Loa kẹo kéo hay tên khác là loa kéo, không xa lạ với mọi người hiện nay. Loa kéo nhỏ gọn, đơn giản, giá thành rẻ. Nó được người ta mua cùng chiếc micrô không dây, dùng hát karaoke hoặc nghe nhạc. Với giọng hát khả dĩ thu hút được người nghe, một số người (tạm gọi nghệ sĩ đường phố) đã tận dụng loại dụng cụ này, hành nghề hát rong để kiếm sống.

Sài Gòn hiện nay (và nhiều địa phương khác), dễ bắt gặp hình ảnh các “nghệ sĩ đường phố”, đủ mọi lứa tuổi và giới tính, bên những chiếc loa kéo ở các quán ăn, quán nhậu. Phố xá lên đèn cũng là lúc những người này “vào việc”. Kết hợp tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ chiếc loa kéo, họ vừa hát, vừa cầm bánh kẹo hoặc sản phẩm nào đó đi chào mời khách ăn nhậu mua giúp.

Chúng tôi đi một vòng thành phố và gặp không ít các “nghệ sĩ đường phố” kiểu này. Tại một quán lẩu dê trên đường Hoàng Diệu 2 (Thủ Ðức) chúng tôi gặp một cô gái xưng tên Lệ Dung. Cô nói: “Con năm nay 22 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu. Từ nhỏ, con đã đờn ca tài tử. Gia đình con có 4 anh chị em, con đứng thứ tư. Do hoàn cảnh gia đình nên con phải tìm lên Sài Gòn kiếm sống, tính ra cũng hơn 2 năm con theo nghề hát rong này. Thực ra, ban ngày con đi phụ việc cho một quán cơm, lương 4 triệu đồng/tháng. Ban đêm con kéo loa vừa hát vừa bán chewingum và thuốc lá, kiếm được cũng chừng ấy, đó là chưa kể đôi khi gặp khách “sộp” tán thưởng giọng hát họ còn “bo” thêm!”.

Tương tự, tại một quán hải sản khác trên đường Man Thiện (quận 9 cũ), chúng tôi gặp một cô gái khác, xưng tên Hồng Yến, năm nay 25 tuổi. Hồng Yến cho biết cô vốn là sinh viên năm thứ 3 của trường Ðại học Ngân hàng. Tận dụng lúc rảnh rỗi, kéo loa đi hát kiếm tiền đóng học phí và chi xài vì gia đình cô ở quê Bến Tre không khá giả gì mấy. Hồng Yến cho biết: “Do khách hàng ở nhiều độ tuổi khác nhau nên cháu cũng phải học thêm nhiều thể loại từ dân ca, trữ tình đến nhạc trẻ để một khi khách yêu cầu thì mình đáp ứng liền. Mặc dù “sân khấu” biểu diễn hàng đêm của bọn cháu không hề có ánh đèn màu lấp lánh, không có nhiều khán giả vây quanh nhưng với cháu, chỉ cần có người nghe, có người yêu thích giọng hát và sẵn sàng bỏ tiền mua… vé số của mình bán đã hạnh phúc lắm rồi!”.

Ðang trò chuyện cùng chúng tôi, bỗng có nhóm đàn ông trung niên đang ngồi nhậu gần đó, yêu cầu hát bài “Vết son trên cổ áo”. Nhìn cách cô vừa cầm micrô hát vừa nhún nhảy, “phiêu” theo lời nhạc chẳng khác chi “ca sĩ nhà nghề”. Bài hát kết thúc cũng là lúc cô bắt đầu đi dọc các bàn nhậu mời khách mua vé số. Chúng tôi thấy bên cạnh những nụ cười thân thiện của những người chịu bỏ tiền mua vé số, Hồng Yến cũng nhận không ít cái lắc đầu kèm theo những lời khiếm nhã. Lúc cô quay lại chỗ chiếc loa kéo chuẩn bị hát tiếp bài khác, tôi hỏi cô mỗi lúc gặp tình huống người ta nói năng bậy bạ có buồn không, Hồng Yến lúc lắc đầu đáp: “Không sao chú ạ! Xã hội phải có người vầy, người khác mà chú!”. Lại hỏi mỗi đêm đi hát thế này, thu nhập ra sao. Hồng Yến trả lời: “Cũng bấp bênh lắm chú, bữa nào may mắn bán hết 200 tờ vé số kiếm được 200 – 220 nghìn đồng tiền lời, còn bình quân kiếm được chừng 150 ngàn thôi. Khách bo thêm thì có thêm nhưng độ rày Sài Gòn hay mưa. Bữa nào mưa to thì “lốc” luôn!” (tức là không có thu nhập đồng nào)

Những cô gái trẻ kiếm sống bằng nghề hát rong – loa kéo. Ảnh: tác giả cung cấp

Tiếp tục tìm hiểu về những “nghệ sĩ đường phố” hát rong mới thấy, tuy nhìn sơ qua gương mặt họ dường như lúc nào cũng tươi tắn, cười cợt chào mời khách nhưng ẩn phía sau là những câu chuyện buồn cũng rất muôn màu. Ngoài chuyện gặp trắc trở về thời tiết, mưa bão, lắm lúc những “nghệ sĩ đường phố” còn bị đuổi như đuổi… tà bằng những cử chỉ, lời nói khó nghe khi gặp phải những ông, bà chủ quán tánh tình cộc cằn, khó chịu. Vẫn theo lời Lệ Dung: “Con ngán nhất là gặp những khách say, họ cứ đòi giật lấy micrô của mình để hát. Vậy mà có khi hát xong họ không những không mua hàng mà còn quay sang kiếm chuyện hay nói những lời bậy bạ. Mấy lúc vậy, con cũng không dám phản ứng gì mà chỉ biết làm thinh cho qua chuyện mà thôi…”.

Những ngày cuối tháng 5/2021, Sài Gòn bắt đầu quay lại thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát. Quán ăn, quán nhậu chỉ được “bán mang về”, không được tập trung đông người. Nhiều quán xá kinh doanh ế ẩm phải đóng cửa, vậy là đội quân “nghệ sĩ đường phố” cũng đành chọn cho mình phương án khác. Nhiều “nghệ sĩ đường phố” phải tản mát ra những địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Ðồng Nai… để tiếp tục kiếm sống.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Tại quán nhậu H.T bề thế ngay trung tâm Cần Ðước (Long An), tôi gặp cô gái xưng tên Mỹ Chi, 23 tuổi, quê Vĩnh Long đang tạm trú tại Bình Chánh (Sài Gòn). Mỹ Chi cho biết cô từng “cãi lời gia đình, theo nghiệp cầm ca” từ năm 19 tuổi và có lúc đầu quân cho một nhóm tạp kỹ hàng đêm đi hát các hội chợ hoặc đám cưới, đám tang. Tuy nhiên vì chuyện tiền bạc không sòng phẳng nên hơn năm nay cô quyết định “ra riêng”, bước vào nghề… “hát rong”. Mỹ Chi kể: “Từ hôm Sài Gòn bắt đầu lệnh giãn cách, ngày nào cháu cũng đi xe máy cả chục cây số, tìm về Cần Ðước mưu sinh. Ở khu vực này cũng có nhiều quán xá lớn như Sài Gòn mình vậy. Ðể được nhiều khách ủng hộ, theo lời khuyên của bạn bè, cháu ăn mặc sexy hơn một chút, trang điểm thêm phấn son để thu hút ánh mắt của mọi người. Nói chung nơi mình phục vụ, đa số là quán nhậu nên chắc chắn không tránh khỏi đôi khi khách say xỉn có hành vi sàm sỡ, nhưng vốn đã có chút kinh nghiệm, nhìn khách là cháu biết ngay người nào mình cần tránh xa”.

Trên đường DT743 thuộc khu phố Ðông Chiêu, Dĩ An (Bình Dương) có nhiều quán nhậu lớn, chúng tôi thấy 2 cô gái còn khá trẻ (trạc 26-27 tuổi) cùng đèo nhau trên chiếc xe tay ga, chở theo chiếc loa kéo. Qua tìm hiểu, biết tên hai cô là Phương và Dung. Cả hai quê An Giang, lên Sài Gòn thuê phòng ở trọ và làm tiếp viên cho một quán karaoke ở Thủ Ðức. Gần đây do giãn cách xã hội nên quán karaoke đóng cửa dài hạn; hai người bàn nhau mua chiếc loa kéo đi hát rong kiếm sống. Tuy nhiên ngoài việc cầm micro hát hò, hai cô này cũng sẵn sàng bày trò uốn éo, múa lắc đủ tư thế cũng như chịu ngồi chung với khách để sau đó sẽ được nhận thêm tiền “bo”. Dĩ nhiên với cánh đàn ông khi được “em út” chào mời cũng chẳng ngại “tấn công”, không chỉ choàng vai bẹo má mà còn  “sờ tay mặt, đặt tay trái”, rờ rẫm những vùng nhạy cảm. Trường hợp anh nào quá hưng phấn, không kìm nén được bản thân, yêu cầu các cô đi thêm tăng nữa, thì cả hai cũng… sẵn lòng khi cuộc “chốt giá” thành công. Dung nói với chúng tôi: “Hồi trước làm bên karaoke, giá mỗi lần “đi ngoài” của bọn em phải từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/ giờ. Còn hiện tại tình hình dịch bệnh căng thẳng, bị thất nghiệp, thu nhập cũng bèo nên bọn em chỉ lấy 500 ngàn đồng/giờ thôi. Nhưng tiền phòng khách sạn thì khách phải trả!”.

Một số người sẵn sàng làm thêm nghề “tay vịn” bên cạnh hát rong. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS