Xã hội loài người, bất kỳ ở nơi đâu trên thế giới, đều có tục lệ ăn mừng năm mới. Nó là một trong những nhu cầu căn bản nhất từ khi loài người biết hợp quần, sống chung, chăn nuôi, cày cấy, thu hoạch. Xem ra tất cả mọi người đều tuân theo quy luật tuần hoàn của thế giới tự nhiên.

Ta hay nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, âu cũng là một cách để thư giãn sau một năm làm lụng vất vả. Lịch của ta có nguồn gốc là nông lịch, dựa theo mùa màng trồng trọt, nên lễ Tết của ta cũng rơi vào thời điểm sau vụ mùa. Trước khi người Tây phương đến, dân ta đã có tập tục ăn Tết nhiều ngày. Nhiều nơi tổ chức lễ hội đình đám hay chợ phiên. Ðó cũng là thời điểm thích hợp cho trai gái gặp gỡ, tỏ tình, như bài phong dao sau đây:

Mồng một chơi cửa, chơi nhà

Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình

Mồng bốn chơi chợ Quả linh

Mồng năm chợ Trình, mồng sáu non Côi

Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi

Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng

Chợ Viềng một năm mới có một phiên

Cái nón em đội cũng tiền anh mua…

Người Việt chúng ta là vậy. Thế còn những dân tộc khác mừng năm mới ra sao? Mời các bạn cùng tôi dạo thử một vòng. Xin lưu ý, chữ “dương lịch” dùng trong bài đồng nghĩa với lịch Gregorian thông dụng khắp thế giới hiện nay.

Cambodia – Chol Chnam Thmey

Tuy ở sát cạnh ta, nhưng người Cam Bốt chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Ðộ và dùng lịch của họ. Lịch này khởi thuỷ cũng dựa vào mặt trời như nhiều dân tộc khác, nhưng thay vì phân chia một năm theo Tiết — như Thu phân, Ðông chí v.v. thì họ lại đi theo chu kỳ của mặt trời và các chòm sao. Tháng đầu năm của họ là khi mặt trời tiến vào cung Bạch Dương (Aries). Thuở xa xưa đó cũng là thời điểm Xuân phân, tức khoảng  tháng Ba, nhưng sau nhiều ngàn năm nó đã dần dần tuột sang khoảng giữa tháng Tư do sự chuyển dịch của trái đất. Giờ đây ngày đầu năm của người Khmer là ngày 13 hoặc 14 tháng Tư, và họ cũng ăn Tết ba ngày liền. Ngoài việc ăn uống, người Cam Bốt còn có những trò chơi dân gian và đặc biệt là các màn múa hát giữa nam nữ.

Một màn vũ múa cổ truyền của người Khmer. Nguồn:wikimedia

Nhật – Shogatsu

Xem thêm:   Ham & hố

Kể từ năm 1873, người Nhật chuyển từ sử dụng cổ lịch Tenpo sang lịch Gregorian của Tây phương. Một trong những lý do là vì lịch Tenpo tuy cũng dựa theo mặt trăng và mặt trời như nhiều văn hoá khác, nhưng sau một thời gian nó bị “trật khớp”, không tính được tháng nhuận thành thử ngày càng sai. Lý do nữa là để tiếp thu văn minh Tây phương. Do đó ngày nay người Nhật ăn Tết của họ vào ngày 1/1. Tuy nhiên, họ vẫn giữ những tập tục cổ truyền của mình. Món ăn truyền thống trong ngày Tết của họ được gọi là ‘osechi’, gồm đa phần các món lương khô hoặc dưa cải, những thứ có thể để lâu được qua mùa Ðông.

Osechi, món ăn truyền thống của người Nhật vào ngày Tết. Ảnh: wikimedia

Assyrian – Kha b’ Nissan

Người Assyrian mừng Tết vào ngày đầu tháng Nissan, tức tháng Tư. Năm 2021 dương lịch là năm 6771 trong lịch của họ. Ngày lễ này còn được gọi là Akitu. Trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 1.5 triệu người Assyrian. Họ tập trung tại một số thành phố ở Iraq, Iran, Syria, Turkey. Ngoài ra cũng có một số di dân hiện sinh sống Âu Châu, Úc, Chicago, Phoenix, Detroit. Bất cứ nơi nào có người Assyrian là có lễ Tết truyền thống với những vũ điệu cổ truyền trong các bộ trang phục sặc sỡ. Tết Akitu của họ, được biết đã có từ hơn 4700 năm trước Công nguyên, kéo dài 12 ngày gần giống như lễ Nowruz của người Iran.

Người Assyrian nhảy múa trong dịp lễ Tết Akitu. Nguồn: ajammc.com

Iran – Nowruz

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Nowruz có nghĩa là “Ngày Mới”, và là ngày lễ cổ xưa của dân tộc Persian, một nền văn hoá lớn và lâu đời hiện quy tụ trong vùng đất ngày nay tên là Iran. Như nhiều dân tộc khác, người Persian từ ngàn xưa đã dùng ngày Xuân Phân làm mốc khởi đầu cho năm mới. Vào ngày này mọi nhà đều dựng một chiếc bàn tế lễ gọi là ‘haftseen’, bày biện bảy món: táo, tỏi, giấm, chè, giá, bạc cắc, và hoa lan dạ hương (hyacinth) — tượng trưng cho tài lộc, hạnh phúc và sự tái sanh. Nhiều người còn để thêm tấm gương. Truyền thống này thật ra khá mới mẻ, có lẽ chỉ bắt đầu vào thế kỷ 20. Không ai rõ nó từ đâu đến, nhưng giờ đây nó đã trở thành một tập tục không thể thiếu, chứng tỏ phong tục tập quán của con người không đứng ì một chỗ mà vẫn thay đổi luôn luôn.

Một chiếc bàn Haftseen với bảy món tiêu biểu và chiếc gương. Ảnh: Azita Mehran/Turmeric and Saffron

Nga – Novy God

Người Nga ăn mừng năm mới cũng vào ngày 1/1 theo dương lịch. Nhưng vì trong thời Xô Viết cộng sản lễ Giáng Sinh bị cấm nên người Nga gộp nó vào chung với Tết tân niên. Ðêm 31/12 mọi người đi thăm viếng gia đình, bạn bè, ăn uống nhậu nhẹt thâu đêm. Ðến sáng trẻ con khi thức giấc sẽ tìm thấy những món quà được đem đến tặng bởi một ông già mặc áo đỏ tên là Ded Moroz — Ông già tuyết. Ðây cũng là một cách văn hoá phải thích nghi với hoàn cảnh chính trị để tự tồn.

Ông già Tuyết Ded Moroz trong ngày Tết Novy God tại Nga Nguồn: wikipedia.

Bali – Nyepi

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Trong khi đa số các dân tộc đều mừng năm mới bằng các hình thức ăn uống tưng bừng, thì người dân ở đảo Bali lại rất khác. Ngày đầu năm của họ rơi vào tuần đầu tiên của tháng Ba dương lịch. Vào ngày Nyepi này, tất cả mọi người đều giữ im lặng tuyệt đối, không ai nói với ai tiếng nào. Những ai có theo đạo còn đi xa hơn nữa là không ra khỏi nhà, không làm việc, và không vui chơi giải trí hay bất cứ khoái lạc thể xác nào cả. Ðối với người Bali, Nyepi là ngày để ăn chay, tĩnh tâm và soi lại mình trước khi bước vào năm mới.

Thổ dân Bali múa lửa. Ảnh: Agung Parameswara

Do Thái – Rosh Hashanah

Lịch của người Hebrew có nhiều “ngày đầu năm” khác nhau. Ngày đầu năm cho vua chúa; ngày đầu năm cho nhà nông; ngày đầu năm để tính sổ v.v. Ngày đầu của tháng thứ bảy, Tishrei, là đầu năm cho lễ lạt. Tất cả mọi ngày lễ trong năm được tính dựa theo ngày này. So với dương lịch, ngày đầu tháng Tishrei thường rơi vào khoảng tháng Chín (September). Vào ngày này người Do Thái khắp nơi trên thế giới mừng lễ có tên cổ truyền là Yom Teruah, nghĩa đen là ngày để rống lên. Thuở xa xưa, cổ dân Do Thái dùng kèn shofar làm bằng sừng sơn dương để thổi to lên, báo hiệu ngày đầu năm mới. Ngày nay tục lệ này đã không còn vì không mấy ai còn làm nghề chăn cừu. Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục truyền thống Tashlich, họ ra bờ biển hay bờ sông để cầu nguyện, gột rửa linh hồn và chuẩn bị tinh thần cho năm tới.

Vì khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi không thể đưa các bạn đến nhiều nơi khác để xem thiên hạ ăn Tết ra sao. Chắc chắn sẽ còn nhiều tục lệ hay ho, thú vị. Nhưng nếu bạn có dịp đi chơi chợ Viềng, nhờ bạn chụp giùm vài bức ảnh gởi về toà soạn để chung vui với bà con. Cung Chúc Tân Xuân!

Một người Do Thái mừng năm mới bên bờ biển lúc bình minh. Ảnh: David Silverman

IB