Cứ mỗi bốn năm, vài trăm công dân Mỹ lại tề tựu tại thủ phủ của tiểu bang nơi họ sinh sống để bỏ phiếu bầu tổng thống. Hiến Pháp Hoa Kỳ gọi họ là Electors, tức Đại Cử Tri, những người quyết định vận mạng cho cả nước (và đôi khi cả thế giới).

Đại cử tri đoàn New York nhóm họp để bỏ phiếu cho Franklin D. Roosevelt vào tháng Giêng, 1933. Nguồn: wikimedia   

Chiếu theo Tu Chính Án thứ 12 năm 1804, các Ðại Cử Tri Ðoàn phải họp mặt vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư của tuần lễ thứ nhì trong tháng Mười Hai để bầu tổng thống và phó tổng thống. Năm nay ngày đó là 14/12. Khi bài báo này đến tay các bạn, các lá phiếu ấy có lẽ đã lên đường đến Hoa Thịnh Ðốn.

Trước khi có Tu Chính Án 12, Hiến Pháp năm 1789 quy định mỗi đại cử tri phải bỏ hai lá phiếu cho tổng thống, lấy từ danh sách các ứng cử viên có khi lên đến cả chục người. Ai nhận được đa số phiếu bầu (50% + 1) sẽ làm tổng thống; người nhiều phiếu thứ nhì sẽ được làm phó tổng thống. Trong hai mùa bầu cử đầu tiên điều khoản này không là vấn đề vì khi ấy đảng phái chính trị chưa thực sự thành hình, ai cũng ủng hộ George Washington và chính quyền của ông.

Nhưng sau khi Washington về hưu, mùa bầu cử 1796 đã xảy ra chuyện tréo cẳng ngỗng khi John Adams thuộc đảng Federalist đắc cử nhưng phó tổng thống lại là Thomas Jefferson thuộc đảng đối lập Republican-Democratic. Việc vận hành chính phủ nhiệm kỳ đó gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề đối ngoại vì Adams ủng hộ Anh còn Jefferson ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp.

Ðến mùa bầu cử 1800, tình trạng phân liệt càng trầm trọng thêm khi không ứng viên nào có đủ đa số để thắng cử. Quốc Hội phải đứng ra dàn xếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất là Thomas Jefferson và Aaron Burr. Sau 35 cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại, cuối cùng Alexander Hamilton của đảng Federalist đã “phản đảng”, nhảy qua ủng hộ Jefferson. Phó tổng thống Aaron Burr ghim xương mối hận bị đồng đảng của mình phản bội. Tháng Bảy năm 1804, Burr thách thức Hamilton đấu súng và bắn chết người bạn của mình — chỉ một tháng sau khi Tu Chính Án 12 được chuẩn thuận bởi 13 tiểu bang.

Cảnh đại cử tri bỏ phiếu tại Lansing, thủ phủ tiểu bang Michigan, ngày 19/12/2016. Ảnh: Sarah Rice

Từ mùa bầu cử 1804 về sau, mỗi đại cử tri chỉ bỏ một phiếu cho tổng thống và một phiếu khác cho phó tổng thống. Và để tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược như trước, mỗi đảng đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống theo hình thức liên danh như ta thấy ngày nay. Trong trường hợp không ứng cử viên nào đủ đa số phiếu đại cử tri, Hạ Viện có nhiệm vụ bầu tổng thống và phó tổng thống. Chuyện này đã xảy ra một lần vào năm 1824 giữa Andrew Jackson, John Quincy Adams (con tổng thống John Adams) và hai ứng cử viên khác. Mặc dù được nhiều phiếu phổ thông và nhiều phiếu đại cử tri hơn trong kỳ bầu cử toàn quốc, Jackson lại thua John  Quincy Adams tại Hạ Viện. Nhưng bốn năm sau ông ra tranh cử lần nữa và đánh bại Adams. Lạ lùng là ông lại chọn John Calhoun, phó tổng thống của Adams, làm phó tổng thống cho mình.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Nói vòng vo vậy để thấy, trong thuở ban đầu của Hiệp Chủng Quốc này việc bầu bán còn khá lộn xộn, chưa định hình như ngày nay. Thời bấy giờ các đảng chính trị không nhất thiết chỉ đề cử một liên danh. Năm 1836 đảng Whig cố tình đưa ra bốn liên danh, đại diện cho bốn vùng khác nhau, nhằm chia phiếu của đảng Democratic để không ai đủ đa số khiến Hạ Viện phải ra tay một lần nữa. Nhưng may sao Martin Van Buren đã kiếm vừa đủ phiếu đại cử tri nhờ thắng Pennsylvania sít sao với chỉ 4 ngàn phiếu phổ thông! Chính vì hệ thống bầu cử quá nhiêu khê rắc rối, chẳng bao lâu sau nước Mỹ lại rơi vào khủng hoảng một lần nữa vào năm 1876.

Trong kỳ bầu cử đó ông Samuel Tilden, với 184 phiếu, chỉ cần thêm một đại cử tri là đủ 185 phiếu để đắc cử. Tuy nhiên vẫn còn 20 phiếu của bốn tiểu bang đang tranh chấp chưa được chứng thực. Ðối thủ của Tilden là Rutherford B. Hayes tuy chỉ có 165 phiếu nhưng lại cho rằng 20 phiếu đó trước sau gì cũng về tay mình. Thay vì chờ kết quả chính thức, bên nào cũng tuyên bố mình thắng. Vì trường hợp này không được tiên liệu trong Hiến Pháp hay trong Tu Chính Án 12 nên không ai biết phải giải quyết ra sao. Cuối cùng Hạ Viện và Thượng Viện đồng ý thành lập một uỷ ban đặc biệt gồm 10 dân biểu và nghị sĩ của hai đảng cùng với năm vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện để giải quyết. Sau nhiều ngày bàn cãi, cuối cùng Hayes được uỷ ban trao cho toàn bộ 20 phiếu đại cử tri đang tranh chấp, nhờ có sự ủng hộ của Thượng Viện do đảng Cộng Hoà của ông cầm đầu.

Bích chương tranh cử của liên danh Tilden-Hendricks năm 1876. Nguồn: wikimedia

Ðảng Dân Chủ tuy bị xử thua nhưng nhất quyết chống tới cùng, thậm chí còn đe doạ gây chiến. Lúc bấy giờ nước Mỹ vừa thoát khỏi cơn Nội Chiến và đang trong thời kỳ “Tái Thiết” (Reconstruction). Các tiểu bang miền Nam đa số theo đảng Dân Chủ rất căm ghét chương trình tái thiết này phần nhiều vì nó bảo vệ những người cựu nô lệ. Ðể xoa dịu tình hình, đảng Cộng Hoà đã thoả hiệp bằng cách chấm dứt chương trình tái thiết và làm ngơ cho các tiểu bang miền Nam áp dụng các sắc luật Jim Crow đàn áp người da Ðen. Ðổi lại, đảng Dân Chủ chấp nhận kết quả bầu cử vi hiến này và công nhận Hayes là tổng thống. Ðây là trường hợp duy nhất trong lịch sử một ứng viên được thắng cử dù không (thật sự) thắng số phiếu đại cử tri.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Chính vì muốn tránh xảy ra chuyện tương tự về sau, năm 1877 Quốc Hội ra đạo luật đếm phiếu đại cử tri, gọi là Electoral Count Act (ECA) được sử dụng cho tới ngày hôm nay. Ngoài việc dời ngày tân tổng thống nhậm chức từ tháng Ba sang tháng Giêng và ấn định ngày đại cử tri đi bỏ phiếu, ECA còn gia hạn là sáu ngày trước ngày bỏ phiếu, thống đốc các tiểu bang có nhiệm vụ chứng thực kết quả bầu cử tại tiểu bang của mình. Ngày đó được gọi là “Safe Harbor Day”, tức là “Vịnh An Toàn”. Ðúng 12 giờ đêm ngày này, danh sách đại cử tri nào đã được chứng thực bởi Bộ trưởng Nội vụ tại tiểu bang sẽ trở thành chính thức, Quốc Hội bắt buộc phải công nhận những đại cử tri này. Nói cách khác, sau ngày này mọi tranh chấp coi như phải xong, tất cả những gì còn lại chỉ là thủ tục giấy tờ.

Mặc dù trên nguyên tắc các đại cử tri có nghĩa vụ bầu cho ứng cử viên thuộc đảng của mình, nhưng có đến mười mấy tiểu bang không có luật bắt buộc họ phải làm chuyện đó. Cho nên khi các đại cử tri đi bầu vào ngày 14/12, họ vẫn có thể không bỏ phiếu theo ý nguyện của đa số người dân ở tiểu bang của họ. Và trong lịch sử thì chuyện đại cử tri bất tín nhiệm này đã từng xảy ra, tuy không thường xuyên cho lắm. Lần mới đây nhất là vào năm 2016 khi một số đại cử tri đã không bỏ phiếu cho Hillary Clinton mà lại bầu cho Bernie Sanders, hoặc họ không bỏ phiếu cho Donald Trump mặc dù họ đại diện đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên số người “phản đảng” này chưa lần nào nhiều đủ để đảo ngược kết quả một cuộc bầu cử.

Xem thêm:   Oscar 2024

Chiếu theo đạo luật ECA, ngày 6/1 năm 2021 sẽ là ngày Quốc Hội mở các tờ chứng chỉ ra đếm và công bố số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử 2020.

Một đại cử tri của tiểu bang Pennsylvania cầm lá phiếu bầu cho ứng cử viên Donald J. Trump ngày 19/12/2016. Ảnh: Jonathan Ernst

IB