Nhớ “thời kỳ quá khổ” gởi một lá thơ bằng giấy qua bưu cục rồi chờ cả tháng trời thơ mới tới tay người nhận và chờ tiếp một tháng nữa mới có thơ hồi âm. Hoặc cả năm mới dám gọi một cuộc điện thoại xuyên quốc gia rồi sau đó méo mặt vì tiền cước phí. Đến thời kỳ có email để gởi thơ thì kể ra cũng tiến bộ hơn xưa rồi, chỉ phiền một nỗi nhận được thơ thì phải nặn óc và vừa đọc vừa tự bỏ dấu cho phù hợp ngữ cảnh câu văn (mà đúng ý người viết).

Thời gian gần đây, người gốc Việt sống ở hải ngoại hay người Việt quốc nội đều biết dùng mạng xã hội Facebook, X (tên mới của Twitter,) Reddit… Nhờ có mạng xã hội mà việc giao tiếp quốc nội – hải ngoại dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Một ông bạn tôi đang sống ở Mỹ, thường xuyên online Facebook nhưng dứt khoát không chịu gõ tiếng Việt có dấu bình thường (như quý độc giả thấy trong bài viết này) mà vẫn bỏ dấu bằng các ký hiệu trên bàn phím. Facebooker khác reply: “Trời ơi, ông làm ơn viết bỏ dấu bình thường giùm tui. Ông viết tui không hiểu gì hết.” Ông kia dứt khoát: “Tui viết như vậy là để không bị tin tặc tấn công. Bọn chúng sẽ không biết tui người nước nào”. Facebooker khác tức tối: “Chị cho mấy người viết mà không ai hiểu thì đi chỗ khác giùm đi. Viết không ai hiểu thì viết làm gì”. Tôi mắc cười quá, trả lời tôi đọc được, hiểu hết. Mấy bạn không hiểu là chưa sống qua “thời kỳ quá khổ” nên không biết.

Ban đầu, khi mạng xã hội mới có, nhiều người nghĩ rằng nhờ nó mà phổ biến tin tức, sự thật lịch sử tới người quốc nội dễ hơn, nhưng mọi người đã đánh giá thấp đối thủ, nhà nước cộng sản còn “chạy” nhanh hơn bất cứ ai trong việc tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền, nhồi sọ. Đồng thời, nhà nước cộng sản cũng tổ chức cho “tay trong” mua lại các ứng dụng mạng xã hội của nước khác để theo dõi người dùng. Một trong số mạng xã hội đó là Zalo, có nguồn gốc từ Trung Quốc cộng sản.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Một luật sư có tiếng ở Việt Nam khen Zalo có thể gọi video, nhắn tin, gởi tài liệu đều nhanh mà miễn phí. Tôi nói Facebook cũng có thể gọi video, nhắn tin, gởi tài liệu miễn phí, nếu muốn gởi tài liệu nặng vài Gbs tôi có thể dùng cách khác mà không cần dùng Zalo. Tôi đã từng gởi hàng đống văn bản, tài liệu cho em tôi ở quê đi kiện đòi đất rồi.

Trước đây, tôi học ESL chung với những người ở Việt Nam mới qua Mỹ, tôi thấy họ đều dùng Zalo để liên lạc với người nhà ở Việt Nam. Mắc cười hơn là họ lại giới thiệu cho cô giáo (người Mỹ) dạy ESL dùng Zalo.

Cá nhân tôi không bao giờ dùng Zalo. Không phải tự nhiên mà các trường mẫu giáo, phổ thông ở Việt Nam bắt buộc giáo viên chủ nhiệm lập nhóm chat (để trao đổi tình hình của học sinh) với phụ huynh đều dùng Zalo. Em gái tôi ở Bạc Liêu cũng vậy. Tôi hỏi sao không dùng Facebook? Em tôi trả lời cô giáo nói rằng trường bắt buộc phải dùng Zalo. Nếu chỉ nhằm mục đích trao đổi thông tin giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm thì phương thức liên lạc nào dùng tốt mà không tốn tiền thì đều có thể dùng, Facebook, Google đều được hết. Tới đây thì không nói ra quý độc giả cũng hiểu nhà nước cộng sản muốn gì khi bắt buộc giáo viên và phụ huynh phải dùng mạng Zalo để đàm thoại.

Mới đây, ứng dụng Zalo ra mắt tính năng mới “AI Avatar” cho phép người dùng tạo ra hình đại diện (avatar) không khác gì tài tử điện ảnh. Thôi thì bất kỳ nam nữ già trẻ nào cũng có thể tạo ra cho mình một bức ảnh chân dung với nhiều phong cách từ cổ điển đến hiện đại theo mẫu có sẵn. Bỗng dưng ai cũng trở thành lai Tây hết trọi. Tuy tên gọi là “ảnh đại diện” nhưng người dùng có thể download ảnh xuống để đăng lên bất cứ trang nào. Dù không xài Zalo tôi vẫn thấy bạn bè Facebook timeline của họ tràn ngập ảnh chân dung phong cách “AI Avatar,” vì nó chỉ giống họ ít hơn 30%, hơn 70% còn lại là mặt ông Tây hay cô Đầm nào đó, với mũi thẳng cao vút và râu quai nón giống nam tài tử Chris Evans hoặc George Clooney, hoặc tóc bóng mượt gợn sóng dài bồng bềnh của nữ ngôi sao lừng danh một thời Brigitte Bardot.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Rất nhiều người (kể cả người Việt hải ngoại) đã lao vô “thử nghiệm” vì bộ ảnh mới đăng lên, nhiều bạn Facebook nhảy vô comments À, Ồ, Á, Ố kèm theo lời khen “đẹp,” làm cho họ cảm thấy vui vẻ.

Tuy nhiên, ở đời không ai bỗng dưng cho không mình cái gì mà họ không có lợi lộc, trừ phi đó là cha mẹ ruột của mình hoặc con cái mình. Vì vậy mà nhà cung cấp Zalo không quên “đính kèm” theo 13 điều khoản dài ngoằng. Có người nói rằng họ không để ý đọc, có người cẩn thận đọc thì “không hiểu gì hết” nên không dám bấm “confirm.”

Dĩ nhiên, phía các nhà này chòi nọ ở Việt Nam luôn khuyến khích người dùng “mạng Việt Nam” với lý do “… tôi cho rằng ứng dụng này an toàn hơn các ứng dụng không rõ nguồn gốc từ nước ngoài. Những nguy cơ nếu có cũng như ứng dụng Zalo mà mọi người đang sử dụng rất phổ biến. Ngoài ra, dịch vụ này mô tả là ảnh avatar, nên người dùng cũng sẽ chỉ đưa các ảnh có chọn lựa để làm ảnh đại diện…” Nhưng Zalo AI đòi quyền truy cập kho ảnh, danh bạ điện thoại, email… của người dùng thì họ không nói.

Một chuyên gia về công nghệ thông tin nhận xét: “Hàng triệu người đưa thông tin lên thì AI lọc ra và lưu lại, sau này nó có thể sử dụng gây bất lợi cho người dùng. Việc cài app vào thiết bị nhưng lại không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Những app này sẽ âm thầm thu thập dữ liệu người dùng do có chức năng đọc hình ảnh cũng như lấy cả thông tin khác nhờ vào quyền truy cập.”

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Trong khi báo chí trong nước đang ồ ạt quảng cáo cho Zalo AI với câu chữ “mọc cánh” như “những giải pháp tiên tiến,” “đơn vị tiên phong về công nghệ”… hàng loạt bài viết “hướng dẫn” người dùng “sử dụng AI của Zalo để tạo ảnh tranh vẽ” nhưng không một bài viết nào giải thích rõ về 13 điều khoản mà Zalo AI đưa ra và yêu cầu người dùng “chấp nhận” nếu muốn thử.

Có người nói rằng tôi chẳng có gì để mà mất nên tôi cứ chơi vô tư, còn ai có nhiều cái sợ bị mất như bank account nhiều con số thì nên cẩn thận.

Thật ra, không có tiền trong ngân hàng không có nghĩa là “không có gì để mất”. Thí dụ, bỗng dưng quý vị sẽ thấy quảng cáo ở đâu mà đổ về điện thoại của mình quá trời nhiều mà toàn những thứ mình đang tìm kiếm, bỗng dưng có người lạ hoắc ào ào gọi điện thoại cho bạn để “giới thiệu việc làm”, cò đất, cò nhà, gạ bán hàng … mà chỉ cần nghe vài câu là biết họ muốn lừa mình. Rồi bỗng dưng bạn bè, người quen gọi cho quý vị nói quý vị vừa mượn/vay tiền của họ qua nick Facebook, nick Zalo… coi lại thì quý vị đã bị chiếm quyền điều khiển nick rồi.

Tuy ngay lập tức Zalo AI sẽ đưa ra chân dung người dùng mong muốn và không hề “nhạy cảm”, nhưng quyền truy cập kho ảnh được cấp đã cho phép nó “xem” tất cả ảnh và video trong kho ảnh, kể cả ảnh và video “nhạy cảm”. Người dùng cũng đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bỗng dưng thấy mặt mình trong một đoạn video xxx hoặc trên các bức ảnh khỏa thân. Tệ hơn, giấy tờ cá nhân, các loại passwords có thể từ bí mật đã trở thành “bật mí”, có khi lại mất cả Face ID thì rất mệt.

TPT