“Duyên Anh trước hết là nhà văn của tuổi hoa niên, của tuổi vừa lớn. Là người đã viết VỀ và giữ GIÙM tuổi thơ những cơn mộng đẹp (mộng mà ta đã từng sống qua, đã từng phiêu du trong cõi sống ấy… đến khi thoát khỏi cõi thơ ấy mới biết mình vừa rời khỏi thiên đường) – may mà còn có Duyên Anh – còn kéo theo mãi những chuyến tàu của tuổi vàng cõi mộng đi mải miết trên đường hành hương về vùng-tuổi-nhỏ-xa-mù; còn khơi lên những dạt dào cảm xúc của những năm tháng đẹp nhất đời người, còn là một nhà huyền thuật bí ẩn giải đáp được ‘nhu cầu tâm linh xao xuyến cần một điểm tựa, một trường trú ẩn’. Kẻ đi đường không có một điểm ánh sáng nào dẫn tới chân trời trước mặt, phải nhận đường bằng điểm lửa xa chiếu về từ một phía sau lưng…”

Nhà văn Mai Thảo đã viết như trên trong Lời mở đầu truyện Thằng Côn – Duyên Anh, 1968. Và sau đây là những lời rất đẹp của một nhà văn trẻ, Nguyễn Trường Trung Huy, về tác giả Áo Tiểu Thư.

duyen-anh

NGUYỄN&BẠN HỮU

Như một bài thơ ngắn….mà miên man hoài hoài của Phạm Công Thiện:

“lơ lửng bông mồng gà

chiều ba mươi tết ta

tôi ôm gà tre nhỏ

chạy trốn tuổi thơ qua”

Với văn chương Duyên Anh, với Tuổi Ngọc – đứa bé trong mỗi chúng ta còn có một nơi nương náu, còn có một bến bờ để bám víu, còn trú ngụ nơi một thiên đường mộng tưởng, còn có một vùng tuổi xanh để trốn nấp “tuổi thơ qua”, có phải?!?….

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Nhưng cũng chính Duyên Anh, trong âm nhạc, “…dường như sau những năm tháng khốc liệt ở trong nước, bây giờ như chim vừa được tháo cũi sổ lồng, Duyên Anh còn muốn nói thêm nỗi lòng của mình qua âm nhạc. Nhưng những ca khúc trong selection Ru Ðời Phù Ảo chỉ có thể được soạn ra để nhà văn tự ru mình sau những cơn phiền muộn, mê hoặc, phù ảo và để tự vấn: chỉ còn vậy thôi sao?” (Phạm Duy nói về Duyên Anh)

Từ hình ảnh của một nhân vật trong “Áo Tiểu Thư” của chính tác giả (và cũng là truyện …khai trương số 1 tờ Tuổi Ngọc năm 1971) “…Anh đã thật sự giã từ cuộc đời thơ mộng và đang vất vả leo dốc vật chất. Mọi người đều có một lần biệt ly bùi ngùi đó. Chỉ bất hạnh khi sợi khói tương tư vướng vào mắt, người ta không nhớ nổi kỷ niệm đầu đời… Anh mơ hồ nghe tiếng gió êm đềm mười sáu năm qua luồn vào tâm tưởng . Anh đứng im lặng giữa chiến khu kỷ niệm…”

Luôn là niềm bâng khuâng của những nhân vật (hay của chính Duyên Anh), khởi đi từ những chiến khu kỷ niệm, khởi đi từ những phút-đứng-yên của tâm hồn mẫn cảm Duyên Anh. Khi đọc Duyên Anh, may mắn thay, không ai phải mang chịu bất-hạnh “không nhớ nổi kỷ niệm đầu đời” ấy… cho đến một khu vườn “phiền nhung gấm” trong âm nhạc:

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

“Một hôm bước chân luân lạc dẫn tôi vào hiu quạnh của đất trời. Tôi thấy từ trong cái khôn cùng nỗi tịch mịch đó nỗi chết của mây mưa, tiếng hát của bóng tối, nước mắt của hư vô, điệu buồn của cỏ lá. Tôi cảm giác quanh tôi hạnh phúc đã đầy mầm bất hạnh mà chẳng ai biết mà chẳng ai hay. Tôi bỗng dậy lòng trắc ẩn, tôi yêu mến người, tôi thương xót đời, và tôi lên tiếng ‘ru đời phù ảo’…”  (Duyên Anh, mở đầu băng RĐPA)

duyen-anh1

Dẫu từ trạm đầu “chiến khu kỷ niệm” của những mộng mơ đang-dần-thoát-khỏi-tầm-tay-với hay đến trạm cuối của “ru đời phù ảo” có phần chua chát của những bất toại – điểm chung chính là “tâm hồn trắc ẩn” của Duyên Anh. Ông trắc ẩn cho kỷ niệm, trắc ẩn cho những vùng tuổi xanh, trắc ẩn cuộc đời, trắc ẩn hy vọng lẫn tuyệt vọng, trắc ẩn niềm vui và cả nỗi buồn. Niềm “trắc ẩn” ấy đã khơi lên những sợi khói của nhung nhớ, của thương yêu, của một chút tiếc nuối hoài niệm mãi mãi trong bất kỳ thơ, văn, hay nhạc của ông… Sợi khói tương tư làm ai cũng cay mắt…

huyvespa@gmail.com

Mời nghe Julie Quang hát ‘Ru Ðời Phù Ảo’

https://baotreonline.com/www.youtube.com/watch?v=nASjAkV1BAE

N&BH