Ánh nắng chói chang như thiêu đốt nhức cả mắt, cháy cả da thịt, da dẻ ai cũng sạm đen thô ráp, đầu bù tóc rối, môi nứt nẻ tứa máu, có vệt đã khô, có vệt mới còn tươi. Mọi người nằm rũ rượi như những tàu lá chuối bị hơ lửa, áo quần nhàu nát, dơ dáy, xốc xếch trông như những hình nhân, thỉnh thoảng có tiếng rên:
– Nước, cho tui chút nước.
Không có tiếng trả lời, người hỏi cũng thừa biết là không còn một giọt nào trên tàu cả, nhưng vì bản năng sống nên thốt lên trong vô thức. Con bé Tư 16 tuổi mà quắt queo khô đét như con mắm mòi, hai mắt trắng dã, tay chân lèo khèo, chiếc quần ngắn cũn cỡn nửa ống quyển, cái áo bà ba nhăn nheo trông nó như mới lên 10. Nó nằm bẹp gí trong hầm, miệng thều thào:
– Má, con khát quá!
Chị Thắm, mẹ con bé cõi lòng tan nát, đau đớn muốn khóc mà lệ dường như khô theo cơn khát, người khô hết lấy đâu ra nước mà chảy nước mắt
– Ráng chút nữa nha con, tới đảo mình tha hồ uống.
Con tàu chết máy trôi giạt đã mấy ngày nay, chẳng ai còn lòng dạ nào mà đếm thời gian nữa. Con tàu bị lạc vào dòng nghịch lưu, cộng với gió cứ thế đẩy đưa càng lúc càng xa về hướng nam. Trên thì bầu trời thăm thẳm, dưới biển xanh đến độ thẫm đen, tưởng chừng như thấu tận địa ngục. Khi con thuyền vừa chạm phao số không, tài công la to:
– Đến hải phận quốc tế rồi bà con ơi!
Mọi người trên tàu mừng rỡ reo to:
– Thoát rồi, thoát thật rồi!
Mới có mấy ngày mà giờ lại đối diện với địa ngục, cái chết vì đói, khát, tàu chìm đang cận kề gang tấc. Có người hối tiếc vì đã chọn ra đi:“Giá mà biết như vậy, thà ở lại chịu khổ cực nhưng không đến nỗi chết”. Trên tàu không còn một vụn bánh mì, một giọt nước nào. Có người khát quá, liều uống nước biển nhưng vừa hớp một ngụm là vội nhả ra ngay. Ông Hải quỳ mọp ở mạn tàu cầu khẩn:
– Bồ Tát linh hiển, xin cứu chúng con qua cơn khổ nạn này, vào tới đảo con nguyện ăn chay hết tháng Bảy âm lịch.
Lời khấn nguyện khô khốc, âm thanh đứt quãng bị gió biển thổi át đi. Ngồi trên một đại dương nước mà không có một giọt nước để uống, trong người còn thủ mấy chục cây vàng mà không có một chút đồ ăn để ăn, càng cám cảnh, càng nghĩ thì càng khốn quẫn. Ông Hải ôm đầu ngồi bệt trên sàn tàu, bây giờ có tiền cũng vô dụng, hồi nào trên bờ ông từng cao giọng: “ Có tiền mua tiên cũng được, tiền là chìa khoá mở mọi cánh cửa, tiền quyết định tất cả …”Ấy vậy mà giờ, trên con tàu này, tiền không khác chi mảnh giấy lộn, không ăn được, không uống được, chẳng có ích chi cả. Ông Hải thấm thía câu:“Diêm vương không ăn hối lộ, nhân quả chẳng nệ thân sơ, vô thường không chê quý tiện”. Vốn là một tay tài phiệt có tiếng của thành đô, tài sản của ông có khắp nơi, những hãng sản xuất ở Sài Gòn, Biên Hoà; những đồn điền cao su, thông ở Bình Long, Đà Lạt bạt ngàn; những tài khoản khổng lồ trong các nhà băng…và hàng chục ngàn công nhân ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ. Ấy thế mà ông Hải rất chi li, đồng lương rẻ mạt mà còn luôn tìm cách thêm giờ, thêm việc, bớt phúc lợi. Ông đi đêm với các nghiệp đoàn và cảnh sát để khống chế các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. Có khi căng quá thì ông cũng chịu nhả thêm tí chút, nhưng thói cằn bòn nó lại khiến ông tìm cách để lấy lại bằng những mánh khoé khác, ông có vô số mánh khoé để làm cho hầu bao của mình càng ngày càng phình to. Mỗi khi xã hội có hoạn nạn, thiên tai… cần cứu tế, ông cũng bỏ ra một số tiền, không bỏ ra thì không được vì sĩ diện nhưng ông lận vào đó quảng cáo cho tên tuổi hãng xưởng của ông. Người ta kháo nhau: “Lời chán, xem ra vừa cứu tế mà còn quảng cáo với giá rẻ”. Ông Hải thường nói với bọn đàn em:
– Tiền liền khúc ruột, kiếm khó lắm nên không thể dùng vào những việc phước đức mơ hồ. Ta chỉ tin tiền đẻ ra tiền!
Ông Hải là triệu phú của thành đô, xem ra cũng có nhiều phước báu, giữa lúc quốc gia loạn lạc chiến chinh mà công việc của ông vẫn xuôi chèo mát mái, cuộc chiến càng khốc liệt thì việc làm ăn lại càng lên như diều gặp gió. Thế rồi đùng một cái, cuộc chiến tàn, một nửa vui mừng và một nửa hoang mang sợ hãi, chịu nhiều đau thương nghiệt ngã. Cuộc chiến tàn nhưng mở ra một cuộc chiến âm thầm khác, lòng người ly tán, xã hội nhiễu nhương đi vào suy sụp. Ông Hải cùng bao người khác tự nhiên sau một đêm ngủ dậy thì trắng tay, sản nghiệp bị tịch thu, nhà cửa, của cải bị lấy chia cho kẻ khác. Đau đớn tưởng chừng như có thể phát điên, bạn ông nhiều kẻ nhảy lầu. Ông Hải âm thầm chứ không dám hé lộ cùng ai, thời buổi tai vách mạch rừng, nói ra là mang vạ như chơi. Nếu ngày còn chủ cũ, hễ ai động đến một tí là ông mượn truyền thông la to: “Vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do cá nhân, tự do ngôn luận…” giờ thì im thin thít, những ngày tháng có miệng mà không dám nói, có tai mà như điếc, có mắt mà như đui. Người người lao mình ra biển tìm đường sống. Ông Hải móc nối được với một đường dây vượt biên, kẻ cò mồi biết ông giàu có nên hét giá: “50 lượng cho cả nhà”. Vốn có tài mặc cả, sau khi kỳ kèo hai bên chốt giá 30 lượng, giao trước 10 lượng, phần còn lại sẽ giao sau khi lên tàu. Nửa đêm cả nhà theo người dẫn đường đi ra một bãi vắng Cần Giờ, nhìn con tàu cũ kỹ và nhỏ bé, ông đã ngần ngừ nhưng gã tài công hối thúc:
– Lên lẹ đi, chậm chút là bị hốt hết bây giờ!
Ông Hải và cả nhà lên tàu, bụng bảo dạ: “Ở cũng chết, đi cũng chết, thôi thì lao vào cửa tử tìm đường sống”. Xưa nay ông vẫn tự hào mình là người khôn ngoan, quyết định sáng suốt, thế mà giờ đành nhắm mắt đưa chân. Con tàu tắt đèn rù rì rẽ sóng trong màn đêm đen kịt. Mọi người dường như nín thở, lòng đầy lo lắng mãi cho đến khi gã tài công reo to tới phao số không thì mọi người mới thở phào, trút cả gánh lo âu. Nỗi mừng chưa được bao lâu thì ngày hôm sau một nỗi sợ hãi khác bao trùm con tàu. Con tàu cứ xành xạch tắt máy mấy bận. Gã tài công và tay thợ máy cởi trần hì hục sửa, sửa mãi không xong bèn chửi tục:
– Đ… mẹ, con heo dầu lại trở chứng!
Nhiều tiếng phàn nàn:
– Sao không lo sửa trước khi khởi hành?
Gã tài công bực mình nạt:
– Đ…mẹ, mấy người có ngon thì lái tàu đi! tui hổng lái nữa, ai chết biết liền.
Chú Hai, người lớn tuổi nhất trên tàu ôn tồn:
– Đừng nóng chú em, tiền vàng mọi người đóng sòng phẳng rồi, giờ chung một con tàu, sống chết có nhau. Bà con cũng đừng nói nữa, để chú ấy sửa máy.
Mọi người im lặng, họ biết số phận mình giờ nằm trong tay gã tài công nên không dám hó hé gì thêm. Tiếng máy tàu lại xình xịch nổ, con tàu chạy được vài mươi hải lý nữa thì chết máy hẳn, tròng trành giữa sóng nước đại dương. Cả con tàu râm ran lời khấn nguyện, cầu khẩn. Lòng ông Hải ngổn ngang bao nỗi sợ sệt suy tính, nếu ngày trước, mỗi khi đứng trước biển thì lòng khoan khoái dễ chịu, bao nhiêu bực dọc của cuộc sống thành đô đều tiêu tan. Ấy vậy mà giờ giữa biển khơi thì sợ đến sốt vó, nhìn 4 phía toàn là nước và nước, đường chân trời xa tít tắp, chẳng biết đâu là bến bờ. Ngày trước đi học, sách vở thường ví con tàu ra giữa đại dương thì như chiếc lá tre, lá trúc, giờ thì thấy không đúng, thật sự tàu giữa đại dương chỉ như sợi lông măng. Ông Hải lại thấy những người trên tàu không khác gì hoàn cảnh của những con chuột đồng khi mùa nước nổi, bập bềnh trên khúc gỗ, cành cây. Con tàu chết máy cứ trồi lên hụp xuống giữa những lượn sóng. Ông Hải ói sạch cả ruột gan, không gì để ói mà vẫn cứ ói, bụng đau quặn thắt, một tí dịch cũng không còn nhưng cơn buồn ói nó cứ ụa lên. Đói mờ cả mắt, nằm bẹp ở sát mạn tàu, ông Hải thấy thấp thoáng thần chết cận kề, bao nhiêu ký ức trỗi dậy, lòng ăn năn hối hận vô cùng. Một thời giàu sang nhất xứ, đã từng ky cóp để có một gia tài kếch xù, đã đối xử bần tiện với người làm công… để rồi mất sạch cả trong một buổi sớm thay ngôi đổi chủ của sơn hà. Ông thầm nghĩ: “Giá mà hồi đó ta san sẻ bớt cho người làm công, kẻ nghèo khổ bần cùng, giúp đỡ tha nhân…thì khi mất hết gia sản cũng còn chút dư phước, đằng này mất cả mà phước báu cũng không , thật đúng là dã tràng xe cát. Ngày trước khi ra đi thì lòng đinh ninh sống chết gì cũng phải đi, giờ nhìn vợ con đói, khát nằm vật vã trên tàu thì lòng thống hối lại càng lớn. Ông Hải ân hận mình đi từ cái sai này đến cái sai khác. Trước khi tàu chết máy, gã tài công cố hướng mũi về Mã Lai nhưng giờ dòng nghịch lưu đẩy nó quay về hướng đông nam. Nước chảy, gió thổi con tàu càng ngày càng xa, hết nắng gay gắt ban ngày lại cái lạnh thấu xương đêm đen. Chẳng còn ai biết đã bao nhiêu ngày trôi qua, con tàu cứ thế trôi, may mà chưa gặp bão hay cướp biển. Thỉnh thoảng thấy xa xa có tàu hàng, mọi người vùng dậy gõ nồi, xoong, vẫy áo quần hay bất cứ thứ gì vớ được, dồn hơi la hét… nhưng tất cả loãng trong hư không, tàu hàng lại mất hút ở chân trời. Trời vừa hừng đông, chị Liễu ở cuối con tàu, giọng khan đặc la hớt hải:
– Con bé Tư chết tự hồi nào, xác cứng đơ đây nè!
Nhiều tiếng than tội nghiệp, con nhỏ mới mười mấy tuổi đầu, chưa đủ lớn đã chết khát oan ức trên con tàu này. Đằng kia lại lao xao, có người la lên:
– Chú Hai chết rồi, xác lạnh ngắt, có lẽ chết tối qua!
Nhiều tiếng niệm Phật, đọc kinh rì rầm. Có người làm dấu thánh giá, miệng cũng lầm bầm đọc kinh thánh. Mấy anh thanh niên trẻ, khiêng 2 cái xác vô hồn thả vào lòng biển cả. Ngày hôm sau lại có 3 người nữa bỏ mạng, biển lại nhận thêm cư dân mới. Trên tàu như một bãi tha ma, sự im lặng bao trùm không gian, chỉ còn tiếng óc ách của nước vỗ mạn tàu, con tàu hệt như một nấm mồ nổi giữa sóng nước trùng dương. Ngày kế lại có 4 người chết, rồi ngày tiếp theo có 3 người chết, người trên tàu khiêng xác những kẻ xấu số lặng lẽ thả vào lòng biển, không ai còn nước mắt để khóc, những cái xác vô hồn từ từ chìm vào lòng biển xanh thẫm như màu mực. Những người còn lại cũng kiệt sức lắm rồi, chẳng còn biết mình có thể sống được bao lâu nữa, hy vọng được cứu cạn dần. Không biết ai đó thì thào: “Hay là chúng ta mượn tạm thịt xác chết để sống sót?” đa số phản đối, cho man rợ nhưng cũng có một số người im lặng
Giấc xế chiều, khi ánh nắng bớt gay gắt, đường chân trời tím thẫm. Gã tài công cùng 2 đứa đàn em thân tín thất thểu len lỏi dọc mé tàu, lại chui xuống hầm tàu thì thấy một bà già ngồi khóc khô bên xác con Lành. Ngày con Lành lên tàu, gã tài công đã tăm tia:
– Con nhỏ tướng tá ngon lành, bá cháy thiệt!
Mà quả thật, con Lành trắng da dài tóc, trông mướt rượt. Những gã đàn ông trên tàu đều nhìn chằm chặp, có kẻ buông lời cợt nhả, ấy vậy mà giờ là cái xác xám ngoét không hồn. Gã tài công và 2 tên đàn em ráng khiêng xác con Lành đi, bà già níu lại. Gã bèn nói:
– Dì ơi dì, cô Lành chết rồi, để tụi con đem cô ấy táng vào biển.
Bà già khô héo quắt queo buông tay ra, thằng đàn em tên Tùng càm ràm:
– Bà già vậy là lì đòn hơn, con nhỏ trông múp rụp mà lại yếu xìu, chết trước.
Khiêng lên sàn tàu thì thả xuống nghỉ hơi, đói quá, run tay, kiệt sức…Nghỉ một chặp lại khiêng đến sát mạn tàu để thả xuống biển, khi cái xác được nâng lên vượt mạn, gã tài công đẩy nửa xác con Lành ngoài tàu thì thằng Thụ, đàn em của gã tài công rị xác con Lành làm cho rơi lại sàn tàu. Gã tài công bực mình:
– Đ…mẹ, mầy làm cái quái gì vậy?
Thằng Thụ lí nhí:
– Dù gì thì con Lành cũng chết rồi, tụi mình cần phải sống!
Gã tài công thắc mắc
– Ý mầy sao? Tao hổng hiểu.
Thằng Thụ không trả lời, nó sụp lạy cái xác con Lành 3 lạy, vừa lạy vừa van vái:
– Cô Lành sống khôn chết thiêng, xin phù hộ cho tui, xin tha thứ cho tui, đừng bắt tui. Dù gì cô cũng chết rồi, tui đói quá, tui hổng muốn chết, cho tui mượn cô một tí để sống sót…
Gã tài công và thằng Tùng thấy thế há hốc miệng kinh ngạc .. Bà già lần mò bò từ hầm tàu lên, trông thấy tất cả, bà hét lên nhưng không thành tiếng và ngã ra ngất xỉu. Ông Hải nằm gần đấy chứng kiến cảnh tượng từ đầu đến cuối, rùng mình sởn gai ốc nhưng sức yếu quá vả lại cũng chẳng biết làm gì hơn. Màn đêm từ từ phủ chụp xuống, bóng tối từ đáy biển trồi lên quấn lấy con tàu- nấm mồ nổi vào lòng đêm của nó, cái màu đen đặc quánh đến nghẹt thở, cả con tàu dường như không còn sự sống nào.
Sáng sớm ngày kế tiếp, sau cái buổi chiều rùng rợn ấy, mọi người trên tàu mở mắt ra và không tin được ở mắt mình, ai cũng dụi dụi mắt, có người ngơ ngác nhìn quanh như hỏi xem có phải là sự thật. Một con tàu to lớn như thành phố nổi, mọi người đang nằm trên boong của nó, người thì được truyền nước biển, kẻ thì được tiếp thức ăn…Những giọt nước mắt nóng hổi chảy ra sau mấy tuần khô kiệt. Có tiếng thều thào: “Sống rồi, chúng ta được vớt rồi”
4 tháng sau, các nhân viên của Liên Hiệp Quốc đến trại lập hồ sơ cho những thuyền nhân. Có người xin đi Canada vì có thân nhân, có kẻ thì xin đến Đức…và những trường hợp này đều ra đi mau chóng. Những người còn lại thì chọn đi Mỹ nhưng phải đợi hơn một năm sau. Ông Hải chọn đi Mỹ, nhân viên Liên Hiệp Quốc xem sơ qua hồ sơ, lời khai lập tức chấp thuận ngay. Ông ôm vợ sung sướng nhỏ lệ:
– Qua cửa tử rồi em, chúng ta sẽ đến bến bờ tự do làm lại cuộc đời.
TLTP
Ất Lăng thành, tháng ngày lênh đênh