Không hiểu có chuyện chi bất bình (hay mất vui, hoặc mất lòng) mà nhà báo Từ Thức đã lên tiếng phàn nàn về “cái tôi” của người mình quá xá:

Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu, thua thiên hạ mọi mặt. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong tự điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn…

Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng: ông nội này mất gốc rồi

Quả là hiếm hoi thật (và hiếm hoi lắm) nhưng số người Việt “mất gốc” này, nói nào ngay, vẫn còn kha khá. Họ khiêm tốn thấy rõ, và xem “cái tôi” tựa như cọng rác thôi hà. Báo Lao Động cho hay:

Trước kia, học sinh và người dân ở thôn CuPua đi lại, vận chuyển nông sản phải đánh đu trên hai sợi cáp này để vượt sông Đak Rông, đây là con đường độc đạo duy nhất nối thôn CuPua với bên ngoài… đường vào thôn CuPua nay đã đổi khác, hai sợi cáp hoen gỉ đã được thay thế bởi một chiếc cầu và đoạn đường bêtông thẳng tắp.

Công trình này được xây dựng “thần tốc” trong 6 ngày … dưới dạng “tự phát” với chi phí 30 triệu đồng, do một người đàn ông hỗ trợ. Bỏ tiền ra giúp dân xây cầu, nhưng người đàn ông chỉ tiết lộ tên “cúng cơm” của mình là Tèo, quê ở Sài Gòn. Vì vậy, đồng bào Vân Kiều ở thôn CuPua đặt tên cho công trình là “Cầu anh Tèo Sài Gòn”.

Có không ít những anh Tèo/chị Tèo như thế trong khắp các hang cùng ngõ hẹp, trên đất nước này. Họ là chủ nhân của những quán ăn không đồng, những thùng bánh mì từ thiện, những rổ phong bì (tiền) dành cho người chạy dịch, những ly trà đá miễn phí … có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Người ta cũng có thể bất ngờ – hay tình cờ – nhìn thấy họ chợt dừng xe, dúi vội vào tay một kẻ bộ hành (thất thểu giữa trưa nắng chang chang) đôi chai nước lạnh. Hay họ đang lui hui tháo đôi dép đang đi, để mang vào cho một kẻ khuyết tật chân không – ngồi ở giữa đường. Toàn những chuyện hơi khó tin nhưng vẫn được nghe kể hàng ngày, cùng với hình ảnh rõ ràng, qua FB.

Nhà thơ Inra Sara ví von những nghĩa cử cao đẹp và thầm lặng này là “những dòng nước ẩn,” với niềm tin tưởng mãnh liệt rằng: “Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.”

Ngoài những dòng nước ẩn, đất nước, cũng có vô số những lượn sóng ngầm. Chúng cũng “khiêm cung nhưng đầy sức mạnh” và “sẽ trồi lên một ngày nào đó – chắc chắn.” Rảnh, thử nghe qua “tiếng sóng trong lòng” của dăm ba công dân nước Việt:

  • Nguyễn Hoàng Vi: Hồi nẳm, sống trong tình cảnh luôn bị an ninh canh và theo sát, mời làm việc, dụ dỗ có, đe doạ có… Đến nước cuối, họ đành tác động lên phía các nhà đài là đối tác cty mình, khi hết hợp đồng, đồng loạt các nhà đài không được ký hợp đồng tiếp với phía cty mình nữa…

Đứng trước tình thế như vậy, sếp đành cho mình nghỉ việc. Ngày mình rời cty, từ cty ra bãi giữ xe, nước mắt mình chực muốn trào ra vì sự phẫn uất lẫn sự lo lắng không biết những ngày tới gia đình mình sẽ sống ra sao.

Một bầy an ninh xếp hàng dài từ cty đến bãi giữ xe và đoạn đường dẫn ra đầu ngõ, họ cười chễm chệ như một sự mỉa mai, chế giễu dành cho mình. Bao nhiêu nước mắt nuốt ngược vào trong, mình lướt qua họ với gương mặt lạnh tanh, tư thế ngẩng cao đầu và niềm kiêu hãnh “dù có thế nào đi nữa thì bọn mày làm gì có đủ tư cách sánh với tao mà cười giễu?”Những năm tháng sau này, nghĩ lại mình thấy tội nghiệp cho họ, tội họ mình ghi sổ chờ chế độ trả cả vốn lẫn lời…

  • Vũ Huy Hoàng: Tôi từng bị mời lên trụ sở công an nhiều lần chỉ để bị hạch hỏi về các quan điểm chính trị. Bị gây khó khăn trong công việc mưu sinh. Tôi từng bị bắt, bị đánh, bị ném gạch đá chất bẩn vào nhà nhiều lần chỉ vì tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự xâm lấn của Tàu cộng.

Tôi không muốn kể lể về mình vì so với nhiều người khác, những đóng góp của tôi vô cùng nhỏ bé. Tôi cũng không muốn kể về những khó khăn, hiểm nguy mà mình đã, đang gặp phải vì nhiều anh chị em khác còn đang khốn khó hơn tôi. Tôi chấp nhận một cách vui vẻ và hoàn toàn tự nguyện …

  • Nguyễn Hồ Nhật Thành: “Mình mong muốn xã hội, đất nước này phải thay đổi phải dân chủ hơn, phải nhân quyền hơn. Đó là quan điểm của mình. Còn bây giờ nếu họ nghĩ mình có tội thì họ bắt mình đi mình sẵn sàng trả giá cho việc ngồi tù để mình nói lên tiếng nói đòi lại dân quyền của mình, nói lên tiếng nói tự do, nói lên lý tưởng mà mình nghĩ rằng tất cả cha ông đã hy sinh để đòi lại một thứ đó chính là tự do cho người dân, đó là chính dân quyền.”

Nguyễn Hoàng Vi là một bà mẹ đơn thân, đã nhiều lần bị đe dọa, sách nhiễu, hành hung (và cuối cùng đã bị mất việc) chỉ vì chính kiến. Thay vì “đầu hàng chế độ” để được yên thân nuôi con thơ dại, bà đã “không cho phép nỗi sợ hãi làm tê liệt bản thân” và đã vượt qua được tất cả mọi nghịch cảnh, trong khi không quên “ghi sổ chờ chế độ trả cả vốn lẫn lời.”

Xem thêm:   Rất lâu quê nhà

Còn Vũ Huy Hoàng là một tài xế taxi (“từng bị bắt, bị đánh, bị ném gạch đá chất bẩn vào nhà nhiều lần chỉ vì tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo”) nhưng nhân vật này chưa bao giờ nao núng. Ông sẵn sàng “chấp nhận” mọi hệ lụy, chứ nhất định không từ bỏ quan niệm sống đã chọn.

Thái độ của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hồ Nhật Thành và Trịnh Kim Tiến cũng thế. Họ đã bị “công an chĩa súng vào đầu đe dọa” chỉ vì “dám” mở cửa hàng No-U Shop, rồi kêu gọi tẩy chay hàng hóa độc hại của Trung Quốc, và thản nhiên xem “mọi sự sách nhiễu, gây khó khăn của các anh càng cho tôi động lực để sống với lý tưởng của mình.”

Nhất định “sống với lý tưởng của mình” (như Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hoàng Vi …) giữa lòng một chế độ được đặt nền móng và duy trì bởi cường quyền, bạo lực, cùng dối trá – rõ ràng – là chuyện không dễ dàng chi. Thời gian và thời thế, tuy thế, đang đứng về phía họ.

Số công dân Việt Nam lựa chọn một cung cách sống với tinh thần trách nhiệm, rõ ràng, mỗi lúc một thêm đông. Số người nhận thức rõ được nghĩa vụ, cũng như quyền lợi của mình, cũng vậy. FB Nguyễn Thủy Tiên xác tín: “Mình tin rồi đây sẽ có nhiều người chọn cách ngẩng đầu thay vì cúi đầu.” Chỉ nhẹ nhàng, mềm mỏng và khiêm cung thế thôi nhưng đừng thấy biển lặng mà tưởng lòng đại dương không có sóng.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

TNT