Hoa Kỳ và Úc vốn là đất của thổ dân da đỏ và thổ dân Úc trước khi người Châu Âu, đa số từ Anh, đến giành, nói đất nước nầy là của tụi tao. Nhưng chuyện nước Mỹ, nước Úc đa phần là da trắng, râu rậm, đầu sói sọi chính giữa, mắt xanh, mũi lõ, coi bộ lạc hậu rồi nhe! Thời hiện đại tức hại điện nầy, Hoa Kỳ có tới một phần sáu dân số trong 330 triệu người; Úc, còn hơn nữa, tới một phần ba dân số trong  25 triệu sanh đẻ ở nước ngoài. Chính vì thế nên nhiều vùng ở miền Nam Hoa Kỳ, như tiểu bang Florida, dân nói tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn nói tiếng Anh. Văn hóa mang nhiều nét Tây Ban Nha hơn nhiều so với những gì người ta coi là ‘Người Mỹ”. Úc cũng vậy, thị trấn Footscray, miền Tây thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, nơi tui bèo giạt hoa trôi tấp lại nơi đây, dân nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh. Mùi thịt heo át hẳn mùi thịt bò; mùi nước mắm át hẳn mùi bơ sữa.

o O o

Vốn là dân lưu lạc đến vùng đất mới, người Việt mình mang theo những cái rất đẹp về tình nghĩa vợ chồng, tình phụ tử, tình mẫu tử của ông bà mình đã dạy. (Dĩ nhiên cũng có ‘cha’ bỏ con vợ già về Việt Nam rước một em vợ trẻ, chân dài tới nách qua để làm ‘bà nội’ mình; nhưng đó là số rất ít không thể nào đại diện cho tất cả các bậc đàn ông Mít của chúng ta!)

Còn cái văn hóa dở ẹc như: khoái nói dóc, dám làm mà không dám chịu, chúng ta đã bỏ lại cho CS trong nước nó xài rồi.

Giờ thảng hoặc có nói dóc, chối bai bải hổng phải tại tui chỉ để đối phó với em yêu tức con vợ nhà. Còn cái vụ nổ, ít xít ra nhiều, một tấc tới trời, mầy có biết tao là ai không; chỉ thỉnh thoảng xảy ra trên bàn nhậu mà thôi.

Vì đối với lũ trẻ sanh đẻ bên nầy, là cha, ông, mình trót lỡ dạy tụi nó là dám làm thì dám chịu. Dám làm mà không dám chịu là người yếu đuối và hèn nhát! Con nít thì có bao giờ nó chịu yếu hèn đâu nè! Nên trong tánh cách Mỹ, làm sai thì nhận sai để tiến bộ vì sẽ không còn phạm phải lỗi lầm xưa cũ, nên tánh trung thực được xếp hàng đầu.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Vì thế nên có cái chuyện vui như vầy: “Một thằng Mỹ bị vợ bỏ, sầu đời, dắt đứa con trai 15 tuổi, sanh đúng ngày 4 tháng Bảy, về miền đồng không mông quạnh, xa chốn thị thành xa hoa phù phiếm đua đòi về quê cắm câu, bắt con nhái bầu để quên phứt cho rồi một con người đen bạc.

Hai cha con sống trong một căn lều tranh vách đất bên bờ rạch. Mùa Hè nóng ơi là nóng và mùa Ðông lạnh ơi là lạnh. Thủy triều lên, nước lé đé tới nền nhà. Cu cậu căm ghét căn nhà đó lắm! Lòng hẹn lòng, ngày nào đó nó sẽ xô căn lều đó xuống con rạch, để không còn chỗ đụt nắng che mưa nữa, cha cậu sẽ dắt cậu trở lại chốn vui, chốn phồn hoa đô hội!

Cuối mùa Ðông, thượng nguồn tuyết tan, con rạch nước tràn mênh mông bờ bến, cu cậu quyết định ra tay. Cuối cùng, căn nhà rớt cái tùm xuống rạch và trôi đi mất tiêu!

“Hôm nay có người đẩy nhà của chúng ta đổ nhào xuống rạch. Ðó là con, phải không ?”

Cu cậu lúng túng, suy nghĩ một lát rồi thú nhận: “Dạ! Con!”. “Nhưng Bố ơi, hôm nay con đọc và biết rằng George Washington chặt cây anh đào và không bị Bố mình ‘đét đít’ vì ông đã thẳng thắn nói ra sự thật.”

Người cha trả lời: “Chà! George Washington không gặp rắc rối vì Bố của George Washington lúc đó không ngồi trên cây anh đào. Còn tao…”

o O o

Ngoài cái tánh trung thực của người Mỹ ra, tui còn thích cái tính hài hước của một người nữa dù ổng đã chết mất đất tự lâu rồi. Ðó là Tổng thống thứ 40 của đất nước Hoa Kỳ: Ronald Reagan.

Vốn là một minh tinh màn bạc hạng B, chuyên đóng vai cao bồi, chuyên quay ổ đạn súng sáu rèn rẹt, lên cò, rượt mấy tay thổ dân da đỏ chạy chí chết vào trong núi. Làm hoài chỉ có bấy nhiêu! Cứ ỷ súng mà rượt mấy đứa chỉ quen xài cung nỏ; nên tài tử Ronald Reagan chán, bèn bỏ nghề diễn viên để theo đuổi nghề chánh trị. Vì ông cho rằng: “Chánh trị không phải là một nghề xấu. Nếu thành công, bạn có rất nhiều, còn nếu bị thất sủng, bạn luôn có thể viết ít nhứt một cuốn sách”

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

(Nghĩa là lọt sàng xuống nia! Từ ăn nhiều tới ăn ít chớ hổng có cái vụ phá huề, thì ngu sao mà không làm chánh trị chớ?)

Ronald Reagan ra tranh cử Tổng thống Mỹ khi tuổi đã gần bảy mươi, thiên hạ chê già quá còn ham công danh cái gì hè? Thì Ronald Reagan cười he he, trả lời rằng: “Thomas Jefferson đã nói: Chúng ta đừng bao giờ đánh giá một vị Tổng thống bằng tuổi tác, mà bằng những thành quả của ông ấy. Và kể từ khi biết được chính Thomas Jefferson  nói điều đó, tôi đã ngừng lo lắng!”

Rồi ông thêm rằng: “Tôi muốn quý bạn biết rằng tôi sẽ không làm cho tuổi tác trở thành một đề tài của chiến dịch tranh cử này. Tôi sẽ không khai thác, vì mục đích chánh trị, để nhắm vào đối thủ của tôi vốn trẻ tuổi hơn và thiếu kinh nghiệm hơn tôi.”

o O o

Cái tui thích ở Ronald Reagan nữa là ông căm ghét chế độ CS. Vì ngay cả người Nga cũng giống như ông, cũng căm ghét một chế độ CS độc tài toàn trị, chuyên áp bức dân lành.

Nên có chuyện rằng: “Hai đảng viên đảng CS Liên Xô đang đi trên đường. Tên nầy hỏi tên kia: ‘Chúng ta đã thực sự đạt được chủ nghĩa cộng sản hay chưa?

‘Ồ! Chưa đâu, chỉ tới chủ nghĩa xã hội thôi. Khi tới chủ nghĩa Cộng sản thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều!’

Hai tay đảng viên Cộng Sản nầy thành thật với nhau nhưng trước toàn thế giới, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền CS bao giờ cũng ra rả là: Chế độ CS là ưu việt, là đẹp nhất của nhân loại. Cái cột đèn bên Mỹ nếu nó biết đi, nó cũng ‘bò’ về Việt Nam ta! Ha ha!

Dĩ nhiên thế kỷ 21 rồi, đâu còn ai còn khờ khạo để tin cái bốc phét, bông phèn nầy, nên họ đặt ra cái chuyện xỏ xiên CS như vầy nè: “Một người Mỹ đến Moscow, thủ đô nước Nga, mướn một căn nhà. Sau một tuần, ông không tìm được nơi nào để đổ rác cả. Vì vậy, một hôm, chú Sam nầy đi vào một con hẻm vắng với bọc rác trên tay. Nhưng chú Sam bị một em hàng xóm, đẹp như danh thủ quần vợt Mỹ gốc Nga, em Maria Sharapova, chặn lại:  “Này, anh đang làm gì vậy?” ‘Tôi phải vứt những thứ rác rưởi này đi” “Anh không thể vứt ở đây. Hãy đi theo em!”

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Người em sầu mộng nầy dẫn chú Sam đến một khu vườn cực kỳ xinh đẹp có nhiều cỏ lạ, hoa thơm và hàng rào được cắt tỉa rất cẩn thận. “Ðây!” Em nói: “Vứt bao nhiêu rác cũng được”

Chú Sam nhún vai như Mỹ, mở túi ra và đổ rác ngay lên những bông hoa. “Cảm ơn  em đã chỉ cho tôi một nơi chứa những thứ rác rưởi này. Người Nga thật là lịch sự phải không em?” “Hổng dám lịch sự đâu! Ðây là Ðiện ‘Kremlin’.”

o O o

Hằng năm tới ngày 4 tháng Bảy, ngày Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ, (năm nay nhằm ngày thứ Bảy, weekend, nhậu đã nha), tui mừng vì một Thế giới Tự do đã được sinh ra. Từ Nam Bán Cầu xa xôi, từ một đất nước Úc rộng bao la, mà con ‘kangaroo’ (đại thử) nhiều hơn dân, tui cứ ngóng về Bắc Bán Cầu, để chia vui cùng nước Mỹ. Hổng dám bợ ‘đít’ Mỹ đâu!

Tui vui vì thấy rằng: “Qua biết bao phong ba bão táp, cây Ðuốc trên tay Tượng Nữ thần Tự do ở hải cảng New York chưa bao giờ lụi tắt. Cây Ðuốc tự do nầy vẫn là ánh sáng dẫn đường, là niềm tin của nhân dân trên địa cầu trong cơn tăm tối hướng về Thế giới Tự do. Niềm tin đó không ai lay chuyển được. Cuối cùng, Thế giới Tự do sẽ chiến thắng tất cả các chế độ toàn trị độc ác còn sót lại trên thế giới. Tự do sẽ đưa nhân loại trở về với ‘nhân chi sơ tính bổn thiện’. Sống trên thuận theo trời; dưới hòa theo đất.

Ngày 4 tháng Bảy năm nay, bà con có tụm năm tụ bảy ngoài vườn sau, ăn ‘barbeque’, (thịt nướng), ‘hot dog’ và ‘hamburger’ rồi uống beer Budweiser thì nhớ phần dư còn lại hãy cất vào trong tủ lạnh. Năm tới, khi đã tan mùa dịch Cúm Tàu Covid-19, tui sẽ bay qua. Xin nhớ nhé! Ðừng quên nhe!

Bảo Huân

DXT – Melbourne