Rời Los Angeles, chúng tôi thả theo đường 101 đi lên San Jose. Như đã nói trong bài “Cali đi dễ?” ở số trước, muốn thoát khỏi L.A. không dễ tí nào. Chúng tôi lại phải kẹt trên xa lộ hơn cả tiếng đồng hồ nữa, nhưng cuối cùng thì biển và núi đồi cũng hiện ra. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Solvang, California. Ảnh: ianbui/trẻ

Một trong những mục đích của chuyến lộ du năm nay là thăm viếng những địa điểm thú vị dọc đường. Nghe nói trên đường đi có ngôi làng tên Solvang rất hấp dẫn, chúng tôi quyết định tấp vào xem nó ra sao. Nằm cách xa lộ khoảng 10 dặm, Solvang được thành lập vào đầu thế kỷ 20 bởi ba di dân người Ðan Mạch đến từ Iowa — hai giáo sĩ Lutheran và một giáo sư đại học. Năm 1910 họ lập ra công ty Danish-American Colony ở San Francisco để tìm người đầu tư. Một năm sau họ chọn mua được miếng đất 36 Km vuông giữa thung lũng Santa Ynez với khí hậu mát mẻ quanh năm. Giấc mơ của họ là lập nên một cộng đồng Ðan Mạch ở Cali, xa các tiểu bang lạnh lẽo miền Trung Tây nơi đa số di dân Ðan Mạch sang Mỹ kiếm sống từ giữa thế kỷ 19.

Ngay trung tâm làng họ cho xây một nhà băng gọi là Copenhagen House, và cũng là văn phòng cho Công ty. Ngày nay căn nhà này là phòng thông tin cho du khách, bảo tàng viện, và bên ngoài là quán xúc xích (rất ngon) tên Copenhagen Sausage Company. Thuở ban đầu, nhà cửa nơi đây cũng giống như bao nơi khác. Nhưng sau Ðệ Nhị Thế Chiến một cư dân tên Ferdinand Sorensen, sau một chuyến về thăm cố hương, bỗng nảy ra ý tưởng xây cho mình một căn nhà kiểu Ðan Mạch. Chẳng bao lâu sau nhiều người khác cũng bắt chước, thế là giấc mơ “Tiểu Ðan Mạch” của ba vị tiên phong dần dần thành hình.

Đình làng Copenhagen House, với tượng gỗ của 3 vị sáng lập viên. Ảnh: ianbui/trẻ

Mặt tiền các căn nhà trong làng được tái tạo lại. Dọc hai bên đường vào trung tâm làng là những căn nhà, tiệm bánh, quán ăn, khách sạn… được làm theo lối kiến trúc Bắc Âu trông rất đẹp mắt. Vài cối xay gió nho nhỏ được dựng lên. Chẳng mấy chốc Solvang (cánh đồng nắng ấm) bỗng biến thành một địa điểm du lịch. Du khách đến từ các vùng lân cận ngày càng nhiều. Các vườn nho và xưởng rượu vang của làng ăn nên làm ra. Năm 2005 Solvang lại càng được nhiều người chú ý hơn sau khi phim ‘Sideways’, được quay tại các vườn vang trong vùng, bất ngờ thắng một giải Oscar.

Xem thêm:   Allen PAC

Vào thập niên 1990 người ta cho xây một cối xay gió thật lớn ngay trên con chính lộ, giờ đây nó là biểu tượng của ngôi làng. Hầu như ai tới Solvang đều có chụp một bức ảnh với cối xay gió này. Hôm chúng tôi ghé Solvang, cờ Ðan Mạch được treo khắp nơi. Lúc đầu chúng tôi hoang mang, không biết là ngày lễ gì. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra đang có giải túc cầu Âu Châu; Ðan Mạch lúc ấy đang đứng nhì bảng B và có cơ hội tiến vào vòng loại. Tuy dân làng chỉ khoảng 5,000 người, nhưng có lẽ ai cũng đang theo dõi và ủng hộ “gà nhà”. Trong số hàng triệu du khách viếng Solvang hàng năm có rất nhiều người đến từ Ðan Mạch, chẳng khác nào người Việt ghé Nam Cali đều phải tới thăm Bolsa vậy.

Trò chơi xây dựng thành phố bền vững, Tech Museum of Innovation, San Jose. Ảnh: ianbui/trẻ

Có thể nói lần đầu tiên công chúng Mỹ nghe đến tên Solvang là khi Hoàng Thái Tử Frederick (sau này là vua Ðan Mạch) và Công chúa Ingrid đến đây vào năm 1939. Năm 1960, trưởng nữ của vua Frederick là Công chúa Margrethe cũng có viếng nơi này. Gần đây nhất, Vương tế Henrik — chồng của Vương hậu Margrethe, đã ghé thăm Solvang năm 2011, bảy năm trước khi ông qua đời.

Sau khi ăn thử món xúc xích và uống bia Ðan Mạch, chúng tôi thẳng tiến trên đường 101 lên San Jose, nơi một số bạn bè đang nóng lòng chờ đợi. Hôm sau việc đầu tiên là… đi ăn! Và dĩ nhiên phải là quán Nha Trang của Xuân Hồng, không chỉ vì nó có món gà lá giang mà không tiệm nào ở Dallas có, mà còn vì gần đây bà con nói có món cá chiên giòn rất đặng. Nha Trang đã được sửa sang lại bên trong, trông thoáng đãng và đẹp hơn lần trước chúng tôi đến. Bàn ghế cũng được sắp xếp khoảng cách xa nhau hơn. Như nhiều nhà hàng chúng tôi đến, ai cũng than dạo này kiếm người làm quá khó, thành thử nhân viên phục vụ phải chạy bở hơi tai.

Môt khu phố downtown Mountain View được biến thành khu ăn uống ngoài trời – Ảnh: ianbui/trẻ-

Trong chuyến đi này chúng tôi có mang theo vài chai rượu đế SuTi đặc sản Texas làm quà cho bè bạn. Một trong những cái thú của tôi dạo gần đây là thử SuTi với các món ăn khác nhau để xem món nào hợp khẩu vị. Tôi có thể khẳng định: ăn gà lá giang uống đế Lion 45 rất hạp! Vị chua chua của lá giang đi với vị nếp thoang thoảng của SuTi rất “bắt”. Anh Hoàng, người bạn ở San Jose, cũng đồng ý đồng tình. Chỉ một bữa trưa mà hai ba người chúng tôi cưa gần nửa chai. Rất tiếc hôm đó Xuân Hồng lại đi vacation nên chúng tôi không có dịp cụng ly và nghe ý kiến của bà chủ. Tối hôm đó tại nhà người bạn chúng tôi nếm tiếp chai đế Ông Già với thịt bò Kobe. Kết quả thử nghiệm: Ba người quất hết nửa chai mà vẫn chưa ai muốn ngừng.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

San Jose nằm gần thung lũng Silicon Valley, nơi các công ty như Google, Facebook, Apple… đặt đại bản doanh. Chúng tôi dẫn tụi nhỏ đi xem một vòng các nơi này cho chúng biết, nhưng vì đang mùa dịch nên chỗ nào cũng vắng hoe. May là bảo tàng khoa học Tech Museum of Innovation (TMI) ở downtown vẫn mở cửa nên chúng tôi đưa chúng đến đây; đứa nào cũng khoái. TMI không phải là bảo tàng viện bình thường, mà là một trung tâm high-tech với nhiều trò chơi interactive cho con nít (và người lớn). Hầu hết các khu triển lãm đều cho phép ta sờ mó, điều khiển, lắp ráp, thử nghiệm, học hỏi… Những kỹ thuật video tân tiến nhất được áp dụng một cách sáng tạo, coi không chán mắt.

Thể tháo gia đánh baseball, Tech Museum of Innovation, San Jose. Ảnh: ianbui/trẻ

Một trong những khu triển lãm tôi thích nhất là các bức tượng cơ thể con người, với đầy đủ cơ bắp, tĩnh mạch, xương xẩu… trong các tư thế vận động khác nhau. Ðiểm đáng nói là chúng là những con người thật đã hiến xác cho khoa học trước khi qua đời. Có người là thể tháo gia đánh baseball, người là ca sĩ opera đang mở miệng hát với lồng ngực căng phồng, người là vũ công ballet. Ðẹp nhất là một phụ nữ đang múa theo điệu Flamenco, trông rất ấn tượng. Nhìn họ, ta có thể thấy những động tác bình thường nhất cũng đòi hỏi sự kết hợp của biết bao nhiêu là bắp thịt.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Một trong những điểm khác biệt tôi nhận ra ở Bắc Cali là thiên hạ cẩn trọng hơn đối với COVID. Chẳng hạn như bên trong bảo tàng khoa học TMI ai cũng đeo khẩu trang. Ngoài đường thì số người che mặt cũng nhiều hơn ở miền Nam. Thêm vào đó, một số thành phố trong vùng như Palo Alto, Mountain View, Stanford… đã biến các khu vực downtown thành chỗ ăn uống ngoài trời bằng cách đóng đường lại, không cho xe cộ chạy vào. Nhờ vậy nhiều hàng quán vẫn có thể mở cửa, và người đi ăn cũng tương đối khá đông.

Tin tức mới nhất cho biết biến thể delta đang đẩy dịch bệnh lên cao, nhất là tại  Nam Cali. Los Angeles County vừa ban hành luật khẩu trang trong nhà trở lại, kể cả đối với những người đã chích ngừa đầy đủ, sau khi số ca nhiễm tăng vọt 700% chỉ trong vòng một tháng, ngay lúc chúng tôi đang ở đó. Bởi vậy nên khi trở về đến Texas việc đầu tiên chúng tôi làm là đi thử nghiệm SARS-CoV-2; rất mừng là không ai bị lây nhiễm trong chuyến đi vừa rồi.

IB

Kỳ tới

Con đường 17 dặm tuyệt đẹp

Trong số trước tác giả ghi lộn “Thái Bình Dương” là “Đại Tây Dương”,

xin thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.

Câu đúng là “Đại học nằm nhìn ra Thái Bình Dương rất đẹp.”