Mỗi năm, cứ đến giỗ Edith Piaf (ngày 10 tháng 10), Hai Quê lại nhớ chị Ngà.
Nhà chị nằm bên trái nhà Hai Quê. Chị nhỏ xíu, thước tấc cộng đủ trên dưới được chừng một mét rưỡi. Nhỏ con nhưng bơ đời, tính tình cực đoan kiểu «thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng» nên cả xóm đều ngán. Sáng sáng, chị đi mua bánh mì bì chan nước mắm chua ngọt, nhiều ớt về ăn điểm tâm. Ăn hoài ăn hủy không ngán. Thời chị mê Piaf, chiều nào đi học về, Hai Quê cũng nghe chị vặn nhạc tua đi tua lại suốt cả tiếng đồng hồ bản Non, je ne regrette rien (Không, Em Chẳng Hối Tiếc Chi). Anh Ba Hai Quê mấy lần gặp chị ở xe bánh mì nheo mắt hỏi: «Ê, Dương Bất Hối, khi nào cho nghe bản khác đây?» Anh Ba to như voi nhưng chỉ dám khều sơ vậy thôi chứ không dám hó hé gì thêm vì thời ấy cả xóm chỉ có chị Ngà còn giữ được đĩa nhựa nhạc Pháp, sợ tổ trưởng tổ dân phố cùng dân phòng khó dễ nên chị không bật lớn, chỉ có nhà sát vách như nhà Hai Quê mới may mắn nghe ké được. Anh Ba cũng dè chừng vì từng bị chị hờn mát: «Thích nghe loa phường hơn thì để tui cúp.»
Dương Bất Hối là một nhân vật trong Ỷ Thiên Ðồ Long Kiếm của Kim Dung. Ái nữ của Kỷ Hiểu Phù, đại đệ tử của chính phái Nga My và Dương Tiêu, Quang Minh Tả Sứ của tà phái Ma Giáo. Chính phái mà ăn cơm trước giờ kẻng với tà phái, lại còn dám sinh con đẻ cái là đại nghịch bất đạo, chỉ có thể đem cái chết đền tội. Kỷ Hiểu Phù không những sinh con, cho con đường đường mang họ cha mà lại còn tên Bất Hối. Một tuyên ngôn tình yêu trác tuyệt và dũng cảm. Chị Ngà chẳng biết mang tâm tư gì mà có vẻ rất chịu khi được anh Ba nhà Hai Quê gọi là Dương Bất Hối. Sáng ăn bánh mì bì, chiều nghe Edith Piaf, tối leo lên giường không biết mặc đồ màu gì, chỉ thấy ban ngày ra đường, bao giờ chị cũng mặc áo đen. Hai Quê thuở ấy không biết tiếng Pháp nhưng thuộc lòng bài Non, je ne regrette rien vì bị chị nhồi sọ.
Bên phải nhà Hai Quê là nhà cô Cúc, một Phật tử thuần thành. Tối tối, hễ cứ cơm nước xong thì cô gõ mõ tụng kinh. Bắt đầu bằng kinh Sám Hối. Có khi giờ nghe nhạc của chị Ngà chưa qua đã đến giờ tụng kinh của cô Cúc cho nên Hai Quê có hai lỗ tai thì một bên nghe Bất Hối, bên kia nghe Sám Hối. Riết, sinh bệnh phân vân, mỗi khi làm gì cảm thấy «có vấn đề», hết áp lỗ tai vô tường bên trái lại nghiêng qua bên phải. Có khi chị Ngà cao hứng để nhạc lớn lấn át tiếng tụng kinh của cô Cúc, cũng có khi chị tắt nhạc sớm, chỉ có tiếng kinh Sám Hối vang đều.
Qua Pháp, Hai Quê biết nhiều hơn về Edith Piaf. Nhìn thấy bà mới sực hiểu ra tại sao chị Ngà thích bà đến thế. Piaf chỉ cao 1 mét 47, lên sân khấu bao giờ cũng mặc đầm đen. Tên thật là Edith Gassion. Piaf là nghệ danh, có nghĩa là Chim Se Sẻ.
Nhưng bà không phải là «con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hát chơi» (thơ Xuân Diệu), bà hát thật. Suốt 47 năm tại thế ngắn ngủi, bà ngứa cổ triền miên, lấy ca hát làm lẽ sống, xem khán giả là người tình vĩ đại nhất đời mình. Trong bốn bài hát khiến tên tuổi bà được cả thế giới yêu mến mãi đến bây giờ gồm La vie en rose (Ðời Màu Hồng), L’hymne à l’amour (Thánh Ca Tình Yêu), À quoi ca sert l’amour (Yêu Mà chi?) và Non, je ne regrette rien (Bất Hối) thì bản cuối chính là bản mà chị Ngà mê mẩn.
Không biết chị bây giờ ở đâu, có được khỏe mạnh không … Ước gì chị đọc được những dòng chữ này, nhân giỗ Piaf năm nay, như một lời cảm ơn. Cảm ơn chị đã «khai tâm». Cái tâm bất hối ấy, lắng nghe nó đúng chỗ mới khỏe làm sao!
Chị biết không, Hai Quê vừa xem lại những đoạn phim phóng sự trắng đen quay Piaf nói và hát, những đoạn phim quay cảnh con chim sẻ cong mình đơn độc với đớn đau xương thịt, con chim sẻ đôi mắt khi lạc thần, khi buồn vời vợi vì thương tích tâm hồn, con chim sẻ bé tí tì ti mà dũng mãnh trên sân khấu, moi gan móc phổi thét gào định mệnh, con chim sẻ cuối đời vẫn dám yêu, dám hát bằng trái tim nóng bỏng trong một thân thể tàn phế. Hai Quê cũng vừa nghe tác giả bài Bất Hối tâm sự về ca khúc này, và về Piaf. Hẳn chị, mê Piaf đến như vậy, cũng đã biết Charles Dumont.
Nhạc sĩ tài hoa này đến với Piaf vất vả y như Lưu Bị cầu Khổng Minh. Mỗi lần đều bị Piaf ngoảnh mặt, phẩy tay, thẳng thừng «Tôi không thích nhạc của anh!» Lần thứ ba, cũng vẫn với thái độ coi ông không có kí lô nào, Piaf mở cửa, thôi đã đến thì đây cũng thương tình cho vô nhà để xem «chào hàng» bài hát mới ra sao. Vì năm lần bảy lượt bị Piaf xua đuổi, lần này, Dumont đàn và hát như người điếc không sợ súng. Nghe xong, Piaf im ru chẳng nói một lời. Dumont nổi đoá, hát lại lần thứ hai bằng tất cả giận dữ để rồi oà ra hạnh phúc khi nghe Piaf phán: «Chàng trai trẻ, ca khúc này sẽ khiến anh vang danh thế giới.» Ngày hôm sau, Dumont khoe với một đồng nghiệp rằng cuối cùng Piaf đã chấp nhận tôi. Người này cười thương hại: «Tội nghiệp cho anh, đến khi Piaf chấp nhận anh thì bà không còn có thể hát được nữa. Nghe đâu bà đã bị mất giọng, và cả trí nhớ.»
Quả thực, khi Dumont đem Non, je ne regrette rien đến với Piaf (1960) thì bà vừa trải qua bệnh viêm tụy và tinh thần thì mấp mé bờ vực thẳm sau mười năm sống «thời có thể của những điều không thể».
Charles Dumont tâm sự: «Tôi mang ơn Piaf. Không có cô, các ca khúc của tôi không bao giờ đạt được tầm cỡ đã có. Tôi không thích những đồn đãi tào lao nói cô qua đời vì overdose. Piaf mất vì cạn kiệt, thế thôi. Một người cuồng việc, không ngừng tập dợt, không ngừng làm việc. Piaf chỉ hạnh phúc khi được bước lên sân khấu, có bạn bè vây quanh và sống trong căn nhà của mình ở Paris. Có lần, chúng tôi đồng ý đi nghỉ mát với nhau. Tôi đã thuê xong nơi nghỉ đâu vào đó, hôm trước khi lên đường, cô ấy điện bảo không đi nữa. «Tại sao?» «Vì tôi sẽ chán ốm người nếu phải rời xa Paris và không được làm việc.» Thế là cô ấy để tôi đi một mình. Ði chơi về, tôi giận cô ấy 15 ngày thì nguôi, lại cặp kè đi ăn nhậu. Ðó là vào những năm 1960, khi Piaf đã trải qua cuộc tình kinh thiên động địa với võ sĩ quyền anh Marcel Cerdan (1948-1949), cặp bồ với Eddi Constantine (1951) và chia tay sau 7 tháng, kết hôn và ly dị với ca nhạc sĩ Jacques Pills (1952-1956), yêu và chia tay nhạc sĩ Georges Moustaki (1958-1959). Không, Em Chẳng Hối Tiếc Chi đến đúng lúc, 1960, khi thân xác Piaf đang bị viêm tụy vừa khỏi, những cơn thấp khớp và nhiều thương tích do hai tai nạn giao thông gây ra thời yêu Constantine và tai nạn giao thông thứ ba khi đang đi cùng Georges Moustaki (gãy ba xương sườn) hành hạ và tâm hồn đầy sẹo tươi phải tìm cách băng bó bằng thuốc phiện, men cay và thuốc giảm đau.

Edith Piaf và Charles Dumont, tác giả ca khúc Bất Hối
Nhưng Piaf, với vốn liếng thể xác cạn kiệt nhưng sức mạnh tinh thần vũ bão đã bước lên sân khấu Olympia tráng lệ như chưa từng, khiến cho bao nhiêu trái tim từ Ba Lê đến Nữu Ước rung lên vì uy lực của giọng và của điệu. Giọng điệu bất hối. Người nghe nín thở không phải chỉ vì Piaf hát hay mà vì bà hát về chính cuộc đời của mình, ý nghĩ của mình, cái giá mình phải trả cho những gì đã chọn.
Nhà thờ công giáo khước từ làm lễ cầu nguyện khi Piaf nhắm mắt xuôi tay vì bà không phải là một con chiên ngoan nhưng đám tang bà có không dưới 40,000 người chen nhau đưa tiễn.
Piaf mất 1963. Năm ấy, chị Ngà đã mặc đồ đen chưa nhỉ? Và bây giờ, khi Hai Quê đã hiểu lời bài hát thì chị có còn yêu nó như xưa? Avec mes souvenirs, j’ai allumé le feu, mes chagrins, mes plaisirs, je n’ai plus besoin d’eux… Balayé les amours, avec leurs trémolos, balayé pour toujours, je repars à zéro. (Phóng lửa ký ức, cả nỗi buồn lẫn niềm vui em đều không cần nữa, quét tình yêu, quét luôn rúng động, bỏ hết, em đi lại từ đầu.)
HQ