LTS: Hòa thượng Thích Quảng Độ tên thế tục là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 tại tỉnh Thái Bình. Ngài là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 2008 và là một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền. Do đó Ngài bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam và bị ở tù nhiều lần.

Năm 2006 Ngài được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều lần. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viên tịch vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22/2, nhằm ngày 29 Tháng Giêng năm Canh Tý, tại chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, trụ thế 93 năm.

Thích Quảng Độ thời còn trẻ

Những tác phẩm đã xuất bản

Kinh Mục Liên Sám Pháp; Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân; Thoát Vòng Tục Lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân); Dưới Mái Chùa Hoang, Sài Gòn 1962 (truyện); Truyện Cổ Phật Giáo, Sài Gòn 1964; Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận; Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận; Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận; Từ Điển Phật Học Hán Việt (2 tập); Phật Quang Đại Từ Điển (9 tập); Chiến Tranh và Bất Bạo Động; Thơ Trong Tù 06/04/1977-10/12/1978; Thơ Lưu Đày 25/02/1982-22/03/1992.

Chân dung Thích Quảng Độ, họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ tại Sài Gòn ngày 24/2/2020

(Kính tiễn giác linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)

Một ngày tháng 8 năm 1992, tôi nhận được một bài thơ của một người bạn tin cẩn gởi từ trong nước. Anh chép tám câu thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ nhưng không có tựa.

Tôi đọc và rất cảm động. Qua từng câu thơ tôi hình dung cảnh cô đơn, trống vắng, quạnh hiu mà Thầy đang sống trong thời gian lưu đày ở Thái Bình trong một buổi chiều Ðông.

Sau 1975, giữa lúc gần hết mọi người đều đi theo chiều gió, Thầy cố bước ngược chiều để mong cứu vớt những gì còn sót lại sau những điêu tàn, đổ nát. Tinh thần vô úy của đạo Phật đã giúp Thầy vượt qua bao thử thách, cực hình, đày đọa.

Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Ðăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày từ Sài Gòn ra huyện Vũ Ðoài, Thái Bình, Thầy vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương và đạo Pháp.

Thích Quảng Độ (trái) những ngày tù CS

Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Ðăng Lưu như HT Quảng Ðộ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Ngày đó không có mạng xã hội Facebook như bây giờ. Chúng tôi là một nhóm vài trăm người sinh hoạt với nhau trong giai đoạn Internet còn rất phôi thai.

Tôi gởi bài thơ cho cả nhóm đọc. Nhưng bài thơ thì phải có tựa. Tôi không nói với ai, chỉ im lặng và mạo muội đặt tựa là Chiều Ðông, phía dưới viết tên tác giả HT Thích Quảng Ðộ. Luôn dịp tôi họa lại bài thơ của Thầy đặt tựa Tấc Lòng Son, và sau đó in trong tập Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười xuất bản lần đầu tại San Jose cuối năm 1992.


 

Bài thơ của Thầy:

 

Chiều Đông

 

Nghe lòng xa vắng những chiều đông

Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng

Bát ngát núi xa mờ bóng cọp

Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng

Bao độ cà tan cà nở nụ

Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông

Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc

Còn chút lòng son gởi núi sông

(HT Thích Quảng Độ, Thơ Tù HT Thích Quảng Độ, tr. 265)

 

Tấc lòng son

 

Lời thầy vang vọng giữa chiều đông

Hương ngát vô ưu rót tận lòng

Mây nước muôn trùng tan với hợp

Quê hương ngàn dặm có mà không

Tóc xưa dẫu bạc lòng không đổi

Áo cũ dù phai giữ đạo đồng

Mười năm trải một lòng son sắt

Tiếng vọng ngàn thu với núi sông.

(Trần Trung Đạo, Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, tr. 126)

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng trán rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Ðại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo Pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Ðộ vẫn an nhiên, tự tại.

Thầy dạy Triết Ðông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Ðộ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.

Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác.

Ba mươi tháng Tư, 1975, chúng tôi như bầy chim bay tán loạn bốn phương trời. Dù phải sải cánh bao xa, chúng tôi đều mang theo trong tâm hồn mình những bóng mát của một thời tuổi trẻ. Thời của tuổi mười tám với buồng phổi căng đầy sức sống. Bóng mát đó là các thầy. Bóng mát đó là thiền viện, thư viện, giảng đường, và bóng mát đó là lý tưởng Duy Tuệ Thị Nghiệp.

Hành trình đầy bi tráng của Thầy trong suốt 10 năm bị bắt giam, tra tấn và lưu đày cùng với bà mẹ già 90 tuổi ở Thái Bình đã để lại một niềm thương yêu và kính phục sâu xa, không những trong lòng nhiều triệu Phật Giáo đồ Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cả trong cộng đồng nhân loại.

Cách đây vài năm, khi nhận được thi tuyển Thơ Tù của HT Thích Quảng Ðộ lần đầu, tôi hồi hộp đọc phần mục lục trước để xem Thầy đặt tựa bài thơ là gì.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Tôi rất vui và cảm động khi biết Thầy cũng đặt tựa bài thơ là Chiều Ðông. Tôi thầm cám ơn Thầy đã cho phép tôi được sống trong cùng một tâm cảm với Thầy.

Thầy là rừng, tôi chỉ là chiếc lá nhưng nhờ có nhân duyên lá và rừng được sống với nhau trong một chiều Ðông.

Sáng hôm qua, trong lúc đang đi bộ trên đường nhỏ trong xóm tôi nhận một tin nhắn của một Phật tử tin cẩn từ trong nước “Hòa thượng Quảng Ðộ vừa viên tịch”. Tôi lặng người. Không phải vì Thầy ra đi sớm nhưng vì Thầy ra đi.

Ðại Lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ viên tịch chấm dứt một chương dày 45 năm trong lịch sử đầy thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam. Những chương mới sẽ mở ra nhưng sẽ khác hơn nhiều.

Trong tất cả tôn đức chịu đựng tù đày, Thầy là vị đã sống trong tù lâu nhất. Từ tháng 6, 1977 cho đến khi viên tịch, Thầy vẫn là một tù nhân của chế độ CS tại Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink (trái) và bà Tổng Lãnh sự Mary Tarnowka (phải) đến thăm HT Thích Quảng Độ tại Sài Gòn, 14 tháng 6, 2018.

Đã chín mươi năm từ khi tiếng gậy trúc của Chư Tổ vang lên ở các Tổ Ðình, khởi đầu cho công cuộc phục hưng Phật Giáo. Trong thời gian đó, bao nhiêu đổi thay đã xảy ra cho đất nước Việt Nam và cho Ðạo Phật tại Việt Nam. Hôm nay, một trong những vị còn lại của thế hệ phục hưng Phật Giáo vừa viên tịch. Con thuyền đạo Pháp, như Thầy nhấn mạnh sau 1975, vẫn còn chênh vênh, và niềm trăn trở cho quê hương của Thầy vẫn còn trăn trở.

Nhưng áng mây bay đi sẽ mang về những giọt nước cho cánh đồng khô. Không có gì còn hay mất. Chỉ là những dạng khác nhau trong một cuộc vận hành. Cành mai Quảng Ðộ vừa rơi xuống, nhưng như Thiền Sư Mãn Giác đời Lý viết, sáng mai đây những cành mai khác lại sẽ nở ra.

Bước chân của Thầy không còn nghe, nhưng tình yêu của Thầy dành cho quê hương vẫn sáng như ánh trăng rằm, đậm đà như mùi hương của đất và dạt dào như lời thơ Thầy viết trong một Chiều Ðông năm đó.

Từ nước Mỹ xa xôi, con cúi đầu đảnh lễ giác linh Thầy.

TTĐ

Boston

Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ đến đảnh lễ HT Thích Quảng Độ tại Sài Gòn, 24/2/2020