Ít ai ngờ các tập tục bán vợ lại có thể tồn tại ở xứ sở sương mù, quốc đảo của các quý ông lịch thiệp xứ Ăng-lê. Tài liệu sớm nhất ghi nhận việc này ở Anh là vào năm 1302, nhưng thực sự phổ biến vào thế kỷ 17 khi mà ly dị là bất khả thi, do nhà thờ và chi phí pháp lý đắt đỏ khiến việc ly dị chỉ dành cho những ai giàu có nhất. Người chồng muốn rao bán vợ chỉ cần buộc dây vào cổ, tay, hay bụng của cô vợ đem ra những khu chợ tấp nập như Smithfield hay Cranbrook để đấu giá và gả cho tay chồng mới nào ra giá cao nhất. Tục lệ này như một thủ tục ly dị và tái hôn, sắp xếp này có lợi cho cả đôi bên. Một phần vì phụ nữ thời đó được học hành ít ỏi, nếu mà gã chồng tệ bạc bỏ rơi thì họ sẽ dễ dàng rơi vào cảnh túng bấn, cùng khổ.

Ðến thế kỷ 19, các vụ mua bán vợ được giải quyết một cách văn minh hơn, với cái giá thường chỉ mang tính ước lệ và cam kết trong quán rượu. Tại quán rượu ở Tonbridge, một người đàn ông John Savage đã trả một đồng shilling và một vại bia để mua bà vợ tên Mary. Còn bà Wells đã được ông chồng bán cho ông Clayton với giá 4 cốc bia, khi mà ban đầu ông Wells còn sẵn sàng biếu không bà vợ hay ngoại tình này. Dẫu vậy ông Clayton đã nài nỉ phải có một mức giá chứ không thể quá “bèo bọt”. Thời điểm này các vụ bán vợ được các “quý ông” cam kết thông qua cách nâng ly nốc cạn, và giá cả dĩ nhiên tính bằng rượu bia cũng khá tiện. Người vợ có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân khốn khổ, ông chồng mới có bạn đời, còn ông chồng cũ thì phấn khích ăn mừng khi thoát khỏi “ngục tù.”

Thực tế khi mà chi phí ly hôn hợp pháp vào thế kỷ 19 có giá cắt cổ từ 40 đến 60 bảng (một người điều dưỡng chỉ kiếm được 17 bảng/năm) thì giai cấp lao động chẳng có nhiều lựa chọn. Họ có thể là những nông dân, tá điền, công nhân… khi tiền của không kiếm được bao nhiêu mà có thể chán ngấy một bà vợ đanh đá hay cằn nhằn. Một anh phu vận chuyển cát bán vợ mình ở chợ Cranbrook khu Kent chỉ với giá một ly rượu gin, một vại bia, kèm thêm là nuôi nốt thằng nhỏ 8 tuổi. Giá “bán vợ” thực không cao, mà chỉ là hình thức tống khứ các bà vợ chứ không phải kinh doanh kiếm lời. Bia là tiền tệ giao dịch chủ yếu, nhưng cũng có thể là rượu gin, cognac, whiskey, rượu táo, một bữa ăn hay là một con chó giống Newfoundland.

Tập tục này ở Anh đã bị chính anh hàng xóm xứ Gaulois hay chọc ghẹo và tuồng như trọng nam khinh nữ. Nhưng trên thực tế, thường chính các bà vợ cũng tham gia vào việc này. Một thẩm phán ở Anh đầu thế kỷ 19 đã thừa nhận trên văn bản rằng ông cũng không thể ngăn cản các vụ mua bán vợ khi có sự đồng thuận của đôi bên. Nhiều ghi nhận đã chỉ ra rằng các giao dịch bán vợ đã đem lại lợi ích tốt hơn cho các bà, khi mà ông chồng mới thường có vị trí xã hội và tiền của nhiều hơn kẻ bán.

Nghe xứ Ăng-lê làm vậy, hẳn không ít các bà tức sôi máu cũng muốn tống khứ lão chồng vô tích sự ra khỏi nhà. “Ai mua chồng đaaây!”

S