Sau những ngày bi thương, tăm tối, nước Mỹ vượt qua đại dịch, với cột mốc Lễ Độc Lập là ngày người dân có thể tựu tập ăn mừng gần như bình thường. Nhờ đã được chích ngừa đầy đủ, gia đình tôi quyết định làm một chuyến du lịch đường bộ xem tình hình ra sao.

Blue Swallow Motel trên Đường 66, hoạt động liên tục từ thập niên 1930. Ảnh: ianbui 

Trước Lễ Ðộc Lập hơn hai tháng chúng tôi đã bắt đầu lập kế hoạch đi từ Texas sang Cali cho mấy đứa nhỏ có dịp thăm ông bà. Có hai việc chúng tôi gặp khó khăn nhiều nhất là mướn xe và mướn phòng. Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung cộng với cơn đại dịch đã dẫn đến tình trạng nhiều vật liệu phụ tùng xe hơi bị thiếu hụt trầm trọng, nhất là chip cho các bộ phận điện tử. Thành thử hầu hết các hãng xe buộc phải cắt giảm mức sản xuất khiến mấy công ty cho mướn xe không đủ xe để cung cấp; giá mướn có khi tăng gấp đôi, và xe minivan hay SUV cỡ lớn cực kỳ khó kiếm.

Trong khi đó thì khách sạn cũng hết phòng vì thiên hạ đổ xô nhau lên đường “cứu quốc”. Muốn chọn chỗ và đặt phòng trước trở nên khó khăn hơn xưa; giá cả cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhờ chịu khó lùng sục cuối cùng chúng tôi cũng tìm được vài chỗ ở tạm được trên cả đường đi lẫn về. Hơn cả năm bị bó gối ngồi nhà, giờ được khuyến khích đi chơi nên thiên hạ mạnh ai nấy túa ra đường.

Người Mỹ có một truyền thống lâu đời gọi là “road trip”, tức du hành trên xa lộ, nói tắt là lộ du. Dân Việt Nam trong nước khoảng chục năm trở lại cũng bắt đầu đi chơi kiểu này, gọi là đi “phượt”, thường bằng xe gắn máy. Ở Mỹ, lộ du xuất hiện ít nhất từ thập niên 1930, với sự ra đời của con đường huyết mạch Route 66 khởi đi từ Chicago, Illinois, dài cho tới Los Angeles ở bờ Tây.

Garage của Blue Swallow motor court, xưa dùng làm chỗ cho xe cộ nghỉ ngơi, được giữ nguyên và sơn vẽ lại cho đẹp mắt. Ảnh: ianbui

Ðường 66 băng ngang 8 tiểu bang, cùng hàng trăm làng mạc và thành phố lớn nhỏ. Ðể phục vụ khách du hành, dọc theo con đường mệnh danh “Mother Road” này mọc lên vô số tiệm ăn, cây xăng, tửu điếm, lữ quán… Route 66 trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao văn sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia yêu thích cảm giác độc lập, tự do trên con lộ dài gần 4,000 cây số. Nó từng được John Steinbeck dùng làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết “Grapes of Wrath” (1939) mà năm 1972 Võ Lang dịch sang tiếng Việt là “Chùm Nho Uất Hận”. Cuộc hành trình đầy khổ nhọc từ Oklahoma sang California của gia đình Tom Joad, trốn nạn đói và thất nghiệp thời Ðại Khủng Hoảng kinh tế, đã giúp Steinbeck đoạt giải Pulitzer và sau này giải Nobel văn chương.

Xem thêm:   Ham & hố

Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, phong trào lộ du nở rộ. Bản nhạc “(Get Your Kicks On) Route 66” của Bobby Troup, được Nat King Cole ra dĩa năm 1946, leo lên đến #3 trong bảng xếp hạng Billboard. Lời nhạc đi theo bước chân hai vợ chồng Bobby Troup trong chuyến di cư từ Philadelphia sang California tìm giấc mơ Mỹ quốc:

… Now you go through Saint Louis

Joplin, Missouri

And Oklahoma City is mighty pretty.

You see Amarillo,

Gallup, New Mexico

Flagstaff, Arizona

Don’t forget Winona

Kingman, Barstow, San Bernardino…

Làm quen với cụ Joe Wood ở Tucumcari, New Mexico.Ảnh: ianbui

Từ đó đến nay bài nhạc này đã được hàng trăm ca sĩ nổi danh hát lại đủ kiểu cách — từ jazz đến R&B, từ country đến rock’n’roll — nào là Bing Crosby, Andrews Sisters,  Rolling Stones, Depeche Mode… Nhiều không thể nào kể xiết. Nhưng nhờ vậy mà giấc mơ California — “xứ sở của sữa và mật ong”, của nhạc sĩ Bobby Troup đã thành hiện thực, không đến nỗi tệ như của Tom Joad.

Có điều thời xưa xe hơi không đi lâu được vì dễ bị nóng máy. Do đó dọc theo xa lộ là vô số những lữ quán cho xe nghỉ ngơi, tiếng Mỹ gọi là “motor court”, nhiều chỗ còn có cả garage riêng cho xe đậu vào trong. Motor courts rất thịnh hành vào thập niên 1950 sau chiến tranh. Nhưng khi máy móc xe hơi ngày càng tiến bộ và hệ thống xa-lộ liên-bang Interstate ra đời thì Ðường 66 và các căn motel hai bên đường dần mất khách và nhiều chỗ mất tích luôn trên bản đồ.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Interstate-40 là tuyến xa lộ cao tốc băng ngang những tiểu bang miền Nam có Ðường 66 chạy qua — Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona, California. Tại nhiều nơi ta có thể bắt từ I-40 sang Ðường 66 để ghé thăm những ngôi làng nhỏ ngày xưa từng đông đúc dân cư. Trong chuyến lộ du lần này, gia đình tôi đã cố tình tấp vào một vài địa điểm như thế.

Bên trong nhà hàng Rutherford ở Kingman, xây theo kiểu xưa thời 1940-50. Ảnh: ianbui

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là làng Tucumcari, New Mexico, cách biên giới Texas chừng 40 dặm về phía Tây, để ăn trưa. Nhà hàng tên là “Kix On 66”, được Yelp xếp vào hàng ngon nhứt trong vùng. Xây theo kiểu 1950, nhà hàng không lớn lắm, chỉ chừng chục cái bàn xếp dọc theo bức tường có cửa kính phía trước, và một quầy counter cho thực khách đơn lẻ. Giá cả ở đây rất phải chăng, nếu không dám nói là quá rẻ, nhưng đồ ăn lại ngon lạ lùng. Dù chỉ là những món ăn Mỹ truyền thống đơn sơ, nhưng món nào cũng tươi, cũng ngon miệng.

Tình cờ chúng tôi bắt chuyện với một ông cụ người Mỹ ngồi bàn bên cạnh và học được nhiều điều thú vị. Ông tên là Joe Wood, sanh trưởng ở vùng này. Năm nay gần 80 tuổi, ông kể vào thập niên 1950 Tucumcari có đến khoảng 16,000 dân. Nhưng từ khi nhà nước cho xây cao tốc I-40, Ðường 66 dần dần thưa người qua lại. Giờ đây dân số trong làng chỉ còn khoảng 4,000 người. Bản thân ông khi xưa cũng phải bỏ xứ ra đi để tìm việc, và chỉ mới quay lại cách đây hai năm. Ông cho biết cách chỗ chúng tôi ngồi chưa đầy trăm thước là lữ quán Blue Swallow Motel nổi tiếng, nơi 3 chàng tài tử Peter Fonda, Jack Nicholson và Dennis Hopper từng trú ngụ trong lúc làm phim ‘Easy Rider’ (1969) — một bộ phim kinh điển trong Top-100 của Hollywood, về chuyến du hành bằng xe gắn máy trên con lộ Mother Road.

Một trong những cách lộ du khá phổ biến của người Mỹ là kéo theo căn nhà nho nhỏ để cắm trại. Ảnh: ianbui

Thế là sau bữa ăn chúng tôi liền ghé thăm Blue Swallow, nhờ vậy có dịp nói chuyện với bà chủ. Ðó là một lữ quán kiểu motor court, xây từ thập niên 1930 và vẫn hoạt động đều đặn qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Bà kể đây là nơi đã được Disney chọn làm bối cảnh cho phim ‘Cars’ (2006), với rặng núi gần đó được mượn để vẽ cảnh cho địa danh Radiator Springs trong phim.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ði dạo một vòng Blue Swallow, chúng tôi phát hiện các căn garage được sơn vẽ hình ảnh lấy từ phim ‘Cars’ và ‘Easy Rider’. Có lẽ nhờ marketing giỏi, và giá phòng cũng rẻ ($110/đêm) nên Blue Swallow vẫn sống mạnh. Vì motel chỉ có 11 phòng, bà chủ dặn nếu muốn mướn phòng thì nên đặt trước càng sớm càng tốt, nhất là mùa Hè năm nay là mùa du lịch đầu tiên sau cơn đại dịch.

Rời Tucumcari, chúng tôi quay trở lên I-40 để tiếp tục cuộc hành trình. Ðiểm đến kế tiếp là Kingman, Arizona, nơi chúng tôi đã đặt phòng trước để ngủ qua đêm trước khi đi tiếp chặng thứ nhì đến Los Angeles. Chúng tôi phát hiện vì đại dịch nên một số dịch vụ trong khách sạn đã thay đổi. Chẳng hạn như điểm tâm miễn phí không còn nữa. Thay vào đó họ cho chúng tôi thẻ discount 10% để ăn sáng tại các tiệm quán trong vùng. Và tuy ở đâu cũng có bảng nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, nhưng số người không đeo khá là nhiều. Dẫu vậy chúng tôi vẫn cẩn thận, trong xe lúc nào cũng thủ sẵn khẩu trang loại xài một lần rồi bỏ (disposable mask) và thuốc khử trùng (hand sanitizer). Ông bà mình nói, cẩn tắc vô áy náy. Dịch khuẩn Cô Vi đâu phân biệt ai là ai…

IB

Kỳ tới

Đường 66 từ Arizona sang Cali