Tháng Sáu, trời mùa Ðông Melbourne xuống tới 5 độ C. Lạnh quéo râu mà con vợ lại vắng nhà.

(‘Em yêu’ đã bay về Việt Nam sửa sắc đẹp: chẻ cằm, nâng mũi, gắn mụt ruồi duyên… rồi trồng răng giả).

Tui đang lui cui bưng con gà nấu cháo ra, đặt lên dĩa, để lên bàn, đốt nhang, rót bia vào ly, lâm râm khấn vái, để mời Ba về ăn giỗ Má cho vui thì có tiếng khỏ cửa cóc cóc. Hơi ngạc nhiên! Vì ở cái xứ Úc nầy ít khi có cái chuyện khách tới nhà mà không thèm điện thoại báo trước cho gia chủ.

Mở cửa thì thấy anh bạn thân cười hí hí, nói: “Tớ ghé nhà cậu, ăn cháo gà đi bộ đây!” “Ủa mình nín khe hổng mời ai hết ráo sao thằng chả biết mà đến vậy ta?

Tỉnh bơ như người Hà Nội 75, để thùng bia nặng trịch trên vai xuống, ảnh xăm xăm vô bếp, bỏ bia vào tủ để cho nó kịp lạnh.

Tên của anh bạn nầy hồi cha sanh mẹ đẻ là: Nguyễn văn Tép. Ảnh nói hồi tớ mới sanh ra nhằm nạn đói năm Ất Dậu 1945. Ðói là vì Phát xít Nhựt Bổn nó bắt đồng bào mình phải nhổ lúa bỏ đi, trồng cây đay cho nó sản xuất quân trang, quân phục.

Hậu quả là dân không đủ gạo mà ăn, đói chết như rạ. Thiệt là tội nghiệp!

Vì vậy trong bụng mẹ, tớ đã suy dinh dưỡng. Ðẻ ra, tớ nhỏ xíu con hè chưa tới 2 kí lô gram. Nên Thầy, U tớ mới đặt tên tớ là: Tép!

Nhưng khi vượt thoát gông cùm Cộng Sản chạy qua được tới Melbourne, nước Úc nầy đây, tớ nghĩ tên Tép coi bộ hổng có ‘oai’. Nên tớ lựa cái tên lớn hơn con Tép một chút là con Tôm.

Phần tớ đọc truyện trinh thám rất nhiều, nên tớ lấy tên là Sherlock Tôm. Tên na ná Sherlock Holmes để ‘boss’ Úc dễ kêu, dễ sai, dễ biểu.

Với cậu, người Việt Nam mình, thì cậu gọi tớ Tép hoặc Tôm gì cũng được!

Nghe ảnh từ bỏ tên Tép, cái tên cha sanh mẹ đẻ của mình cho, tui cũng hơi quạu vì nghĩ rằng thằng cha Mít nầy tham đó, bỏ đăng; thấy trăng quên đèn! Ðồ mất gốc.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tui cũng thông cảm cho bạn hiền. Vì mặc cảm nhỏ con, vì tên Tép, Úc khó đọc, khó xin làm cu li cho Úc. Ăn tiền thất nghiệp không có dư cắc nào để em yêu đi ‘shop’ em giận bỏ theo thằng khác thì tối lạnh teo bu gi biết nhờ ai mà sưởi ấm đời ta?

Anh Sherlock Tôm rót bia ra ly cho người viết. “Cụng một cái cho đã!”

Uống bia bằng ly mới có vẻ quý tộc, anh nói, còn uống bằng lon sao tui hổng chịu chú mầy ơi! Trông có vẻ lè phè làm biếng sao đâu! Mình bây giờ là “Việt Kiều’ rồi mà! Hí hí!

Anh Tôm rất dễ thương là khi anh nói đố ông nào chen ngang vô được. Nên mỗi lần nhậu với ảnh là người viết lễ phép ngồi nghe; mặc dầu đôi khi cũng ngứa miệng quá trời!

Thần tượng, thầy của Sherlock Tôm là Sherlock Holmes vốn nổi tiếng nhờ trí thông minh, quan sát tinh tường, suy luận hợp lý. Sherlock Holmes gặp Bác Sĩ Watson, căn cứ vào chiếc giày bên trái của bạn mình có vết xước. Ai làm?

Sherlock Holme bèn suy luận: Rõ ràng vết xước đó do một người bất cẩn khi lau bùn chiếc giày. Làm bác sĩ không thể là người bất cẩn cho được. Vì bất cẩn sẽ làm chết bịnh nhân. Vợ lau giày cho chồng ư? Chuyện đó chờ tới Tết Công Gô. Người lau giày chỉ có thể là người hầu gái của bác sĩ Watson.

Kết luận trúng ngay chóc. Giỏi thiệt! Nhưng Sherlock Holmes giỏi chưa bằng Sherlock Tôm, ‘Made in Việt Nam’ nầy đâu!

Ðể chứng minh mình không bố láo, tớ Sherlock Tôm, sẽ truy tìm “Ngày xưa Hoàng Thị’ Em là ai? Là ai?

Bảo Huân

Cho cậu phải ngả nón cúi đầu khâm phục Sherlock Holmes. Lim dim đôi mắt hí, nghe hết bài “Ngày xưa Hoàng Thị’ của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư do em vợ Phạm Duy là Thái Thanh hát.

Mấy chục giây sau, Sherlock Tôm mới mở mắt ra mà bừng tỉnh nói: Ca từ thì ông thi sĩ là người Bắc. Viết trong Nam thì ổng phải là Bắc Kỳ di cư 54. Thơ tình những năm cuối 50 ắt ổng phải sanh khoảng độ năm 1940.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Là mối tình học trò, nhà thơ nhát hít, hổng dám hó hé gì hết, chỉ lẳng lặng bám đuôi em.

Nhà thơ và người thơ ít nhứt phải học lớp đệ tam. Còn đệ tứ trở xuống mà đã yêu đương nhăng nhít thì là con nít quỷ! Trộng trộng một chút mới biết thơ thẩn trông vời áo tiểu thư chớ?

Em tan trường về? Dám kêu bằng em nghĩa là ổng lớn tuổi hơn. Lớn tuổi hơn, học cùng lớp, lại học trường tư là ổng học dở!

Trường công lập thời đó phải thi tuyển rất gay go, nam nữ học riêng. Nam sinh là Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trần Lục. Còn nữ sinh: là Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt.

Ðúng vậy! Ông Phạm Thiên Thư học trường Văn Lang ở Tân Ðịnh! Còn con ghệ làm chàng mê đắm là Hoàng Thị  Ngọ. Tên Ngọ, sanh năm Nhâm Ngọ, năm 1942.

Chỉ dựa vào ca từ của một bài nhạc phổ thơ, Sherlock Tôm đã dùng tam đoạn luận đoán cái nào cũng trúng hết trơn! Thiệt là tâm phục và khẩu phục!

Nghe khen khoái quá, nên Thám tử Sherlock Tôm “nổ’ thêm: Nhà thơ và người thơ ‘áo tà nguyệt bạch’ nầy không lấy nhau vì thường thường mấy đứa con gái coi mấy thằng con trai học cùng chung lớp với mình là con nít. Mấy em kêu mình bằng ‘thằng’ không hà. Kêu bằng ‘thằng’ thì cách chi mà yêu cho được hả?

Thứ hai là muốn người ta mà người ta không muốn nên mới vác bộ giò đi xuống đi lên. Ði hoài mòn giày, mòn dép nên mới có bài thơ trải lòng tâm sự  tình đơn phương tha thiết để ra khỏi nỗi buồn u uất! Ðường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn; lấy nhau không được thương hoài ngàn năm là vậy! Chớ còn về với nhau thì hôn nhân sẽ ‘bóp cổ’ tình yêu lè lưỡi ra mà chết ngắc!

Ðể chấm dứt bữa cháo gà đi bộ nầy, tui bèn đem cái thắc mắc giữ trong lòng chiều giờ ra hỏi: “Anh Sherlock Tôm à! Sao bữa nay anh biết nhà tui có cháo gà mà lại gà đi bộ, để anh vác càng tôm đến ăn nhậu vậy? Anh trả lời: “Tại anh nấu ngon quá, thơm bay qua tới tận nhà tui! Giỡn chơi thôi! Chớ dựa vào tam đoạn luận thì dễ ợt: Anh chánh gốc là người Việt, mà bữa nay là ngày đám giỗ bác gái thì theo truyền thống của dân mình đám giỗ là phải cúng gà đi bộ chớ không cúng vịt.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Gà công nghiệp nuôi nhốt trong chuồng của Úc bở rệp, nước không, dở òm, ai ăn?

Giống mấy ‘cha’ Việt Nam khác, chỉ biết ăn thôi chả biết gì! Chị vắng nhà, tài làm bếp của anh tới nấu cháo là hết mức rồi!”

“Còn tại sao tớ biết ngay chóc bữa nay mà tớ vác càng tôm tới nhà cậu để ăn chực?” “Chẳng qua tớ có cuốn sổ bộ đời. Ðám giỗ tớ ghi ngày âm (lịch). Còn đám Sinh nhựt tớ ghi ngày dương (lịch). Dẫu năm ngoái được mời nhưng năm nay không ai kêu tui đó, tớ cũng vác càng tôm tới nhậu.

Cháy nhà không tiếc; vì nhà có bảo hiểm. Nhưng lỡ cháy cuốn sổ nầy là tớ tự vận chết theo!

Bái Sherlock Tôm như Lưu Bị ‘bái’ Khổng Minh, để đáp lễ, cuối tuần rồi tui khệ nệ vác thùng bia đến khỏ cửa nhà Sherlock Tôm.

“Tui ghé nhà anh, ăn cháo ‘gà đi bộ’ đây!” “Ủa! Sao mà cậu biết?”

“Dễ ợt! Dù anh xưng là Tôm hay Tép gì đi chăng nữa, anh cũng là người Việt gốc Mít, từng đường trường xa con chó nó tha con mèo. Từ binh nhì, chưa tới hai năm, mà anh đã mang cánh gà chiên bơ trên tay áo trận.

Dù trả súng đạn nầy khi sạch nợ sông núi rồi, bữa nay 19 tháng Sáu ngày Quân lực VNCH với chiến tích lẫy lừng đó thì dễ gì anh quên? Rồi chị nhà bay về Việt Nam xăm môi, cắt mắt, cấy lông mày. Cu ky ở nhà, dở ẹc giống như tui, anh chỉ biết nấu cháo ‘gà đi bộ’ là hết mức phải không anh Tôm; í quên anh Tép?

ĐXT