Ngày 30 tháng 10 tại Dallas sẽ có buổi họp mặt thường niên của tổ chức Quân nhân người Mỹ gốc Việt – Vietnamese – American Uniformed Services (VAUSA). Như mọi năm, chương trình sẽ có sự hiện diện của nữ tài tử Kiều Chinh, một nhân vật luôn ủng hộ Hội hết mình từ nhiều năm qua. Tiện thể, năm nay bà sẽ giới thiệu quyển hồi ký “Kiều Chinh, Nghệ Sĩ Lưu Vong”. Sau đây là cuộc phỏng vấn Nữ Đại Tá Mimi Phan, cựu chủ tịch VAUSA.

Trung uý Không Quân Jessica Thăng đóng ở Qatar nhận thùng thực phẩm mang hương vị quê nhà. Nguồn: VAUSA  

TRẺ: Chào Đại tá. Xin phép được gọi cô là Mimi cho thân mật. Mimi có thể cho độc giả biết sơ về mình?

ĐT Mimi Phan: Xin kính chào quý độc giả báo Trẻ. Trước hết Mimi xin tự giới thiệu, Mimi là CAPTAIN trong Ðoàn Ủy Nhiệm Y Tế Cộng Ðồng gọi là  [United States Public Health Services Commissioned Corp (PHS)] trực thuộc Bộ Y Tế và Dịch Vụ Dân Sinh [Department of Health and Human Services]. Trước khi gia nhập PHSPHS năm 2005, Mimi đã ra trường với bằng Bác Sĩ Dược Khoa Dược sĩ. Khác với các binh chủng cầm súng như Lục Quân hay Tuần Duyên Bộ Binh hay Không Quân, các chiến sĩ trong PHS cầm ống chích. Dân PHS hay nói đùa là chích lộn thuốc còn nguy hiểm hơn bắn nhầm người. (Cười!)

Vì PHS thuộc Hải quân nên cách gọi các cấp bậc hơi khác bên Bộ Binh. Captain (không viết hoa) của bộ binh ta gọi là Ðại Uý, nhưng bên thuỷ quân thì CAPTAIN (viết hoa) là lại tương đương với Ðại Tá, tương đương với Colonel bên Bộ Binh.

TRẺ: Trông Mimi còn trẻ quá mà sao đã lên đến Đại Tá hay vậy?

ĐT Mimi Phan: Ðiều đó một phần nhờ Mimi “liều” mạng, điếc không sợ súng. Sau khi vào USPHS được vài năm, vào năm 2010 Mimi được chuyển nhảy sang làm việc cho Bộ Quốc Phòng [DoD] dưới danh nghĩa Dược sĩ của USPHS. Công việc mà Mimi làm bên DoD được liệt kê ở cấp cao hơn với cấp bậc lúc ấy của mình nên chỉ sau vài năm Mimi được thăng chức. Và Mimi cứ tiếp tục được bổ nhiệm những billets (nhiệm vụ) cao hơn cấp bậc của mình. Ðây chính là những kinh nghiệm bản thân mà Mimi muốn truyền lại cho những thế hệ sau.

Các vị chủ tịch Hội, từ trái: Triết Bùi , LTC Ret, USA (2010-2012); Chris Phan, CDR, USN (2008-2010); Thomas Thọ Nguyễn, LTC, Ret USA (Đồng sáng lập viên); Ross Nguyễn, Ret USA (2012-2016); Mimi Phan, CAPT, USPHSCC (2016-2018); Huey Nguyenhuu, Ret, USN (2018-2021). Nguồn: VAUSA

TRẺ: VAUSA gồm có bao nhiêu binh chủng, và mục đích của nó là gì?

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

ĐT Mimi Phan: VAUSA gồm có 8 binh chủng, 2 trong số đó không cầm súng  — USPHS và NOAACC [Cơ Quan Khí Tượng và Ðại Dương cơ quan khí tượng]. Trong số 6 binh chủng kia có một binh chủng mới ra đời cách đây vài năm, đó là Space Force [Lực Lượng Không gian]. Thành viên VAUSA có mặt trong tất cả mọi binh chủng.

Một trong những mục đích chính của VAUSA là tương thân tương trợ, không những cho các binh sĩ mà còn cho gia đình của họ nữa. Chẳng hạn khi người chồng hay vợ phải đóng quân xa nhà, Hội có thể trợ giúp vợ hoặc chồng, con anh bằng cách kết nối họ với những gia đình quân nhân Việt trong vùng để giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết, không những về vật chất mà quan trọng hơn nữa là về mặt tinh thần. Hội cũng giúp gởi cho các binh sĩ đóng quân ở những vùng hẻo lánh hay nguy hiểm  thực phẩm khó kiếm như nước mắm, tương ớt v.v.

Một mục đích nữa là cố vấn các thành viên trên đường tiến thân trong binh chủng họ chọn. Quân đội Hoa Kỳ có những đòi hỏi và điều kiện rất khó khăn để được lên lon. Hội viên có kinh nghiệm sẽ biết dìu dắt và chỉ bảo đàn em. Việc hướng dẫn này rất quan trọng, nhất là khi chúng ta thuộc cộng đồng thiểu số.

Ngoài ra Hội còn giúp các bậc cha mẹ có con em muốn gia nhập quân đội bằng cách chỉ dẫn các em trong việc chọn lựa binh chủng cũng như ngành nghề thích hợp tuỳ khả năng hay sở thích. Thêm vào đó, Hội cũng có học bổng cho sinh viên mang tên “Fallen Heroes Scholarship” nhằm tưởng niệm các binh sĩ gốc Việt đã hy sinh. Nói tóm lại, mục đích của Hội có thể gom vào câu “huynh đệ chi binh”.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

TRẺ: VAUSA được thành lập từ năm nào, hiện có bao nhiêu hội viên?

ĐT Mimi Phan: Thuở ban đầu Ðại Úy Hải Quân tên là Chris Phan [giờ là Trung Tá] và Thiếu Tá Lục Quân Thomas Thọ Nguyễn [đã về hưu với cấp bậc Trung Tá] tình cờ gặp nhau ở Iraq. Sau khi trở về Mỹ năm 2007 họ liền nghĩ đến việc thành lập một hội tương trợ. Năm 2008 hội chính thức ra đời, mang tên Vietnamese-American Armed Forces Association (VAAFA), gồm các binh chủng có mang vũ khí. Khi Mimi chuyển sang làm việc cho Bộ Quốc Phòng, Mimi có quen với một số sĩ quan gốc Việt. Năm 2012, Trung tá Ross Nguyễn, hội trưởng VAAFA, mời Mimi vào hội, khi đó hội mới có 86 hội viên. Mimi đề nghị đổi tên và cương lĩnh của hội từ Armed Forces sang Uniformed Services, và đã được Ban Ðiều Hành chấp thuận. Vì thế mà Mimi mới có thể gia nhập và kéo thêm được một số sĩ quan và quân nhân khác vào. Ðến năm 2014, khi hội chính thức đổi tên thành VAUSA., Mimi đã giúp tăng số hội viên lên 160 người. Mimi được bầu làm chủ tịch đầu tiên (và cũng là phụ nữ đầu tiên) của VAUSA, nhiệm kỳ 2016-2018. Hiện nay Hội đã có hơn 1200 hội viên, hiện diện khắp năm châu bốn bể.

Đại tá Mimi Phan cùng tài tử Kiều-Chinh trong đêm Gala năm 2018 tại Washington, D.C. Nguồn: VAUSA

TRẺ: Mối quan hệ thân thiết giữa Hội và nghệ sĩ Kiều Chinh từ đâu đến?

ĐT Mimi Phan: Theo như Mimi biết thì vào những năm đầu, hai anh Thomas Thọ và Chris Phan vì ở Nam Cali nên hay mời cô Kiều Chinh tham dự các buổi lễ tiệc của họ. Cô sinh hoạt cộng đồng nhiều và lúc nào cũng ủng hộ quân đội. Cô Kiều Chinh có rất nhiều người thân trong gia đình từng chiến đấu cho QLVNCH. Ngoài ra cô còn từng làm việc từ thiện với một số cựu quân nhân Mỹ. Trong quyển Hồi Ký vừa xuất bản cô có kể khá chi tiết về những nhân vật này.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Riêng Mimi thì quen với cô tới nay đã 9 năm. Có thể nói là khá thân vì mỗi lần lên Washington, D.C. cô hay ở nhà của Mimi. Từ 2008 đến nay gần như năm nào cô cũng đến với VAAFA và sau này là VAUSA. Ðặc biệt năm nay vì có thêm quyển hồi ký nên Mimi quyết định tổ chức thêm một chương trình ra mắt sách riêng cho cô, trước buổi dạ tiệc, để bà con có cơ hội đến gặp gỡ, mua sách v.v.

TRẺ: Nghĩa là đây là hai chương trình riêng biệt?

ĐT Mimi Phan: Dạ đúng vậy. Dạ tiệc Gala của VAUSA là từ 7:00 đến 9:00, với phần tiếp tân cho khách VIP từ 5:30 đến 7:00. Còn chương trình ra mắt sách của cô Kiều Chinh sẽ diễn ra ngoài sảnh đường, kế hội trường, từ 4:30 đến 5:30. Do đó bà con có thể đi dự ra mắt sách hoặc đi dự tiệc, hoặc cả hai.

Dự kiến buổi ra mắt sách sẽ có phần Giới thiệu Sách và phần Vấn Ðáp, với một số câu hỏi từ độc giả được ban tổ chức chọn trước cho cô Kiều Chinh trả lời. Vì thì giờ không nhiều, số câu hỏi sẽ có hạn. Sau phần Vấn Ðáp sẽ đến phần ký tên cho người mua sách, đến khi nào cô Kiều Chinh phải “dời gót ngọc” qua buổi dạ tiệc — hoặc hết sách (cười!)

Bà Nguyễn Kim Hoan mẹ người con hy sinh tại Iraq được vinh danh trong học bổng “Fallen Heroes Scholarship”. Nguồn: VAUSA

TRẺ: Nếu bán không hết sách thì sao?

ĐT Mimi Phan: Dạ thật ra thì từ 7 giờ đến 9 giờ bàn sách vẫn sẽ có người trông coi, để cho những ai muốn mua sách, nhất là những người khách của VAUSA đến sau, vẫn có cơ hội để mua. Ða số quan khách của VAUSA là binh sĩ và sĩ quan người Mỹ gốc Việt, và đa số đều biết đến cô Kiều Chinh, cho nên Mimi nghĩ rằng nhiều người sẽ ghé qua bàn sách.

TRẺ: Cảm ơn Đại Tá Mimi Phan. Chúc cô và tổ chức VAUSA một buổi dạ tiệc và ra mắt sách thành công.

ĐT Mimi Phan: Mimi rất vui được nói chuyện với báo Trẻ, hy vọng sẽ gặp quý cô chú ngày 30 tháng 10 sắp tới.

IB thực hiện

Chương trình ra mắt sách của Kiều Chinh (16:00) và dạ tiệc của VAUSA (18:30) sẽ tổ chức vào ngày 30/10 tại:

Marriott Dallas Las Colinas

223 W Las Colinas Blvd. Irving, TX  75039