Rồng nước (còn gọi rồng đất, con kỳ tôm) có tên khoa học Physignathus Cocincinus, là loài bò sát cùng họ kỳ đà nhưng dáng nhỏ hơn, Chúng có nhiều tên gọi khác như: rình rình (Mường), búng-nhỉ-lòng (Dao), tu-lủng-lẳng (Tày), tu-xả-tảng (Thái) hoặc Chinese Water Dragon theo tiếng Anh.

Con rồng nước    

Một chuyến đi săn

Giữa tháng 11/2023, chúng tôi có dịp về Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) và tình cờ quen với Thạch, một “thổ địa” ở đây đồng thời là “đầu lĩnh” của một nhóm người chuyên đi săn rồng nước mang về bán cho các thương lái thu mua. Trong cuộc nhậu tại nhà người bạn, anh ta vỗ vai tôi nói: “Chú về đây có thưởng thức món ‘linh hồn xứ núi’ bao giờ chưa?”. Tôi đáp không biết thì Thạch cười khà, bảo: “Mai có rảnh, chú đi với bọn này săn rồng nước. Món ‘linh hồn xứ núi’ chính là nó!”

Tôi đồng ý. Ngày hôm sau, chờ trời gần sập tối, Thạch mới gọi phone cho tôi và bảo “Chú cháu ta bắt đầu cuộc săn!”. Chừng 20 phút sau, tôi tháp tùng nhóm Thạch gồm 6 người. Quan sát, tôi thấy nhóm săn mang theo “đồ nghề” gồm đèn pin, vài sợi dây thắng xe đạp uốn thành cái thòng lọng gắn vào đầu một nhánh trúc dài khoảng 2m, 3 khẩu súng hơi bắn đạn chì và mấy cái bao tải. Thạch khoe rằng anh ta từng có 7 năm “thâm niên trong nghề” và bảo: “Con rồng nước thường có màu xanh lá chuối, ban đêm có thói quen ngủ say sưa trên các tán cây ven suối, vì vậy ở khoảng cách vài chục mét mình có thể nhìn thấy nó do phản quang với ánh đèn pin. Theo kinh nghiệm, khi phát hiện rồng nước, ta sẽ nhẹ nhàng tiếp cận để bắt chúng bằng dây thòng lọng, tránh tạo tiếng động mạnh khiến nó tỉnh giấc, nhanh chóng phóng xuống suối hoặc bỏ chạy mất!”. Vẫn theo lời Thạch, các nhóm đi săn rồng nước rộ nhất vào đầu mùa khô. Cứ một đêm đi săn, mỗi người ít nhất cũng kiếm được không dưới 400-500 nghìn VNĐ. Và không riêng gì nhóm của anh ta, quanh các con suối Đa Tong-Kriong, Đạ Siat, Đạ Kôi, Đạ Su, Đạ Nga… ở Bảo Lâm này còn có nhiều nhóm khác cũng chuyên săn loài này.

Đi săn rồng nước

Đặc điểm, sinh học, sinh thái

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Theo “Sách đỏ Việt Nam”, Rồng nước xếp ở lớp bò sát, thuộc bộ có vây. Đây là loài động vật máu lạnh, sống tập trung ở vùng Trung du và miền núi nơi các bụi cây ven bờ suối, phổ biến ở một số tỉnh thành VN như Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kiên Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn … Rồng nước di chuyển khá nhanh trên mặt đất, biết bơi, dễ dàng thay đổi màu da theo thời tiết hay khi nhận thấy có dấu hiệu nguy hiểm, da sẽ chuyển từ màu xanh lục sang đỏ, vàng. Rồng nước trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 240 – 260mm. Có một mào trên gáy cùng một mào trên lưng nối liền nhau và kéo dài từ gáy tới đuôi. Mào ở cá thể đực cao hơn cá thể cái. Phía trên thân rồng nước thường có màu xanh lá hay xanh thẫm, vùng bụng màu trắng. Đuôi có những khúc xám nâu xen kẽ những khúc vàng. Rồng nước ăn các loại sâu bọ nhiều chân, gián, muỗi, giun đất. Từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch năm sau chúng đẻ trứng. Bình quân 8-15 trứng/con/đợt (2 đợt/năm). Sau 72 ngày trứng nở thành con…

Rồng nước có đặc tính khi mặt trời sắp lặn chúng thường leo lên các cành cây gần mặt nước ngủ, tới gần sáng xuống nước tắm rồi quay lên nằm phơi nắng.

Rồng nước được các thương lái thu mua

Chuẩn bị giết thịt

Món ngon, vị thuốc… và cạn kiệt

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Ông Điểu Thinh, 62 tuổi, một người dân tộc Stiêng trong nhóm săn của Thạch cho biết thêm: “Cách đây 12-15 năm về trước, chả mấy ai quan tâm tới con rồng nước, còn bây giờ thời thế hoàn toàn khác! Thậm chí mấy năm gần đây, có nhiều lời đồn đoán mật rồng nước chữa được các bệnh ho dai dẳng, hen suyễn rất hiệu nghiệm nên nhiều người còn mua chúng về mổ lấy mật làm thuốc và rồng nước ngày càng bị tận diệt.”

Đêm ấy, sau khi bắt đầu mở cuộc săn từ khoảng 19 giờ đến gần 3 giờ 30 sáng hôm sau, nhóm của Thạch bắt được khoảng 7 kg rồng nước, chia đều cho 6 người vị chi mỗi người hơn 1 kg. Thạch nói rằng “chiến lợi phẩm” sau khi săn về sẽ mang bán lại cho một số người chuyên thu mua ở Đạ Tẻh và các huyện lân cận. Theo đó, giá rồng nước hiện được các thương lái thu mua từ 350 – 400 nghìn VNĐ/kg với con có trọng lượng từ 300 gam trở lên. Những con có cân nặng dưới 300 gam giá thấp hơn một chút. Tiếp theo những thương lái này mang bán lại cho các quán nhậu địa phương, các nhà hàng đặc sản thịt rừng ở Sài Gòn hoặc những nơi khác có nhu cầu …

…Khoảng tuần lễ sau, quay lại Sài Gòn, theo “chỉ điểm” của các thương lái ở Lâm Đồng, tôi tìm đến vài nhà hàng đặc sản ở các Quận 1, 3, 5, Tân Bình … mới biết hóa ra lâu nay món “rồng đất” không hề xa lạ với các dân nhậu. Tuy nhiên ở đây nó gọi là con kỳ tôm. Tại một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn (Quận 3), kỳ tôm có hẳn trên menu với các món xào lăn, xào sả ớt, cà-ri, xé phay, gỏi lá me, nấu cháo nhưng theo lời một “bạn thường nhậu” thì “kỳ tôm ướp muối ớt nướng lửa than là ngon nhất”. Tôi thấy không hiếm người còn yêu cầu nhà hàng cắt tiết và lấy mật kỳ tôm pha với rượu đế gốc hoặc rượu mạnh uống để “tăng cường sinh lực” (?). Có điều, khi đã nằm trên menu các quán nhậu, giá rồng nước (hay con kỳ tôm) lập tức được đẩy lên cả triệu VNĐ/kg!

Vài món nhậu từ rồng nước (kỳ tôm)

NS