Thằng Tí vừa rời khỏi phòng tắm là chị vội vã bước vào để lau chùi dọn dẹp ngay vì giờ này chồng chị sắp đi làm về, công việc đầu tiên là anh vào bathroom tắm rửa thay quần áo. Chị không muốn nghe lại những điệp khúc cằn nhằn, khó chịu của anh:

– Thằng con của bà ăn ở lười biếng, dơ dáy, tắm thì văng nước tùm lum, áo quần thay vứt bừa bãi, sao nó không đi khuất mắt cho tôi?

Anh đâu biết những lời ấy làm chị đau khổ biết bao. Nó là con chung duy nhất của hai người, chớ nào là con riêng của một mình chị, nhưng từ ngày bố con xích mích, tính tình không hợp nhau là anh tuyên bố từ bỏ nó, dù chị hết lời nhỏ nhẹ khuyên can anh:

– Anh giận thì giận, nó vẫn là con mình, là giọt máu của mình, đừng nói thế mà mang tội, nó nghe được sẽ tủi thân.

Nhưng anh vẫn khăng khăng:

– Em cưng chiều và  cứ bao che cho nó thì mặc kệ em, còn anh coi như dứt tình bố con.

Bảo Huân

o O o

Anh chị gặp nhau khi cả hai đều lỡ thì quá lứa, vì nhiều lý do khác nhau theo hoàn cảnh cuộc đời, nhờ hàng xóm hai bên mai mối thúc giục mãi anh chị mới nên duyên vợ chồng. Hai mảnh đời muộn màng gặp nhau, cùng an phận thương yêu nhau và nhìn về một hướng, rồi một năm sau thằng Tí ra đời, cuộc sống gia đình càng thêm hạnh phúc và ý nghĩa. Khi thằng Tí vừa ba tuổi, cả nhà được gia đình bên chị bảo lãnh qua Canada. Anh và chị, trong cảnh cha mẹ già con cọc, cùng hết mực thương yêu thằng Tí, lo cho nó từng chút, mong nó có một tương lai tốt đẹp, học hành thành đạt để khỏi phải làm nghề lao động như ba má nó.

Thằng Tí lớn lên ở xứ người, nên nó hành động, nghĩ suy và cư xử như người bản xứ. Hễ thấy ba má có gì không đúng hoặc chưa hiểu rõ, là nó thẳng thắn phê bình, sửa sai. Với chị thì thương con nên không chấp nhặt và nhường nhịn nó, nhưng với anh thì đó là sự tổn thương ghê gớm.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Trong suy nghĩ của anh, vẫn là hình ảnh một gia đình Việt Nam có nề nếp, tôn ti trật tự, nguời chồng người cha có trách nhiệm lèo lái gia đình, người vợ biết thuận hoà với chồng, và con cái phải vâng lời cha mẹ. Anh là anh Cả trong gia đình năm đứa em, có đứa ở bên đây, có đứa còn ở quê nhà Việt Nam, đứa nào cũng nghe lời, nể nang anh. Hồi ở Việt Nam anh cũng từng là phó quản đốc phân xưởng trong một xí nghiệp giày da, cai quản gần hai chục công nhân, chỉ huy mọi công việc suôn sẻ, nhưng giờ đây anh lại lép vế với chính đứa con mình đẻ ra. Nhưng đó là sự thật, anh không thể đổi thay được. Thằng Tí lanh lợi, hiểu biết, ăn nói giao thiệp được trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống trên xứ người, còn anh thụ động, bị hạn chế ít nhiều vì bức tường ngôn ngữ. Hai thế hệ, hai trình độ hiểu biết và quan niệm sống khác nhau, mà anh thì cố chấp nên tình cha con ngày càng rạn nứt, cách xa. Chỉ một câu nói vô ý, một hành động vô tình của thằng Tí cũng làm anh bực mình, hờn giận. Họ lạt lẽo với nhau từ lúc nào không biết!

Chị là người đau khổ nhất trong cuộc nội chiến âm thầm của gia đình, một bên là chồng, bên kia là con, chị luôn luôn là cái gạch nối để kéo hai bố con lại gần nhau. Chị dịu dàng nài van anh:

– Anh hãy hiểu và tha thứ cho con…

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Chị cũng ngọt ngào với thằng Tí:

– Con hãy nhịn bố cho dù bố có sai trái, nóng nảy, và con phải thương yêu bố vì bố rất thương con…

Chị đã là một “nghệ sĩ hoàn hảo”, vừa sáng tác vừa đạo diễn và đóng kịch, có hôm nói với anh:

– Thằng Tí đi shopping thấy cái áo đẹp mua cho bố nè! (kỳ thực cái áo là chính chị mua)

Rồi lại có lúc nói với con:

–  Bố dặn con đừng thức khuya học bài kẻo mất sức, con nhé! (đó chính là điều quan tâm của chị, chứ anh nào ngó ngàng đến!)

Ngày nào chị cũng ao ước, cầu nguyện cho bố con thông cảm nhau, yêu thương nhau như khi xưa thằng Tí còn bé. Nhìn gia đình người ta hoà thuận, vợ chồng con cái vui vẻ đề huề mà chị muốn khóc. Chị mòn mỏi kiên nhẫn, tiếp tục làm cái gạch nối từng giờ từng phút, hết ngày nọ đến tháng kia.

o O o

Hôm qua chị vừa đi chợ về đến nhà đã nghe tiếng hai bố con lớn tiếng cãi vã, chị xách mấy túi đồ vào giữa nhà, chết lặng nhìn anh đang hùng hổ nói:

– Mày lớn rồi, dọn ra khỏi nhà tao ngay lập tức, tao không có đứa con mất dạy như mày!

Thằng Tí mặt đỏ gay, đáp lại:

– Bố không cần đuổi, con cũng sẽ đi!!

Chị chạy đến ôm anh:

– Sao anh lại đuổi con, tội nghiệp nó!

Rồi chị chạy đến bên con, nước mắt ràn rụa:

– Con cứ ở nhà, bố nóng nảy nói thế thôi.

Nó lắc đầu, cương quyết:

– Con biết từ lâu bố ghét con, con không muốn sống gần bố nữa.

Chị cản lời nó:

– Không, không, không…tuy hai bố con khắc khẩu nhưng mẹ biết rất rõ là bố vẫn thương và lo lắng cho con mà…

Dù chị nói hết lời, khóc lóc năn nỉ, thằng Tí vẫn đi vào phòng, thu xếp áo quần đồ đạc vào chiếc va li lớn. Nó đi ngang qua nhà bếp, nhìn chị rồi dịu giọng:

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

– Con đã mười chín tuổi rồi mẹ, con có thể sống một mình, sẽ tự lo cho bản thân. Mẹ yên tâm, con sẽ vừa học vừa đi làm thêm cuối tuần để có bằng cấp nghề nghiệp tương lai.

o O o

Chưa có cơn ác mộng nào làm chị kinh hoàng như bây giờ, trái tim chị tan nát như đang bị ai giày xéo. Chị vẫn biết sẽ có ngày thằng Tí sẽ rời xa mái nhà sống đời riêng của nó, nhưng trong trường hợp này, nó ra đi chưa đúng lúc, ra đi trong sự giận dỗi, sứt mẻ tình cảm, một thứ tình cảm thiêng liêng nhất của cuộc đời, hỏi sao chị không đau lòng? Ðang ở chung với bố mẹ, chẳng phải làm gì ngoài việc học hành, nay nó ra ngoài mọi thứ phải lo, mười chín tuổi hay hai mươi chín tuổi vẫn là con trai bé bỏng của chị.

Chị thấy giận anh, một người chồng người cha nóng nảy, thiếu tình cảm. Cuộc sống ai chẳng có lỗi lầm, khi con cái không dung hoà cha mẹ thì chính cha mẹ phải dung hoà với chúng, anh chưa hiểu điều này hay sao mà còn cố chấp?! Có những gia đình lỡ lời đuổi con cái trong lúc nóng giận, rồi sau đó hối hận thì đã muộn, anh không nhớ sao!?

o O o

Chị vẫn là con thuyền nhỏ đứng giữa dòng nhìn chồng và con ở hai đầu sông xa cách. Nhưng dù suốt đời chị mãi là cái gạch nối vô vọng, rất khó làm cho họ xích lại gần nhau, chị quyết chí không bỏ cuộc, dẫu chỉ là hy vọng mong manh. Chị chỉ biết rằng ngày mai, việc đầu tiên khi thức dậy chị sẽ làm là đi tìm thằng Tí và bằng mọi giá phải đưa nó về nhà.

KL

Edmonton, Tháng 5/2021