Chiếc xe đò của gánh hát “Cats” vừa mới rời khỏi Texas thì Dallas Summer Musicals đã mang tiếp cho khán giả vùng DFW vở tuồng “Dear Evan Hansen”, một nhạc kịch mới toanh lần đầu tiên lưu diễn vòng quanh nước Mỹ, đi tới đâu cháy vé tới đó…

Khán giả xếp hàng ngoài rạp Music Box. Không chỉ là một vở nhạc kịch, DEH còn là một “hiện tượng văn hóa thời đại”, đón nhận sự ưu ái nồng nhiệt từ giới trẻ. nguồn: DEH

Đêm khai trương tại Fair Park Music Hall vé online tìm đỏ mắt. Bãi đậu xe kéo dài ra tận Lot 6, kẹt cứng vì quá đông; nhiều người phải cuốc bộ rất xa. Bảy giờ rưỡi rồi mà vẫn chưa nghe kẻng báo hiệu mở màn; thiên hạ vẫn còn lũ lượt xếp hàng chỗ rà soát vũ khí. Khác với những show trước, phần lớn khán giả là sinh viên học sinh và giới trẻ thuộc lứa 30 – còn được gọi là thế hệ “millennial”, đa số hầu như không biết gì về xã hội loài người thời tiền-Internet.

Trong thế giới nhạc kịch, giải Tony tương đương với Oscar trong điện ảnh. Và giống như Oscar, Tony cũng có nhiều giải thưởng #1 khác nhau như: đạo diễn, âm nhạc, ca từ, kịch bản, trang phục v.v. “Dear Evan Hansen” ra mắt Broadway năm 2016 và thắng liền giải Best Musical cùng hai giải lớn khác: Best Book (Kịch bản) – cho soạn giả Steven Levenson; và Best Original Score (Âm nhạc) – cho cặp bài trùng Benj Pasek và Justin Paul. Cả ba lúc ấy chưa đầy 30 tuổi.

Tuổi trẻ tài cao (từ trái): Nhạc sĩ Benj Pasek, kịch giả Steven Levenson, nhạc trưởng Alex Lacamoire, nhạc sĩ Justin Paul, đạo diễn Michael Greif đêm ra mắt Broadway. ảnh: chad kraus

Trước đó DEH cũng đã thắng nhiều phần thưởng của giới kịch nghệ ở New York như giải Drama League cho tác phẩm hay nhất, giải Drama Desk cho ca từ hay nhất, giải Obie Award cho nhạc kịch Off-Broadway xuất sắc nhất (trước khi DEH được mang lên Broadway)… Nhưng độc đáo hơn cả là cặp nhạc sĩ Pasek/Paul đã từng thắng Grammy và Oscar cho nhạc phim “La La Land”, một thành tích có lẽ ít nhạc sĩ Broadway nào có.

Xem thêm:   Allen PAC

Chính vì các nhà nghệ sĩ này thuộc thế hệ “millennial” nên vở nhạc kịch của họ rất tân thời, đầy những sản phẩm của thanh niên thời nay như Facebook, Instagram, Twitter v.v. Bài nhạc chủ lực “You Will Be Found” đã có hơn 9 triệu lượt “view” trên Youtube. Cốt truyện của DEH xoay quanh một chủ đề đương đại tương đối khó nuốt, đó là nạn tự tử trong giới thanh thiếu niên. Thoạt nghe không ai dám nghĩ đây là một đề tài có thể dựng thành nhạc kịch. Và nếu may mắn tìm được người “dại dột” đủ để bỏ tiền đầu tư thì cũng khó mà đưa nó lên được tới phố Broadway, đừng mơ chi tới giải Tony. Vậy mà …

Evan Hansen là học sinh lớp Đệ Nhất, mang chứng “anxiety disorder” (rối loạn âu lo). Không giao tiếp được với người xung quanh một cách bình thường, Evan trốn vào thế giới online để kết bạn. Heidi Hansen là bà mẹ đơn thân đầu tắt mặt tối, ngày làm y tá đêm đi học thêm. Heidi gởi Evan đi bác sĩ thần kinh để trị bệnh cho con. Bác sĩ giao Evan mỗi đầu ngày phải viết cho chính mình một bức email, nội dung đại khái:

“Evan Hansen thân mến, hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời. Bởi vì … …”

Hai mẹ con Evan và Heidi Hansen. nguồn: Dallas summer musicals

Câu chuyện bắt đầu vào ngày đầu của niên học mới. Tay trái Evan bị gãy phải băng bột. Heidi đề nghị Evan kêu bạn bè trong lớp ký tên lên đó, như một cách giúp con mình kết bạn. Nhưng ở trường không ai thèm ký, kể cả Jared, con một gia đình quen với Heidi và là người bạn duy nhất của Evan ngoài đời thường.

Evan thầm yêu một nữ sinh lớp 11 chơi nhạc trong jazz band tên Zoe Murphy, nhưng vì quá nhút nhát Evan không dám tỏ tình với nàng. Gia đình Zoe có tiền nhưng cha mẹ cô không thật sự hiểu con cái mình. Connor Murphy, anh lớn của Zoe, học cùng lớp với Evan, là một thanh niên tánh nết thất thường, hút cần sa, thích nổi loạn, ít giao tiếp và giống như Evan – không có bạn.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Một hôm Connor tình cờ tìm thấy lá thư “Dear Evan Hansen …” trên máy in của nhà trường, trong đó Evan có nhắc tới Zoe. Connor bèn tìm Evan gặng hỏi cho ra chuyện. Thấy Evan trả lời ấm a ấm ớ, Connor bèn nổi hứng chòng ghẹo Evan bằng cách ký tên mình lên cánh tay băng bột của Evan xong bỏ đi.

Vài ngày sau Evan được gọi lên văn phòng hiệu trưởng. Tại đây anh gặp bố mẹ của Connor (lần đầu), và Zoe. Ông Larry Murphy cho Evan biết Connor vừa tự tử, trong túi quần anh có bức thư “Evan Hansen thân mến” vài ngày trước đó. Evan cố giải thích rằng đây không phải email từ Connor, nhưng Evan càng ấp úng chừng nào mọi người càng nghĩ đó là do anh bị sốc vì cái chết của người bạn. Mẹ của Connor càng tin Evan là bạn thân của con mình khi thấy chữ ký của Connor trên cánh tay băng bột…

Cảm thương nỗi đau mất con của bà mẹ, Evan đành nói dối với gia đình Murphy rằng, vâng, là anh bạn thân với Connor. Và anh bắt đầu bịa ra những câu chuyện về hai người, với những bức email giả để làm chứng cớ. Chẳng bao lâu Evan trở thành người thân trong gia đình Murphy, anh được bố mẹ Connor coi như con nuôi và chiếm cảm tình của Zoe.
Cùng lúc đó Jared và một số học sinh trong trường kêu Evan đứng đầu một dự án tưởng niệm Connor – một vườn táo để nhắc nhở chuyện Connor đã giúp Evan ra sao sau khi anh té từ trên cây táo xuống và bị gãy tay (cũng là chuyện bịa). Họ lập trang Facebook, làm Youtube video, gây quỹ trên Gofundme được gần $50,000… Evan trở thành một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội. Những câu chuyện (xạo) của anh với Connor ngày càng lan rộng trên Internet.

Nhưng rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến. Dưới sức ép ngày mỗi nặng của sự lừa dối do mình đặt ra, dầu thâm tâm chỉ muốn giúp xoa dịu nỗi đau của gia đình Murphy (cũng như để lấy lòng Zoe đồng thời nhận được nhiều “like” trên FB) Evan cuối cùng phải từ bỏ con người ảo “tuyệt vời” của mình và thú nhận với mọi người sự thật về những lá thư. Đang từ một huyền thoại Internet bỗng dưng Evan mất tất cả. Mất lòng tin, mất bạn bè, mất cả người tình. Người duy nhất vẫn yêu thương và chấp nhận Evan là Mẹ của anh. Nhưng qua kinh nghiệm này Evan bỗng “người lớn ra”, hiểu mình là ai, biết mình muốn gì, và không còn bị “anxiety disorder” nữa.

Kịch đoàn chỉ vỏn vẹn 8 người, trong ca khúc “You Will Be Found” nổi tiếng. nguồn: DSM

“Dear Evan Hansen” không phải là một vở nhạc kịch công thức với những yếu tố thông lệ như các màn vũ quy mô hay ca đoàn đông đảo. Thậm chí từ đầu tới cuối hoàn toàn không có màn múa nào cả. Và tuy có những bản nhạc được hát đệm bằng một dàn ca sĩ hùng hậu, họ chỉ là “ca đoàn ảo” núp ở đâu ta không hề thấy. Và để thể hiện thế giới online nửa ảo nửa thực, sân khấu được dàn dựng rất giản dị – chỉ có mấy chục tấm màn, trên đó được chiếu màn ảnh laptop, tablet, smartphone… đầy hình selfie, tin nhắn, tweet từ khắp nơi trên thế giới. Những hình ảnh này thay đổi liên tục theo dòng chảy của câu chuyện, tạo nên một tổng thể đầy sắc màu chẳng khác nào một bức tranh hậu hiện đại vừa hiện thực vừa trừu tượng, đôi khi làm người xem hoa cả mắt.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Chỉ đến màn cuối cùng tất cả những thứ hỗn độn đó mới biến mất, nhường chỗ cho một bầu trời xanh ngát và vườn táo vừa mới trồng. Những hàng cây con cao chưa tới đầu người đứng im trong nắng chiều. Trong bầu không khí êm ả tĩnh lặng, Evan ngồi trên băng ghế gỗ như đang đợi ai. Zoe xuất hiện với cây đàn trên lưng. Cô đã lên lớp 12, vẫn còn chơi nhạc trong jazz band; Evan chuẩn bị lên đại học xa nhà. Họ ngồi xuống gần nhau, nhưng vẫn giữ một khoảng cách. Hai người hồi tưởng về thời gian qua, những gì đã đánh mất, những bài học của tuổi trẻ – về tình yêu, về sự thật, về đời sống, về cái chết… Rồi họ chia tay. Ánh sáng lùi dần. Màn hạ.

IB
Dallas

Sân khấu thiết kế đơn sơ nhưng độc đáo, với ban nhạc ngồi trên ban-công thay vì dưới hố nhạc. ảnh: ianbui/trẻ