Alexander Hamilton (1755/1757?-1804) là một trong những nhà Quốc Phụ của nước Mỹ. Nhân mùa Lễ Độc Lập, đài Disney+ cho trình chiếu phim ‘Hamilton’, quay từ vở nhạc kịch đang làm mưa làm gió trên Broadway mấy năm nay. Đây là dịp hiếm cho những ai chưa được xem nhạc kịch bất hủ này.

Ra mắt công chúng năm 2015, sau chỉ nửa năm diễn off-Broadway, ‘Hamilton’ ngay lập tức trở thành chiếc vé nóng nhất trên Broadway; mắc đến độ một nhà phê bình nói đùa phải cầm căn nhà mới lấy được vé cho cả nhà đi xem. Thông thường, nhạc kịch đang thành công không khi nào được làm phim trình chiếu cho công chúng, nhưng COVID-19 đã khiến mọi sinh hoạt giải trí bị đình hoãn nên mới xảy ra trường hợp hy hữu này.

Soạn giả Lin-Manuel Miranda có ý tưởng làm vở nhạc kịch này sau khi đọc quyển tiểu sử “Alexander Hamilton” (2004) của tác giả Ron Chernow. Miranda không những viết kịch bản (the book), anh còn soạn nhạc (the score) và viết lời (the lyrics), cùng thủ luôn vai chính (Alexander Hamilton). Có thể nói trong lịch sử nhạc kịch tự cổ chí kim chưa bao giờ có trường hợp tương tự. Năm 2016 ‘Hamilton’ đoạt 3 giải Tony lớn nhất: Best Musical; Best Book; Best Score; và vô số giải thưởng lớn nhỏ khác trong thế giới nhạc kịch.  Doanh thu của ‘Hamilton’ đến nay đã vượt mốc nửa tỉ đô la, trong đó có 1% là huê hồng của Ron Chernow!

Lý do nào khiến ‘Hamilton’ thành công đến vậy? Trước hết, về phong cách ‘Hamilton’ hoàn toàn khác các vở nhạc kịch xưa nay ở mảng âm nhạc — đa phần là thể loại hip-hop và rap, cộng với một số bài R&B, jazz, pop cũng như nhạc kịch truyền thống. Thứ nhì là lời hát hiện đại, gần gũi với thế hệ trẻ ngày nay mặc dù dựa trên cốt truyện lịch sử. Soạn giả Miranda giải thích: “Nó là câu chuyện về nước Mỹ ngày xưa được kể bằng nước Mỹ ngày nay.” Thứ ba là thành phần kịch sĩ hầu hết là người da màu — đen đỏ trắng vàng đủ kiểu — từ George Washington cho tới Marquis de Lafayette; Eliza vợ Alexander Hamilton là một nữ diễn viên lai Tàu. Chỉ có vua George III của Anh là nhân vật chính duy nhất được thủ diễn bởi một kịch sĩ da trắng (màn này rất tuyệt).

Jonathan Groff xuất thần trong vai King George III. nguồn: hamiltonmusical.com

Nói đến Alexander Hamilton, người Việt có lẽ không biết nhiều về vị quốc phụ này trừ bức ảnh của ông được in trên tờ giấy bạc $10. Không những là một trong những người phụ tá đắc lực nhất của George Washington trong cuộc chiến giành độc lập, Hamilton còn là người có công thành lập cơ chế ngân hàng quốc gia ngay từ những năm đầu của Hiệp Chủng Quốc dù bị Quốc Hội phản đối kịch liệt. Ngoài ra, Hamilton cũng là nhân vật nòng cốt soạn các bài viết được gọi là “Federalist Papers” [1] nhằm giải thích và ủng hộ bản Hiến Pháp vừa ra đời. Ngày nay những bài viết ấy vẫn được nhiều người tham khảo mỗi khi có nhu cầu làm sáng tỏ những điều khúc mắc trong văn bản của Hiến Pháp.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Alexander Hamilton xuất thân là một đứa bé vô thừa nhận sanh tại đảo Nevis, vùng biển West Indies thuộc địa của Anh. Cha ông, James Hamilton, là một nhà quý tộc gốc Tô Cách Lan. Mẹ ông là một người đàn bà nửa Anh nửa Pháp tên Rachel Faucette, khi đó đã bỏ người chồng trước nhưng không chính thức ly dị. Với James Hamilton bà sanh ra Alexander và người anh là James Jr., nhưng ít lâu sau đó James Hamilton đã ra đi để tránh Faucette mang tội hai chồng. Năm Alexander 12 tuổi thì mẹ mất, ông và James Jr. thành mồ côi, phải sống với người anh họ. Không được bao lâu thì người này tự tử, khiến Alex và James bị phân ly. Nhờ thông minh sáng dạ, học giỏi và ăn nói lưu loát, dân trong vùng góp tiền gởi Alexander lên New York để tiếp tục việc học năm 1776, ngay lúc không khí cách mạng đang sôi sục.

Tại New York City, Alexander Hamilton kết bạn với những người sau này đều lập công lớn là Marquis de Lafayette, Hercules Mulligan và John Laurens. Họ thành lập một đội dân quân gồm các sinh viên và tập trận gần King’s College (Columbia University ngày nay). Hamilton tuy tự học binh pháp qua sách vở nhưng đã tỏ ra một chiến lược gia và nhà cầm quân giỏi. Bộ ba về sau được George Washington tin cẩn và trọng dụng, cho tham gia những trận đánh then chốt như Brandywine, Monmouth, Yorktown…

Christopher Jackson (giữa) trong vai George Washington. nguồn: hamiltonmusical.com

Lafayette, như nhiều người biết, là giềng mối giữa Pháp và Mỹ. Ông có công kêu gọi nước Pháp hỗ trợ và tài trợ cho cuộc chiến. Sau khi Mỹ độc lập, Lafayette trở về Pháp để lãnh đạo cuộc cách mạng Pháp. John Laurens tuy thuộc dòng dõi đại điền chủ ở South Carolina nhưng lại ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhiều lần ông đã cố thuyết phục Nghị Hội Lục Ðịa (Continental Congress) thành lập một đội binh 3,000 người nô lệ để giúp đánh trận, với điều kiện cho họ tự do, nhưng lần nào cũng bị bác bỏ. Rất tiếc Laurens đã tử thương trong một trận đánh nhỏ khi chiến cuộc đã tàn, thành thử ý tưởng của ông phải đợi gần cả trăm năm sau mới thành hiện thực. Hamilton, như Laurens, cũng ủng hộ việc bãi bỏ nô lệ. Nhưng vào thời điểm ấy đa số các nhà quốc phụ như Thomas Jefferson và George Washington vẫn còn sở hữu nô lệ, nên chuyện bãi bỏ gần như bất khả.

Xem thêm:   Ham & hố

Ðời tư của Hamilton khá nhiều thăng trầm. Vợ ông, Eliza Schuyler, là con nhà quý tộc giàu có. Hai người có với nhau 8 người con, trong đó có người con trai tên Phillip bị bắn chết trong một cuộc đấu súng khi mới 19 tuổi, chỉ vì muốn bảo vệ thanh danh của cha mình. Bản thân Hamilton thì bị lừa vào vụ xì căng đan tình ái chính trị đầu tiên của nước Mỹ. Ông phải trả tiền cho chồng người đàn bà nọ để giữ kín tiếng, nhưng về sau chuyện bị xì ra khiến Hamilton phải viết thư công khai để tránh bị truy tố tội sử dụng công quỹ vào việc riêng. Vì vụ này mà sự nghiệp chính trị của Hamilton tiêu tùng, ông không thể nào ra tranh cử tổng thống.

Phillipa Soo và Lin-Manuel Miranda trong vai Eliza và Alexander Hamilton. nguồn: Hamiltonmusical.com

Mùa bầu cử 1800, Thomas Jefferson và Aaron Burr huề phiếu, Hamilton quay sang ủng hộ người từng đối lập với mình là Jefferson thay vì Burr là người cùng đảng. Jefferson thắng cử. Sinh thù, Aaron Burr thách đố Hamilton đấu súng và hạ sát Hamilton gần nơi Phillip bị bắn chết trước đó. Khi ấy Alexander Hamilton mới 47 tuổi. Tất cả những sự kiện lịch sử đầy kịch tính này đã được gom vào một vở nhạc kịch dài 2 tiếng 40 phút với những màn đấu trí bằng nhạc rap và beatbox cực kỳ sôi động. (Khi xem nên mở phụ đề để dễ theo dõi lời hát.)

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Cảm động nhất là màn cuối, được trao cho nhân vật Eliza Hamilton (Phillipa Soo). Bà là người đã bỏ nhiều năm trời viết về cuộc đời chồng mình cho hậu thế biết. Bà cũng là người thành lập viện mồ côi đầu tiên ở New York City. Bà mất năm 1854, hưởng thọ 97 tuổi. Cảnh cuối cùng trong vở kịch là hình ảnh Eliza thảng thốt không nói nên lời. Cho đến giờ phút này chưa ai giải thích được ý nghĩa của nó, và Lin-Manuel Miranda cũng không cho biết anh muốn ám chỉ điều gì. Anh chỉ nói mỗi người nên hiểu nó theo cách riêng.

Một vài nhà phê bình cho rằng ‘Hamilton’ có vài chỗ không chính xác hoặc hơi cường điệu. Ðiều này không sai, nhưng vì đây là một vở nhạc kịch chứ không phải bộ phim tài liệu nên ta phải thông cảm. Còn xét về mặt nghệ thuật cũng như giải trí thì số vé bán ra tự nó là câu trả lời. Giống Alexander Hamilton, Lin-Manuel Miranda cũng thuộc một gia đình di dân (gốc Puerto Rico), đến New York City để tìm cơ hội tiến thân. Xem ra cả hai đều đã thành công trong việc để lại cho đời một dấu ấn lịch sử và văn hóa khó phai.

Eliza Schuyler Hamilton và Alexander Hamilton. nguồn: wikipedia

IB

[1] Mời đọc loạt bài “Một trứ tác chính trị kinh điển” của Phạm Hồng Sơn, báo Trẻ tháng 6-7/2020: https://baotreonline.com/author/phamhongson