Trên xứ sở Việt Nam, trong rất nhiều bài ca “không quên”, có tính thời đại và chính trị, có tính tuyên truyền và bất hủ, có tính vĩ đại và muôn năm… dường như bài ca mang tên Rác là bài ca có tính hiện thực sâu sắc nhất, nó nhanh chóng ăn sâu vào tâm khảm, vào khứu giác và cả xúc giác, vị giác của nhiều người. Rác là một thứ gì đó tưởng chừng đã bỏ đi, nhưng nó hiện hữu như một bóng ma chủ nghĩa, nó đe dọa cả tính mạng và an ninh cá nhân. Rác, một câu chuyện thời sự không hề ngẫu nhiên.

Ôm tiền rác bỏ chạy

Ðó là chuyện của chị Lạc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ:

– Vấn nạn rác thải vốn gây ức chế đời sống bấy lâu nay, nhưng chuyện ôm tiền rác bỏ chạy thì ít nghe, và hình như cũng mới lần đầu.

– Vấn nạn rác là sao hả chị?

– À, đó là tình trạng rác thải ngày càng nhiều lên, nhiều chất thành núi, các núi rác gần khu dân cư, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và trâu bò uống phải nước này thì chết hàng loạt, tôi từng chứng kiến chuyện như vậy tại Quảng Bình. Cách đây vài năm, tôi có đến thăm một gia đình mà có thể nói rằng họ quanh năm phải sống chung với ruồi nhặng, hầu hết các gia đình khác chung quanh họ cũng vậy. Nhà của họ cách bãi rác chừng 500 mét đường chim bay. Với khoảng cách đó, mùi hôi thối và ruồi nhặng bay tới đầy nhà. Cả một khu xóm phải giăng mùng khi ăn cơm, và nhà nào cũng giăng một lưới vải mùng to tổ tướng ngang mặt nhà, bít các cửa ra vào để chống ruồi. Riêng gia đình tôi tới thăm thì bị chết nguyên một đàn bò 10 con, vốn liếng ky cóp của họ bao nhiêu năm coi như mất trắng. Họ thả bò ngoài bãi, bò lang thang qua bãi rác, ăn phải thứ gì đó, về sình bụng và chết không chừa con nào. Nhưng đây chỉ là một ví dụ nhỏ, còn biết bao nhiêu nơi khác nữa!

– Chuyện ôm tiền rác bỏ chạy thì như thế nào, xin chị chia sẻ thêm?

– Là chuyện cán bộ ôm tiền rác của dân bỏ chạy. Ở chỗ tôi, gần 2 tháng nay xe rác không tới các đường quê để thu rác nữa. Trong khi đó, xã lên phường, tức là đã vượt qua luôn cả nông thôn mới, lên phường thì mọi tiêu chuẩn về phường phải có, trong đó có cả vấn đề giải quyết rác thải bởi tiền thu phí gom rác thải cũng tăng lên khi lên phường. Thế mà rác chất thành núi khắp mọi nơi. Mấy năm nay ở đây, khoảng giữa năm có ngày gọi là ‘ngày hội thu thuế’, người ta thu tiền thuế phi nông nghiệp và thuế rác, thuế môi trường, tiền ủng hộ các quỹ vì người nghèo, phụ nữ … Đúng là ‘hội thu’ luôn, họ thì thu còn mình nói là hội mà toàn phải nộp các khoản chứ chẳng có hội chi. Đã vậy mà người ta cũng tính nhầm đủ kiểu hết, như thu lệ phí thu gom rác. Khi hỏi ra mới rõ là có vấn đề, người ta ôm tiền rác chạy mất rồi!

Xem thêm:   Rau càng cua

– Tôi vẫn chưa được thông, xin chị chia sẻ thêm?

Rác từ nông thôn

– Thì người ta thu có vấn đề, cứ bổ thêm một khoản nợ của người đóng vào đó, như thông báo thu tiền rác nợ năm ngoái, nhưng thực ra đã thu năm ngoái rồi, mà hầu hết người dân không biết gì nên đóng, còn những người giữ chứng từ, giấy tờ của năm trước thì thấy vô lý, hỏi, họ mới trừ ra. Mà hỏi thì cán bộ nói giọng hách dịch lắm, nói là để giải quyết chứ không xin lỗi dân. Chỉ vậy thôi đã thấy đầy rác rưởi rồi. Thêm nữa, cái khoản tính gian đó là để bù cho nửa năm bị ôm đi. Coi như bù chừng nào hay chừng ấy, chứ tiền thì bị ôm chạy mất rồi.

– Tiền dân đóng vào ngày hội thuế, vậy thì lấy đâu để ôm chạy?

– Chị đặt câu hỏi rất chuẩn, thực ra thì tiền rác thường thu trước và đóng sau, tức thu của dân đầu năm hoặc giữa năm nhưng đóng cho công ty môi trường vào cuối năm. Ví dụ đầu năm 2023, tổ chức thu, sau đó ký quỹ ngân hàng nhằm sinh lãi hoặc cất vào tài khoản phường, đến cuối năm thì thanh toán với công ty môi trường. Cuối năm nay thanh toán đủ thì năm sau công ty mới thu gom rác tiếp. Cuối năm vừa rồi thủ quỹ ôm tiền bỏ chạy, mất dấu luôn, về phía công ty, họ tiếp tục thu gom rác và chờ thanh toán của năm trước. Cuối cùng thanh toán không đủ, họ ngừng thu gom, thành thử, nói rác trong hệ thống nó làm thối rác môi trường cũng không sai. Nhưng chuyện này được bưng bít, chỉ có một số người trong công ty môi trường họ “bức xúc”, họ nói mình mới hay thôi. Còn chuyện thu chi thì mình quá rành rồi! Nhưng buồn cười là lẽ ra họ phải đưa chuyện rác rưởi này ra ánh sáng thì họ lại bịt kín, xem như bí mật chính trị!

Xem thêm:   Nhà thờ Phú Cam

– Ui, đúng là chuyện rác rưởi thật chị hì!

Tư duy rác…

Anh Hùng, một giáo viên về hưu ở Đà Nẵng, bức bối:

– Nói cho cùng, rác ngoài môi trường càng đầy thì chứng tỏ tư duy rác trong con người càng cao!

– Xin anh nói cụ thể hơn, đây là tư duy rác của thiểu số hay của đa số, của hệ thống lãnh đạo hay của dân sinh nói chung?

Rác ra thành thị

– Đương nhiên đây là của số đông nói chung, nhưng phải kể đến số nhỏ, tức số cán bộ từ địa phương đến trung ương nói riêng trước đã. Nhìn chung, họ là những con người thông minh, nhưng tư duy của họ chứa đầy rác. Thứ rác đầu tiên, dễ thấy nhất là rác tư tưởng, một thứ rác luôn lấy vật dục làm kim chỉ nam và bất chấp, chính vì lấy vật dục làm kim chỉ nam nên người ta không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để tham ô, tham nhũng, ăn hối lộ, thụt két nhà nước, có cái hay, cái tốt thì vơ về mình, có miếng ngon thì ôm trọn, có cái tệ, cái dở thì ném ra xã hội. Một khi hệ thống lãnh đạo mang thứ tư duy này thì đừng trách sao người dân họ không mang tư duy rác, họ cũng cố đấm ăn xôi, họ cũng tìm cách khoắng của ai đó nếu có cơ hội và họ cũng ném rác ra đường.

– Ném rác tư tưởng, rác văn hóa ra đường có mối liên quan nào với ném những bịch rác thải ra đường thưa anh?

– Rác thải là thứ cụ thể hóa rõ nét của tư duy rác. Bởi anh không có trách nhiệm xã hội và cũng không trăn trở làm sao cho môi trường chung quanh xanh, sạch, đẹp, ngay cả rừng nguyên sinh, nếu có cơ hội thì anh chặt phá mang về nhà. Vậy thì sau khi chế tác rừng để làm đồ nhà, anh thải rác đi đâu? Đương nhiên nói như vậy thì tối nghĩa quá, vấn đề là khi anh chỉ biết sạch cho anh, ngon cho anh, lòng ích kỷ anh đã dâng cao, thì anh chẳng bao giờ quan tâm đến môi trường xã hội. Việc anh vứt rác bậy bạ chỉ là biểu hiện cuối cùng của tư duy rác, mà cũng là biểu hiện đầu tiên đấy, bởi đằng sau nó còn một chuỗi biểu hiện nữa!

Xem thêm:   Bánh bao măng

– Những biểu hiện khác, xin anh cho biết thêm?

– Có lẽ đây là vấn đề nhạy cảm. Nhưng bây giờ thử nhìn vào bất kỳ lĩnh vực nào, người ta ném rác vào đó đầy rẫy, người ta chưa bao giờ nuôi ý thức xây dựng một sinh quyển làm việc sạch đẹp mà người ta tha hồ bôi nhọ mặc dù vẫn nói bô bô trên miệng, thậm chí tuyên truyền về cái đẹp, sự thanh liêm. Nhiều quá, không nói hết được!

Cùng quan điểm với thầy giáo Hùng, một người tên Sinh, đang là cán bộ y tế, than thở:

– Nỗi lo của đất nước mình, có lẽ là rác chị ạ!

– Xin anh nói rõ thêm?

– Thưa, rác đã vào tận đời sống và tâm thức con người. Mỗi con người trở thành một tiểu nhà máy sản xuất rác, ở đó, người ta sản xuất ra rác tham lam, rác kèn cựa, rác đố kỵ, rác ganh ghét, rác ghen ăn tức ở… Có đủ các loại rác, thậm chí, ở chùa bây giờ cũng đầy rác. Như vậy thì sá gì rác ngoài các con đường. Nhưng, đó là nói theo nghĩa bóng, còn nghĩa đen, rác do tư duy kinh tế nữa ạ!

– Dạ, xin anh mở rộng vấn đề về rác do tư duy kinh tế?

– Đó là thứ tư duy mà tôi từng nhìn thấy thời dịch Covid-19 rất rõ nét. Tức là thằng bự thì lo tìm cái cục bự bằng cách lùa nhân dân vào một chỗ và tọng đầy thức ăn. Nhưng đường xả thì không có, kết quả chết chất như núi, đau thiệt. Còn hiện tại, người ta luôn nghĩ đến một nền sản xuất cho ra thật nhiều sản phẩm nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cách tiêu thụ cái núi rác thải ra từ nền sản xuất đó. Vô hình trung, người ta biến mỗi con người thành cái máy thải rác và mỗi con người cũng tự làm nhà máy giải quyết rác. Kinh, nghĩ tới đây mà thấy kinh hồn bạt vía chị ạ!

Mấy chữ “kinh hồn bạt vía” của cán bộ y tế Sinh hoàn toàn có cơ sở thực tế của nó và anh chẳng nói quá một chút nào nếu như chịu khó quan sát thực tế, có thể còn đáng sợ hơn mấy chữ kia nữa!

UC