Hầu hết các quốc gia trên thế giới ăn mừng Lễ Lao Động vào ngày 1 tháng 5 hàng năm, còn gọi là International Workers Day. Chỉ riêng ở Mỹ và Canada ngày lễ lớn này lại diễn ra vào thứ Hai đầu tiên của tháng 9. Có một điều ít ai biết, Canada là khởi điểm của Phong trào 9-Giờ – “Nine Hour Movement”, bảo vệ người lao động vào thập niên 1870, để từ đó lan sang Mỹ và dẫn đến Labor Day như ta biết ngày nay.

Cư dân Toronto xuống đường mừng Lễ Lao Động năm 2022. (Tijana Martin / Canadian Press)       

Phong trào Lao động (Labor Movement) ở Bắc Mỹ được các sử gia đánh dấu bằng cuộc xuống đường vĩ đại ngày 15 tháng 4 năm 1872, buộc chính quyền Canada phải thả vô điều kiện 24 nhà lãnh đạo của công đoàn thợ in bị bắt trước đó vài tuần vì họ đình công để đòi hỏi giảm giờ làm việc xuống 9 giờ một ngày, 54 giờ một tuần. Thời ấy Canada vẫn còn đang dùng một đạo luật cổ xưa của Anh quốc cấm thành lập công đoàn, cho nên việc đình công này bị coi là phi pháp.

Labor Day Parade tại Toronto năm 2023 (Flickr)

Tháng Sáu năm 1872 một cuộc biểu tình lớn khác lại diễn ra ngay tại thủ đô Ottawa. Không những vậy, đoàn người còn cố tình tuần hành ngang phủ thủ tướng. Chiều hôm đó, Thủ tướng Canada là Sir John Macdonald xuất hiện trước đám đông và hứa sẽ bãi bỏ đạo luật cấm thành lập công đoàn. Chỉ vài ngày sau Nghị Viện Canada thông qua một đạo luật mới, và sang năm 1873, liên đoàn lao động chính thức đầu tiên của Canada ra đời.

Labor Day Parade tại Toronto năm 1908 (University of Alberta Libraries)

Nhưng mặc dù công nhân Canada được phép thành lập công đoàn, điều kiện làm việc vào các thập niên cuối thế kỷ 19 vẫn còn rất tệ. Trẻ em và phụ nữ là hai thành phần bị bóc lột nhiều nhất. Vì thế cho nên các liên đoàn công nhân vẫn phải tiếp tục tạo áp lực hòng cải thiện môi trường làm việc cho hội viên của họ. Trong khi đó thì ở bên Mỹ, phải đến 1887 Oregon mới là tiểu bang đầu tiên dành riêng một ngày nghỉ cho dân lao động, tức Lễ Lao Động ở cấp tiểu bang. Tuy nhiên dân Mỹ cũng rất ủng hộ chuyện này. Tính đến năm 1894 đã có hơn 25 tiểu bang với những đạo luật tương tự.

Cỗ xe chữa lửa từ thế kỷ 19 được phục chế cho buổi diễn hành ở Toronto năm 1923 (Toronto Star Archives)

Tháng Sáu năm 1894, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật đặt ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 9 làm Lễ Lao Động trên toàn quốc. Lý do Mỹ không chọn ngày 1 tháng 5 là vì Tổng thống Grover Cleveland không muốn dính líu đến phong trào lao động quốc tế do các nhóm tả khuynh lãnh đạo. Một tháng sau Canada cũng chính thức dùng ngày này cho Lễ Lao Động của họ. Kể từ đấy hàng năm dân Mỹ và Canada ăn mừng lễ này vào cùng ngày nhưng khác với thiên hạ.

Liên đoàn Công nhân Toronto ăn vận theo thế kỷ 19 để đánh dấu 75 thành lập tại buổi diễn hành năm 1969. (Toronto Star Photograph)

Ngay cả trước khi được chính thức công nhận, Lễ Lao Động luôn thu hút đông đảo người tham gia vì đa số người dân thuộc thành phần lao động – nhất là vào thời điểm cuối thế kỷ 19 bước sang thế kỷ 20, giai đoạn u ám của thời kỳ hậu cách mạng công nghiệp. Một khi Labor Day trở thành ngày lễ quốc gia, các cuộc tuần hành và diễn hành gọi là Labor Day Parade ngày càng sáng tạo và quy mô hơn. Tại New York nó còn đẻ ra thêm lễ hội Carnival của dân gốc đảo Caribe, gọi là West Indian Day Parade, diễn ra cùng ngày tại Brooklyn với màu sắc và trang phục sặc sỡ.

Ảnh: Paul Martinka

Khi nhắc đến liên đoàn công nhân, ít ai nghĩ tới những người bị sa thải hay thất nghiệp. Nhưng thật ra họ cũng có quyền lập hội như bao người khác. Trong ảnh là hội viên Hội Thất Nghiệp đang xuống đường ở Toronto năm 1982. Những người này cho biết họ lập hội với mục đích chia sẻ khó khăn và tương trợ lẫn nhau, đồng thời giúp những người thất nghiệp khác không cảm thấy bị lãng quên hay cô lập. Cần nói thêm, lương trợ cấp cho người thất nghiệp cũng là một quyền lợi đến từ những đòi hỏi của các liên đoàn lao động.

Nguồn ảnh: Toronto Star Photograph

Chúng ta ngày nay đã quá quen với chuyện làm 40 giờ một tuần, mỗi ngày tối đa 8 giờ, nếu làm hơn phải được trả overtime. Rồi còn thêm nào là lương tối thiểu, bảo hiểm sức khoẻ, quỹ hưu trí, vacation v.v. và v.v. Tất cả những thứ đó đều không tự trên trời rơi xuống hay do lòng hảo tâm của các chủ nhân ông, mà đến từ nỗ lực bền bỉ của các liên đoàn công nhân cùng người lao động, bắt đầu từ “Phong trào 9-giờ” ở Canada. Vì vậy cho nên nói gì nói, ta phải biết ơn những người đi trước đã lót đường để ta có được môi trường làm việc tốt như hôm nay, tuy vẫn chưa thể gọi là hoàn hảo.

Labor Day Picnic tại vườn bách thảo bên hồ White Rock ở Dallas (Nguồn: Dallas Arboretum & Botanical Garden)