Một con cá sấu lớn bơi trên một con sông ở Ấn Độ. Nó cõng trên lưng một thứ gì đó rất lạ thường, gây sửng sốt cho người xem…

Cá sấu cha và 100 con  

Tất cả có trên 100 chiếc đuôi nhỏ xíu và những cái mõm nhọn, có vảy… nằm trên tấm lưng đồ sộ một con sấu đực khi bơi qua sông.

Con sông này nằm trong khu Bảo tồn Quốc gia Chambal (National Chambal Sanctuary) ở miền Bắc Ấn Ðộ. Bức ảnh đặc biệt về loài bò sát này đã được “chộp bất ngờ” bởi nhiếp ảnh gia kiêm nhà bảo tồn Dhritiman Mukherjee, người đã “phục kích” 280 ngày mỗi năm tại đây và đã chụp được một số cảnh đẹp đặc biệt trên khắp miền Bắc Ấn Ðộ.

Dhritiman Mukherjee sử dụng khả năng tốt nhất của một nhiếp ảnh gia để cổ xúy bảo tồn động vật hoang dã. Bức ảnh chụp một con cá sấu cõng trên lưng những đứa con một tháng tuổi của mình, loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng là cá sấu gharial, một loài cá sấu nước ngọt ở miền Bắc Ấn Ðộ.

Nhiều thập kỷ trước, có khoảng 20,000 con cá sấu sống trong môi trường thiên nhiên tại đây. Do môi trường không ngừng bị thu hẹp, kể từ thập niên 1930, số lượng giảm xuống còn khoảng 1,000 con.

Cá sấu gharial có mặt khắp Nam Á, nhưng 2/3 số lượng của chúng nằm ở khu bảo tồn Uttar Pradesh.

Chân dung nhiếp ảnh gia kiêm nhà bảo tồn động vật hoang dã.

Bức ảnh này được Dhritiman Mukherjee gởi đến Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên (Natural History Museum) trong khuôn khổ cuộc thi Nhiếp ảnh năm 2020 ở London, được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid.

Xem thêm:   Chống "Parky hóa" tiếng Việt

Loài cá sấu này có hình dáng khác với cá sấu sông Nile hay cá sấu nước mặn ở châu Phi và cá sấu Úc châu, ở chỗ cá sấu gharial có cái mõm hẹp so với phần thân phình to.

Và như bạn có thể thấy từ bức ảnh của Dhritiman Mukherjee, cá sấu đực chăm sóc cá sấu con theo một cách rất đặc biệt: cõng cá sấu con trên lưng. Không phải tất cả các loài cá sấu đều làm như vậy.

Tên của cá sấu “gharial” bắt nguồn từ từ “ghara” trong tiếng Hindi, là một loại nồi làm bằng đất nung có bụng phình to. Tuy nhiên, sự suy giảm của loài sấu này bắt đầu từ đầu thập niên 1930, chủ yếu là do các đập ngăn nước và sà lan làm gián đoạn môi trường sống trên sông của chúng, cũng như việc hút, khai thác cát và các đá tảng làm hỏng môi trường.

Hiện nay, Ấn Ðộ và Pakistan đều có chương trình giúp cá sấu gharial tồn tại qua các kế hoạch nhân giống. Và bức ảnh do Dhritiman Mukherjee chụp được là dấu hiệu hy vọng của loài cá sấu này.

Dhritiman Mukherjee hy vọng rằng, những tấm ảnh của anh sẽ khuyến khích sự phục hồi cá sấu gharial cũng như các loài động vật hoang dã khác đang bị diệt chủng vì sự tàn phá môi trường của con người.

ĐDH

(Theo Epoch Times)