Lúc tôi còn nhỏ, ở quê tôi mấy đứa con nít thường nghe người lớn nói “Ốm như xì ke,” nhưng tụi tôi không biết “xì ke” hình dáng nó ra làm sao. Thời ấy, làng quê bình yên, môi trường sống, đời sống con người trong sạch, lành mạnh, hồn nhiên như cây cỏ ngoài đồng. Lớn thêm một chút, tức là sau năm 1975, có vài người “lạ” (là con cháu người lối xóm) từ Sài Gòn về sống ở quê mà tôi nghe người ta xì xầm là “Thằng đó chơi xì ke.” Tụi tôi cũng không biết “chơi xì ke” là chơi làm sao? Có giống như chơi u mọi, đánh hưng, chọi đáo lạc hay không? Vậy là tụi tôi ngày nào cũng vừa chơi đánh hưng vừa rình trước căn nhà có “thằng xì ke” để coi. Kết quả, tụi tôi rất thất vọng khi cuối cùng rồi cũng thấy “thằng xì ke” cũng giống y chang tụi tôi, không có ba đầu sáu tay hay cầm “đồ chơi” gì lạ hết. “Thằng xì ke” lớn hơn tụi tôi, không biết bao nhiêu tuổi nhưng không phải ông già, tướng người không cao không thấp, đi dép kéo lẹp xẹp, mặc cái quần tà lỏn cũ, ở trần, người ốm nhom. “Thằng xì ke” xách chổi ra quét sân rồi trở vô nhà, không nói chi hết. Bọn tôi quá thất vọng vì không có gì để coi, từ đó thôi không rình trước nhà “thằng xì ke” nữa.

Sau này, già tuổi rồi tôi mới biết “chơi xì ke” chỉ là tầm “con non” nhà nghèo. Cụm từ “xì ke ma túy” là tên gọi chung các loại nghiện hút á phiện, hút cần sa, hít hay chích “hàng trắng” (heroin,) ngậm ma túy đá (thuốc lắc – tân dược gây nghiện.) Người Việt có truyền thống khinh khi, cấm cản thân nhân giao du với người nào sa vô “Tửu, sắc, tài, khí tứ đổ tường,” sợ thân nhân mình chơi với bạn xấu thì bị “lây nhiễm” những thói quen xấu làm cho tan nhà nát cửa, bán vợ đợ con. Khí nghĩa là hút chích, tức nghiện ma túy. Thật ra, bất cứ cái gì trong đời sống nếu bị “nghiện” đều bị trở thành xấu. Thí dụ: nghiện chơi games, nghiện ngồi quán cà phê, nghiện internet… Huống hồ, nghiện ma túy mà không đáp ứng được cơn nghiện thì con người dễ trở thành “ác thú” để thỏa mãn cơn nghiện.

Xem thêm:   The good Samaritans

Nghiện lâu ngày thì càng ngày độ nghiện càng tăng, càng đòi hỏi lượng ma túy phải dùng nhiều hơn. Thành ra bạn bè quen biết của tôi ở Sài Gòn không có ai nghiện, mà gặp nhau lại thường nói đùa: “Dạo này còn hút hay thôi?” Người khác nói: “Tầm này thì còn hút gì nữa, nó chuyển qua chích rồi.”

Ngày 15 Tháng Mười Một, 2022, tin Hội đồng Thành Phố Huntington Beach đã bỏ phiếu Yes (kết quả 4-2) cho phép mở cửa hàng kinh doanh cần sa tại thành phố du lịch biển này. Dự luật được thông qua với sự đồng ý của 54.7% cử tri thành phố.  Huntington Beach trở thành một trong ba thành phố thuộc quận Cam cho phép buôn bán cần sa công khai là Santa Ana và Costa Mesa. Sự việc này làm dấy lên nỗi lo ngại cho con em trong đồng hương gốc Việt ở đây, bởi Huntington Beach chỉ cách Little Sài Gòn 24 phút lái xe, lại là nơi người gốc Việt thường tới đó vui chơi, câu cá, coi các hoạt động thể thao. Cư dân Little Sài Gòn lo sợ bầu không khí trong lành của Huntington Beach sẽ đậm mùi hôi của cần sa. Nhiều người lập luận rằng khi người lớn trong nhà hút cần sa, trẻ em sẽ tò mò bắt chước và cuối cùng trở thành nghiện.

Lý do của những người bỏ phiếu Yes là thành phố Huntington Beach sẽ thâu thuế các shop bán lẻ cần sa lên tới 6%, và 1% đối với tất cả các địa điểm bán cần sa khác. Ước tính số thuế thu được từ hoạt động buôn bán cần sa sẽ đem về cho thành phố từ 300 ngàn tới 600 ngàn Mỹ kim/năm, nhằm để hỗ trợ cho các dịch vụ chung của thành phố. Ngoài ra, họ còn dựa vào Dự Luật 64 mang tên “Luật cần sa cho người lớn,” cho phép những người trên 21 tuổi được giữ, mang hay sử dụng 1 ounce (28.34 gram) cần sa dùng cho mục đích giải trí, và mỗi cá nhân được phép trồng sáu cây cần sa.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Những người bỏ phiếu chống thì không tin rằng số tiền thuế thu được từ cần sa sẽ bù đắp được chi phí xã hội phải bỏ ra để giải quyết vấn đề cai nghiện. Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm này, thu ít mà chi nhiều, hại nhiều thì không nên. Gần nhà bạn tôi có căn nhà khá khang trang mà bạn tôi nói chính phủ mướn cho những người sau cai nghiện tập trung ở các trung tâm cai nghiện. Họ phải ăn, ngủ, nghỉ, hoạt động bắt buộc theo lịch của cơ quan Y tế thiết kế, có nhân viên Xã hội tới mỗi ngày để giám sát và giúp đỡ họ sống đúng theo lịch trình thiết lập, nhằm giúp họ hoàn toàn loại bỏ được cơn nghiện và hòa nhập trở lại xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ chi phí cai nghiện và tái hòa nhập xã hội cho một cá nhân không hề nhỏ, nếu nhân lên 100 người thì số tiền tiêu tốn khá lớn. Tại đây tuy là khu dân cư nhỏ nhưng thường xuyên có xe cảnh sát “quần đảo” lòng vòng trong đó, không ít lần tôi bắt gặp những nhóm vài thanh niên trẻ xúm lại hút cần sa ở bức tường phía sau trường học, mùi cần sa bay ra khét nghẹt. Lái xe ngoài đường khu Little Sài Gòn, tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh sát chặn bắt những người liên quan tới ma túy và còng tay cho ngồi bệt trên vỉa hè. Tôi cho rằng số người nghiện ma túy ở quận Cam không phải chỉ có 100 người, mà có thể nhiều hơn.

Theo các tài liệu Y khoa, nếu dùng cần sa liều lượng nhẹ thì người dùng sẽ có “Cảm giác vui vẻ, thoải mái, thư giãn; cảm thấy đói muốn ăn; tăng nhịp tim, mắt đỏ; mất tập trung và năng lực kiềm chế hành vi bản thân; làm suy yếu sự phối hợp của cơ thể; có khuynh hướng nói cười nhiều hơn bình thường, nhưng cũng có người trở nên suy tư, trầm lặng và buồn ngủ; tập trung vào một việc đặc biệt và quên hết mọi chuyện khác.” Ðây chỉ là liều nhẹ nhưng nếu người dùng này đang lái xe thì thật là nguy hiểm cho chính người đó lẫn người lái xe xung quanh họ. Họ cũng bị chặn xe lại vì có dùng chất kích thích, giống trường hợp người say rượu lái xe.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Nếu dùng cần sa ở liều nặng hơn (đương nhiên người dùng sau một thời gian sẽ “tăng level”) thì họ sẽ có cảm giác “Bối rối, bồn chồn, áy náy; cảm xúc bùng phát mạnh mẽ, xa rời thực tế; ảo giác, lo âu hoặc sợ hãi”; “Ảnh hưởng trí nhớ, cách suy nghĩ và khả năng thực hiện những việc cần sự điều khiển tay chân như lái xe, điều khiển máy móc…” Ngoài ra, còn nhiều tác hại lớn nữa nếu người dùng cần sa thời gian dài trong nhiều năm.

Theo CDC Hoa Kỳ, “nghiên cứu cho thấy cứ 10 người sử dụng cần sa thì có 3 người có thể mắc một số dạng rối loạn sử dụng cần sa, có nghĩa là họ không thể ngừng sử dụng cần sa mặc dù nó đang gây ra các vấn đề về sức khỏe trong cuộc sống của họ.”

Một cư dân Little Sài Gòn (giấu tên) than thở: “… Khi tiểu bang cho hút thì dĩ nhiên người lớn, trẻ em đều hút nhiều lên và tệ trạng cùng tội ác liên quan tới cần sa ma túy cũng tăng lên. Thật khó chịu khi đang đi hóng gió trên cầu tàu Huntington Beach, đang tận hưởng một bầu không khí trong lành mà bất chợt phải ngửi thấy một mùi hôi nồng nặc mà không làm gì được.” Dù cần sa không bị coi là ma túy và được phép mua bán, sử dụng, thì không thể phủ nhận sự thật là cần sa đem lại hại nhiều hơn lợi đối với người sử dụng, mà còn gây khó chịu cho người xung quanh.

TPT