Như chúng ta đã biết, Phan Khôi là một học giả, nhà báo nhà văn xuất sắc. Sở học của cụ rất rộng và cụ đã đóng góp nhiều bài viết giá trị cho văn học. Kỳ trước chúng ta đã điểm truyện Ông Bình Vôi. Hôm nay xin bàn tới truyện Ông Năm Chuột. Một truyện được cho là rất ác của Phan Khôi. Truyện đăng trên Văn số 36 ngày 10 tháng 1.1958  khiến tờ báo bị đóng cửa. NGUYỄN & BẠN HỮU

Truyện Ông Năm Chuột kể về một con người mà bề ngoài chỉ là một thứ dân hèn mọn nhưng ẩn chứa bên trong một nhân cách sâu sắc đáng kính trọng. Hành trình khám phá kéo dài mấy chục năm.

Năm 1901, cậu bé Phan Khôi mới 14 tuổi vốn sinh ở làng Bảo An, huyện Ðiện Bàn tỉnh Quảng Nam, đi học ở nơi xa, thỉnh thoảng về làng thăm nhà. Mỗi lần về cậu lại nghe nói về Năm Chuột đang sống lang thang trong làng, không nhà cửa, không vợ con, sinh nhai bằng nghề thợ bạc là chính, nghề phụ là sửa đồng hồ, bút máy, xe đạp, khóa tây. Anh ta nổi tiếng là thợ khéo nhất trong chốn đô hội, Huế, Ðà Nẵng, Hội An. Nhưng có tiếng đồn anh ta hay ăn cắp vàng bạc khi nhận làm, mà ăn cắp tinh vi không ai bắt được bao giờ. Người ta còn xì xào một cách bí mật là anh ta dám đúc súng, làm bạc giả mưu đồ làm “giặc”. Tệ hơn nữa, người ta còn khinh miệt anh ta là kẻ nói láo, nói phét thuộc cái hạng “mười voi không được bát nước xáo”. Cậu thiếu niên Phan Khôi nghe qua rồi cũng chẳng để tâm. Cậu đang lo học chữ Nho nhằm đỗ thủ khoa kỳ thi Hương vài năm nữa. Hơn nữa, cậu là con quan tri phủ Phan Trân, hơi đâu để ý đến một anh thợ bạc hèn mọn.

Năm 1906, sau khi đậu tú tài nhưng không được thủ khoa, cậu về Bảo An rồi đi Xuân Ðài thăm bà ngoại và ông cậu vốn là tri phủ đã về hưu (mẹ Phan Khôi là con gái của cố Tổng Ðốc Hoàng Diệu). Chính tại nhà bà ngoại, cậu Phan đã gặp Năm Chuột. Bây giờ Phan đã thành chàng thanh niên 20 tuổi. Chàng miêu tả Năm Chuột  “…đầu trọc, quấn cái khăn vải đen, áo cộc cúc giữa, quần đến đầu gối, chân mang dép da sống. Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi chào cậu tôi…….

Cậu tôi chào như không phải chào:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

– Anh Năm phải?

– Dạ, lâu lắm, có thể quan lớn quên tôi.

Chàng Phan về trước, không biết Năm Chuột đến nhà ông cậu có việc gì.

Nhưng trên đường đi được một đoạn bỗng thấy đàng sau có tiếng gọi, chàng thấy Năm Chuột đang tiến gần mình. Anh ta tự giới thiệu:

“- Tôi là Năm Chuột đây…Rồi đột ngột hỏi tôi: -Nghe nói cậu đậu tú tài mà cậu khóc, có phải không? Giả sử cậu được đậu thủ khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì?

Một gáo nước lạnh xối vào xương sống. Tôi bẽn lẽn, ấp úng cười hì hì không trả lời được”.

Ðấy là lần đầu tiên chàng Phan lãnh một câu nói xúc phạm từ một dân hèn đối với giai cấp thống trị.

Năm Chuột nói tiếp ông cậu từng là tri phủ mà keo kiệt trả cái dọc tẩu hút thuốc phiện khảm xà cừ nạm vàng có năm đồng bạc. Chàng Phan mới biết anh ta đến nhà ông cậu để cầm đồ. Phan tìm cách bào chữa cho cậu, nói cậu về hưu làm gì có tiền. Năm Chuột nói: “Quan lớn hồi xưa ( chỉ Tổng Ðốc Hoàng Diệu, ông ngoại ) làm đến Tổng Ðốc vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói; còn ông phủ (chỉ cậu tôi) mới làm tri phủ có ba năm về “chung dưỡng” mua được những mười mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói không có nhiều tiền?”

Ðòn thứ hai giáng xuống khiến chàng Phan chưa kịp phản ứng thì đã lãnh đòn thứ ba: “-Ai có đời, cha đánh Tây mà con trở đi làm quan với Tây”.

Trước khi chia tay, anh ta xin lỗi chàng Phan vì lần đầu gặp gỡ mà nói toàn chuyện mếch lòng, nhưng ngỏ ý muốn gặp lại chàng một lần khác.

“Tôi vừa đi về nhà vừa nghĩ: “À ra Năm Chuột là con người như thế đấy. Là một anh thợ bạc, sao lại nói được những điều như thế, tôi lấy làm lạ”.

Mười năm sau, khoảng 1920, chàng Phan đã 33 tuổi từ Hà Nội về làng, mới biết Năm Chuột đã lấy vợ, xin làng được một vạt đất nhỏ trên Cồn Mũi Gươm gọi là đất Chó Ỉa, dựng một túp lều tranh, phía trước đặt đồ nghề là một cái bễ thổi lửa để làm nghề rèn.

Chàng Phan đến thăm, anh ta tỏ ra vui mừng nhưng lần này gọi chàng là Ông. Chàng nói vẫn muốn được nghe những chuyện đại loại như mười năm trước. Anh ta nói:

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

“-Thôi thôi, đã lâu nay tôi không còn nói những chuyện như thế nữa. Nói không có người nghe mà còn có hại. Giá tôi còn cứ nói cái lối đó thì không thể nào lấy vợ và lập gia cư ở làng ông được”.

– Ðã thế thì đến phiên tôi. Trước kia ông không sợ mếch lòng tôi, thì bây giờ tôi cũng không sợ mếch lòng ông mà hỏi ông một vài điều”.

Năm Chuột sẵn sàng chịu sự phản pháo của chàng. Chàng hỏi anh ta rằng người ta đồn đại anh ta hay ăn cắp vàng khi nhận làm đồ, có thật thế không.

“Anh ta lại cười một cách xỏ lá: Thứ ăn cắp mà kể gì? Có những kẻ ăn cướp thì không ai nói đến. Tôi có ăn cắp vàng thật đấy, nhưng cũng tùy chỗ, tùy người, ở làng Bảo An đây thì tôi không thèm”.

Anh ta tiếp: “Kể ra cũng không ít. Nhưng tôi đều ăn cắp ở bọn ăn cướp như Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Phủ,  Huyện…Những việc như thế tôi cũng chẳng giấu, cứ hay đem nói với người ta, cũng như nói với ông đây, cho nên mang tiếng, chứ thuở nay đã có ai bắt được tôi ăn cắp đâu”.

Anh ta biểu diễn tài cân đồ vàng chỉ bằng cách nhấc nhấc bàn tay, không cần dùng cân tiểu ly. Kiến thức của anh ta về các loài kim, công thức hợp kim thế nào như hợp đồng với kẽm sẽ ra hợp chất gì làm cho chàng kinh ngạc. Chàng buột miệng hỏi anh ta học từ thầy chuyên môn nào, anh ta cười đắc ý, vỗ vào đùi chàng:

“Xưa nay mới có người hỏi tôi câu ấy là ông. Tôi chẳng học với thầy nào hết; tôi chỉ đọc có một cuốn sách là cuốn Kim Thạch Chí Biệt”.

“Tôi sửng sốt nghĩ bụng: té ra anh này còn biết chữ nữa kia. Cái tên sách ấy tôi chưa hề nghe, cũng không dám ngờ là anh ta bịa đặt.”

Chàng không muốn bày ra cái dốt của mình nên không hỏi gì thêm, về nhà hỏi cha cũng không biết. Lâu sau bất ngờ đọc Lỗ Tấn Toàn Tập mới thấy tên cuốn sách đó. “Tôi nghĩ mà lấy làm thẹn, sao mình đã không biết mà lúc bấy giờ không hỏi ngay anh ta.

Chỉ vì nghĩ mình là người học thức, viết báo viết biếc mà tỏ cái dốt trước một anh thợ bạc thì ê quá”.

Sau cuộc khám phá bất ngờ ấy, chàng Phan càng tò mò về con người này khiến chàng trở lại nhiều lần những năm sau đó. Hình như gặp được tri kỷ, anh ta bộc lộ hết trí tuệ của anh ta.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Có lần anh ta bỗng hỏi về cha chàng. Tại sao mới 38 tuổi mà cụ đã cáo lão về hưu? Chàng trả lời vì cụ cãi nhau với viên công sứ người Pháp. Anh ta vặn hỏi lại nếu đã không hợp tác với Tây thì ngay từ đầu đừng đi làm quan, đâu cần chờ đến khi cãi nhau với nó. Chàng Phan bí lối không trả lời được.

Anh ta bèn giải thích lý do sâu trầm tại sao cụ tự ý rút khỏi quan trường. Từ xa xưa rồi, làng Bảo An không phải là đất phát quan lớn như làng Ðông Mỹ và Xuân Ðài từng có Tổng đốc.

Nhiều người làng Bảo An học giỏi nhưng chỉ làm đến tri huyện, tri phủ thì thị cách. Ông cụ của chàng biết thế nên kiếm cớ tự rút lui không để bị cách.

Chàng Phan chỉ đành chịu chuyện mà phục cái lý luận chắc chắn của anh ta. Nhưng một sự kiện cuối cùng làm chàng sửng sốt nhất. Có lần chàng bỗng nhìn thấy lẫn lộn trong thùng đồ nghề của anh ta một cuốn sách chữ Hán đã cũ, nhem nhuốc, nhiều trang đã bị xé mất. Chàng tò mò rút ra, thấy nhan đề Thương Sơn Thi Tập.

Chàng biết thi tập này có 10 cuốn, mới hỏi anh ta sao chỉ có một cuốn. Anh ta nói giấy sách tốt nên quấn thuốc lá hút ngon lắm.

“Ông có xem không?

– Thơ của ông Hoàng, mình xem thế nào được. Tôi chỉ xem được có một bài Mại Trúc Diêu. Tôi phát lạnh người”.

Chàng có đọc sơ qua thi tập này nhưng không biết bài này thế nào, không dám hỏi vì sợ lòi cái dốt của mình.

Khi về nhà, chàng  lục tìm trong bộ Thương Sơn mới thấy bài này, chàng bèn dịch ra Việt ngữ, đăng vào báo Phụ Nữ Tân Văn rồi sau nữa in chung trong tập Chương Dân Thi Thoại….

Từ khi biết Năm Chuột có chữ nghĩa ẩn tàng, ông Phan Khôi thường đến chơi bàn luận thơ phú. Năm Chuột chỉ nghe, hỏi mà không góp ý kiến gì. Ông có vẻ trách điều này thì Năm Chuột nói: “Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói; tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề thợ bạc cho tôi”.

NGUYỄN & BẠN HỮU

(theo Đào Ngọc Phong – Việt Báo Online)