Ở bên trong nương tiêu có hai con đường mòn dẫn tới chân núi. Cụ Lương biết rằng mình sẽ phải rẽ theo hướng trái và từ đó băng qua cánh đồng tranh nửa cây số, leo lên dốc cả trăm thước nữa, mà trời thì đang nắng chang chang, thấy ngán quá chừng. Cụ gò lưng đạp riết một hồi nữa, qua dốc thì thả, ngẫm nghĩ:
– Đằng nào cũng phải ráng, một lần này nữa thôi.
Tới khúc đường hẹp lại, cụ Lương thòng chân xuống đất rà thắng, con đường đất đỏ bốc bụi và theo hướng gió, thổi phù về đằng trước, bám lên đầu lên mình. Mới vừa dứt những trận mưa cuối mùa hai tuần trước mà bây giờ mặt đường khô muốn phỏng chân. Chiếc xe đạp dừng lại đúng dưới gốc cây thanh trà, cụ nhún người hai ba cái, xong quàng chân ngược về sau nhẩy khỏi xe, thuận bộ, dắt thẳng tới lùm cây săn con cạnh hàng rào, xô ngã vào đó. Cây sẻng sắt ló dài ra phía sau xe cấn vào một nhánh nhỏ vừa mọc, đánh “rắc” một tiếng.
– Chỗ này mà được ngủ một giấc thì phải biết!
Cụ Lương ngồi dựa lưng vào gốc cổ thụ, cảm thấy quên hết nỗi mệt nhọc đạp xe sáu bẩy cây số đường đất, dốc lên dốc xuống liền liền.
– Mặt trời đứng bóng thì mình tới nơi, phải lo cho xong đâu đó, chiều thằng Mướp vô tới, cù cưa cù nhằng thế nào cũng tối…
Cụ Lương nghĩ thêm rằng phải chi mình đi sớm hơn một chút, trời ít nắng, đỡ mệt hơn. Có hai người đi bộ ngang qua đó, nhìn thấy cụ Lương nhắm con mắt chừng như ngủ, họ đang nói chuyện chợt im lặng và bước
nhẹ hơn một chút. Qua khỏi bóng mát của cây thanh trà, một người nói nhỏ:
– Ông Năm Lương sao bữa nay đạp xe vô tới trong này vậy cà!
– Thăm ai đó chớ gì
– Già lụ khụ rồi còn siêng đi quá. Ở nhà mà ngủ cho sướng thân. Trời nắng chang chang, mình còn sức mà cũng còn muốn chết…
Họ nói với nhau nhiều nữa nhưng xa quá cụ Lương không nghe thấu. Cụ mỉm cười, mở mắt chớp chớp hai ba cái rồi đưa tay vòng ra sau ót, ngước mắt nhìn trời, rồi nhìn mông lung tứ hướng.
Buổi trưa ở rừng im phăng phắc, tưởng chừng như nghe được tiếng đập cánh của những con bươm bướm xám, đang bay lượn trên đám cỏ vườn chầu, vừa đúng độ trổ bông, bạc cả một khúc lề đường. Cụ Lương cảm thấy động lòng, chợt nhớ đoạn thơ của ai đó, ngâm khẽ:
Bỗng không khách địa bình bồng
Trông mây lại nhớ, xem mây lại buồn.
Cụ buồn cũng phải. Ở cái khoảnh đất nổi biệt ngàn này, ngó cái gì cũng buồn được. Nhất là những tháng gần tết như thế này. Ai đời bẩy tám chục năm ở yên một chỗ mà tự dưng ù chạy. Cụ muốn quên mà không thể quên được những ngày tháng kinh khiếp đó, những ngày tháng cụ theo chân một lũ con cháu lội bộ mấy chục cây số ngược ra bến tầu rồi chân cẳng cứ nhóng lên nhóng xuống cố nhìn cho thấy hình ảnh căn nhà cũ kỹ hai ba đời để tới đây, cái xứ sở lạ hoắc, xa bờ không biết phương nào mà ngó.
Mà bực thiệt! Cụ đã luôn miệng nói với tụi nhỏ suốt nửa tháng trời lênh đênh trên một con tầu chiến:” Thì tụi bay đi đâu thì đi, tao ở lại có ra sao thì ra. Tội tình gì bắt tao cực khổ thế này.” Tụi nhỏ cũng kỳ, đem đâu ba cái chuyện cải cách ruộng đất, rồi đấu tố, rồi xử kiện trước toà án nhân dân, rồi tiêu diệt địa chủ ra mà hù. “Kẹt là ở dưới tầu chớ trên bờ tao cũng nặc kệ tụi bay, tao lội bộ về đó. Ai, tao cũng ống được hết, mà tao có tội gì…”
Ba năm. Vẫn với cái tâm trạng đó, cụ Lương đâm ra gắt gỏng với hết thẩy tụi nhỏ. Tết đầu tiên ở đây thiệt cụ muốn chết: “Tụi bay nghĩ lại coi, chỗ nào thì trước sau gì mấy chả không tới, chạy ra chi tới xứ này rồi tết nhất, mồ mả ông bà ai rẫy cỏ. Bây giờ muốn về, lấy cái gì làm tiền…”
Tết thứ hai, cụ Lương bỏ hẳn ý định đòi về vì đã có nhiều chuyện mà nghe không sợ cũng không được. “Nhà tụi Hai Làng xâp xệ hơn nhà mình mà còn bị tịch thu và cả họ phải xuôi về tới Đơn Dương tự đào mương cất nhà mà ở, thôi thì ở đâu cũng vậy.”
Có điều cụ tiếc và nhắc nhiều nhất là khỏanh vườn hoa mà cả đời cụ chăm bón. Cụ nói, nói hoài cho tới hết mùa nắng làm tụi nhỏ cũng động tâm. Mà hơi đâu chiều lòng cụ nổi. Ngày, phân tán đi kiếm cơm và làm công tác, đêm mệt đứt hơi, không đi họp thì ngủ cho lại sức. “Thời buổi này chơi hoa gì nổi, ba ráng chịu cho quen đi…” Thằng con nói.
Vậy mà thằng Mướp đi làm về, khoe rằng gặp được gốc mai già to bằng bắp vế. Đầu mùa mưa, cụ đạp xe một lần đi coi, tuần sau đạp thêm lần nũa có mang theo sẻng sắt và mắy miếng đệm lạt. Trọn một ngày, đào, móc, lót đệm lạt khoanh vòng theo cái phần phân hai đó. Lại còn cái rễ cái nữa chứ.
Theo lẽ, như người ta, cụ phải chờ tới đầu mùa mưa năm sau mới trở lại dứt gốc, cây sẽ mạnh và thọ hơn. Đằng này, cụ nhất định phải mang về trong tết này và “nếu nắng quá, tao lo nước tưới, khỏi phiền tới tụi bay.”
Cũng lại phải thằng Mướp, “không có nó thì không có chuyện, mà không có nó thì chuyện này cũng không xong. Thằng vậy mà được ghê.” Hôm qua nó nói: “Nội cứ việc đi vô trước, làm được tới đâu thì làm, chiều con đi làm về, con vô tiếp. Xong luôn ngày hôm nay cho rồi, để lằng nhằng thêm, đất càng lúc càng cứng mệt lắm…”
Cụ Lương nghĩ “phải mình đóng xong cái thùng sớm, vừa dứt mưa là vô đào liền, khoẻ hơn nhiều.” Cụ đâm ra giận cái thằng Ngạc phòng thương nghiệp, đương không mang xác tới biểu phải đan dùm ba bốn chục cái cần xé mây, mà hối vùn vụt, làm không kịp thở, còn giờ đâu mà đóng cái thùng.
Nhưng bây giờ thì ổn rồi. Cụ Lương ngắm nghía cái xe đạp và tưởng tượng tới buổi chiều tối nay, hai cây đà cột ngang hai chiếc xe đạp, cái thùng cây rút đít được, lủng lẳng, gốc mai già ngạo nghễ trong đó hai ông cháu dắt díu nhau về tới nhà lúc nào không cần biết, mà vui là được rồi. Bóng nắng không biết từ lúc nào, phủ ngập đám cây săn con, nghiêng một ít ra phía lề đường. Cụ Lương chặc lưỡi, chống hai tay gượng đứng dậy. Một chút đã thấy cụ gò lưng đạp từng vòng. Chiếc xe tiếp tục đoạn đường còn lại, nhưng lần này, cụ Lương trông như khoẻ hẳn ra. Cụ nhìn cái bóng của mình chập chờn lúc mờ lúc tỏ bên đường, nghĩ tới những cái rễ tơ suốt một mùa mưa qua, tưa ra và bám đầy tấm đệm lạc suốt một nửa vòng. “Nhất định mình sẽ hạ thổ trong tối nay, mà nhớ là xoay hướng tấm đệm lạc về mặt trời lặn mới tốt…”
Hết cánh đồng tranh, đường bắt đầu có dốc lên, cụ Lương vừa cảm thấy mệt trở lại. Có khu rẫy nhà ai vừa phát ngược trên núi, bên dưới đã dựng xong một cái chòi nhỏ phía trái, chừng nửa công đất đã cuốc sới xong, những luống đất chưa nhuyễn chạy dài dọc theo triền dưới. Đằng đầu, gần căn chòi nhất là ba miếng ương. Cụ Lương quẹo về hướng đó với ý định nghỉ chân một chập nữa. Trong chòi có người. Mới ngó là biết không phải Việt Nam chánh gốc. Cụ Lương lớn giọng:
– Chào chú Hai, mạnh giỏi há!
Người đàn ông ngó ra, chưng hửng:
– Ờ, ờ. Ông Năm đi đâu vậy? Ai mà dè ông Năm tới tận đây lận.
“Danh Phò! Thằng cha người Việt gốc Miên đốt than làm rẫy ở đây hồi nào vậy cà!” Cụ Lương dựng xe đạp:
– Chú Phò hả. Tui rảnh rang đi chơi chỗ này chỗ kia vậy mà. Làm rẫy rồi sao, thôi đốt than rồi sao?
– Còn chớ. Mà cũng phải làm rẫy nữa. Than bị thu mua rẻ quá, mơi mốt nghỉ làm luôn chắc.
Cụ Lương bước vô chòi:
– Rẻ thì rẻ, làm cũng có ăn vậy!
– Đâu, đâu. Hỏng có cây mà đốt đó chớ.
– Sao?
– Mấy ông lâm sản nói mờ. Thôi cho đốn cây rồi.
Cụ Lương tự động lấy ấm nước rót ra chén của Danh Phò đang uống nửa chừng, chép miệng:
– Thì làm rẫy cũng được.
Danh Phò mở cái nón lá đang úp trên sạp cây lấy bịch thuốc rê ra, vừa thọc tay vô túi quần tìm hộp quẹt, vừa ngáp:
– Làm rẫy cũng mệt, chớ bộ.
– Trồng trọt gì chưa?
– Đó, Danh Phò hất mặt ra ba miếng đất ương. Làm sẵn chờ tới mốt, mùng mười thì ương. Tui ương bông vạn thọ, mồng gà, nở ngày, bán Tết. Có gì ra giêng rồi bán không hết, mình cắt bán rằm, mùng một cũng có tiền mua cá mua mắm…
“Cha này Miên mà cũng biết hết, hồi nào giờ mình tưởng Miên nó ngu…” Cụ Lương ngẫm nghĩ một lúc gật gù:
– Ừ, cũng được. Tui thì khác. Già rồi trồng bông để mà vui thôi.
Thấy Danh Phò nhìn mình, cụ hứng chí nói luôn:
– Chú Phò biết không. Chơi bông thì phải chơi cho tới. Ngặt cái là ở đây không có giống tốt. Hường thì toàn hường lớn cánh mà sậm quá. Cúc thì bò lang thang như dưa chuột, lại không có nhiều giống lan, giống mẫu đơn. Thứ nào cũng có một loại, ngó hoài đâm chán. Tui ở nhà cả ngày mà rồi vô phương cách làm một vườn bông cho khoái được…
Danh Phò bập điếu thuốc hai ba cái, nghiêng người phun nước miếng đánh bẹp một tiếng, nói chậm rãi:
– Tui có biết làm gì mấy thứ đó, trồng khó mà ít ai mua lắm phải không?
– Khó trồng!
– Khó vậy chớ ông trồng làm chi cho mệt!
– Chơi! Cụ Lương đâm bực. Chú biết không. Tui đã nói chơi thì phải chơi cho tới. Ở Ba Ngòi, chú mà thấy vườn bông của tui, chú phải biết.
– Bán được nhiều không?
Cụ Lương bắt đầu thấy nóng mặt, lớn giọng hơn:
– Đã bảo trồng chơi, trồng để ngắm. Cái thứ vạn thọ, mồng gà, nở ngày là thứ bông bình dân thôi. Nói luôn chú nghe. Bông có thứ hạng, hạng Vương giả, hạng Quân tử, hạng Bình dân … đủ thứ hạng…
Danh Phò ngừng hút thuốc lắng nghe.
– Chú không nghe người ta nói Quân tử chi hoa như liên, Phú hào chi hoa như hồng mai cúc, Vương giả chi hoa như lan huệ mẫu đơn…bông sen chính thật là bông của người quân tử mà mình làm gì có cái hồ để trồng. Nói làm gì tới vạn thọ, nở ngày, lại còn mồng gà mồng vịt…
Danh Phò nín khe. Cụ Lương uống một ngụm nước, nhỏ giọng lại:
– Mà còn phải biết cách chơi nữa kia. Ở đây gió máy kỳ cục tui chịu thua chứ ngoài tui, tui độ một thứ gió, ăn nhằm tới loại bông nào. Săn sóc bông thì phải biết thì, biết tiết, mất công lắm…
Danh Phò chịu thua, không phải vì gió máy kỳ cục mà vì không biết gì về cái liên hệ giữa bông và gió. Cụ Lương có lẽ cũng thấy mình hơi quá lời, nói gượng:
– Thiệt ra thì cũng phải vì miếng ăn mà làm chớ thời buổi này, chơi hết nổi. Chú làm như vậy chắc mệt? Rẫy lớn không?
– Mệt chớ! Mà rẫy tui nhỏ hà. Từ mấy cái vồng này tới bụi cây trên kia rồi từ bờ lề đường vô tới suối, đâu khoảng bốn công đất.
– Trên kia của ai? Cụ Lương đưa tay chỉ về hướng triền núi.
– Phía bên này đường trở qua của cha Ba Cảnh, còn phía bên kia của lão Khu.
– Bên đó của lão Khu hả? Cha chệt đó cũng làm rẫy nữa hả?
– Sao không lo buôn bán?
– Ý chời! Buôn bán gì nữa thời buổi này. Tui nghe chả tính trồng tiêu mà. Đàng sau rẫy chả, con suối lớn ra, thiếu gì nước…
Cụ Lương cười mỉm:
– Không dám buôn bán mà dám trồng tiêu, cũng gan thiệt, mai mốt nó thu mua rẻ rề, lỗ tuột quần… rồi nhập vô nông trường còn mẹ gì nữa…
– Ai biết đâu. Chả bắt đầu khởi công mướn người cuốc đất rồi đó. Tuần rồi đốt, đâu có chín hết rẫy mà cũng cuốc. Cuốc cả tuần nay rồi, từ lề đường cuốc vô, chắc bữa nay nhiều rồi đa… Tui có lên coi mà… Chả mướn hơn mười người, toàn là tay chiến không…
Đến lượt cụ Lương chưng hửng. “Từ lề đường cốc vô, mà lại cuốc đất trồng tiêu, cuốc cả tuần nay rồi…” Cụ Lương bỗng thấy xây xẩm mặt mày. Đất tiêu nó cuốc xuống bốn năm lưỡi, lấy không chừa một cái rễ con, dễ gì nó chừa lại gốc mai của mình. Trời đất ơi, gốc mai sát cạnh đường đi, chỉ cách có năm bẩy thước. Tụi nó là tay chiến… còn cái mẹ gì là vương giả chi hoa, phú hào chi hoa..” Cụ Lương mơ hồ nhớ tới khuôn mặt khắc khổ của Hai Làng.
Hồi ở Ba Ngòi, những năm cuộc chiến lên đến độ cao nhất, người ta nghe phong thanh một vài giải pháp hoà hợp hoà giải này nọ. Hai Làng nói lại với cụ những hằn học được cất dấu không biết từ hồi nào:” Chú Năm coi, hoà hợp gì rồi thì cũng bị thằng cộng sản qua mặt. Mà hễ tụi nó mà qua mặt thì ai cũng chết mẹ cuộc đời.” Cụ nghĩ: “Mình còn bao lâu nữa ở cuộc đời này, lo chi chuyện xa xôi đó. Cho tới cái tết đầu tiên, cụ Lương vẫn còn có tâm tư này mà. Thằng con thỉnh thoảng nhắc tới Hai Làng sau những lúc than thở về cái khó khăn càng lúc càng nhiều:” Ba coi, ngày qua ngày, con người ta không còn một thứ gì nữa cả. Giờ, nó khuyến khích làm rẫy làm bái, mai mốt tổ hợp nông trường…người ta mất từ nhà cửa tới gốc cây cổ thụ. Ông Hai Làng là dân di cư hồi năm tư mà, ổng biết hết.”
Cụ Lương bắt đầu tin, và tin càng lúc càng nhiều. Có điều, bẩy mươi tám tuổi rồi, cố làm vui cho một cái tết cuối cùng – theo cụ nghĩ – cũng không được toại ý chớ cụ biết, thời buổi này, gạo không có mà ăn nói chi tới chơi bông chơi hoa.
Cụ Lương xòe bàn tay quơ qua quơ lại, đầu óc trống rỗng. Cụ chỉ thấy trước mặt mình những cuộc đời không còn gì của chính mình, rồi của Danh Phò trong một vài năm tới, của chệt Khu, của Hai Làng ở ngoài kia, của tụi nhỏ ở trong này…
Cụ Lương dựa lưng vào cột nhà. Thở hắt ra một cái thật mạnh. Danh Phò không hiểu gì nhưng thấy cụ Lương có vẻ mệt mà dựa vào cột, y nói:
– Ông Năm lên sạp này nằm nghỉ lưng một chút đi, đừng dựa vô cây cột đó. Săn xót đó, một lát nó ngứa lột da lưng…
Lâu lắm, cụ Lương im lặng, không thiết gì nữa cả. Cụ nhìn thoáng Danh Phò một cái thì quay ra đường độ chừng xem từ chỗ này, có thể thấy được ngoài đó không, nếu thằng Mướp đạp xe ngang qua.
Mặt trời đang dần xế về Tây rồi.
TNT