Tượng đài Tổng Thống Andrew Jackson tại Quảng Trường Lafayette gần Toà Bạch Ốc bị kéo xuống vào ngày 2 tháng 6 (Ảnh CBS News)

Khi sống ở Mỹ chúng ta “nghiệm” được những điều trong thực tế rằng người Mỹ không thù dai, dễ tha thứ và dễ hòa hợp…

Chúng ta vẫn thường bắt gặp những cặp vợ chồng sau khi ly dị vẫn mời người chồng hoặc vợ cũ đến chơi hay dự lễ sinh nhật với nhau.

Hai người đàn ông gây gổ, thậm chí đấm đá nhau như có thể giết nhau được nhưng sau khi hết đánh nhau, họ đã có thể bắt tay nhau, chơi chung  với nhau như chưa hề có chuyện gì trước đó.

Hai, ba ứng cử viên ra tranh cử, đốp chát, chửi bới, nói xấu nhau không ra gì nhưng khi biết mình thua cuộc thì quay qua ủng hộ nhau chứ không thù hận nhau.

Trong chiến tranh, khi bắt được tù binh, nhất là tù binh đã bị thương thì họ đối xử nhân đạo như chính đồng đội của họ chứ không còn là kẻ thù nữa.

Sau chiến tranh, những người lính đã hy sinh thì cho dù bên thắng hay bên bại họ đều tôn kính như nhau bởi vì họ quan niệm rằng những người nằm xuống đó đều là những người đã phục vụ hết mình cho lý tưởng đã theo. Họ là những Anh Hùng của đồng đội và của những người đứng về phía họ.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Ðó là tính chất, là bản sắc của người Mỹ.

Trong lịch sử thế giới gần đây, hai nước Ðông Ðức và Tây Ðức đã xem nhau là thù địch trong suốt thời gian dài nhưng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và hai nước Ðức thống nhất lại với nhau vào năm 1989 thì ít năm sau đó vào năm 1994 bà Angela Merkel, một người đàn bà đã sống, lớn lên và phục vụ cho chế độ Cộng Sản Ðông Ðức lại được bầu làm Thủ Tướng nước Ðức thống nhất và hàng trăm ngàn nguời đã phục vụ trong chế độ Cộng Sản Ðông Ðức đã không phải đi tù!

Ðó là tính chất của người phương Tây nói chung, cũng không khác gì người Mỹ nói riêng.

Trở lại với cuộc nội chiến Nam Bắc của nước Mỹ mà được gọi là Civil War (1861-1865). Sau gần 5 năm đánh nhau dữ dội khiến cả hàng triệu người hai bên đã chết và bị thương nhưng những người nằm xuống cho cuộc chiến vẫn được tôn vinh cho dù ai chiến đấu cho bên nào. Những bức tượng được dựng lên như những biểu tượng của lịch sử đã trở thành những di sản của nền văn hoá Mỹ mà con cháu đời sau ghi nhớ và hãnh diện.

Thế nhưng kể từ sau cái chết của George Floyd, một phong trào phản kháng đã nổi lên trên khắp nước Mỹ và cả Âu Châu.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Biểu tình đòi quyền bình đẳng cho mọi người là chính đáng, biểu tình trong ôn hòa là chính đáng nhưng biểu tình trong bạo loạn, đốt nhà, cướp của thì không thể chấp nhận được.

Hơn thế nữa, một phong trào đập phá, kéo sập các tượng đài đã bùng phát khắp nơi mang tính chất của một phong trào đấu tố của Cộng Sản như truy tìm những kẻ “có nợ máu với  nhân dân” để kết án, để trả thù.

Những tượng đài của các vị Anh Hùng dân tộc, của các vị Tổng Thống phục vụ một thời cho nước Mỹ như Abraham Lincoln, như Andrew Jackson,  như Christopher Columbus, Frank Rizzo… bị đập phá, bị kéo xuống, bị xịt sơn bôi bẩn…

Tất cả những tượng đài đó là biểu tượng của lịch sử, của một nền văn hoá đa dạng, của một sự bao dung, tôn sùng và hãnh diện mà người Mỹ đã có.

Chưa bao giờ đất nước Hoa Kỳ rơi vào một tình trạng có thể nói là tan nát như hiện nay: hàng trăm ngàn người chết vì Covid-19, hàng triệu người khác bị nhiễm bệnh, hàng triệu người bị thất nghiệp, nhiều cơ sở, nhà máy, hãng xưởng phải đóng cửa hoặc khai phá sản. Nền kinh tế chao đảo đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt xã hội.

Một nền văn hoá lâu đời, đa dạng, một nền văn minh mẫu mực dường như đang bị thách đố. Một trật tự xã hội đang bị thách đố và tính chất, bản sắc của người Mỹ dường như đã không còn!

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Chúng tôi không kết án một ai mà chúng tôi chỉ nói lên một thảm trạng của xã hội Hoa Kỳ hiện nay mà chúng ta, những người công dân của nước Mỹ cảm thấy đau lòng khi phải đối diện với.

LH