cC47iFa

Thi ca từ xưa vốn là sự giao cảm giữa đất trời và con người. Đặc biệt với mùa xuân, thi nhân luôn dành một sự ưu ái đặc biệt. Có lẽ vì mùa xuân gợi nên nhiều cảm xúc tương phản, trái ngang nhiều nỗi nơi con người mà những tâm hồn nhạy cảm đã rung ngân lên những tiếng thơ nhiều cảm xúc. Khi đất trời chuyển mùa, cây cối xanh lộc mới, trong khí vị của một điều mới mẻ sắp đến người ta bất giác nhớ lại những năm tháng đã qua và cảm thấy sự hữu hạn của cuộc đời.

Người Việt Nam chúng ta không ai là không biết đến bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư: “Xuân đi trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa cười, trước mắt việc đi mãi, trên đầu già đến rồi”. Nhưng cũng như xuân qua, đông đến rồi xuân quay trở lại, ta cũng có niềm vui để tự bảo mình rằng “đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai”. Có nghĩa là mùa xuân luôn gợi cho chúng ta cảm giác về sự vô thường và niềm tin vào sự tuần hoàn bất diệt.

Cùng thời Lý với Mãn Giác Thiền sư, Giác Hải thiền sư cũng để lại một bài “Thị tật” xuất sắc mà chúng ta ít người để ý: “Xuân lai hoa điệp thiện tri thì, Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ, Hoa điệp bản lai giai thị huyễn, mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”. Ngô Tất Tố đã dịch rất hay như sau:

“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì

Bướm liệng, hoa cười vẫn đúng thì

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn

Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi”

Mùa xuân đến là hoa nở, bướm bay ra. Hoa nở hay tàn, bướm đi hay đến đều đúng kỳ hạn. Nhưng hoa bướm đều là huyễn ảo, để tâm mà làm gì. Ngẫm kỹ, đời người cũng chẳng phải vậy sao?

Thơ ca Trung Hoa khi nhắc đến mùa xuân vui ít mà buồn nhiều. Những bài thơ Đường hay nhất của Trung Hoa khi viết về mùa xuân đều là những nỗi niềm ly biệt. Từ  “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (đào hoa y cựu tiếu đông phong) của Thôi Hộ đến “hoa dương buồn chết dạ người sang sông (Dương hoa sầu sát độ giang nhân) của Trịnh Cốc, từ nỗi niềm “Khuê oán” của người thiếu phụ trong thơ Vương Xương Linh đến “Xuân tư” của thi hào Lý Bạch đều ngân vang một mối buồn khắc khoải.

Có một thể thơ cô đúc, ngắn gọn nhất thế giới của người Nhật Bản mang tên haiku thể hiện niềm giao cảm của con người với đất trời rõ rệt nhất. Masaoka Shiki, một nhà thơ haiku nổi tiếng đã định nghĩa “ Haiku là thể thơ ngâm vịnh bốn mùa” (俳句は季題を詠む詩である) hay theo cách dịch của bản tiếng Anh “haiku là thể thơ hiển bày chính mình qua quý ngữ” (haiku is poetry that expresses itself through season words).

Chỉ có mười bảy âm tiết, nên không như thơ Đường Trung Quốc hay thơ lục bát Việt Nam, thơ haiku nén chặt những nỗi niềm vào trong vài chữ gợi tả và dành phần còn lại để người đọc tự cảm thụ. Sự nén chặt đó là để gợi mở đến vô cùng.

Quý ngữ (từ chỉ mùa) vốn là yếu tố then chốt của thơ haiku truyền thống và vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong thơ haiku cách tân và hiện đại ngày nay. Chẳng hạn nhắc đến mùa hè là phải có tiếng ve sầu, pháo hoa, hoa sen, chim cuốc… Mùa thu phải có bão, sấm, dải Ngân hà, táo, lê, lá đỏ… Mùa đông là tuyết rơi, cành khô trơ trụi…

haiku-14-638

Quý ngữ gồm rất nhiều yếu tố cả về thời tiết, đất trời, sự hoạt động của con người… Chẳng hạn quý ngữ mùa xuân gồm có:

Thời tiết (jiko) ấm áp, sáng sủa, ngày dài, ngày chậm chạp, trưa mùa xuân…

Thiên văn (tenmon) trăng mờ, sương mù, gió sáng…

Địa lý (Chiri) nước mùa xuân, núi cười, băng nổi…

Sự kiện (Gyouji) viếng đền Ise, lấy nước đầu năm, lễ hội búp bê…

Đời sống (seikatsu) hái trà, xới ruộng, nhặt sò…

Động vật (doubutsu) mèo (động dục), nhạn, chim sẻ, tổ chuột…

Thực vật (shokubutsu) hoa mơ, liễu, sơn trà, hoa anh đào, hoa rơi, đi ngắm hoa…

Ở Nhật Bản mùa xuân bắt đầu từ giữa Tháng Ba với hoa mơ nở “Hơi ấm mùa xuân, lan tỏa dần dần, trên từng cánh hoa mơ”[1] (Ransetsu) rồi sau đó đến hoa sơn trà “Hoa sơn trà, ngấn nước, đón gió xuân” (Shida Yaba) và đặc biệt là hoa anh đào. Loài hoa biểu tượng của xứ Phù Tang rụng xuống vào thời kỳ đẹp nhất đã gợi bao nhiêu nỗi niềm cho thi sĩ:

Hoa đào rơi

Hay còn trên cành

Cuối cùng cũng rụng rơi

Bài thơ trên là của thi tăng Ryokan, một nhà thơ lỗi lạc. Người Nhật say mê hoa anh đào không biết chán. Từ “ngắm hoa mùa xuân” (hanami) chỉ đi ngắm hoa anh đào. Đôi lúc từ “hoa anh đào” (sakura) được đồng nhất với loài hoa (hana) nói chung. Ngắm ngày chưa đủ, người Nhật còn ngắm hoa anh đào đêm (yozakura) và để lại nhiều bài haiku tuyệt tác như bài sau đây của Shiki:

Ánh trăng soi

Những cánh hoa đào rơi

Một vùng lênh láng

Với cảm quan tinh tế của mình, người Nhật có từ “nỗi buồn mùa xuân” (Xuân sầu – Shunshu). Từ này chỉ nỗi buồn day dứt không yên vào mùa xuân. Tâm trạng đó không hẳn là nỗi buồn nhưng cũng khác với niềm vui. Nhà thơ Getto đã diễn tả nỗi niềm đó như sau:

Màu xanh của cỏ

Khi tôi bước qua

Nỗi buồn mùa xuân

Từ ngàn năm nay, con người dù thời đại nào, dân tộc nào cũng đều có những nỗi niềm muôn thuở. Chỉ có cách diễn đạt là khác nhau.

Mùa xuân vốn là mùa sum họp, đoàn tụ. Chữ “xuân” (春) chiết tự ra sẽ là “tam nhân nhật” (三人日ngày ba người), ám chỉ mùa vui quây quần. Sau một năm vất vả, đi làm ăn xa, ngày Tết ai cũng muốn trở về quê nhà với gia đình.

Có người trở về quê nhà, nhìn thấy cây cối xanh tươi mà vui mừng “cố hương ơi, nơi nào ta cũng thấy, những ngọn núi mỉm cười” (Shiki). “Núi mỉm cười” là quý ngữ mùa xuân còn “núi ngủ” là quý ngữ mùa đông thể hiện cách cảm thụ tự nhiên độc đáo của haiku. Nhưng trong hình ảnh “núi cười” phải chăng còn có niềm vui nhưng của người được về thăm quê cũ?

Còn bao nhiêu kẻ không về được đã phải cất tiếng thở than: “Gió xuân/ Con đường đê dài/ Quê nhà thăm thẳm” (Buson) hay “Nhìn về quê hương/ Xa xăm quá đỗi/ Chỉ cánh hoa đào rơi” (Buson).

Ta nghe trong lời u uẩn có âm vang “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Nguyễn Bính). Cho nên, thi ca từ xưa đến nay vốn là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.

Mùa xuân còn gợi nhiều suy ngẫm. Ta có một khoảng thời gian thong thả dành riêng cho mình “Sáng đầu năm/Chẳng có gì làm/Tôi dụi mắt thật lâu” (Toshio). Dường như nhiều giờ khắc trôi qua mà vẫn chưa hết một buổi sáng mùa xuân. Thật là một buổi sáng nhàn nhã, xa lánh hết mùi tục lụy của thế gian. Hay có thể vô sự mà ngủ giữa đồi hoa đào như nhà thơ Rotsu:

Ngọn đồi đầy hoa đào

Tôi sẽ tìm một hòn đá mát

Đánh một giấc ngủ sâu

Vì là mùa của đoàn tụ nên nhiều khi ta muốn đi thăm một người bạn cũ “Chợt muốn đi thăm/ Một người bạn/ Trong ngày mưa xuân hôm nay” (Ryokan).

Hay chờ bạn tri âm nào tới:

Ngay cả hương hoa mơ

Hay người khách nào đến

Cũng còn chung trà nứt bể này thôi

Issa

Tri âm không nhất thiết phải là một ai đó mà có thể là hương hoa mơ, quả bầu nứt nẻ, con mèo…

Black Cat Painting - Black Cat by Mariusz Szmerdt - nguồn fineartamerica.com

Black Cat Painting – Black Cat by Mariusz Szmerdt – nguồn fineartamerica.com

Lặng lẽ vuốt ve

Quả bầu nứt nẻ

Trong cơn mưa xuân

Ryokan

Hay:

Cô bé

Đang dạy con mèo nhảy

Trong mưa xuân nhẹ bay

Issa

Mùa xuân còn gợi nỗi niềm nào còn phong kín:

Đêm xuân

Những con sóng yên lặng

Vỗ tràn nơi gối chăn

Buson

Những bài thơ nhỏ bé, cô đúc như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đưa chúng ta vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để tiếp cận với thực tại. Mỗi người chúng ta, tùy theo kinh nghiệm đã sống trải của riêng mình, có thể kinh ngạc hay đồng cảm với nỗi niềm của tác giả. Nhà thơ chỉ ra sự vật, còn dành phần chiêm nghiệm và cảm nhận cho chúng ta. Như một chung trà nhỏ đượm hương trong buổi sáng ban mai tinh khiết, ta lặng lẽ thưởng thức cho riêng mình rồi suy ngẫm về cuộc đời và nhân thế. Tất cả rồi sẽ tàn phai, sương tan khi nắng lên. Nhưng trong sự hữu hạn luôn ẩn chứa vô hạn, trong sự ra đi luôn có hẹn ngày về như sự tuần hoàn bất diệt của mùa xuân, như sự luân hồi vĩnh cửu của đời người.

Mùa xuân nhắc nhở cho ta điều đó. Để ta biết trân trọng hơn từng phút giây hiện tại, để ta biết yêu mình và yêu người. Vì trong giọt sương hữu hạn của từng thân phận đều phản chiếu một Phật Tính, Chân Như của kim cương bất hoại:

Giọt sương

Đọng trên phiến đá

Một giọt kim cương

Bosha

 Sài Gòn, tháng 9/2016

  1. Tất cả những bản dịch thơ haiku trong bài viết này là của tác giả (HL)