Vấn nạn chặt chém khách du lịch là chuyện nan giải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Việt Nam. Việc chặt chém không chỉ xảy ra với du khách quốc tế, người Việt từ các nước có dịp về thăm quê hương mà cả du khách nội địa cũng không loại trừ.

Phú Quốc mùa hè này khá vắng khách

Nhiều người cảm thấy bực bội móc tiền trả sau khi sử dụng dịch vụ cho những khoản chi khá vô lý. Ðặc biệt khi sự việc này đang diễn ra tại một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của VN: đảo Phú Quốc.

Thời gian gần đây, theo ý kiến nhiều người, một trong những nguyên nhân khiến Phú Quốc vắng khách do giá cả tăng quá cao. Anh Minh (Thủ Ðức) chia sẻ tờ bill của mình sau khi dùng bữa tại một nhà hàng ở khu Bãi Sao với giá gần 4 triệu VNÐ cho 3 người gồm 2 người lớn và 1 trẻ con. Minh cho biết: “Ðồ ăn tại Phú Quốc không đa dạng bằng những điểm du lịch khác nhưng giá cao hơn gấp 2, 3 lần. Ví dụ món mì xào hải sản (nhiều rau, ít hải sản) 195 nghìn VNÐ/dĩa, rau muống xào tỏi 50 nghìn VNÐ/đĩa, thịt heo kho trứng 250 nghìn VNÐ/dĩa nhỏ… Gà Tam Hoàng (luộc sẵn) ở đây bán tới 600 nghìn VNÐ/kg. Khi mình thắc mắc với chủ quán thì nhận được câu trả lời rằng do ở đảo xa, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, nguyên liệu từ đất liền vào có khó khăn nên chi phí các thứ phải đắt hơn đất liền!”.

Món đặc sản bún quậy ở Phú Quốc

Tương tự, vợ chồng anh Phước cùng 3 đứa con nhỏ từ Úc về VN và đi du lịch Phú Quốc hồi cuối tháng 4/2023. Phước cho biết, quang cảnh Phú Quốc rất đẹp nhưng sau chuyến đi 4 ngày 3 đêm, gia đình không có ý định quay trở lại đây nữa. Phước nói: “Trung bình chi phí cho mỗi thành viên là 12 triệu VNÐ. Nếu được chọn lại, có lẽ tôi nên đưa cả nhà qua Thái Lan hay Singapore còn rẻ hơn. Chẳng hạn ở hòn Móng Tay, hòn Mây Rút, người ta bán chai nước suối nhỏ 20–25 nghìn VNÐ/chai, dừa tươi 60-70 nghìn VNÐ/quả. Chúng tôi từng nhiều lần về VN, không kể Phú Quốc cũng đã đi chơi các điểm du lịch nổi tiếng khác như Phú Quý, Lý Sơn…Những nơi này cũng là đảo nhưng giá cả các dịch vụ, các mặt hàng, thức ăn dễ chịu hơn. Tôi nghĩ nếu một ngày ở Phú Quốc, 1 người phải tốn hơn 1 triệu VNÐ cho chuyện ăn uống và di chuyển thì ở đảo Phú Quý, số tiền này chừng dưới 500 nghìn VNÐ!”

Một hóa đơn “chặt chém” tại một nhà hàng ở Phú Quốc

Trong khi đó, chị Châu (Bình Thạnh) và 2 người bạn cũng du lịch Phú Quốc vào đầu tháng 5/2023. Chị cảm nhận: “Khu đảo này dường như không dành cho khách du lịch ít tiền. Phần ăn sáng tại khu trung tâm của Phú Quốc đã có giá 60-80 nghìn VNÐ đồng, tương đương tại quận 1 Sài Gòn. Cho dù các hàng quán có niêm yết rõ giá cả các mặt hàng, việc đồng ý sử dụng hay không tùy khách. Tuy nhiên theo tôi, cả tiền phòng khách sạn và giá cả hầu hết thức ăn tại Phú Quốc đều rất đắt!”

Chợ đêm Phú Quốc

Chúng tôi đã thử khảo sát ý kiến một số chủ quán ăn, nhà hàng, resort… ở Phú Quốc và nhận được câu trả lời chung của nhiều người: Do Phú Quốc là đảo khá xa đất liền nên muốn cung cấp lương thực, thực phẩm cần phải vận chuyển với cước phí cao mới có đủ để phục vụ cho dân địa phương và khách du lịch. Vì chi phí mua vào cao nên các nhà hàng quán ăn phải bán giá cao để không lỗ vốn. Về địa điểm, để thuê được một nơi ngay vị trí trung tâm nhằm mua bán cạnh tranh thu hút khách chi phí ít nhất từ 30 triệu đến vài trăm triệu VNÐ, đắt hơn nhiều so với đất liền. Ðôi khi vì rủi ro không cạnh tranh được, từng có những người phải mất trắng vốn bỏ ra. Cạnh đó là chuyện vé máy bay tăng cao, nhất là các mùa lễ hội hay dịp hè. Tuy nhiên nói như chị Châu: “Phú Quốc mở khu du lịch lần đầu tiên từ năm 2007, tức cách nay hơn 16 năm. Song ban đầu giá cả dịch vụ nơi đây cũng bình thường, còn bây giờ chỗ nào ở Phú Quốc cũng tăng giá vô tội vạ. Hãy suy nghĩ xem bằng số tiền đó thay vì đi Phú Quốc người ta có thể du lịch vài chỗ khác trong nước hoặc đi nước ngoài thì sẽ còn ai chọn quay lại Phú Quốc?”

Các khu chợ tình trạng chặt chém cũng tương tự

Cạnh đó, không ít du khách tỏ ra kém hài lòng khi du lịch Phú Quốc là tình trạng nhiều tài xế taxi cố ý chèo kéo, đưa khách đi khắp các chỗ mua sắm như đảo yến, khu bán đặc sản, các cửa hàng ngọc trai…Những người này thường gợi ý, rủ rê và đưa khách đến một số nơi quen biết trước của họ chủ yếu nhằm kiếm chút hoa hồng (tiền cò) chứ thực sự họ không hề quan tâm phẩm chất hàng hóa hay món ăn tại đây có khiến khách hài lòng hay không. Ngoài ra, các địa điểm vui chơi ở đảo Phú Quốc thường cách khá xa nhau, khách du lịch có đi đâu thì tiền taxi hoặc xe di chuyển cũng đều đắt. Theo lời anh Phước: “Tôi từng đi chơi nhiều nước và nhận thấy vấn nạn chặt chém kiểu này không chỉ xảy ra tại VN mà Ấn Ðộ, Trung Quốc, Campuchia… cũng có. Trong khi ở hầu hết các nước phát triển, các du khách đều có ấn tượng với cách họ xây dựng thương hiệu du lịch của đất nước mình từ những điều nhỏ nhất như cách trả tiền lẻ và tiền thừa cho khách, cách thức bao gói hàng hóa đẹp, kỹ càng, những lời cảm ơn chân thành khi khách đến và đi. Vào những lúc cao điểm do quá đông khách ghé thăm, các nơi cung cấp dịch vụ du lịch ở các nước này luôn cố gắng tạo ra sự bình ổn, để du khách khỏi lo lắng và có ấn tượng xấu trong thời gian lưu trú, mua sắm cũng như hưởng thụ dịch vụ ở một địa phương nào đó. Còn ở Phú Quốc dường như có tình trạng những người làm du lịch luôn suy nghĩ “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, ta chỉ bán một lần cho người khách đó rồi thôi, họ mua nữa hay không cũng chả sao!”.

Vào nhà hàng phải chấp nhận “chặt chém”

NS