Nhà thơ Phan Xuân Sinh sinh ngày 02/01/1948 tại Nại Hiên Tây – Đà Nẵng. Học trung học ở trường Sao Mai, Đà Nẵng. Năm 1971 anh theo tiếng gọi của người trai thời chiến, vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường, anh chọn làm sĩ quan Trinh Sát. Năm 1972, trong một cuộc hành quân lùng địch ở xã Cẩm Hải, quận Điện Bàn Quảng Nam, anh đụng trận, bàn chân phải của anh đạp phải mìn bẫy, đứt lìa.

Phan Xuân Sinh định cư Hoa Kỳ từ ngày 1/6/1990, lúc đầu ở Boston, sau này sống tại Houston, Texas.

Sinh thời, Phan Xuân Sinh trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, khốc liệt. Mất mẹ lúc chưa đầy tuổi. Sống côi cút với cha. Đi vào chiến trận mất một bàn chân. Sau 1975 buôn bán chợ trời, lao mình vào cuộc mưu sinh. Vượt biên bị lường gạt. Sang Mỹ năm 1992 theo diện HO. Chị Thiên Nga, một phụ nữ hiền thục, là vợ anh. Họ có hai con trai. Con đầu chết vì tai nạn xe cộ cách đây mấy năm. Con thứ hai bị tâm thần hiện phải nằm viện. Với bao nhiêu thử thách lớn lao như thế, Phan Xuân Sinh vượt qua và có  lúc thành công rực rỡ. Hồi ở Boston, anh mở tiệm rượu và tạp hóa, thành công tốt đẹp. Nhưng rồi anh bán tất cả, gom góp vốn liếng qua Dallas mua lại tiệm rượu và cây xăng của một người bạn. Lúc đầu thành công nhưng rồi tình hình địa phương thay đổi anh phải bán tống bán tháo dọn về Houston. Ở đây chị Nga mở tiệm nail nhưng rồi vào năm 2015 chị bị stroke phải đóng cửa tiệm. Từ đó cuộc đời xuống dốc và anh Phan Xuân Sinh qua đời vì bệnh tim ngày 28 tháng 2 vừa qua.

Cuộc đời Phan Xuân Sinh như chúng ta đã thấy là một vở kịch lớn. Qua bao nổi nênh của thế sự thăng trầm, anh là người chân tình, hào sảng, được anh em văn nghệ các nơi quý mến. Nhà anh ở Boston cũng như Dallas, Houston thường đông đúc bạn bè. Anh đã giúp đỡ nhiều anh em lúc gặp khó khăn. Vui nhất là hồi ở Boston. Bạn văn từ xa thường đến thăm anh và ra mắt sách, Phan Xuân Sinh gần như lo hết mọi chuyện, từ đưa đón, ăn ở cho đến tiệc tùng, tham quan. Các buổi ra mắt sách được tổ chức ngay trong nhà của anh hoặc ngoài hội quán cộng đồng. Nhà anh khá lớn, có cả một basement rộng. Anh em văn nghệ tụ họp ăn uống ở lại đây. Phụ tá đắc lực cho anh không ai khác hơn là chị Nga. Theo Trần Doãn Nho, anh chị không những tiếp đón khách, tổ chức sinh họat văn nghệ, còn đảm trách luôn cả việc đưa anh chị em đi các nơi: Canada, Washington DC, New Jersey, Philadelphia… Anh lái xe, chị lo ăn uống. Sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở Boston một thời rộn rã là nhờ Phan Xuân Sinh. Sau này, anh chuyển công việc làm ăn về Texas; thiếu anh, Boston dường như lắng xuống. Ngược lại, có anh, Houston khởi sắc lên, nhất là khi công việc làm ăn của anh chị xuôi chèo mát mái. Nhà anh luôn rộng mở. Bạn bè văn nghệ khắp nơi, khi đến Houston, không có chỗ nghỉ chân hay cần họp mặt hàn huyên là cứ tới nhà Phan Xuân Sinh. Sống chan hòa như thế, song vận rủi cứ liên tiếp đổ xuống gia đình anh, sau này. Chị Nga bị đột quỵ, rồi lại tái đột quỵ, khiến công việc kinh doanh phải đình chỉ. Từ đó chị Nga sống dựa vào anh, dù bản thân anh, vốn là thương phế binh, cũng mang đủ thứ bệnh của người lớn tuổi. Đã thế, tháng 9/2020, đứa con trai đầu của anh, độc thân, bị tai nạn, qua đời. Đứa con trai còn lại, cũng độc thân và cũng bị bệnh tâm thần phải nằm viện. Bây giờ anh ra đi, còn lại chị Nga, một mình.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Phan Xuân Sinh là nhà thơ, qua Mỹ anh viết thêm truyện ngắn, tùy bút, chân dung văn học…

Tác phẩm in trên nhiều báo, tạp chí và diễn đàn như Văn, Văn học, Hợp lưu, Chủ Đề, Thế kỷ 21, Làng văn, Phố văn, Talawas, Da màu, Văn chương Việt, Văn Việt…

Các tác phẩm đã xuất bản:

– Chén Rượu Mời Người (tập thơ, Phan Xuân Sinh-Dư Mỹ/1996)

– Đứng Dưới Trời Đổ Nát (tập thơ/2000),

– Bơi Trên Dòng Nước Ngược (tạp bút/2004),

– Khi Tình Đang Ru Đời (thơ/2008),

– Sống Với Thời Quá Vãng (tạp bút/2009).

Sau đây mời các bạn đi vào cõi thơ Phan Xuân Sinh qua bài viết mới nhất của nhà văn Trần Doãn Nho, tựa đề Tưởng Nhớ Phan Xuân Sinh.

NGuyễn&BẠN HỮU

Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh

Phan Xuân Sinh mê văn chương. Anh làm thơ đăng báo từ trước 1975 và tiếp tục làm thơ khi ra hải ngoại. Nhiều bài thơ của anh với hiện thực chan hòa trong lý sự, tạo thành một phong cách riêng, đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Trước sau, anh xuất bản 3 tập thơ. Tôi đã có nhiều dịp “bình” thơ Phan Xuân Sinh, hoặc qua lời Tựa hoặc khi anh ra mắt tác phẩm. Nói chung, theo tôi, “Hơi thơ của Phan Xuân Sinh lạ, ngang tàng mà u uất, cuồng ngạo mà xót xa, sâu mà chân chất. Trong cuộc rượu, đọc lên nghe nghèn nghẹn, tưng tức và cảm giác như muối xát vào lòng.” (thi tập Đứng dưới trời đổ nát). Thơ anh không cần phân tích dài hơi. Anh làm thơ y như thể đang trò chuyện với bạn bè trong cuộc nhậu. Dù đề cập đến bản thân, người tình, kẻ địch hay đồng đội, ngôn ngữ Phan Xuân Sinh thẳng băng, hiếm khi vận dụng lối nói tu từ màu mè, bóng bẩy. Muốn hiểu thơ anh, rất giản dị, chỉ cần mang bài thơ ra đọc. Là đủ. Bàn thêm, đôi khi sẽ thấy thừa. Lại không khéo sẽ làm bay đi mất cái “chất” riêng vốn sẵn.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

trên chiếu rượu. Bạn là tay cự phách

cỡ như ta cũng phải chầu rìa

nhào vô. Chỉ thấy mình lãnh đạn

thối lui…đâu được. Cứ lia chia

máu Quảng Nam ta, hơi thô lỗ

vài ba chén rượu, đã cãi càng

bận tâm chi mấy lời nói sảng

rượu vô, điên tiết cứ huênh hoang

                (Chén rượu tạ lòng bạn hiền)

Phan Xuân Sinh (phải) và bạn bè

Phan Xuân Sinh thế đấy: chầu rìa, nhào vô, lia chia, cãi càng, nói sảng, điên tiết…

Thực ra, nếu lưu ý, qua thứ ngôn ngữ nghe rất “đời thường” đó, thơ anh ẩn chứa một nét khác: tính nghịch lý. Chẳng hạn, nghịch lý tiền tuyến/hậu phương:

ta vẫn nằm trên đồi gió thổi

chim hót ban ngày, pháo dội ban đêm

em cứ chạy theo từng mốt mới

còn ta, uống rượu để tìm quên

                       (Nghe chim hót trên đồi 55)

Chẳng hạn, nghịch lý quê hương/đảng:

trên quê hương tôi

lòng người đổ vỡ, tan hoang

khi những người thắng trận

(…)

thay vì xây dựng quê hương

lại xây dựng đảng

thay vì vá lại những vết thương

lại vạch thêm những vết nứt

những đứa bé đến trường

phải thông qua lý lịch

bài học đầu đời không cần đạo đức

phải tỏ tấm lòng

nhiệt thành cách mạng

những học vị vứt vào sọt rác

 

lao động là vinh quang

những thằng vô học đứng trên bục giảng

rêu rao lý thuyết điên cuồng

như vẹt

không nuôi được nhân dân

nhưng làm giàu bè đảng

quê hương tôi chìm trong uất nghẹn (Bom nổ giữa tim người)

Hay nghịch lý bộ đội/lính:

sau vài ly, ông nhìn tôi từ đầu tới chân

anh là ai? thấy quen quen như gần gũi

tôi trả lời ông, xin thưa, tôi là thằng “lính ngụy”

xưa kia… có lần tôi nhắm bắn trật ông

ông cười ha hả hèn chi thấy quen

mình là lính chuyên nghiệp,

mà “dở ẹt’ nghề xạ thủ

bữa nhậu nầy tràn ly vẫn chưa đủ

tôi với ông đều là thứ lính dân chơi

                                   (Người lính già, bên kia)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Bài thơ này còn hàm chứa một nghịch lý khác: bắn trật/bắn trúng. “Bắn trật” ở đây nói lên một yếu tố rất nhân văn của người lính Phan Xuân Sinh: không muốn giết người. Vậy ai là kẻ “bắn trúng”. Dạ thưa, đây:

cuộc chiến qua, như một tấm tuồng đời

thấy chúng nó bắn đâu trúng đó

bắn tan xác nhân dân,

bắn tanh bành đất nước

vẫn chưa thỏa được lòng tham

Không những chỉ bắn trúng một cách chung chung, mà “bắn đâu trúng đó”. “Chúng nó” chẳng ai khác hơn đám quan chức nhà nước hiện nay, tạo nên một vấn nạn nhức nhối của đất nước gần như không tìm ra lối thoát. Rõ là Phan Xuân Sinh nhạy cảm với cái nghịch lý. Và tìm cách biến nó thành thơ.

Đọc bài thơ trên, không thể không nhớ đến “định nghĩa” về chiến tranh của nhà thơ Paul Valéry (Pháp): “Chiến tranh là cuộc tàn sát lẫn nhau giữa những người không quen biết nhau, để phục vụ cho những người quen biết nhau nhưng không tàn sát lẫn nhau” (La guerre est un massacre de gens qui ne se connaissent pas au profit de gens qui se connaissent bien mais ne se massacrent pas).

TDN – 3/2024