Trong kho tàng văn chương truyền khẩu của quê mình có truyện cổ tích, ngụ ngôn, tục ngữ và ca dao…

Truyện cổ tích, ngụ ngôn thường là dạy đời. Tục ngữ thì truyền bá kinh nghiệm về môi trường sống, về cách xử thế…

Về hình thức, tục ngữ ngắn gọn, có nhịp và yêu vận (vần giữa câu) cho dễ thuộc, dễ nhớ.

Còn ca dao thường là tình cảm gia đình, cha mẹ, anh em; nhứt là tình yêu trai gái.

Về hình thức, ca dao là thơ (lục bát, song thất lục bát biến thể) vừa có yêu vận, lẫn cước vận (vần cuối).

Phân loại sơ sơ như vậy thì câu: “Ở đời có bốn cái ngu! Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” tui cũng không biết phải xếp loại nó vào tục ngữ hay ca dao?

Nhưng xếp loại gì cũng được mà. Cái quan trọng là phần nội dung, ý nghĩa, tui thấy nó trớt quớt hè!

Lãnh nợ: Ðồng tiền nó liền khúc ruột mà bấm bụng lãnh nợ cho ai kia là một hành động cao thượng đáng để ngợi ca!

Em yêu dám lãnh nợ cho chồng lỡ Tết về đi quánh bầu cua thua hết ráo còn thêm tiền mượn nợ. “Anh Hai cho em khất lại tiền mượn của thằng chồng em! Từ từ em trả xin đừng có đốt nhà em tội nghiệp!”

‘Gác cu’? Ðâu có ngu? Chỉ nuôi một con Cu mồi rồi dạy cho nó gù, nó gáy thật hay để dụ khị những con cu khác, đến chui vô bẫy tranh tài ‘karaoke’. Mình hốt gọn, đem ra bán ở chợ chim ở đường Hàm Nghi Sài Gòn năm xưa vậy.

Còn ‘cầm chầu’? Hổng dám ngu đâu! Cầm chầu, khỏ cắc cắc vào thành trống để chê. Khỏ mặt trống tùng tùng để khen mấy em hát ả đào hay quá!

Người cầm chầu phải là bậc tao nhân mặc khách; xấu trai cũng đặng, nhưng chữ nghĩa thơ, nhạc phải đầy một bụng.

Về nhạc, phải có cái lỗ tai của Tử Kỳ! Nghe Bá Nha chơi đàn mà hiểu núi cao thăm thẳm hay nước sông cuồn cuộn chảy về xuôi.

Người cầm chầu phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc. Khỏ cắc cắc chê bậy, khỏ tùng tùng khen bậy thì mấy cô đào nương sẽ bĩu môi tao nhân mặc khách cầm chầu gì mà lại ngu như con trâu (năm Tân Sửu).

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Trong văn học, xưa cầm chầu, gọi là Ngự sử văn đàn. Giờ gọi là nhà Phê bình văn học. Cứ ‘tùng tùng’ khen nhà văn hay mời ta nhậu; rồi ‘cắc cắc’ chê đứa không hề cho ta nhậu khín thì bị chửi hoài hè!

Cuối cùng là ‘làm mai’. Hổng dám ngu đâu.

Ca dao miền Nam quê mình có câu: “Bên dưới có sông; bên trên có chợ! Ta với mình chồng vợ nên chăng?” là chàng dê nàng một cách sỗ sàng, ‘đìa rét’ (direct), tình lính tính liền. Nếu em chịu đèn, anh có thương em thì thủng thẳng em ừ thì lúc đó chàng mới nhờ tới ông Mai chỉ là hình thức thôi.

Cần hàm râu cá chốt, khăn đống trên đầu như một khúc cá kho, dưới đóng cái áo dài nữa là xong.

Ðến nhà gái chỉ cần hỏi: “Gả con đòi sính lễ, tiền bao nhiêu, vàng mấy lượng?” Ðàng trai kham nổi thì ủi tới. Quá sức   mình thì gài số de.

Tác thành được cho đôi trẻ thì ông Mai vác cái đầu heo 5,10 ký về làm dưa đầu heo, nhậu mệt nghỉ. Nhứt là Tết, mùa cưới làm mai đắt lắm. Ðược ba mối thôi, là dưa đầu heo ăn tới Tết năm sau vẫn còn ba mớ!

Còn chuyện chồng vợ của tụi nó sau nầy ai mà biết? Chén trong sóng còn khua thì nói chi đến chuyện vợ chồng. Vợ chồng nó lỡ có: “Cất tiếng than hai hàng lụy nhỏ. Anh nói thương em rồi lại bỏ em đây!” là chuyện riêng của tụi nó. Làm ông Mai, đám cưới rồi thì mình đâu có ‘lan can’, trách nhiệm gì nữa chớ?

Ðâu có cái vụ: “Cây oằn vì bởi trái sai. Xa anh vì bởi ông Mai lắm lời” bao giờ hè?

Bảo Huân

o O o

Lại nhớ cách đây hơn 30 chục năm, tui đã từng xúi biểu và làm Ông Mai như vậy đó!

Từ đảo lon ton tới nước Úc nầy đây, tui với thằng Hùng, nhỏ hơn tui chừng hai chục tuổi. Hai chú cháu mướn một căn nhà của một ông Ý ở Coburg, cách Melbourne chừng 10 cây số về hướng Bắc.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Tụi Ý di dân tới đây hồi tiểu bang Victoria bùng nổ cơn sốt đào vàng vào giữa thế kỷ thứ 19. Rồi sau Ðệ nhứt, Ðệ nhị thế chiến, đánh thua thiên hạ, đất nước Ý bị chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ nên dân Ý lũ lượt chạy ráo tới nơi đây. Ý đến trước mua nhà. Mít mình đến sau mướn nhà của nó.

Ông Ý chủ nhà tui mướn tánh cà chớn, độc tài phát xít như Mussolini nhưng lại có hai đứa con tên Elisa và Violetta, đẹp não nùng như tài tử Sophia Loren hồi năm 20 tuổi.

Sáng nào đi học ESL ngang qua nhà ổng sát bên, tui thấy con Elisa đứng tưới bông bụp sau hàng rào mà mắt em nhìn tui đắm đuối. Trên tay cầm cái vòi nước, em xịt lung tung làm ướt cả cái ‘váy’ của em.

Chỉ một tuần sau thôi là em Elisa rủ tui ra đường Lygon, thuộc khu Carlton, sát City, mà tụi Ý gọi là ‘Little Italy’ để ăn ‘pizza’ mà em nói là ngon nhứt thế giới.

Thằng Hùng nó nể, bái phục tui thiếu điều trật cái cần cổ: “Sao chú hay vậy? Ðẹt ngắt mà cua được một em bồ tượng Ý, Fat Cow, (Con bò mập) chỉ trong vòng có một tuần. Bí quyết nào chỉ cho con với chú!”

“Sáng sáng, chú mầy canh con Violetta, em gái của con bồ tao, ra trước cửa tưới nước bông ‘Violet’ thì chú mầy hãy lượn qua, lượn lại. Nhớ bỏ trong quần một củ khoai tây!”

Nhưng ngày lại ngày qua mà không kết quả gì ráo. Em Violetta thấy nó là mặt quay đi chỗ khác hè!

Cuối tuần, thằng nhỏ đành móc túi ra mua một thùng ‘Victori Bitter’ kiến tui; rồi than thở nghe đứt ruột, đứt gan hè: “Cháu đã làm theo lời chỉ dạy của chú, mang một củ khoai tây trong quần nhưng hổng ‘xi nhê’ gì ráo trọi!”

“Hãy làm lại vào ngày mai, nhưng lần này, chú mầy nhớ nhét củ khoai tây vô túi quần phía trước!”

Quả nhiên hiệu nghiệm tức thì. Thằng Hùng với con Violetta: “Ðôi ta bắt gặp nhau đây?

Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang!”

Rồi ngày 14 tháng 2 năm sau đó, con Violetta, chuyên kẻ mắt màu Violet, tọt ra cho Hùng một thằng Cu, tên là Valentine.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Vợ chồng nó mời tui đến ăn thôi nôi. Tui rầy: “Mầy tên Hùng thì con mầy tên Dũng. Hùng Dũng có yếu xìu đâu mà chú mầy lại cữ? Bày đặt đặt tên Ý”

Con cũng tính vậy! Nhưng con Violetta nó nói Dũng tiếng Úc không bỏ dấu là Dung, thì cái nghĩa không được thơm tho cho lắm!”

Con Violetta mang nặng, đẻ đau nên con cho nó quyền đặt tên sao có hơi hướm chút chút của con là được!”

Thằng nhóc tì đẻ vào ngày 14, tháng 2, nên vợ con đặt tên nó là Valentine, tiếng La tinh nghĩa là khỏe, là Dũng của dân Mít mình vậy.

Ngoài ra, Valentine cũng là tên của một ông Mai, làm mối cho những kẻ yêu nhau trong thời giáo gươm chém giết theo lịnh của bạo chúa Claudius Ðệ nhị đế quốc La Mã.

Là trai trẻ đang yêu thì đâu có đứa nào ngu mà xách gươm, vác giáo đi đâm chém làm chi chớ? Yêu sướng hơn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Tức giận đến mức nổi khùng, phát điên lên, Claudius Ðệ nhị cấm tất cả các đám cưới hoặc lễ đính hôn ở thành La Mã.

Ông Valentine nghĩ rằng: “Cấm bậy bạ quá hè! Yêu mà tại sao lại cấm?!” Ông bèn làm ông Mai giúp những cặp đang yêu nhau nồng thắm, bí mật làm đám cưới chui!

Claudius Ðệ nhị biết được cho lính đánh ông Valentine bằng gậy cho tới chết rồi sau đó còn tàn nhẫn chặt đầu ông nữa.

Thiệt là cái thằng hôn quân vô đạo mà! Valentine đâu có làm tội lỗi tày đình gì đâu?!

Vì vậy, ngày 14 tháng 2 hằng năm là sinh nhựt của Valentine, con của con, cũng là ngày ‘Make Love! Not War” (Yêu nhau! Không quánh nhau!), là đám giỗ Valentine vì làm ông Mai mà phải bị mất chỗ đội nón!

Tui gật đầu tán thưởng, chọn tên con như vậy chứng tỏ con vợ Violetta của chú mầy cũng thông minh ‘quá khứ’

Phần tao ngày nầy dễ nhớ, lỡ năm nào chú mầy quên mời nhậu là tao nhắc đó nhe! He he!

ĐXT