Ở thành phố xa có người còn thức
Đợi Giao Thừa ngồi nhớ về nhau (Trung Hậu)

Tranh Đinh Cường
“Bây giờ đang là mùa Xuân ở Bắc bán cầu. Nhưng ở nơi đây, miền cực Nam của quả đất thì mùa Xuân đã đi qua lâu rồi. Nơi em đang trú ngụ, Tết Nguyên Đán của chúng ta sẽ nhằm vào mùa Hạ với cái nắng bỏng da người.
Nắng ở nơi đây rất đẹp, rất rực rỡ, nhưng nóng như nung như đốt. Đến cỏ cây cũng muốn héo tàn. Nên để tìm chút hương vị ngày Tết, không khí ngày Tết, người ta chộn rộn sắm sửa, rồi trang hoàng nhà cửa bằng những chậu vạn thọ dễ trồng, những loại lan tím không kén chọn thời tiết. Và nhiều nhà buộc hoa đào, hoa mai bằng nhựa trên những nhành táo, nhành mận như thể đào mai đang nở. Nơi em ở, có lẽ dễ tìm nhất vào những ngày đầu Xuân chỉ là bánh mứt, trái cây và đi thăm viếng, chúc mừng nhau.”
Chàng thường bảo em viết thư nồng nàn và hay ho như một áng văn. Tôi cười, bảo đó là những gì tôi có thể làm. Và đó cũng là tình yêu nồng nàn tôi dành cho chàng. Tôi nói với chàng:
– Năm nay em sẽ đi lễ đầu năm, sẽ trẩy một nhánh khuynh diệp, loại lá cây quốc hồn quốc tuý của xứ sở này, và sẽ đi thăm bạn bè, viếng người thân quen. Em sẽ mặc áo lụa thướt tha, tóc thả dài ngang lưng, mang hài cườm hay guốc gỗ cho dù em sẽ khó chịu vì nóng, sẽ hoa mắt nắng. Em sẽ cố hết sức duyên dáng sẽ cố hết sức điệu đàng, bởi vì em muốn có được hình ảnh như những ngày xưa cũ ở quê nhà để gửi đến anh …
Chàng thở dài, da diết nói nhớ em quá, muốn cầm tay em quá. Hôm tất niên, chàng gọi cho tôi, bảo:
– Bây giờ bên anh dù không giá tuyết và không rét buốt như nhiều nơi khác trên đất nước này, nhưng mỗi sáng ra đường, vẫn phải cần một chiếc áo khoác mỏng, một đôi găng tay, một chiếc khăn quàng …
Giọng chàng buồn rầu:
– Tuy nhiên điều anh cần nhất vẫn là bàn tay của em, nụ hôn của em. Anh nhớ quá dáng em bé nhỏ trong vòng tay anh.
Chàng kể, có một giấc mơ vẫn cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần với chàng, rằng trong mơ, chúng tôi đã đi qua một con đường với những đoá hoa mai vàng rực rỡ, với xác pháo đỏ dưới chân và với tiếng chim oanh hót líu lo ở hai bên đường. Chàng nói giấc mơ thật dễ thương, thật gần gụi, mỗi lần hiện ra đều làm trái tim chàng như nôn nao muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng cái giấc mơ ấy cũng khiến chàng buồn bã vô cùng.
– Bởi vì em vẫn chưa thể rời nơi đó, và anh vẫn phải ở nơi này…
Tôi viết cho chàng,
“Ở nơi này, bất cứ mùa nào, em cũng bị đánh thức bằng những tiếng chim rộn vang ngoài cửa sổ. Có khi chúng reo vui như trẩy hội, nhưng cũng có khi như đang cãi lẫy nhau, ồn ào đến độ làm em phát cáu.
Lũ chim, không biết tên gọi là gì, có giọng hót lanh lảnh, giọng gọi bầy hùng hồn, âm vực cao vút. Nên tuỳ theo tâm trạng vui hay buồn, thanh thản hay bực bội, mà em sẽ thấy chúng dễ thương hoặc đang bị quấy rầy.
Tuy nhiên mỗi bận gần đến Tết thì tiếng ồn ào, tiếng hót của lũ chim này có sao đi nữa cũng không làm em khó chịu. Bởi những âm thanh véo von hay nhộn nhịp của chúng luôn luôn làm em nhớ đến đôi chim oanh Ba mua và đặt bên ngoài cửa sổ phòng em vào một mùa Xuân nào đó. Hôm mang chúng về, Ba bảo để tâm tư em thư thái, trí não nhẹ nhàng và những căng thẳng ở trường học, những mùa thi sẽ biến mất …”
Chàng nói Ba dễ thương quá. Tôi kể:
– Gia đình em chắc có lẽ thuộc về thiên niên kỷ trước. Như sống ở thời xưa rích xưa rang nào đó. Tết nào Ba cũng đặt mua thuỷ tiên tận bên Đài Loan, Hồng Kông rồi chăm chút tỉa gọt để có được chậu hoa trắng, nở đúng vào ngày mồng Một y như các cụ ngày xưa. Nhưng xưa hơn là vào Giao Thừa, cả nhà em sẽ khai bút đầu năm. Mẹ sẽ làm một bài thơ, Ba viết ra một vài câu chữ Hán hay ho với bút lông và mực Tàu. Có khi Ba viết trên lụa để làm liễn, có khi viết trên giấy điều treo trên chậu mai vàng mà Mẹ em tỉ mỉ chọn từ gốc đến ngọn để chúng cũng khoe sắc vào ngày đầu năm như thuỷ tiên của Ba.
Chàng hỏi tôi có làm thơ tình hay không. Tôi đáp Ba Mẹ khuyến khích viết một đoạn ngắn, ghi lại cảm nghĩ về mùa Xuân, về gia đình, hay đôi lời mừng Tân Xuân.
Chàng “ồ” lên bảo thích quá. Và tiếng “ồ” của chàng đã làm tôi bật cười. Tôi nói:
– Không có hay ho gì đâu. Vì đối với tụi em đó là cực hình.
Chàng hỏi tại sao. Tôi lại cười:
– Tại viết xong phải đưa cho cả nhà coi. Mắc cỡ chết đi được. Nhiều năm em ngồi mãi vẫn không rặn ra được một chữ chỉ vì nghĩ tới chuyện mấy thằng em sẽ cười hi hí chọc ghẹo cho dù tụi nó viết dở ẹc, toàn “copy and paste” từ trong sách ra. Nhưng không viết thì không được, vì sẽ bị la, và có thể bị… xui cả năm như người lớn hay hù doạ.
Chàng cười theo, trêu tôi có phải vì bị “trình làng” mà tôi không dám khai bút bằng thơ tình hay chăng. Tôi kể tiếp, khai bút xong là nhẹ cả người như đi trên mây. Chàng hỏi rồi làm gì sau đó. Tôi đáp ăn uống chút chút, đi ngủ, rồi chờ … Tết.
– Tết, nghĩa là như mọi nhà, tụi em sẽ thay quần áo mới, xuống nhà xếp hàng chúc Tết Ba Mẹ, người lớn, rồi chờ được … lì xì. Sau khi điểm tâm, cả nhà sẽ đi viếng mộ ông bà nội ở nhà bác.
Có lần chàng nói tuổi thơ tôi đẹp như một câu chuyện cổ tích, dễ thương và thơ mộng như một câu truyện ngắn, người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà không bao giờ cảm thấy chán ngán. Và chàng cười hiền hòa kể ngược lại tuổi thơ của chàng đi qua thì gần như hoàn toàn ngược lại. “Thơ ấu của anh giản dị lắm”.
– Anh nói giản dị bởi có lẫn chút thiếu thốn. Có nhiều năm tụi anh không áo mới cho ngày Tết vì hình như lương lính bị trễ. Rồi có khi tình hình chiến sự quá khốc liệt thì Ba không được về phép.
Tuy nhiên chàng lại cười:
– Nhưng không chỉ riêng gì nhà anh mà mọi người trong trại gia binh đều cùng hoàn cảnh, nên tụi anh chẳng lấy gì làm buồn bã. Cả đám con nít tụi anh cứ hồn nhiên rủ nhau chạy ra những khu phố gần đó để nhặt lũ pháo tịt ngòi, hay tụm 5 tụm 7, dán mắt trên những bàn bầu cua cá cọp. Và dù chỉ dán mắt ngó thiên hạ chơi thôi vì không đứa nào có một đồng trong túi, nhưng cả bọn lại reo hò, lại mừng rỡ hay xuýt xoa như chính mình thắng, thua.
“Vậy đó, hồn nhiên, thơ trẻ. Nhưng đó là những ngày Xuân rất vui trong cuộc đời anh”. Khi kể cho tôi nghe về những ngày tháng cũ của mình, chàng cũng nở những nụ cười thật hồn nhiên, thật thơ trẻ. Gương mặt chàng lúc ấy trông rạng rỡ, vui tươi như thể chàng đang sống lại thời thơ ấu.
Nhưng lòng tôi lại rất đỗi ngậm ngùi.
Tôi hỏi chàng có muốn đánh đổi những tiếng cười, những niềm vui giản dị với bạn bè như thế bằng cuộc sống của anh em tôi, vào những ngày Tết thì rủng rỉnh tiền mừng tuổi, quần áo mới xôn xao, nhưng chỉ được đứng trên hành lang nhìn xuống đường, nơi đám con nít hàng xóm hỉ hả cười lớn, la lớn chỉ vì thắng một ván bầu cua nho nhỏ … Chàng đã bật cười, ôm chặt lấy tôi trong vòng tay ấm áp của mình.
Đùa với chàng vậy thôi, nhưng thật ra tự đáy lòng, tôi thương chàng quá đỗi không phải vì những cái Tết thời thơ ấu của chàng không có áo mới, không được lì xì, mà bởi Ba chàng đã không được về vào những ngày Tân Xuân. Sự sum vầy chẳng những không có, mà có lẽ Mẹ chàng đã phải trải qua những ngày lo lắng, những đêm thâu chờ đợi. “Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại”… Tôi đã nhớ đến những câu thơ Hữu Loan mà nước mắt lưng tròng.
“Khi em bắt đầu một ngày, ánh dương mới hừng lên nơi đây, thì bên anh chỉ vừa chấm dứt 24 giờ đồng hồ của đất trời.
24 giờ đồng hồ, giữa 2 chúng ta, thời gian và cả không gian nữa, có thể nói hoàn toàn chẳng hữu hạn, nếu như em chịu khó ngồi đâu đó trên một chiếc phi cơ, hay anh sẽ an vị trên chuyến bay vượt đại dương. Và chỉ cần yên ắng đọc xong một tờ báo, một tập thơ, một cuốn tạp chí, hay coi hết một cuốn phim … là chúng ta sẽ có thể nhìn thấy nhau.
Là em, có thể ngả vào vùng ngực rộng và ấm áp của anh. Là anh, có thể thật khẽ khàng rót vào tai em, ‘nhớ em quá nhỏ ạ’. Là như chúng ta vẫn thường, và đã từng làm.
Chỉ vậy. Dễ mà, phải không, anh yêu dấu.
Chỉ vậy, mà cuộc sống với những điều trói buộc của nó đã không dễ dàng để cho em chạy đi, bay đi, hướng về phía anh. Những hữu hạn, những điều cần phải thu xếp khiến chúng ta phải chờ đợi.”
Phải, cuộc sống với những trói buộc của nó khiến đôi khi dẫu những ước mơ nhỏ nhặt, đơn giản nhất cũng không thể thực hiện được. Tôi kể cho chàng nghe nhà bác tôi có khu vườn rộng thênh thang, sum suê cây ăn trái. Cuối vườn có những luỹ tre xanh mượt óng ả được trồng dọc theo giòng sông lờ lững nước. Những bận về thăm bác, tôi vẫn thường ra ngồi trên bãi cỏ, nhìn sang bờ bên kia.
– Có một lần vào dịp hè, em đã về nhà bác ở một tuần, ngày ngày vào ra đọc những cuốn tiểu thuyết trên kệ sách của ông anh họ, chiều xuống ra ngồi bên bờ sông ngắm hoàng hôn. Một tuần ở nhà bác không lâu, nhưng mảnh vườn đó, con sông đó, lũy tre đó, cánh đồng xanh mượt bên kia bờ đó luôn luôn hiện ra trong trí em mỗi bận em nhớ đến thời thơ trẻ của mình.
Phía bên kia bờ sông từng có một chàng trai yêu mến tôi, từng nói với tôi ước mơ được đi uống một ly chanh đường, một cốc cà phê với tôi trong lần về phép của anh. Tôi cũng đã từng hứa. Nhưng lần về phép ấy đã không bao giờ đến với anh. Như tuổi 20 cũng không bao giờ đến với anh.
Anh đã qua đời trong một cuộc giao tranh khốc liệt ngay sau khi trở lại chiến trường. Ngay giữa mùa Xuân. Ngay giữa lúc hoa mai vẫn còn nở vàng đâu đó. Ngay giữa lúc tôi và bạn bè vẫn còn ngầy ngật hương vị Tân Xuân.
Tôi nói với chàng:
– Để có được quãng đời an lành, để có được những mùa Xuân thảnh thơi và yên ấm bên gia đình, thì những người như Ba anh, như anh đã xông pha dãi dầu ngoài mặt trận hứng những cơn mưa đạn bom tơi bời. Như người con trai từng yêu mến em đã vĩnh viễn ở lại giữa chiến trường.
Khi nói với chàng như thế, tôi đã ước ao được cầm lấy tay chàng, nói lời cám ơn. Ước ao được hứa nguyện sẽ đi cùng chàng cho đến tận cuối đời.
Lúc tôi thức dậy, tiếng chim ngoài cửa hót vang lừng, và cái nóng nung người bắt đầu len lỏi vào nhà. Tôi nhận ra trong khi nơi chàng đang chuẩn bị vào đêm, chuẩn bị Giao Thừa thì nơi tôi đã đang sang ngày mùng Một, tôi tự hỏi vậy thì Xuân hay Tết có hữu hạn, thời gian có là điều khó khăn với chúng tôi hay không.
Tôi trở dậy, viết cho chàng những ý nghĩ đầu năm của mình. Tôi cũng nhớ đến 2 câu thơ của bạn, “Ở thành phố xa có người còn thức. Đợi Giao Thừa ngồi nhớ về nhau.” (Trung Hậu)
Tôi sẽ nói với chàng đó là bản tình ca đầu năm. Đó là tiếng lòng tôi. Tôi sẽ đọc cho chàng nghe,
“Yêu dấu ạ, ở nơi này, khi ra khi vào, em sẽ luôn lắng nghe từng tiếng động của bàn chân mình khua trên nền đá, nghe tiếng thở của mình khẽ khàng trên môi, nghe nhịp tim mình đều đặn vang lên nỗi nhớ, em sẽ nghĩ em đang vào ra với anh. Em sẽ thấy mình đang cùng anh đi trên con đường đầy hoa vàng và pháo đỏ. Cũng sẽ nghe tiếng chim hót líu lo. Và em sẽ luôn nghĩ đến một ngày đầu năm được thức dậy trong vòng tay của anh, được nghe lời chúc mừng năm mới, và được mừng tuổi bằng những nụ hôn nồng nàn.
Em đã nhủ lòng hãy yên bình chờ đợi.
Nên em sẽ an lành chờ đợi và sẽ ở mãi trong tình yêu ấm áp của anh.”
HN