Trước khi được gọi là Veterans Day, ngày lễ này có tên là Armistice Day – Ngày Đình Chiến, đánh dấu thời điểm phe Đồng Minh và Đức quốc ký hiệp ước ngưng bắn vào “giờ thứ 11, ngày 11, tháng 11 năm 1918”, tạm dứt chiến cuộc cho đến khi chiến tranh chính thức kết thúc với Hoà-Ước Versaille ký ngày 28 tháng 6, 1919. Bên Anh, 11/11 còn là lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Vô Danh, khởi đầu từ thập niên 1920.

Vua George V đứng trước quan tài Chiến Sĩ Vô Danh, tranh Frank Salisbury (public domain)   

Ngày 7 tháng 11 năm 1920, bốn toán quân Anh được mật lệnh đến bốn khu chiến địa ở Pháp – Aisne, Somme, Arras và Ypres, để đào lên bốn người lính Anh tử trận trong Đại Thế Chiến. Thi hài họ được âm thầm đưa về nhà nguyện bản doanh quân đội hoàng gia Anh, đặt tại ngôi làng Saint-Pol-sur-Ternoise gần eo biển Dover-Calais miền Bắc nước Pháp.

Tối hôm ấy thiếu tướng L.J. Wyatt, chỉ huy trưởng quân đội Anh tại Pháp và Flanders (Bỉ), cùng đại tá Gell lẳng lặng xem xét bốn chiếc băng-ca được phủ cờ Anh-quốc. Cuối cùng tướng Wyatt ra dấu bằng cách đặt tay lên xác một quân nhân. Ba chiếc xác kia được mang đi chôn. Xác còn lại được đặt trong một quan tài đơn sơ và ngủ qua đêm trong nhà nguyện. Ngoài hai vị sĩ quan ấy ra, không ai biết diện mạo người lính ra sao, mang cấp bậc hay thuộc binh chủng nào.

Chiều hôm sau quan tài được di đến lâu đài Château de Boulogne-sur-Mer, đặt nằm trong thư viện vừa được biến thành nhà nguyện tạm thời cho người lính không tên. Một toán binh danh dự thuộc Trung đoàn 8 lừng lẫy của Bộ binh Pháp được chọn để túc trực canh gác qua đêm.

Xem thêm:   Những nhà ga đẹp

Đúng ngọ ngày 9/11, quan tài được cho vào trong một chiếc quan tài lớn hơn vừa đưa từ Anh sang. Nó làm bằng gỗ một thân sồi đến từ Cung điện Hoàng Gia ở Hampton Court. Ngoài được nịt bằng đai sắt, trong bọc thiếc, với một thanh cổ kiếm đến từ những cuộc Viễn Chinh (thế kỷ 11-13) do chính vua George V lấy trong bộ sưu tập của ông ban tặng. Trên nắp quan tài ghi dòng chữ:

“Một người lính Anh ngã mình trong cuộc Đại Chiến 1914-1918 cho Vua và Đất Nước.”

Château de Boulogne-sur-Mer, Pháp. (Flickr

Người lính hồi hương trên chiến hạm HMS Verdun (tên một trận đánh lớn trong Đại Thế Chiến). Phủ trên quan tài là lá cờ Anh quốc từng được linh mục tuyên uý David Railton dùng để trải lên bàn thờ dã chiến của ông. Ý tưởng xây mộ Chiến Sĩ Vô Danh này dường như đã đến từ Cha Railton (1889-1955). Một lần nọ vào năm 1916, ông tình cờ bắt gặp trong một khu vườn ở Armentières (Pháp) một nấm mộ cắm chiếc thánh giá thô sơ với hàng chữ: “Một người lính Anh vô danh”. Tháng Tám năm 1920, ông viết thư cho đức Cha Herbert Ryle, trụ trì Westminster Abbey, trong thư có đề cập đến việc tưởng niệm các tử sĩ vô danh.

Sáng ngày 11/11, một cỗ xe kéo bởi sáu con hắc mã chầm chậm đưa linh cữu qua những con lộ chính của Luân-Đôn. Người thành phố đứng dọc hai bên đường để tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Đến Whitehall nó ngừng lại. Nhà vua bước tới, kéo xuống tấm bạt che phủ một đài bia tưởng niệm vừa mới được dựng lên, gọi là Cenotaph (bia cho người chết được chôn ở một nơi khác.) Đoạn đám rước tiếp tục cuộc hành trình đến thánh đường Westminster.

Xem thêm:   Giáng Sinh tháng 7

Buổi lễ truy điệu diễn ra thật uy nghi, trang trọng. Ngoài nhà vua còn có mặt các vị bộ trưởng cùng chỉ huy trưởng các binh chủng. Trong số hàng ngàn vị khách danh dự có không ít những nhà lãnh đạo, vua chúa, hoàng hậu cũng như sĩ quan từ các nước Đồng Minh. Trong bầu không khí trang nghiêm, tiếng kèn trống trỗi lên thật thê lương. Ca đoàn hát những bản thánh ca chiêu hồn tử sĩ. Sau bài “Lead Kindly Light”, quan tài được từ từ hạ xuống; nhà vua tiến đến và thả lên vài nắm đất được đem về từ Pháp.

Chiến địa Somme sau trận giao tranh, 1917. (IWM 2793)

Tối hôm đó người lính vô danh nghỉ trong gian giữa của giáo đường, canh gác bởi bốn binh sĩ hoàng gia trong tư thế bất động. Không ánh sáng nào ngoài bốn ngọn nến mập mờ. Một tuần lễ sau, chiếc hòm được chôn dưới chái Tây của Westminster Abbey với 100 bao đất cát mang về từ các vùng chiến địa Âu Châu. Ngày 11/11 năm 1921, một miếng đá cẩm thạch đen từ Bỉ được lấp lên ngôi mộ cho đến nay. Hàng năm vào ngày này các nước trong khối Commonwealth như Canada, Úc, New Zealand đều làm lễ tưởng niệm.

Thời Đệ Nhị Thế Chiến lễ này được dời sang ngày Chủ Nhật gần nhất để không ảnh hưởng đến công việc trong tuần, khi cả nước đang dồn mọi nỗ lực cho chiến tranh. Sau 1945, Nghị Viện Anh đổi Armistice Day thành Remembrance Sunday, diễn ra vào ngày Chủ Nhật thứ nhì tháng 11 và dành cho tử sĩ từ mọi cuộc chiến. Trong dịp lễ này, ngoài việc hát những bài thánh ca người ta còn hay ngâm đọc bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Laurence Binyon tựa là ‘For the Fallen’.

Xem thêm:   New York cuối năm

Laurence Binyon (1869-1943) là một nhà thơ, biên kịch gia và học giả hội hoạ người Anh. Thời Thế Chiến I ông tình nguyện sang Pháp làm phụ tá quân y. Trở lại Anh, ông giúp chữa trị thương binh về từ trận Verdun. Năm 1914 ông làm bài ‘For the Fallen’ sau khi chứng kiến xác binh lính mang về từ Âu Châu. Bốn câu ở đoạn giữa — “They shall grow not old…” đã trở thành kinh điển, thường được nhắc đến trong sách vở cũng như phim ảnh về chiến tranh.

Cenotaph tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong tại Luân-Đôn (Wikimedia)

Cho Người Nằm Xuống

 

Tổ-quốc khóc tri-ân, như người Mẹ

Cho đứa con chiến-tử đại-dương xa.

Thịt xương ấy của bà, vong-linh ấy

Vì tự-do đã xả-mệnh thay ta.

 

Rên tiếng trống lên trời xanh bất-diệt,

Trong uy-nghi sự Chết hát huy-hoàng.

Nghiêm nhạc-khúc ngân điệu ru khốc-liệt

Hồng-lệ tuôn trên chát đắng vinh-quang.

 

Bao mái đầu xanh, xông-pha vẫn hát

Thẳng hàng lưng, những cặp mắt sáng trưng

Đọ hung-hiểm bằng tinh-kiên thao-tác,

Phút gieo mình gườm thẳng mặt đối-phương.

 

Năm cùng tháng cơ xương ta mệt đuối;

Chẳng phiền lo, họ sẽ mãi không già.

Từ hừng sáng cho tới khi chiều tối

Họ ngụ-cư trong miền nhớ của ta.

 

Quanh chiến-hữu không còn  đùa nô-nức,

Không còn chia cơm bữa với người thương,

Bình-minh đến không cùng ta lao-lực:

Họ ngủ xa bờ sóng bạc quê-hương.

 

Khơi hy-vọng từ bầu tim, máu nhỏ

Như nước nguồn không ai rõ từ đâu:

Họ sống mãi trong hồn tiên cốt tổ

Như đêm cao sáng mãi những vì sao.

 

Sao vẫn chiếu khi ta thành cát bụi

Lên đoàn quân đang diễu bước bên trời;

Khi mọi thứ chìm sâu trong bóng tối

Họ còn đi, đi trọn cõi nơi nơi.

-ianbui dịch