Nữ ca sĩ Olivia Newton-John vừa qua đời tuần rồi tại tư gia ở California sau ba mươi năm chiến đấu cang cường với căn bệnh ung thư. Vào thập niên 1970 và 1980 Olivia là một trong những nhạc sĩ thành công nhất, với số dĩa bán được trên cả trăm triệu. Bạn có kỷ niệm nào đáng nhớ khi nghe nhạc của Olivia Newton-John không?

Olivia Newton-John. Ảnh gia đình 

Hồi gia đình tôi mới qua Mỹ năm 1975, trong nhà có cái máy hát dĩa — hình như do nhà thờ bảo trợ tặng cho. Mấy bà chị của tôi kiếm được việc làm part-time ở Stan’s Records Store, tiệm dĩa hát lớn nhất thành phố nằm ngay dưới downtown. Nhờ vậy nên lúc đó tuy không dư dả nhưng trong nhà bao giờ cũng có nhiều nhạc để nghe. Thuở bấy giờ chúng tôi thích nghe những loại nhạc nhẹ như Neil Diamond, Lobo, Carpenters, Bee Gees… những ban nhạc quen thuộc từ hồi còn ở Việt Nam. Riêng tôi thì thích John Denver với mấy bài như “Country Roads”, “Rocky Mountain High”… Mấy bà chị thì mê Olivia Newton-John với những bản nhạc tình ướt át, hợp với lứa tuổi thiếu nữ đang tập tành yêu đương như “I Honestly Love You”, “Please Mr Please” v.v. Gu nhạc Mỹ của tụi tôi thời đó nói chung là vậy, có phần nghiêng sang country-pop nhiều hơn là rock’n’roll. Và Olivia Newton-John là một phần rất lớn trong thời mới lớn của mấy chị em chúng tôi.

Olivia Newton-John sinh năm 1948 tại Cambridge, Anh quốc. Năm lên 6 gia đình cô dọn qua Melbourne, Úc. Cha cô là giáo sư đại học, hiệu trưởng trường Melbourne University. Mẹ cô là con của khoa học gia người Do Thái Max Born, năm 1954 được giải Nobel Vật Lý về môn cơ học lượng tử. Nói theo kiểu dân dã thì Olivia là con nhà nòi, dòng dõi trí thức hàn lâm. Thế nhưng từ nhỏ Olivia đã có năng khiếu hát. Lên trung học cô cùng vài người bạn gái thành lập một ban tứ ca nữ để hát trong các quán rượu quanh vùng, thường xuyên nhất là tại quán của người anh rể.

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Dần dà cô nữ sinh Olivia được lên các chương trình ca nhạc của đài TV địa phương. Trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng năm 1965, Olivia thắng nhất và được tặng giải thưởng một chuyến du lịch sang Anh. Lúc đó Olivia quyết định không đi, nhưng mẹ cô đã ra công thuyết phục Olivia cả năm trời. Cuối cùng Olivia nghe lời mẹ và sang Anh. Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Olivia ra dĩa đơn đầu tiên của mình tựa là “Til You Say You’ll Be Mine”. Dĩa này không gây tiếng vang gì, vì thú thật nó rất … dở (ai tò mò có thể lên Youtube nghe thử cho biết!)

Olivia (trên) và Pat Carroll ở Anh quốc. Nguồn: Vintage Fetish

Ít lâu sau, một người bạn của Olivia tên Pat Carroll, cũng từ Úc sang, cùng Olivia lập một ban nhạc tên “Pat and Olivia”. Hai người đi hát lòng vòng ở Âu Châu một thời gian. Nhưng khi visa của Pat hết hạn, cô trở về Úc và lấy chồng; Olivia ở lại và tiếp tục đi hát. Chồng của Pat Carroll, tên là John Farrar, cũng là một nhạc sĩ sáng tác và sản xuất nhạc. Về sau ông đã soạn một số ca khúc top hit cho Olivia cũng như làm nhà sản xuất cho các dĩa nhạc đứng đầu bảng Billboard của Olivia Newton-John.

Thành công đến với Olivia Newton-John năm 1971 khi cô cho ra album đầu tay “If Not For You”, dựa trên bản nhạc cùng tên của soạn giả Bob Dylan từng được cựu Beatle George Harrison chơi lại. Phiên bản của Olivia không ngờ bán chạy hơn của George, leo lên đến hạng nhất ở Mỹ trong thể loại nhạc nhẹ gọi là Adult Contemporary (AC). Ðó là lần đầu tiên công chúng Mỹ biết đến Olivia. Năm 1972 Olivia cho ra tiếp một album nữa tên là “Olivia” nhưng thất bại nặng nề, mặc dù cô cũng hát thêm một bài khác của George Harrison rất hay tên là “What Is Life” và bài kinh điển của John Denver là “Take Me Home, Country Roads”. Ai chưa nghe hai bài này nên lên Youtube tìm nghe thử. Bảo đảm không hay không lấy tiền!

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nhưng như ông bà ta nói, “có chí thì nên”. Năm 1973 Olivia cho ra bài “Let Me Be There” và được vào Top Ten hai bảng xếp hạng Country Music và Adult Contemporary. Năm đó cô thắng giải Grammy đầu tiên cho hạng mục Best Country Female. Thừa thắng xông lên, năm 1974 Olivia tiếp tục tấn công vào làng nhạc Country và AC với hai bản nhạc giờ đây đã được liệt vào hàng “bất hủ” — đó là “If You Love Me, Let Me Know” và “I Honestly Love You”. Năm đó Olivia lượm thêm hai giải Grammy cho hạng mục Record of the Year và Best Pop Vocal. Khi mới qua Mỹ, đây là những bài nhạc đầu tiên của Olivia Newton-John mà mấy chị em tôi nghe tới nghe lui thiếu điều muốn mòn cái dĩa nhựa.

Olivia Newton-John và John Travolta trong phim “Grease”. Nguồn: Paramount Pictures

Giờ nghĩ lại cũng còn ngán, nhưng nghe tin Olivia qua đời bỗng dưng những kỷ niệm thuở còn ngây thơ đó bỗng ùa về. Nhớ gì đâu khi phim “Grease” trình làng năm 1978. Qua đêm Olivia Newton-John bỗng dưng biến dạng. Từ một nàng ca sĩ mignon xinh xắn, cô trở thành một tài tử điện ảnh nhạc kịch mặc áo da quần bó trông rất ư là … ngầu! Những bài nhạc trong phim được radio thời bấy giờ chơi suốt ngày đêm. Nào là “You’re The One That I Want”, rồi thì “Summer Nights”, và bài Top hit “Hopelessly Devoted To You” mà có lẽ không một thiếu nữ mới lớn nào thời đó không thuộc nằm lòng. Album “Grease” là dĩa nhạc bán chạy nhất trong năm, đứng đầu bảng xếp hạng 3 tháng liền. Olivia Newton-John chính thức trở thành một siêu sao.

Kể từ đó dòng nhạc của Olivia cũng chuyển hướng, mảng country bắt đầu nhạt dần, thay thế bằng những bài nhạc thiên về pop và rock hơn. Cao điểm của Olivia vào thời này là bài “Magic”, đứng đầu bảng Billboard 4 tuần lễ liên tiếp. Kế đến là album thành công nhất trong sự nghiệp ca hát của Olivia Newton-John, đó là dĩa “Physical”, đứng đầu bảng 11 tuần lễ và trở thành bài nhạc “hot” nhất của thập niên 1980 dù bị cấm phát thanh ở Utah vì lý do … thuần phong mỹ tục. Sự ra đời của MTV cũng góp phần cho sự thành công của “Physical” — video clip cho bài nhạc này được mặc định là một dấu ấn văn hoá của thế kỷ 20 (trên Youtube hiện có hơn 12 triệu lượt view).

Music video “Physical”. Nguồn: Youtube

Năm 1986 Olivia sinh cô con gái đầu lòng, Chloe, và tạm ngừng đi diễn một thời gian. Khi Olivia quay lại với làng nhạc năm 1992, cô bỗng phát giác mình bị ung thư. Thế là bao nhiêu dự án âm nhạc một lần nữa phải bị trì hoãn để lo trị bệnh. Với bản tánh lạc quan yêu đời, Olivia Newton-John xem căn bệnh của mình như một cơ hội để chia sẻ với mọi người nỗ lực đánh bại ung thư. Năm 1994 Olivia phát hành dĩa nhạc “Gaia: One Woman’s Journey” – lời tự sự trong chuyến du hành cùng căn bệnh quái ác. Ðây là dĩa nhạc đầu tiên của Olivia Newton-John toàn những bài nhạc do cô sáng tác. Năm 2008 cô lập ra tổ chức Olivia Newton-John Cancer Fund, đặt trụ sở tại Melbourne, nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu ung thư. Cùng năm, cô cho ra một dĩa nhạc với sự cộng tác của một số bạn bè trong giới văn nghệ như Barry Gibb, Richard Marx… để giúp gây quỹ cho tổ chức.

Xem thêm:   Lê Văn Khoa đại náo Dallas

Olivia Newton-John thử nghiệm với đủ loại thảo dược và thuốc làm từ thiên nhiên. Tưởng chừng cô đã khỏi bệnh, nhưng cách đây không lâu ung thư của cô chợt tái phát và cô không qua khỏi. Olivia Newton-John mất ngày 8 tháng 8, 2022, trong sự tiếc thương của hàng triệu người mến mộ.

IB