Ngã sáu Cộng Hòa là cái bùng binh nơi đường Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng và Ðại lộ Cộng Hòa gặp nhau.

Ra khỏi bùng binh, chạy trên Ðại lộ Cộng Hòa, hướng về phía chợ Nancy bên đường Trần Hưng Ðạo, thì trường Trung học Trương Vĩnh Ký, bà con Sài Gòn mình thường hay gọi là (trường Petrus Ký) nằm ở gần đầu đường phía bên tay phải.

(Xin phụ đề thêm một chút: Petrus, tiếng Latin, nên không có dấu sắc. Vài đứa bạn đồng môn của tui viết Pétrus (có dấu sắc). Viết như vậy là viết trật lất! Thiệt là tầm bậy, tầm bạ lắm nha! Vậy mà đi đâu, đến ‘party’ trường xưa nào đó mấy đứa bây cứ nổ, cứ vỗ ngực xưng, khoe là học sinh Petrus Ký đã từng đỗ Tú tài 1, 2 hạng Tối ưu! ‘I can you!’ Vì lỡ có em nào ‘xuất sắc trong vai tì nữ’ cắc cớ sửa lưng thì trật xương sống luôn đó nhe cha nội!)

o O o

Niên khóa 1963-1964, đậu kỳ thi tuyển vào trường P. Trương Vĩnh Ký (mà bà con mình thường gọi tắt là: ‘Petrus Ký’), tui được xếp vào lớp Ðệ thất 5.

Thời dụng biểu các cấp từ Ðệ thất tới Ðệ tứ, bậc Trung học Ðệ nhứt cấp thời đó, tùy theo môn chính hoặc môn phụ mà xếp số giờ nhiều hay ít. Quốc văn hay Anh văn mỗi tuần tới 6 giờ. Riêng Sử Ðịa, sau nầy già rồi, khôn hơn chút chút, tôi thấy nó cực kỳ quan trọng!  Thì sao môn Sử Ðịa bị xếp như môn phụ? Sử một giờ. Ðịa một giờ?

Tại sao tôi nói môn Sử Ðịa là quan trọng? Vì môn Sử nói chuyện của ông bà mình. Ðịa, nó nói về vùng đất, nơi mình đã được sinh ra. Có kính trọng ông bà; có thương yêu vùng đất quê hương, nơi cuống nhau Ba vùi trong quê đất, thì mình mới biết thương nước, thương người mà không đi theo CS để tàn phá quê hương, giết hại đồng bào ruột thịt của chính đất nước mình.

Năm Ðệ lục và Ðệ ngũ dạy Sử Ðịa cho lớp tôi học là Bà Phạm Thị Thiên Hương. Ðám học trò thường gọi quý vị nữ giáo sư dạy các môn khác như Việt Văn, Lý Hóa là Cô! Không phải vì các Cô đó còn trẻ hơn Bà Phạm Thị Thiên Hương mà vì vị Giáo sư dạy môn Sử Ðịa trường Petrus Ký Phạm Thị Thiên Hương khá là nghiêm khắc nên đứa nào cũng ngán. Ngán thì tụi nó gọi là Bà hè!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Tui thì lại thích gọi là Cô hơn. Mở đầu giờ dạy của Cô, hổng đứa nào dám hó hé, giỡn hớt gì ráo trọi. Tim đập thình thịch khi thấy tay Cô giở sổ Ðiểm danh ra. Nhứt là những đứa có tên (xếp theo vần ABC) đứng chần vần trên đầu sổ. Giở ra, rồi Cô xếp lại, (chắc bữa đó bài học mới khá dài). Ðứa nào cũng thở phào nhẹ nhõm! Vì sợ xui rủi bị Cô kêu lên bảng trả bài! Ðứng cạnh bàn giáo sư mà đành đực mặt, cúi gằm xuống một cách đau khổ như tử tội sắp bước lên giá treo cổ vậy!

Dẫu không thuộc bài, Cô chỉ cho điểm thấp kèm theo vài lời rầy rà nặng nhẹ, chì chiết, cằn nhằn, cửi nhửi mà thôi! Nhiêu đó nghe đã nhức hai cái lỗ tai rồi. Cô đâu có nhéo lỗ tai hay kí đầu nghe ‘cốc cốc’ gì mà đứa nào cũng ngán. Tới giờ Sử Ðịa, đứa nào cũng xin thời gian thôi hãy qua mau!

o O o

Ôi cái thuở 12, 13 tuổi, học Ðệ lục, Ðệ ngũ thì Thầy Cô rót vào đầu cái gì thì mình nhận cái đó. Rót chừng nào đầy thì nó tràn linh láng ra ngoài hết ráo thì thôi! Học từ chương như con két, giữ được bao nhiêu thì giữ. Học thiệt nhiều mà thú thật tui hiểu hổng được bao nhiêu. Mà cho tới giờ, tui cũng hổng hiểu luôn mới chết!

Về môn Sử Ðịa, cứ kinh tuyến và vĩ tuyến. Chỉ biết được vĩ tuyến 17, ngang sông Bến Hải, chia hai miền Nam Bắc. Miền Bắc độc tài Cộng sản còn miền Nam là dân chủ Tự do. Biết nhiêu đó thôi. Chớ Cộng sản nó ác như thế nào thì không biết. Tự do nó quý ra làm sao cũng không biết. Mãi đến khi mất tự do rồi, sống trong gômg cùm Cộng sản, qua bài học thực tế rành rành trước mắt, mới thấy cái tự do nó quý biết bao nhiêu!

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Rồi cứ Bắc giáp, Nam giáp, Ðông giáp, Tây giáp. Sao Thầy Cô không cho mỗi đứa một cái bản đồ và một cái địa bàn là xong ngay. Bốn phương tám hướng khô khan quá thì đầu óc đâu mà nhớ cho nổi chớ?

Thế nên tui chỉ khoái những bài đọc thêm trong sách Giáo khoa môn Ðịa của ông bà Tăng Xuân An để thỏa mãn cái óc tò mò của con nít. Ðể coi thiên hạ trên thế giới sống ra sao? Làm cái giống gì để sống? Rồi đánh lộn với nước nào? Ăn thua ra làm sao? Thiệt là những chuyện trên Trời dưới đất không hè!

Khi đi gần hết cuộc đời, tui nhìn lại thì té ra có những chuyện mình tưởng vậy mà không phải vậy. Môn Sử Ðịa nó rất quan trọng, nếu không hơn thì cũng không thua gì so với các môn chính khác. Nếu hồi xưa tui biết cách học Sử, học Ðịa thì trước ngày Trời sập, 30 tháng Tư, năm 1975 tui đã khôn ngoan, nhạy bén chạy u ra bến Bạch Ðằng, leo lên tàu dông mất tiêu rồi chớ đâu có ngu quá xá như con cá nằm trong rọ điềm nhiên chờ CS Bắc Việt vô chặt vi, đánh vảy đâu nè.

Ban giáo sư Trường Petrus Ký niên khóa 1959-1960 – nguồn petruskylhp.com

o O o

Sau ngày mất nước, trường Petrus Ký mất tên, thay bằng Lê Hồng Phong, một tay cha căng chú kiết nào đó? Thầy trò ngày cũ dấu yêu, trước hay sau cũng trồi ra biển, phiêu bạt khắp bốn phương trời. Người ở Mỹ, ở Canada, ở Úc, ở Pháp… Nghĩa là ở tùm lum tà la trên toàn thế giới.

Tui vẫn hằng ao ước phải chi mình được gặp lại quý Thầy Cô ngày cũ. Ðể qua hình ảnh đó, tui nhớ lại cái thuở hồi xưa (lúc mình chưa biết khổ vì yêu) sao mà nó vui quá xá! Gặp lại quý Thầy Cô dạy môn gì cũng được! Ðể tui có dịp hỏi vài ba câu, mà hồi xưa thuở còn đi học vì sợ quá, mà mình không dám hỏi? Có cái ngộ là Thầy Cô ngày xưa dẫu nghiêm khắc đến cỡ nào chăng nữa nhưng đâu có ăn thịt, ăn cá gì mình đâu mà sao mình lại sợ đến như vậy chớ?

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nếu gặp lại Cô Phạm Thị Thiên Hương thì câu hỏi của tui sẽ là: “Em là dân Sài Gòn mà trong sách Sử Ðịa em học lại không được các Thầy Cô soạn sách Giáo Khoa chỉ rõ cho em về cái đất Sài Gòn. Dân nó ra làm sao, sống như thế nào hết trơn hết trọi vậy Cô?”

“Vì trước khi yêu con đầm Tây, á xẩm Tàu nào đó… thì em phải yêu con nhỏ hàng xóm, dân chánh hẩu Sài Gòn mới được?”

Xa trường Petrus Ký, vào đời lưu lạc rồi phiêu dạt tận quê người, tui mang câu hỏi đó đi cùng Trời cuối đất! Và tiếc thay khi Miền Nam thân yêu của chúng ta sụp đổ vì lọt vào tay CS, Thầy trò sẻ đàn tan nghé, tứ tán khắp bốn phương trời thất lạc, nên khó tìm nhau! Thì làm sao trò xưa có cơ may gặp lại Thầy cũ để hỏi vài câu cho đặng?

o O o

Gần 60 năm trời đằng đẵng đã trôi qua trong cơn mộng dữ! Rồi đêm nay, mấy thằng bạn học đồng song, đồng môn trường Petrus Ký năm cũ bên Hoa Kỳ khấp báo là:

“Cô Phạm Thị Thiên Hương, giáo sư Sử Ðịa Petrus Ký, vừa đã qua đời rất đơn chiếc tại thành phố Montpellier, miền Nam nước Pháp!”

Cô đã mất vì bịnh tim cả tháng rồi mà cho mãi tới ngày 4, tháng Chạp, năm 2020 nhà chức trách bên Pháp mới hay.

o O o

Hạng Võ, Sở Bá Vương, có tới 9 ngàn đệ tử qua Ô Giang mong làm nghiệp lớn. Khi thất bại trở về dòng sông cũ còn có được Ngu Cơ. Còn người thầy cũ của tôi, suốt một đời đi dạy mấy chục năm, (chắc số đệ tử còn nhiều hơn Hạng Võ, Sở Bá Vương) đã lặng lẽ ra đi một mình.

Cô Phạm Thị Thiên Hương ra đi và mang theo cả một mảnh đời thơ ấu của tui, của bè bạn cùng lớp, cùng trường năm cũ.

“Lỡ mai Thầy chết tha hương.

Xác thân quàn ở nhà thương thí nào?

Trò xưa ai đến nguyện cầu?

Cỏ xanh non mọc trên màu lãng quên!”

“Xin Vĩnh biệt Cô!”

Trò cũ.

ĐXT