Tình trạng tảo hôn ở Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề xã hội phức tạp và nan giải, từ đó gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Nạn tảo hôn khiến nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái buộc phải bỏ lỡ cơ hội tận hưởng tuổi thơ, học hành, phát triển thể chất ngoài ra còn làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản…

Tảo hôn xảy ra trong phần lớn dân tộc thiểu số tại Việt Nam  

Tảo hôn và những hệ lụy

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai người hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên từ rất nhiều năm qua, không ít người vẫn tiếp tục “phá luật” và tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn, đa số thường rơi vào nhóm những người thuộc dân tộc thiểu số (DTTS).

Số liệu điều tra thực trạng kinh tế – xã hội VN năm 2019 được phối hợp bởi Plan International và Ủy ban dân tộc cho biết, nạn tảo hôn xảy ra tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (583 ngàn trường hợp); tiếp theo là Tây Nguyên (203 ngàn trường hợp)…Cụ thể hơn, độ tuổi kết hôn trung bình của người tảo hôn năm 2019 là 17.5 tuổi (nam) và 15.8 tuổi (nữ). Có nghĩa là nam giới kết hôn sớm hơn 2.5 tuổi, nữ giới kết hôn sớm hơn 2.2 tuổi so với quy định pháp luật VN. Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20.1%, nữ giới là 23.5%. Tất cả 53 DTTS (và một bộ phận người miền xuôi) đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm Mông 51.5%, Giẻ-lao 47.8%, Xá-lá-vàng 47.2%, Puộc 44.8%, Châu Mạ 39.2%. Vào những năm sau này, tỷ lệ số trường hợp người tảo hôn có giảm chút ít (khoảng từ 2-5%!)

Những bé gái “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải làm mẹ

Tảo hôn là nguyên nhân khiến dân số tăng nhanh nhưng lại giảm phẩm chất. Theo các bác sĩ sản khoa, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên – lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, còn thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và tâm lý chưa sẵn sàng – sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong những gia đình tảo hôn, những đứa con thường xuyên ốm đau, chậm phát triển, dễ mắc các chứng bệnh về nhiễm sắc thể, bệnh Down… gây tốn kém kinh tế, thậm chí làm nghèo thêm những gia đình vốn đã nghèo; là một trong những nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, cãi vã ở các gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các cặp vợ chồng kể cả những đứa trẻ khi chúng đủ lớn. Tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em từ dưới 1 tuổi đến dưới 5 tuổi cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong của các bà mẹ liên quan đến thai sản.

Các gia đình tảo hôn thường đi đôi với sự nghèo khó

Vài trường hợp cụ thể!

Xem thêm:   Đêm Cao Miên

Tại xã Thái Học (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) cháu Mùi Chửa (dân tộc Dao) khi mới 14 tuổi đã phải gạt nước mắt chia tay hai đứa em nhỏ để theo…chồng. Năm Mùi Chửa 8 tuổi, người mẹ buồn chuyện làm ăn thất bại đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Thay vì nuôi dưỡng 3 đứa con, người cha ruột của các em lại bỏ đi theo người đàn bà khác. Mùi Chửa và hai đứa em nhỏ phải dắt nhau về sống cùng ông bà ngoại. Năm 14 tuổi, Mùi Chửa đã là cô thiếu nữ xinh xắn, tuy vẫn thích nô đùa, chơi giỡn cùng hai em nhỏ của mình. Tuy nhiên do ông bà ngoại quá già, nhà nghèo nên khi có bố mẹ một anh chàng nọ ở xã Đình Phùng tìm qua hỏi cưới thì hai cụ đồng ý ngay mà không đòi hỏi lễ vật gì. Khi cán bộ xã đến chất vấn, can ngăn không cho làm lễ cưới thì ông bà cụ hết lời van xin “đừng có làm lớn chuyện”. Bởi theo họ suy nghĩ, việc gả đứa cháu sớm như vậy chỉ vì muốn cho cháu có được cơm no, áo ấm bởi hiện tại hai cụ không còn đủ sức nuôi cả 3 đứa đến tuổi trưởng thành! Cuối cùng, dưới áp lực của chánh quyền, ông bà cụ đã vui vẻ chấp hành, nhưng tới giữa khuya hôm sau, họ vẫn lén lút đưa đứa cháu gái “xuất giá tòng phu”!

Thống kê tỷ lệ tảo hôn ở các vùng miền VN (năm 2019)

Không chỉ vùng sâu, vùng xa, miền núi như đã nói, nạn tảo hôn còn xảy ra ngay ở các vùng đồng bằng phát triển như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ. Những đôi vợ chồng trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” này phần lớn đều ở tình cảnh nghèo khó… Chẳng hạn trường hợp đôi vợ chồng Việt và Mai (Bạc Liêu), khi được chúng tôi hỏi thăm, những người hàng xóm tiết lộ: Việt và Mai “cưới” nhau đã hơn 3 năm nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa dám đưa nhau ra chính quyền xin đăng ký kết hôn vì tới nay cô Mai còn chưa… đủ tuổi! Khi “cưới” nhau, Mai mới 13 tuổi, còn chú rể vừa bước qua tuổi 17. Gia đình cô dâu có nhượng cho đôi vợ chồng trẻ này một miếng vườn, nhưng do không nghề nghiệp nên miếng vườn cứ bị cắt xẻo bán dần, giờ chỉ còn lại “cái chòi lá”. Hàng ngày, ai kêu gì Việt làm đó, như phụ hồ, móc mương, cắt cỏ bò ăn…còn không thì cậu ta đi… nhậu. Ngoài ra còn có chuyện em Nga (17 tuổi, Trà Vinh) dở khóc dở cười hơn. Khoảng 3 năm trước, gia đình ép gả Nga cho một thanh niên từ Sài Gòn về đây làm thuê. Sau 2 năm chung sống, Nga sinh được một bé gái. Có lẽ không chịu nổi cảnh làm thuê làm mướn, luôn thiếu trước hụt sau nên sau đó người chồng bỏ nhà đi đâu không rõ (?). Hiện giờ Nga hàng ngày phải dầm mình dưới các kênh rạch mò cua, bắt ốc bán lấy tiền nuôi con…

Plan International khuyến cáo: “Hãy kết hôn khi đủ tuổi”

Bài và hình NS