Ngày 18 tháng Tám năm nay đánh dấu 100 năm Tu Chính Án thứ 19 được thông qua, cho phép phụ nữ Mỹ quyền đi bầu cũng như tham gia chính trị. Nó là thành quả của gần cả trăm năm tranh đấu bền bỉ của những người phụ nữ dũng cảm, da trắng cũng như da màu.

Phụ nữ Mỹ ăn mừng sau khi Tu Chính Án 19 được thông qua. Nguồn: Bettman Archive.
Mùa bầu cử 2020 là lần thứ tư có một phụ nữ trong liên danh tổng thống hay phó tổng thống thuộc một đảng lớn ở Mỹ. Người đầu tiên là bà Geraldine Ferraro (1935-2011) ứng viên phó tổng thống đứng chung với Walter Mondale đại diện đảng Dân Chủ năm 1984. Lần thứ nhì là vào năm 2008, khi Thượng nghị sĩ John McCain chọn nữ Thống đốc Alaska Sarah Palin (sn 1964) làm phó tổng thống đại diện đảng Cộng Hoà. Cách đây bốn năm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton (sn 1947) là phụ nữ đầu tiên, thuộc đảng Dân Chủ, ra tranh cử tổng thống.
Năm nay một lần nữa nước Mỹ lại có một phụ nữ trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris (sn 1964) để đối đầu với liên danh Tổng thống đương nhiệm Trump-Pence. Cho dù kết quả sẽ ra sao chăng nữa, đây là một lựa chọn mang tính lịch sử vì là lần đầu một phụ nữ da màu có khả năng nắm vị trí quyền lực thứ nhì trong chính phủ. Nhưng bà Harris không phải là người phụ nữ da màu đầu tiên tranh chức phó tổng thống — vinh dự đó thuộc về bà Charlotta Bass (1874-1969), đại diện đảng Progressive Party vào năm 1952, 12 năm trước khi đạo luật Dân Quyền Civil Rights Act được ban hành. Nhưng câu chuyện nữ quyền ở Mỹ còn xưa hơn thế nữa.

Susan B. Anthony, mẹ của phong trào nữ quyền. Năm 1979 hình bà được in trên đồng bạc cắc $1. Nguồn: Public domain
Bắt đầu từ thập niên 1820, các thành phần cấp tiến ở Mỹ đã nhận ra tình trạng bất bình đẳng trong xã hội đương thời, không những đối với người da đen mà còn đối với phụ nữ. Luật pháp thời bấy giờ không cho phép phụ nữ làm nhiều điều mà ngày nay chúng ta xem rất bình thường — như sở hữu tài sản hay đất đai, kể cả sau khi chồng qua đời. Người có công lớn trong phong trào nam nữ bình quyền tại Mỹ là bà Susan B. Anthony (1820-1906). Bà Anthony và nhà đấu tranh Frederick Douglass (1818-1895) là những người đầu tiên mạnh mẽ kêu gọi bãi bỏ nô lệ và đòi hỏi bình quyền cho tất cả. Năm 1848, bà Anthony cùng với Elizabeth Stanton và Lucretia Mott đứng ra tổ chức hội nghị phụ nữ đầu tiên tại Seneca Falls, New York, mở ra một kỷ nguyên mới cho cuộc Ðấu tranh cho Nữ quyền – Woman Suffrage, với bản Tuyên Ngôn Bình Quyền dựa theo bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ.
Như bao phong trào xã hội xưa nay, phong trào nữ quyền đã gặp sự chống đối mãnh liệt từ các thành phần thủ cựu. Theo lối suy nghĩ gia trưởng ăn sâu trong đầu nhiều đàn ông Mỹ thời đó, phụ nữ không đủ khả năng hay kiến thức để tham gia chính trị. Chưa kể phong trào nữ quyền còn đi đôi với phong trào chống nô lệ cũng đang nổi lên khiến cho lực cản càng thêm mạnh. Khi Nội Chiến bùng nổ vào đầu thập niên 1860 thì nữ quyền phải lui vào hậu trường, nhường chỗ cho bạo lực súng đạn.
Charlotta Bass, phụ nữ da màu đầu tiên tranh cử phó tổng thống năm 1952. Nguồn: Wikimedia
Ðến thời kỳ Tái Thiết hậu chiến tranh, cuộc đối thoại về quyền bình đẳng chuyển trục sang quyền công dân của người da màu, đặc biệt là dự luật Tu Chính Án 15 cho phép mọi người (ngoại trừ phụ nữ) quyền đi bầu. Dự luật này đã khiến cho phong trào nữ quyền bị phân hoá. Nhóm của Susan Anthony và Liz Stanton (National Woman Suffrage Association – NWSA) chống đối TCA 15 kịch liệt vì cho rằng nó chưa “bình đẳng” đủ. Một nhóm khác thì ủng hộ TCA 15; họ quan niệm rằng quyền phụ nữ cần phải được bảo đảm bằng một tu chính án riêng biệt. Nhóm này tách ra khỏi NWSA và thành lập một tổ chức mới tên là American Woman Suffrage Association – AWSA. Họ lý luận rằng TCA 15 sẽ không được thông qua nếu nó bao gồm nữ quyền; muốn cải thiện tình hình phải đi từng bước nhỏ, nhược bằng sẽ mất tất cả.
Dẫu phong trào gặp xung khắc nội bộ nhưng nó vẫn tạo được ảnh hưởng. Chiến thắng đầu tiên đến từ vùng tự trị Wyoming Territory; năm 1869, tất cả phụ nữ 21 tuổi trở lên tại đây đều được quyền đi bầu. (Và khi Wyoming gia nhập Liên Bang năm 1890, quyền này đã được chính thức công nhận trong Hiến Pháp tiểu bang. Wyoming cũng là tiểu bang đầu tiên có nữ thống đốc.) Ðến năm 1878 thì nhóm NWSA đã mạnh đủ để áp lực Quốc Hội đề xuất một tu chính án cho phép phụ nữ đi bầu. Sau nhiều năm bàn thảo cù cưa, khi dự luật được mang ra Quốc Hội để biểu quyết năm 1886 thì bị đánh bại. Thấy không ổn, năm 1890 NWSA và AWSA nhập trở lại thành tổ chức NAWSA, và đổi chiến thuật. Thay vì tìm cách sửa đổi Hiến Pháp Mỹ, họ vận động từng tiểu bang một. Chỉ trong vòng 6 năm, ba tiểu bang Colorado, Utah và Idaho đã tu chỉnh hiến pháp tiểu bang cho phép phụ nữ đi bầu.

Hàng ngàn người đã đổ ra đường cản trở cuộc biểu tình cho nữ quyền tại Washington, D.C. vào tháng 3, 1913. Nguồn: Library of Congress
Một trong những điều ít được nhắc tới là trong thời gian này còn có một nhóm phụ nữ thứ ba cũng hoạt động mạnh mẽ không kém cho phong trào nữ quyền. Ðó là nhóm phụ nữ da đen. Như đã nói ở trên, trước Nội Chiến hai phong trào nữ quyền và bãi bỏ nô lệ vẫn hợp tác với nhau. Nhưng kể từ khi xảy ra sự phân hoá bởi TCA 15, nhóm phụ nữ da đen bị đẩy ra ngoài lề. Do đó vào năm 1896 họ thành lập một tổ chức riêng, gọi là NACWC (National Association of Colored Women Clubs). Khác với NAWSA, mục tiêu của nhóm này là thúc đẩy Tu Chính Án 19 ở cấp Liên Bang.
Sang đầu thế kỷ 20 phong trào nữ quyền ngày càng được nhiều người ủng hộ. Một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Woodrow Wilson vào tháng 3 năm 1913, một cuộc xuống đường cho nữ quyền đã diễn ra tại Washington, D.C., gây tiếng vang lớn sau khi nhiều phụ nữ bị cản trở và một số phải vào nhà thương. Trong khoảng thời gian từ năm 1910 đến 1918 có thêm 17 tiểu bang hợp thức hoá quyền đi bầu cho phụ nữ. Ðến năm 1918 thì Tổng thống Wilson đổi lập trường — từ chống đối TCA 19 ông chuyển sang ủng hộ. Tháng 10, 1918 Wilson đệ trình TCA 19 lên Thượng Viện để cứu xét, nhưng dự luật bị đánh bại bởi vỏn vẹn hai phiếu!
Sang tháng 5, 1919, một dự luật mới mang tên “Susan Anthony Amendment” được đưa ra Hạ Viện để biểu quyết; nó thông qua dễ dàng 304-89, tức 42 phiếu nhiều hơn tỉ lệ 2/3 mà Hiến Pháp đòi hỏi. Sau đó ít ngày Thượng Viện cũng thông qua dự luật với tỉ số khít khao 56-25, chỉ hai phiếu trên tỉ lệ 2/3. Thể theo Hiến Pháp, một Tu Chính Án cần có sự đồng thuận của ¾ các tiểu bang để trở thành hợp pháp. Trong vòng một năm sau đó, lần lượt nhiều tiểu bang khác bắt đầu thông qua TCA 19; tuy nhiên, các tiểu bang miền Nam như Alabama, Georgia, Louisiana… đều bác bỏ.
Tính đến tháng 8 năm 1920 TCA 19 đã được 35 tiểu bang bỏ phiếu thuận, chỉ cần một tiểu bang nữa là đủ ¾ số tiểu bang cần thiết. Ngày 18 tháng 8, tại Nashville, Tennessee, một tiểu bang bảo thủ ở miền Nam, một cuộc bỏ phiếu gay cấn đã diễn ra. Số phiếu chống và thuận ngang ngửa 48-48, với một lá phiếu chót thuộc về Dân biểu Harry Burn (CH) 24 tuổi, mới chập chững vào nghề. Mặc dù Burn không ủng hộ TCA 19, nhưng cuối cùng nhà lập pháp trẻ này đã bỏ phiếu thuận, đưa Tennessee vào lịch sử nữ quyền.

Dân biểu Harry Burn của Tennessee, người bỏ lá phiếu quyết định cách đây 100 năm. Nguồn: Public domain.
IB
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.