Sư đoàn Nhảy dù là xương sống của quân lực, như chữ dùng của Phan Nhật Nam trong Mùa Hè Đỏ Lửa; ngoài 3 lữ đoàn tác chiến với 1 lữ đoàn pháo binh còn có thêm 1 tiểu đoàn quân y mà tiểu đoàn trưởng là trung tá Hoàng Cơ Lân từ tháng 3-1965 đến tháng 2-1970. Như vậy trung tá Hoàng Cơ Lân là y sĩ trưởng Nhảy dù lâu năm.

Trước khi làm giám đốc Trường Quân y, đại tá nhiệm chức Hoàng Cơ Lân sang Hoa Kỳ học khoá Tham mưu Cao cấp ở Fort Leavenworth tại Kansas. Câu hỏi đặt ra là để làm gì? Quân y VNCH không có chức năng tác chiến như quân y của Nhảy dù Đức là binh chủng Fallschirmjager mà một khi các sĩ quan tử thương thì bắt buộc y sĩ trung úy phải đảm trách điều động lính tấn công mục tiêu hoặc tử thủ đến cùng. Y sĩ nhảy dù Đức buộc phải biết gọi pháo, câu mortier, ném lựu đạn, sử dụng đại liên, biết gài mìn và dùng súng chống tăng Panzerfaust cũng như phải biết điều động các đại đội. Ngược lại huấn luyện căn bản của y sĩ tiền tuyến VNCH rất sơ lược. Vậy thì gửi đại tá Hoàng Cơ Lân theo học khóa tham mưu cao cấp cho nhiệm vụ gì? Phòng nhân sự của Bộ Tổng Tham mưu VNCH có quá xa thực tế hay không? Ở quân đội Pháp cũng như quân đội Nam-Việt, các cấp chỉ huy không lấy quyết định chiến thuật sau bàn bạc với sĩ quan quân y.

Ngoài chi tiết trên, phỏng vấn của nguyệt san Pháp đầy sống động vì cung cấp nhiều chi tiết chiến tranh, trộn lẫn với thương tâm.

Hình ảnh từ album gia đình cựu đại tá Hoàng Cơ Lân cung cấp cho báo Pháp. Các đoạn trong ngoặc đơn hay đánh số ()… là ghi chú thêm của người dịch.

[Trần Vũ]

Phỏng vấn do Olivier Vece và Benjamin Fayet thực hiện

Trần Vũ dịch thuật

Guerres & Histoire: Tết Mậu Thân 1968, ông đang ở Sàigòn

Hoàng Cơ Lân: 30 tháng Giêng 1968 (7) là sinh nhật tôi và tôi đang ở nhà với vợ con. Báo động ứng chiến lúc 2 giờ sáng! Nửa giờ sau xe jeep Nhảy dù đến đón tôi ra trại Hoàng Hoa Thám xuyên qua đường phố hoang vắng nhưng đã ngập Việt Cộng mà tôi chưa biết! Vừa đến trại là địa ngục thức giấc. Súng nổ khắp nơi, giao tranh cùng khắp, đánh nhau ác liệt trong từng khu phố, lính Nhảy dù giành giật từng thước đất bên trong phi trường Tân Sơn Nhất bên cạnh trại Hoàng Hoa. Chính Nhảy dù VN đánh bật cộng quân ra khỏi phi trường vì không có đơn vị Mỹ ở đây. Sau đó Quân đoàn 2 Dã chiến Hoa Kỳ (2nd Field Force) phụ trách Sàigòn và vùng III (8) gửi thiết đoàn Ontos (9) đã yểm trợ kỳ diệu. Tuần lễ sau Tết chúng tôi nghiền nát bọn Việt Cộng. Rửa sạch từng căn phố, giặt giũ từng ngõ hẻm. Tôi theo dõi các cuộc đụng độ từ bộ chỉ huy, tôi chưa về nhà từ đêm Giao thừa, đã hơn tháng. Trận chiến Mậu Thân cực kinh hoàng. Tôi trông coi tải thương, tiếp tế thuốc men và truyền máu … Hoa Kỳ giúp chúng tôi rất nhiều, nhất là cho huyết tương… không đong đếm. Sau đó, chính Quân lực VNCH một mình hoàn tất việc thanh tẩy Cộng sản ra khỏi thủ đô.

(7) Mùng một Tết Mậu Thân 1968 là ngày 31 tháng 1 – Dương lịch.

(8) 2nd Field Force, Quân đoàn 2 Dã chiến Hoa Kỳ yểm trợ cho Vùng 3 Chiến thuật VNCH là một quân đoàn quân số cấp Lộ quân bao gồm 5 sư đoàn cơ động (1, 9, 25, 101 và Không kỵ First Cav), tăng cường 6 lữ đoàn bộ binh, không vận, thiết giáp với lực lượng đặc nhiệm Úc và Hoàng gia Thái. Bộ chỉ huy đóng ở căn cứ Long Bình.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 8 năm 2024

(9) Một thiết đoàn tương đương với một tiểu đoàn thiết giáp. Ontos là chiến xa M50 Ontos nặng 8.6 tấn trang bị 6 đại bác không giật 106 ly M40 và 4 đại liên 12 ly 7 Browning M2. Vận tốc 48km/g, tầm hoạt động 185 km. Do trọng tải nhẹ, chiến xa Ontos được thiết kế để vận chuyển bằng máy bay và trực thăng vận tải CH-53 Sea Stallion (Sikorsky S-65). Sản xuất trong 3 năm 1955-1957, mục đính chính của chiến xa Ontos là yểm hỏa cho bộ binh khi chiến xa ở vị trí cố định mà không nhằm đương đầu với chiến xa đối phương. Tại chiến trường Thừa Thiên, 6 đại bác 106 ly nã đạn cùng lúc tạo nên màn lưới hỏa lực hiệu quả; tuy nhiên thời gian nạp đạn chậm, cùng với vỏ thép quá mỏng vì cần giảm thiểu trọng lượng khiến Ontos dễ bị B-40 bắn cháy. Sau chiến tranh VN, Ontos bị quân đội Hoa Kỳ bán ve chai.

Đại tá Hoàng Cơ Lân trong và sau chiến tranh

Guerres & Histoire: Rồi ông rời Sàigòn ra Huế …

Hoàng Cơ Lân: Sư đoàn Dù ra Trung phần để tái chiếm Cố đô. Nhảy dù tham chiến khắp nơi – đánh nhau ở Nha Trang và ở cả Đà Nẵng. Nhiệm vụ của tôi là điều phối các cuộc tản thương. Những mồ chôn tập thể, những phụ nữ tức tưởi chết đi sống lại, những ông già bà cả ngập ngụa nước mắt với bó nhang trong tay hằn ghi trí nhớ tôi không bao giờ quên. Cộng sản là lũ giết người. Chúng đã giết 3,000 thường dân gồm cả trẻ nít. Một lũ súc vật bẩn thỉu. Không bao giờ quân đội quốc gia Nam-Việt làm điều đó, ngay cả khi có lệnh. Sự tàn ác phi nhân tính (10). Là chủ nghĩa Cộng sản.

(10) Đại tá Hoàng Cơ Lân trả lời phỏng vấn bằng Pháp văn:  ‘‘La méchanceté à l’état pur.’’ Từ điển Pháp-Việt của cụ Đào Duy Anh do Nxb Trường Thi in tại Hà Nội năm 1952 dịch ‘‘méchanceté’’ là độc ác, còn ‘‘pur’’ là thuần khiết. Hai chữ ‘‘thuần khiết’’ không rõ nghĩa trong tiếng Việt. ‘‘La méchanceté à l’état pur’’ trong Pháp văn hàm nghĩa độc ác ở tình trạng nguyên thủy; tức là tình trạng bán khai hoặc động vật ăn thịt. Do vậy mạn phép dịch ‘‘Sự tàn ác phi nhân tính.’’

Guerres & Histoire: Sang giai đoạn 1969-1970, không còn những cuộc hành binh lớn phía Hoa Kỳ, nhưng chiến tranh tiếp tục khốc liệt. Ông tham gia trận nào nữa?

Hoàng Cơ Lân: Trận cuối của tôi, là cuộc hành quân ngoại biên sang Cam-bốt năm 1970. Chúng tôi phá hủy cơ sở hạ tầng cùng các binh trạm hậu cần của đối phương ở ngoại vi biên giới, nơi đóng quân của 3 sư đoàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Một sư đoàn Việt Cộng  tấn công chúng tôi cho đến khi bị tiêu hao, bộ đội thấm mệt, thì lui về bên kia biên giới dưỡng quân để một sư đoàn khác thay thế. Và cứ như vậy. Mất an ninh toàn diện. Là lý do vì sao VNCH phải đánh sang Cam-bốt. Chúng tôi tập kích vào chiến khu Việt Cộng. Suốt binh nghiệp tôi chưa từng thấy vũ khí bị tịch thu nhiều như vậy. Tôi đi với Tiểu đoàn 2 Cơ giới – 2nd Mechanised Battalion (11), trên thiết vận xa M-113 sơn cờ Liên Hiệp Miền Nam Hoa Kỳ (Confederate States of America). Chúng tôi ở vị trí tiên phuông. Nhảy dù ở phía sau. Chúng tôi vượt qua phòng tuyến Khmer như ngón tay chọc lún vào bơ, đến tận thủ đô Nam-Vang. Tôi rất ngạc nhiên thấy còn một hiệu tạp hóa do Pháp kiều làm chủ. Cá nhân tôi khám phá một bệnh viện ngầm xây dưới lòng đất, trang bị đầy đủ. Nhưng thượng cấp nói: ‘‘Anh ở lại đây là mất mạng …” Và tôi nhận sự vụ lệnh khác.

Xem thêm:   Tranh tài lướt sóng US Open 2024

(11) Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 22 Cơ giới thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ, huy hiệu Tia Chớp Nhiệt Đới (Tropic Lightning), là sư đoàn từng tham chiến ở Guadalcanal trong Thế chiến thứ nhì, cũng là sư đoàn gốc của Oliver Stone và là đơn vị đánh trận trong phim Platoon của cùng đạo diễn.

Guerres & Histoire: Đi đâu?

Hoàng Cơ Lân: Về Sàigòn. Sở Y Tế Trung Ương trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, có đủ 3 ban Hải, Lục, Không quân. Tôi đảm trách ban quan trọng nhất, là Phòng Y tế Lục quân. Chức vụ của tôi là phân phối dược phẩm và điều phối các y sĩ ra tiền tuyến cho các quân binh chủng. Dưới quyền tôi có 720 sĩ quan. Y tế trại giam Phú Quốc, cũng là tôi. Phải cắt cử thường trực 2 y sĩ chăm lo sức khỏe cho bọn khốn nạn bị bắt ngoài mặt trận — trên 1,000  lính Bắc-Việt được nuôi ăn ở, được các y tá và bác sĩ của chúng tôi săn sóc. Họ được quyền nói chuyện trực tiếp với Hội Hồng Thập Tự. Khi bị bắt, lính Bắc-Việt ốm đói thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, lao và sốt rét. Lúc trao đổi tù binh, họ đều lên 10 ký lô. Cá nhân tôi đích thân chứng kiến một cảnh trao trả có 5 tù binh Bắc-Việt từ chối quay về thiên đường Cộng sản trên đất Bắc!

Guerres & Histoire: Năm 1971, ông sang Hoa Kỳ tu nghiệp. Vì sao?

Hoàng Cơ Lân: Khi ấy tôi là đại tá nhiệm chức, để lên đại tá thực thụ phải có bằng tham mưu do một học viện quân sự cấp. Tôi được gửi đi học 1 năm ở Fort Leavenworth ở Kansas — đi một mình, vì nhà tôi đang mang thai và chúng tôi đã có 1 cháu trai. Đi cả nhà quá phức tạp. Vào một hôm tháng 10-1971, khi các khóa sinh đang nghe giảng bài, thì một sĩ quan xuất hiện. ‘‘Toàn thể im lặng. Tin vui quan trọng: Đại tá Hoàng Cơ Lân vừa có con gái!’’ Nguyên lớp học vỗ tay. Trở về quê hương, tôi nhậm chức giám đốc Trường Quân Y Quốc gia. Chức năng chính là đào tạo y sĩ tiền tuyến và y tá chiến trường. Tôi giữ chức vụ này cho đến những ngày cuối cùng, năm 1975.

Guerres & Histoire: Các ông suy nghĩ gì khi Hoa Kỳ ồ ạt rút quân ra khỏi miền Nam?

Hoàng Cơ Lân: Chúng tôi có một đạo quân tinh nhuệ nên tin có thể giữ vững. Vẫn còn một số cố vấn Mỹ, tuy đúng là họ không làm gì nhiều nữa nhưng trợ giúp khí tài vẫn còn khá. Quân lực VNCH có một triệu binh sĩ, chúng tôi không sợ gì hết. Mặt khác Nixon đã hứa với Tổng thống Thiệu là Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh nếu Bắc-Việt tấn công.

Guerres & Histoire: Vậy vì sao thua trận?

Hoàng Cơ Lân: Bại trận là vì không thật sự giao chiến, chúng tôi liên tục lui binh theo lệnh. Nói quân đội Nam-Việt thiếu vũ khí và đạn dược, là sai! Căn cứ Long Bình ở Biên Hòa còn đầy ngập kho. Vậy tại sao? Với cá nhân tôi, ván cờ đã được định đoạt nên người ta tạo ra rối loạn để kết thúc. Làm sao mà chiến xa Bắc-Việt có thể tiến vào Sàigòn nhanh đến như vậy? Ủi ngã cổng sắt Dinh Độc Lập. Không một chiếc cầu bị giật sập! Bối cảnh miền Nam khi đó là một mớ hỗn độn được Hoa Kỳ trù tính và sắp đặt. Tất cả các đồng đội của tôi đều thấy như thế.

Y sĩ Đại úy Hoàng Cơ Lân hành quân tại Cà Mau năm 1962

Guerres & Histoire: Làm sao ông thoát khỏi tay Cộng sản?

Xem thêm:   Việt Dương & Trần Thị Nguyệt Mai với ‘Chân Dung Ngày Đó Bây Giờ’

Hoàng Cơ Lân: Tôi đang ở Sàigòn. Càng lúc càng lo lắng. Sẽ vô phước nếu rơi vào tay Cộng sản. Một người bạn đã yêu cầu phía Hoa Kỳ di tản tôi và gia đình. Ngày 28 tháng 4, trách nhiệm phân bộ CIA tại Sàigòn là Thomas Polgar điện thoại cho tôi: ‘‘Chiều nay anh và vợ con, 2 vali hành lý, không đem gì thêm.’’ Điểm hẹn ở Câu Lạc bộ Cercle trên đường Hồng Thập Tự gần công viên Tao Đàn. Chúng tôi bỏ lại tất cả. Tất cả. Tôi chỉ kịp quơ vài tấm ảnh, bằng cấp và giấy tờ tùy thân để có thể làm việc lại. CIA không di tản thân nhân trong  gia đình. Chúng tôi lên máy bay vận tải C-130 Hercules. Sang Phi Luật Tân rồi đến các đảo Guam, Wake, hải đảo Hạ Uy Di trước khi xuống San Francisco… Tôi ở tạm nhà một người bạn trong 3 tháng, sau đó quá chán nản, tôi đem gia đình qua Pháp.

Guerres & Histoire: Định cư tại Pháp có diễn ra suôn sẻ?

Hoàng Cơ Lân: Rất tốt đẹp, nhưng tôi phải thi lại bằng bác sĩ. Tôi bắt đầu lại từ đầu bằng công việc khám bệnh cho một tập đoàn y tế có nhiều phòng mạch, ở Andrésy trong tỉnh Yvelines, là tỉnh lỵ của nhiều danh họa phái ấn tượng. Dân chúng tử tế với tôi và tôi đông bệnh nhân. Tôi về hưu năm 1997.

Guerres & Histoire: Từ bấy, ông có quay về Việt Nam lần nào?

Hoàng Cơ Lân: Không đời nào! Để nhìn những gương mặt chuột Cộng sản! Với tôi, đã xong. (12)

(12) nguyên văn: Jamais! Pour voir ces faces de rats de communistes! Pour moi, c’est fini.

Guerres & Histoire: Ông từng làm việc với người Pháp rồi người Mỹ. Có khác biệt hay không?

Hoàng Cơ Lân: Người Pháp tình cảm hơn, gần với người Việt hơn. Người Mỹ chỉ biết công việc, công việc… Tôi nhiều thiện cảm hơn với người Pháp, vì họ đã làm rất nhiều cho xứ sở Việt Nam và tôi cũng nhiều bạn Pháp, nhiều đồng đội nhảy dù cũ. Tôi nghĩ đến chữ quốc ngữ, phiên mã qua mẫu tự La-tinh, là một đóng góp. Nhưng tôi cũng ưa mến người Mỹ. Tôi đã vuốt mắt cho nhiều binh sĩ Hoa Kỳ phút lâm chung.

Phỏng vấn do Olivier Vece và Benjamin Fayet thực hiện tại tư gia cựu đại tá Hoàng Cơ Lân ở Villejuif, Val de Marnes, Paris. Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn “Hoang Co Lan, un Médecin-Para contre le Viet Cong” in trong nhị nguyệt san Guerres & Histoire số 77 phát hành tháng 2-2024.

Y sĩ Hoàng Cơ Lân đang truyền máu cho thương binh.

Phụ chú của nguyệt san Guerres & Histoire

Quân đội Quốc gia Việt Nam thành lập năm 1949, quân số lên đến 168,000 quân nhân chính quy và 38,800 phụ lực quân vào năm 1954. Ngày 30 tháng 12-1955 Ngô Đình Diệm thiết lập nền Cộng Hòa Nam-Việt và quân đội mang tên chính thức là Quân Lực VNCH. Với quân viện Hoa Kỳ, quân số tăng lên 192,000 binh sĩ vào năm 1963 rồi 355,000 lính chính quy vào năm 1970, không tính địa phương quân và nhân dân tự vệ. Sang 1972, Quân Lực VNCH đạt mức cao nhất là 950,000 quân nhân mà 410,000 là lính chính quy ở các sư đoàn và ở hải quân và không quân, còn lại là địa phương quân. Trang bị 250 chiến xa M48 và M41, 1,000 thiết vận xa M-113, 500 phi cơ và 600 trực thăng. Trong suốt chiến tranh quân lực VNCH tử thương trên 250,000 binh sĩ so với 58,000 tử vong phía Hoa Kỳ.