cách sống nhưng không sa đà vào lý luận hay rao giảng – mà thường chỉ nêu vấn đề, nêu cảm nhận và thái độ của mình, điều này khiến thơ Như Mai nhận được sự yêu mến, chia sẻ của độc giả …” (trang 222 ĐCNN).

Với tôi, ĐCNN của Mai, không chỉ là ẩn dụ mà còn là khao khát vươn tới, nói theo cách của Mai là “Để cho ngày ngắn tình đầy trong nhau”, không phải chỉ là hiện tượng đơn thuần của “Ngày ngắn, đêm dài” như nhân gian vẫn hay nhắc nhớ, bởi trong bài thơ ĐCNN ở trang 211 và cũng là nhan đề chung của cả tập thơ, Võ Thị Như Mai đã viết: “Ngậm giấc mơ băng qua những triền đồi…/…Ta đã đi qua biết mấy thu rồi/ Con đường vắng dấu chân người ở lại/ Tiếng thời gian đong đưa giờ xa ngái/ Anh có về hái giùm đóa phù dung…”. Không phải “ngậm ngải” như người xưa đi tìm trầm, một vật quý hiếm, nữ thi sĩ lại “Ngậm giấc mơ”, chỉ để tìm … “ Tình đầy”, nhắc kỷ niệm mùa thu, và cả mơ anh hái giùm “đóa phù dung”, một loài hoa sớm nở tối tàn”, đơn giản hay ngắn ngủi như tuổi xuân của người con gái hay xa hơn là tuổi xuân của một đời người, vì bởi: “Mình cùng lên đỉnh núi ngước nhìn sao/ Ngắm mặt trời ngủ quên chăn gối nhớ/ Chợt nắng ban mai vén mây bỡ ngỡ/ Đêm nũng nịu ngày trước lúc chia xa”. Hạnh phúc đơn giản chỉ chừng ấy, cho dù là “Bình minh lên em rực rỡ kiêu sa...”, thì nỗi mong thực tại vẫn là: “ Anh đợi em bằng giấc mơ ngậm gió/ Để cho ngày ngắn tình đầy trong nhau”. Rất trăn trở, song cũng rất nồng nàn, khi trong tình yêu, nữ thi sĩ quan niệm: “Nhuộm anh” (trang 38), “Cũng cuồn cuộn trong anh” (trang 39), rồi “Dìu anh về phía vô cùng” (trang 41) hay cuối cùng là “Ngày anh lặn vào em” (trang 58), đó là “Ngày anh lặn vào em/ vầng trăng lưỡi liềm sau rặng tre xao gió/ đom đóm em đêm ngậm cỏ/ ôm bầu trời nhỏ và nói yêu em...” (trang 58).

Xem thêm:   Đêm khuya trên đường Catinat

Bên cạnh tình yêu “nồng nàn” với những hình ảnh da diết, bạo liệt: “x tung tẩy miền ngực/ Đỏ rực và hừng hực thanh xuân” (Đan chuyện tình yêu, trang 170), hay chút dịu dàng, đằm thắm: “buổi sáng tiếng chim tròn đầy róng riết/ điệu trần tình tháng chín nốt thương/ em nhớ anh giữa dòng chảy vô thường/ sông Swan gọi tên người yêu dấu...” (dìu anh về phía vô cùng, trang 41). Thì cuối cùng vẫn … “nhi nữ thường tình” trong bể ái, tình yêu: “em khóc nhau/ một kiếp vô thường/ chỉ đóa hoa vô ưu muôn đời ở lại/ ghi dấu tích hai người/ thanh thoát ý tâm linh.” (em khóc, trang 68).

Để cho ngày ngắn và tác giả

Thơ Võ Thị Như Mai, còn có một “chữ tình” dành cho mẹ, cho ông, cho con trai, cho bạn gái, và những bài thơ đó được đặt theo thứ tự 1, 2, 3, 4 và dành cho những trang đầu của tập thơ. Hãy nghe Mai thủ thỉ với mẹ: “Con vẫn làm thơ tặng người xưa/ Nhưng không có bài nào cho mẹ ...”, hình bóng mẹ bao giờ cũng: “ Mẹ cả đời lận đận với tụi con, với ba/ Lận đận cả một thời con gái …/ Mẹ vẫn oằn mình lo chuyện áo cơm” (trang 14). Nhà thơ đi xa, và chợt thèm “mấy món ăn mẹ nấu” một tình yêu đơn giản nhưng cũng đầy cá tính khi trái tim luôn ấp yêu hình bóng mẹ! Có lẽ cũng từ mạch nguồn này, mà đối với Dani, đứa con trai của thi sĩ, Như Mai đã tha thiết: “Khi con chào đời/ mẹ con mình vụng về như nhau/ ông trời quên gửi lời hướng dẫn/ xin lỗi con mẹ cố hết sức mình” (Dani, trang 15), cũng là bóng dáng người mẹ tảo tần ở một cung bậc khác đó thôi! Và đây là hạnh phúc: “Dani boy Dani boy Dani boy/ tuổi mười lăm dấu yêu/ mẹ con ta những viên đá cuội/ dưới đáy hồ lách tách vui reo” (trang 16). Riêng với “Ông tôi”, cái tình và sự kính yêu đã trở thành những vần thơ hồn hậu: “Những con đường Đà Lạt/ Thơm lừng hoa màu nhớ/ Mỗi chiếc lá non tơ/ Tuổi thơ ông hồi sinh từ chồi biếc…” và đó là niềm tin yêu: “Đi mải miết về phía bên kia địa cầu/ Mỗi khi lòng đượm ưu tư/ Tôi dõi mắt về hành tinh ông/ Nghe lòng mình thảnh thơi như hạt sương chiếc lá/ Bởi ông là cây cao bóng cả/ Tỏa ánh sáng cuộc đời” (trang 18). Những tình cảm đơn sơ, thuần khiết, làm nên một tình bạn đẹp, phải chăng cũng như một mối tình: “chiều đẫm buồn như cánh cửa khép/ khi người bạn gái ngoảnh mặt bỏ đi ...” (trang 19), để rồi: “Bạn cứ khóc cho niềm đau gột rửa” và “Bạn về tung tăng chải tóc soi gương/ Vuốt nếp nhăn đa đoan bên khóe mắt/ … Mộng mơ một thời cuốn lại chân mây” (trang 22). Bạn cũng chính là chân dung tự họa của tác giả để cho tất cả đều “tình đầy trong nhau”?

Ngôn từ giản dị, không đa nghĩa, hình ảnh có khi “nóng” song vẫn rất thật và cũng dễ thương, nữ tính, có lẽ nhà thơ vốn là một dịch giả, nên không cần cầu kỳ, bí hiểm trong câu chữ? Song thi sĩ cũng cần một chút … “Thiền” thời thượng, khi viết “Hạnh thiền. Người đã đến cõi trần vội vã/ Trả và vay một kiếp phiêu bồng/ Người ra đi màu xanh của lá/ Lịm ngát chiều buốt phía hư không” (trang 35). Hay “Ước gì trái đất quay ngược lại/ Chúng mình tái sinh…/… tan ngã. Hạnh Thiền!” (trang 36), có gì đó hơi xa với những câu thơ rất đời thường, dân dã: “thôn mình vào mùa gặt hái tinh tươm/ nụ cười anh đượm vàng em đồng lúa/ én lượn mênh mang trẻ con ca múa/ làng quê rưng rưng tình biếc nảy chồi” (làng quê, trang 142).

Xem thêm:   Cám ơn anh

114 bài thơ, với nhiều cung bậc khác nhau, đằm đẵm nữ tính và cũng rất giản dị về cuộc sống, trong một chữ Tình tìm kiếm về quê hương, về nơi trú ngụ và cả đời thường, tuy nhiên, người đọc đôi lúc vẫn bắt gặp những “trùng lắp” trong cảm xúc, diễn đạt, nên chăng cũng cần chọn lọc và sắp đặt lại trong những lần tái bản sau. Bởi Hans Sachs, một nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức đã phát biểu: “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ”. Thi sĩ đã “Ngậm giấc mơ” để mong “Đêm ngắn, tình đầy”, thì không ai … ngậm những giấc mơ chưa … đầy.

THV (Katy, Nov,15/ 2023)