Mùa nhạc kịch 2022-2023 tại Dallas đã mở màn bằng một vở không thể nào kinh điển hơn, với bề dày lịch sử có thể nói gần hai ngàn năm!

Madeline Powell trong vai Eliza Doolittle. Nguồn: Broadway Dallas    

Ðầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, nhà thơ Ovid người La Mã cho ra đời một quyển thi tập mang tên Metamorphoses, được công nhận là một trong những thi phẩm vĩ đại và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn chương Âu Tây. Trong số các văn thi sĩ Anh ngữ từng vay mượn từ Ovid không ai khác hơn William Shakespeare (1564-1616). Vở kịch Romeo and Juliet bất hủ của ông thật ra bắt nguồn từ câu chuyện Pyramus and Thisbe trong Quyển IV của Metamorphoses. Gần 400 năm sau, nó lại được cải biên một lần nữa để trở thành một câu chuyện tình hiện đại ở New York City trong vở nhạc kịch West Side Story, tương đối thành công trên Broadway với hai giải Tony năm 1957. Vài năm sau West Side Story được chuyển thể thành phim và thành công vang dội, thắng 10 tượng Oscar năm 1961.

My Fair Lady cũng có một lịch sử vòng vo khá tương tự. Năm 1913 nhà văn và kịch tác gia người Ái Nhĩ Lan George Bernard Shaw (1856-1950) cho xuất bản một vở kịch mang tên Pygmalion, dựa trên nhân vật huyền thoại Hy Lạp Pygmalion trong Metamorphoses của Ovid. Trước Shaw cũng đã có người soạn kịch về Pygmalion, nhưng vở Pygmalion của Shaw có lẽ được khán giả ưa chuộng hơn cả. Năm 1938 nó được mang ra dựng thành phim; Shaw nhận viết kịch bản. Mùa Oscar 1938 ông đã đoạt giải Best Screenplay cho phim Pygmalion của mình.

Giống như Romeo and Juliet của Shakespeare, Pygmalion của Shaw cũng được chuyển thể sang nhạc kịch vào năm 1956. Vì bối cảnh câu chuyện được đặt tại Luân Ðôn vào triều đại Edward VII (1901-1910), tựa vở nhạc kịch được đổi thành My Fair Lady, mượn từ câu hát đồng dao của trẻ con: “London Bridge is falling down, falling down… my fair lady!” Vở nhạc kịch nhanh chóng gây ấn tượng trên Broadway, thắng tổng cộng  6 giải Tony, kể cả giải Best Musical trong năm 1957. My Fair Lady diễn liên tục 6 năm liền trên Broadway. Khi nó hạ màn lần cuối vào tháng Chín năm 1962, My Fair Lady đạt kỷ lục nhạc kịch sống thọ nhất trên Broadway (tính đến thời điểm ấy) với 2,717 suất diễn!

Poster quảng cáo phim Pygmalion năm 1938. Nguồn: Internet

Nữ diễn viên đóng vai Eliza Doolittle, nhân vật chính trong truyện, lúc bấy giờ là một ca sĩ ít ai biết đến, tên Julie Andrews. Tuy cô được đề cử giải Best Actress cho Tony năm đó nhưng lại không thắng. Trong khi đó thì Rex Harrison lại đoạt giải Best Actor trong vai Giáo sư Henry Higgins. Ðến năm 1964 nhạc kịch này được dựng thành phim (tất nhiên) vì nó quá hốt bạc và nhạc quá hay. Nhưng mặc dù Rex Harrison được mời đóng vai Professor Higgins, nhà sản xuất lại quyết định không dùng Julie Andrews. Thay vào đó họ chọn Audrey Hepburn — duyên dáng và đẹp tuyệt trần nhưng hát rất dở, để đóng vai Eliza Doolittle. Lý do được đưa ra là vì họ cần một gương mặt ăn khách để … bán vé. Vì vậy nên tất cả các màn hát của Eliza Doolittle đều phải được lồng tiếng bởi một ca sĩ chuyên nghiệp.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Rốt cuộc tuy phim My Fair Lady (1964) hốt được 8 giải Oscar, kể cả Best Actor cho Rex Harrison, nhưng Audrey Hepburn không được đề cử cho Best Actress nữa chứ đừng nói đến thắng. Trong khi đó người bị loại là Julie Andrews lại được mời đóng phim Mary Poppins (1964) và ngay lập tức đoạt giải Best Actress. Sau trận thắng đó sự nghiệp phim ảnh của Julie Andrews lên như diều gặp gió, đỉnh điểm là bộ phim kinh điển Sound of Music (1965).

My Fair Lady là một câu chuyện thuộc thể loại ngày nay ta gọi là rom-com, nói tắt của “romantic comedy” tức tình cảm hài hước. Nhưng nó khác rom-com ở chỗ cốt truyện được lồng trong bối cảnh thời phụ nữ chưa được bình quyền. Thậm chí trong Màn 2 có cả cảnh phụ nữ Anh xuống đường đòi quyền đi bầu. Ngoài ra nó còn đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối về sự phân chia giai cấp trong xã hội Anh sau cuộc cách mạng công nghệ và trước khi thế giới rơi vào cuộc Ðại Thế Chiến.

Julie Andrews trong vai Eliza trên Broadway. Nguồn: Getty

Eliza Doolittle là một cô gái nhà nghèo có gánh hàng hoa bán ngoài chợ. Tình cờ một hôm Henry Higgins, một nhà chuyên môn về ngôn ngữ, và đại tá Pickering, bạn của Higgins, gặp Eliza ngoài phố. Sau khi nghe giọng nói “guộng” rặt của Eliza, Higgins cá với Pickering là ông ta có thể dạy cho Eliza nói không khác gì một cô gái con nhà quý tộc. Pickering đồng ý và sẵn sàng trả tiền để Higgins thử. Phần Eliza, cô chỉ muốn sao cho giọng nói của mình bớt “chua như phèn” hòng có cơ hội tiến thân. Eliza chấp nhận ở trong nhà Higgins sáu tháng để luyện giọng.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Sau nhiều tuần lễ khổ công tập luyện, Eliza được Higgins mang ra “thử giọng” tại một cuộc đua ngựa ở Ascot, nơi tầng lớp quý phái và giàu có ở Anh đến để … khoe áo xống. Eliza vượt qua được gần hết cuộc thi trắc nghiệm, nhưng vào phút chót cô lỡ miệng phát ngôn kiểu nhà quê. Thế là bể mánh; Higgins phải mang Eliza về để … luyện tiếp!

Ít lâu sau, nhân một buổi dạ tiệc do Nữ vương xứ Transylvania khoản đãi, Higgins và Pickering lại mang Eliza đến để thử lửa một lần nữa. Lần này không những tất cả quan khách bị lừa, mà đến cả vị Hoàng thái tử cũng tưởng Eliza là một công chúa thứ thiệt và đem lòng ngưỡng mộ. Tối hôm ấy Higgins và Pickering khui rượu khao mừng việc họ đã cải biến thành công một đứa con gái nhà quê. Eliza ngồi thu lu trong góc chẳng ai dòm ngó. Hiểu ra mình đã bị lợi dụng, Eliza bỏ hết mọi thứ để trở về với khu phố nghèo. Nhưng không ai nhận ra cô gái bán hoa ngày xưa nay đã thành một phụ nữ quý phái, mạnh mẽ.

Người đẹp Audrey Hepburn (Eliza Doolittle) và kép độc Rex Harrison (Professor Higgins). Nguồn: Warner Bros

Trong vở kịch gốc Pygmalion của Bernard Shaw, Eliza quay lại nói lời từ biệt với Henry Higgins rồi bỏ đi. Nhưng trong nhạc kịch My Fair Lady thì Eliza trở về với ông nhà giáo. Ẩn ý là cuối cùng giàu vẫn thắng nghèo, sang vẫn thắng hèn, nam vẫn thắng nữ… Ðúng theo khuôn phép xã hội Âu Mỹ thời bấy giờ. Từ đó tới nay, các vở My Fair Lady khi được tái dựng — trên Broadway hay bất cứ nơi đâu khác, cũng đều rập theo cái khuôn ấy. Mãi cho đến lần tái dựng này của Lincoln Center Theatre, kết thúc câu chuyện mới được trả về nguyên thuỷ.

Xem thêm:   Allen PAC

Khác với nhiều vở nhạc kịch trước đây, khán giả My Fair Lady đa số đã lớn tuổi. Nhiều người xưa nay có lẽ chỉ biết đến phiên bản của thập niên 1950 nên cứ tưởng đạo diễn Bartlett Sher chơi nổi, bày đặt đem phong trào #MeToo thời nay vào một vở nhạc kịch kinh điển. Nào hay chính Bernard Shaw mới là nhà nghệ sĩ thức thời, đã dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh cho nữ quyền hơn cả trăm năm về trước.

Nhớ hồi mới qua Mỹ, được nghe dĩa My Fair Lady và coi phim của Audrey Hepburn trên TV rất là thích vì nhạc hay mà tuồng cũng mắc cười. Nhưng lần này được xem tận mắt vở diễn trên sân khấu với dàn nhạc hùng hậu mới thật sự cảm nhận hết cái hồn và cái hay của kịch gia Alan Jay Lerner cùng nhà soạn nhạc Frederick Loew. Cảm ơn Broadway Dallas đã mở màn mùa 2022-2023 bằng một vở nhạc kịch hết sức cổ điển nhưng vẫn mới mẻ. Và cũng mừng khi thấy giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh sinh viên, rủ nhau đi xem không phải là ít. Sắp tới đây là vở Moulin Rouge, chắc “sắp nhỏ” đi coi còn đông nữa. My Fair Lady đang diễn tại Music Hall ở Fair Park cho đến ngày 13/11.

Những bộ trang phục đẹp tuyệt trong đêm dạ vũ. Nguồn: Broadway Dallas.

IB