Vào thập niên 1990, một chương trình vũ nhạc độc đáo đến từ Ireland mang tên Riverdance ra mắt khán giả Mỹ và ngay lập tức làm mưa làm gió không chỉ trên sân khấu mà còn trên TV. Vào cái thuở chưa có Youtube hay Internet, muốn xem một là phải đến các thành phố lớn nơi có show đang đi tour, hai là mướn video về coi đỡ ghiền. Người có gốc gác Ái Nhĩ Lan khoái là chuyện dễ hiểu, nhưng đa số dân Mỹ cũng mê.

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas     

Thấm thoát Riverdance đã sống mạnh, sống khoẻ cả một phần tư thế kỷ. Lớp nghệ sĩ ban đầu giờ đã luống tuổi, được thay thế bằng một thế hệ vũ công mới, cũng tài năng và điệu nghệ không thua gì lứa đàn chị, đàn anh trước kia. Tour kỷ niệm Riverdance 25 tuổi vừa ghé Dallas, và quả nhiên đã không khiến người hâm mộ thất vọng với dàn vũ công thượng thặng từng đoạt vô địch các giải múa quốc tế.

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

Thoạt kỳ thuỷ nó chỉ là một màn múa phụ diễn trong phần nghỉ giải lao của giải thi nhạc khúc Eurovision Song Contest năm 1994, tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland. Dài vỏn vẹn bảy phút, nó được phát hình trực tiếp đến cả 300 triệu người xem trên toàn thế giới và được khán giả trong rạp đứng lên vỗ tay ầm ĩ. Có thể nói nó là màn phụ diễn thành công nhất trong lịch sử Eurovision từ 1955 tới nay.

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

Nhận thấy tiềm năng của bộ môn Irish Dance với khán giả năm châu, một cặp vợ chồng người Ái Nhĩ Lan tên Moya Doherty và John McColgan quyết định đầu tư 1 triệu đô la để biến nó thành một chương trình ca vũ nhạc thực thụ. Bản nhạc chính tên “Riverdance” được phát hành và ngay lập tức leo lên đầu bảng xếp hạng của Ireland và đứng đó 18 tuần lễ liên tiếp. Tính đến nay nó là dĩa đơn bán nhiều thứ nhì ở Ireland, chỉ thua “Candle in the Wind” của Elton John (hát trong tang lễ công chúa Diana).

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

“Riverdance: The Show” chính thức ra mắt khán giả tại Dublin vào tháng Hai năm 1995, diễn năm tuần lễ. Chỉ trong vòng ba ngày mà trên 120,000 vé bán trước đã sạch trơn. Đến tháng Sáu năm 1995 Riverdance ra video và chỉ mất hai tuần để lên #1 và giữ vị trí đó suốt bảy tháng liền. Sang tháng Bảy Riverdance được mời trình diễn cho Hoàng gia Anh, với sự hiện diện của Nữ Hoàng Elizabeth II và mẹ của bà, Queen Mother.

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

Phải đợi đến tháng Ba năm 1996 Riverdance mới đặt chân tới nước Mỹ, diễn tám show tại rạp Radio City Music Hall huyền thoại. Tốn gần $2 triệu để thực hiện, mặc dù vé bán hết nhưng Riverdance chỉ đủ huề vốn. Tháng 10 cùng năm Riverdance quay trở lại Radio City để bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên trên nước Mỹ. Khỏi phải nói, lần này Riverdance đi tới đâu là cháy vé tới đó.

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

Cái hay của show này không chỉ nằm ở các điệu múa vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn, mà còn nhờ phần âm nhạc dựa trên các làn điệu Irish hiện đại của nhạc sĩ Bill Whelan. Ngoài ra, chương trình còn có các màn múa kiểu Nga hay Flamenco của Tây Ban Nha. Ban nhạc chơi các nhạc cụ Irish truyền thống ngay trên sân khấu như trống bodhrán, kèn uillean, đàn “cò” fiddle… nghe đã tai mà xem cũng đã mắt!

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas

Ngày nay phong trào Riverdance đã nguội bớt, thường chỉ diễn những chương trình được cắt ngắn. Duy lần này vì là kỷ niệm 25 năm nên công chúng mới có cơ hội xem toàn vẹn một show dài gần hai tiếng đồng hồ. Hy vọng tour này sẽ khơi dậy một thế hệ fan trẻ cho các điệu vũ của người Irish, vốn dĩ là một dân tộc có truyền thống dân nhạc mạnh mẽ. Nghe nói sau khi tour nước Mỹ “Riverdance, 25 Năm Sau” còn sẽ đến nhiều nơi khác trên thế giới như Nam Mỹ, Úc Châu, Á Châu…

Ảnh: James Hinton/Broadway Dallas