“Cats” đang lưu diễn tại Music Hall ở đến ngày 17/11. Khác với các tour lưu diễn bình thường, chuyến này show được chỉ đạo bởi chính Trevor Nunn, người đầu tiên đạo diễn nhạc kịch lừng danh này và đoạt giải Tony cho Best Director. Ai muốn xem mèo của nhà thơ thì đây là cơ hội hãn hữu chớ nên bỏ qua.

Kịch đoàn “Cats”. ảnh: matthew murphy/dallas summer musicals

Năm 1939, thi hào T.S. Eliot (1888-1965) xuất bản một tập thơ cho trẻ em gồm một số bài thơ về mèo. Mười sáu năm sau khi ông mất, nhạc kịch “Cats” ra đời nhờ công lao một “con mèo thật” của thi sĩ. “Cats” là một trong những vở nhạc kịch thành công nhất của Andrew Lloyd Webber (sn 1948), thắng 7 giải Tony năm 1983. Lời nhạc hầu hết là những bài thơ lấy thẳng từ thi tập “Old Possum’s Book of Practical Cats” (những con mèo thực dụng của Old Possum). Old Possum (con đại thử già) là biệt danh của T.S. Eliot – một nhà thơ nổi tiếng yêu mèo.

T.S. Eliot, nhà thơ Anh gốc Mỹ, được trao tặng Nobel Văn Chương năm 1949; tập thơ “The Waste Land” (1922)của T.S. Eliot, xuất bản năm 1922, được xem là chuẩn mực của dòng thơ hiện đại tân kỳ vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, các bài vè ngộ nghĩnh về mèo của ông cũng được rất nhiều người bình dân yêu thích, nhất là các phụ huynh có con nhỏ. Hồi còn nhỏ Webber hay được mẹ đọc cho nghe những bài thơ này. Lớn lên, sau khi đã thành công với những vở nhạc kịch như “Jesus Christ Superstar” (1970), “Joseph and the Amazing Technicolor Dreamcoat” (1972) – được soạn cùng với Tim Rice là người chuyên viết lời cho nhạc kịch của mình – Webber thử nghiệm phổ nhạc thơ của T.S. Eliot. Năm 1980 ông mang những bản nhạc ấy ra trình diễn tại đại nhạc hội Sydmonton Festival do ông tổ chức (từ 1975) trong khu đất của nhà mình ở Hampton, Anh Quốc.

T.S. Eliot và nàng thơ Esmé Valerie tại văn phòng của thi sĩ, năm 1958. nguồn: internet

Trong số những người Webber mời dự nhạc hội có bà Valerie Eliot, quả phụ của T.S. Eliot và là người giữ bản quyền những sáng tác của ông, kể cả những thi phẩm chưa xuất bản. Bà Valerie đưa cho Webber xem một bài thơ về một chị mèo già tên Grizabella mà T.S. Eliot đã bỏ ra ngoài thi tập vì cho là nhân vật đó quá buồn thảm, không thích hợp với trẻ con. Nhưng Webber thì suy nghĩ khác: “Đọc xong bài đó tôi đánh hơi được yếu tố kịch ngay lập tức.”

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

Tiếp theo bà Valerie đưa Webber xem một bài thơ chưa xuất bản khác về một buổi tiệc của một nhóm mèo “Jellicle Cats”, và thiên đàng mèo “Heaviside Layer”, nơi mèo Jellicle bay lên để được đầu thai (vào kiếp mèo Jellicle khác). Sau khi đọc đến “Jellicle Cats” Webber không còn đắn đo gì nữa. Ông phác hoạ ra một câu chuyện với Grizabella là nhân vật “bi thương” bị đồng loại ruồng bỏ nhưng cuối cùng lại được “lên thiên đàng”. Ông còn muốn nhạc kịch phải có màn múa hiện đại kiểu Mỹ mà sân khấu Anh lúc bấy giờ chưa ai làm.

Một màn vũ của đoàn mèo Jellicle Cats. ảnh: matthew murphy/dallas summer musicals

Phải nói đây là một ý tưởng táo bạo, bởi vì trước đó Webber chỉ viết nhạc dựa theo cốt truyện có sẵn (giới nhạc kịch gọi là “the book”), xong đưa cho Tim Rice soạn lời (“libretto”) miễn sao phù hợp với nhạc điệu và cốt truyện có sẵn là được. Trong khi đó thi tập của T.S. Eliot gồm toàn những bài thơ rời rạc, chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trời làm việc, cuối cùng nhạc kịch cũng soạn xong. Webber cố gắng mời cho bằng được Trevor Nunn – giám đốc đoàn kịch cổ điển Royal Shakespeare Company, làm đạo diễn mặc dù ông này chưa từng đạo diễn nhạc kịch bao giờ. Cùng với nhà sản xuất trẻ tuổi Cameron MacKintosh, họ bắt đầu đi … kiếm tiền thực hiện dự án. Kẹt một nỗi không nhà đầu tư nào dám tài trợ cho vở nhạc kịch quái đản đầy rủi ro này. Rốt cuộc Webber phải thế chấp nhà đất của mình để vay vốn, xong kêu gọi bạn bè thân thích đóng góp thêm mỗi người một ít cho đủ phí tổn 1.6 triệu đô la.

Xem thêm:   Beetlejuice

Webber tâm sự, “Thử nghĩ. Một vở nhạc kịch về những con mèo của một thi sĩ đã chết; đạo diễn bởi một người chưa từng đạo diễn nhạc kịch bao giờ; sản xuất bởi một nhà sản xuất chưa hề có một thành công lớn nào; lại đầy các màn vũ hiện đại ít người cảm thụ nổi. Đã vậy, cái nhà hát duy nhất mà chúng tôi mướn được lại bị dân trong nghề chế giễu là ‘nghĩa trang của nhạc kịch’, nơi vở ‘Grease’ với Richard Gere cũng yểu mạng. Thì hỏi ai có can đảm cho chúng tôi mượn tiền? Nếu Cats thất bại thì chắc tôi đã thành kẻ vô gia cư.”

Dan Hoy trong vai chú mèo “mun” Munkustrap. ảnh: matthew murphy/dallas summer musicals

Và điều đó đã xém xảy ra. Tối ngày 11/5, 1981, giữa đêm công diễn đầu tiên, chợt có tin (thất thiệt) rằng London đã bị đặt bom khủng bố. Tuy chỉ là fake news, nhưng sự kiện này cũng khiến kịch đoàn vừa diễn xong phải rời nhà hát ngay lập tức, không kịp cởi bỏ trang phục. Đêm ấy, trong số cư dân hoang mang ngơ ngác trên đường phố Luân Đôn người ta thấy có một đoàn mèo quái dị to bằng người thường, đi hai chân. May là đêm đó diễn viên hoàn toàn không được thông báo lúc đang trên sân khấu, nên “the show vẫn go on!” Nhờ vậy khán giả cùng các nhà phê bình đã kịp thời nghe được ca khúc chủ lực “Memory” – nay đã trở thành bất hủ.

Keri René Fletcher trong vai Grizabella với bài “Memory” bất hủ. ảnh: matthew murphy/dallas summer musicals

Dẫu bạn không rành tí nào về “Cats” hay về nhạc kịch nói chung, bảo đảm nghe qua bài này một lần bạn sẽ khoái liền, và đây cũng là bản nhạc duy nhất không dùng thơ của T.S. Eliot mà do đạo diễn Trevor Nunn soạn lời.

Tiếng tốt lan nhanh, chẳng mấy chốc “Cats” đã cháy vé tại West End, London. Hai năm sau “Cats” mở màn ở Broadway, NY, và chạy gần 7,500 show, một kỷ lục chỉ bị qua mặt sau này bởi “Phantom of the Opera” (cũng của Webber và MacKintosh).

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Các nhà đầu tư “bất đắc dĩ” ban đầu của Webber không những lấy lại được vốn mà còn kiếm được một món lời khá bộn, lãi suất nghe đâu lên tới 3,500% (bỏ $1,000 lấy $3.5 triệu!)
Còn bộ lạc mèo Jellicle Cats của T.S. Eliot cũng nhờ nhạc kịch mà đã thực sự đi vào lịch sử. Thử đọc vài câu thơ về bầy mèo đa năng đa dạng này:

“Practical cats, dramatical cats
Pragmatical cats, fanatical cats
Oratorical cats, delphioracle cats
Skeptical cats, dispeptical cats
Romantical cats, pedantical cats…”

Những chị mèo. ảnh: matthew murphy/dallas summer musicals

…và rất nhiều loại mèo nữa, với các anh chị quái miêu mang những tên lạ lùng như Munkustrap, Skimbleshanks, Rum Tum Tugger, Mungojerrie, Mr Mistofelees, Deuteronomy… Nhưng trong đàn mèo của T.S. Eliot, nhân vật quan trọng nhất lại có một cái tên rất đẹp – Esmé Valerie.

Sinh năm 1926, Esmé Valerie Fletcher là con gái một gia đình khá giả ở Leeds (Anh) và cực kỳ mê thơ T.S. Eliot. Sau khi ra đại học, Valerie xin được một chân thư ký cho nhà văn Charles Morgan. Cô thổ lộ với Morgan sự mến mộ tột cùng của mình đối với T.S. Eliot. Qua sự giới thiệu của Morgan, năm 1949 Valerie được nhà xuất bản Faber & Faber mướn vào làm thư ký riêng cho T.S. Eliot, khi ấy là giám đốc của một bộ phận trong công ty.

Trước đó hai năm người vợ đầu của T.S. Eliot đã qua đời sau một thời gian dài bị bệnh tâm thần. Thật ra thì hai người đã ly thân từ thập niên 1930 vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Từ năm 1938 đến 1957 Eliot thường xuất hiện trước công chúng với một người phụ nữ tên Mary Trevelyan; họ không lấy nhau mặc dù Mary rất muốn. Bỗng đến năm 1957, khi đã gần 70 tuổi, T.S. Eliot quyết định cưới cô thư ký mới 31 tuổi về làm vợ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, bà Valerie Eliot kể về cuộc sống đơn sơ của hai vợ chồng, và nói: “Thật ra anh ấy chỉ muốn một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Và bằng mọi cách anh ấy phải làm được điều đó trước khi chết.”
Cuối cùng thì nhà thơ cũng tìm được nàng thơ của mình. Và nhờ nàng mà chúng ta đã có được một sản phẩm văn hoá vô cùng độc đáo – một sự kết hôn hài hoà giữa thi ca, âm nhạc, kịch nghệ và vũ múa.

IB

Tác giả và bà Betty Buckley, người đoạt giải Tony cho vở Cats, khi bà đến Dallas diễn vở “Hello, Dolly”. ảnh: ianbui/Trẻ