Lời Tòa Soạn: Ngay từ sau 30 tháng Tư năm 75 dân Miền Nam chạm ngay một thách thức vội vã, thô thiển nhưng đầy ngạo mạn, đó là khái niệm “Ai thắng ai?” bao trùm lên mọi địa hạt quân sự, chính trị, kinh tế, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học…  và toàn bộ sách báo Miền Nam bị thiêu hủy.

Sau 40 năm thì câu trả lời đã rõ. Về văn học, sách của một số tác giả Miền Nam được in lại trong nước.

Sách của nhà văn Trần Vũ được chọn in. Báo chí tường thuật buổi hội đàm về tác phẩm Trần Vũ. Báo Tuổi Trẻ và báo Quân đội Nhân dân cũng tường thuật lại sự kiện này, tuy trước đây họ từng tùng xẻo những bài tiểu luận Trần Vũ đăng trên báo TRẺ. Trẻ xin giới thiệu bài tường thuật cuộc hội luận này của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.


Tiểu sử các diễn giả

Mai Anh Tuấn, sinh năm 1983 tại Quảng Bình.

Tiến sĩ, giảng viên Khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Trần Ngọc Hiếu, sinh năm 1979 tại Hà Nội.

Tiến sĩ, giảng viên chuyên ngành Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, sinh năm 1980 tại Thái Nguyên.

Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành văn học sau 1975. Hiện là Phó ban Tiếng Việt của Nhà xuất bản Nhã Nam, biên tập viên của nhiều tác giả quan trọng mà Nhã Nam đã xuất bản, đồng thời viết các bài điểm sách, làm diễn giả và điều phối viên cho các cuộc tọa đàm.


Đầu năm 2019, tập truyện Phép tính của một nho sĩ của Trần Vũ – một trong những nhà văn đương đại hải ngoại quan trọng nhất – đã xuất bản ở Việt Nam. Tối 6/8/2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, cuộc tọa đàm mang tên “Gai sắc trong truyện Trần Vũ” bàn về tập sách này đã diễn ra hấp dẫn và sôi nổi. Điều ngạc nhiên là rất nhiều bạn trẻ đến dự.

Tham gia tọa đàm có TS Trần Ngọc Hiếu, TS Mai Anh Tuấn, hai nhà nghiên cứu có mối quan tâm sâu sắc đến các tác giả văn học Việt Nam đương đại; và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên của Nhã Nam, người đỡ đầu cho cuốn sách, điều phối tọa đàm.

KỲ 1

1

Trần Vũ, gương mặt truyện ngắn xuất sắc

Diệu Thủy:

Cảm ơn các anh chị và các bạn đã có mặt ở thư viện L’Espace hôm nay, trong một buổi tối mùa thu đẹp trời, sau những ngày mưa bão. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì hôm nay có rất nhiều các bạn trẻ, bởi tôi nghĩ rằng Trần Vũ không phải là một tác giả dễ đọc…

Hôm nay Trung tâm văn hóa Pháp và Nhã Nam rất hân hạnh tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách Phép tính của một nho sĩ của nhà văn Trần Vũ. Tham gia tọa đàm xin giới thiệu TS Trần Ngọc Hiếu, TS Mai Anh Tuấn, hai nhà nghiên cứu có mối quan tâm sâu sắc đến các tác giả văn học Việt Nam đương đại. Và tôi là Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên của Nhã Nam, người đỡ đầu cho cuốn sách, và tôi sẽ điều phối chương trình ngày hôm nay.

Thưa quý vị! Xuất bản được cuốn sách này là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong công việc biên tập của tôi. Từ ngày còn là sinh viên, tôi nhớ đãi nhìn thấy cái tên Trần Vũ ở rất nhiều nơi, trong các bài nghiên cứu, trên mạng, trong các cuộc trao đổi văn chương hoặc trong nhiều cuộc thảo luận bếp núc của chúng tôi. Trần Vũ luôn được đánh giá là một cây bút xuất sắc, ấn tượng, nổi bật, nhưng điều kỳ lạ là chưa có cuốn sách nào của Trần Vũ được in ở Việt Nam cả, và tôi phải tìm đọc anh trên mạng.

Đến năm 2016 khi tôi biên tập cuốn phê bình Đọc tôi bên bến lạ của Đoàn Cầm Thi, trong đó có một bài viết dài và công phu về văn chương Trần Vũ mà tôi rất thích, thì tôi nghĩ mình phải làm Trần Vũ thôi. Trước khi tôi liên hệ với nhà văn Trần Vũ, một vài người nói với tôi là không được đâu, ông này khó lắm, khó kinh khủng, tuyệt đối không cho cắt một chữ, mà văn ông ấy không cắt thì không bao giờ in được. Nếu được thì nhiều nơi khác đã in từ lâu rồi. Tôi nghĩ mình phải thử, có thể những lời kia là lời đồn chứ chưa ai thực sự thử cả. Và nếu không in được, thì ít nhất tôi đã thử.

Tôi đã liên hệ với nhà văn Trần Vũ, trao đổi với anh cách tôi muốn làm, tôi cũng làm việc trực tiếp với nhà văn Tạ Duy Anh phía bên Nxb Hội nhà văn về bản thảo này. Phức tạp nhất chính là khâu chọn, chọn sao để vừa giới thiệu được đặc trưng cũng như sự toàn vẹn của chân dung nhà văn, vừa được sự đồng thuận của tác giả, vừa phù hợp với bối cảnh trong nước. Và cuối cùng thì cuốn sách Phép tính của một nho sĩ đã ra đời, và tất nhiên không-sửa-một-chữ, trừ chính tả. Lần đầu tiên, sách của Trần Vũ, một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học hải ngoại, đã xuất bản ở Việt Nam.

Các diễn giả Mai Anh Tuấn, NH Diệu Thủy và Trần Ngọc Hiếu  

Tôi xin giới thiệu sơ qua về tiểu sử Trần Vũ, về tập sách này cũng như văn nghiệp của Trần Vũ nói chung.

Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Gia đình anh vốn là gia đình tư sản ở Sơn Tây-Phú Thọ, di cư vào Nam năm 1954. Trần Vũ học tiểu học và trung học ở Sài Gòn. Năm 1979 vượt biên, sống một năm trong trại tị nạn ở Philippines. Sau đó anh sang Pháp và sống trong một cô nhi viện ở miền Bắc nước Pháp. Trần Vũ từ đó sống ở Pháp. Anh tốt nghiệp Cao đẳng tin học năm 1985. Năm 1988 bắt đầu viết văn và ngay lập tức nổi tiếng. Từng làm chủ biên tạp chí Hợp Lưu từ 2003-2005, một tạp chí văn chương quan trọng ở hải ngoại. Và từ 2013 anh định cư ở Hoa Kỳ.

Về văn nghiệp, Trần Vũ đã viết trên 50 truyện ngắn và ký, tức Phép tính của  một nho sĩ chỉ là một phần năm của tổng thể. Trong tập truyện trừ hai truyện “Cuộc săn thú của nhà văn An Nam” với “Phép tính của một nho sĩ” viết ở thập niên 2000, còn lại trong tập là những truyện viết thập niên 1980 và 1990, do vậy cũng chưa thể thấy hết các khía cạnh và các kỹ thuật áp dụng. Tuy vậy tập truyện này cũng sơ bộ giới thiệu Trần Vũ ở các truyện lịch sử, thế sự và huyền ảo.

Trần Vũ hầu hết đã in các tập truyện ở nước ngoài. Tập Mùa mưa gai sắc đã dịch sang tiếng Pháp tựa Sous Une Pluie d’Epines (dịch sát là Dưới trận mưa gai) do Nxb Flammarion ấn hành. Tập Giấc mơ Thổ dịch sang tiếng Anh tựa The Dragon Hunt (Cuộc Săn Rồng) do Nxb Hyperion in. Năm The Dragon Hunt xuất bản, tạp chí The New Yorker xếp hạng là 1 trong 25 tập truyện ngoại quốc hay nhất trong năm.

Trên đây tôi điểm vài nét về Trần Vũ. Thưa anh Mai Anh Tuấn, theo anh, vị trí của Trần Vũ ở đâu trong văn chương hải ngoại nói riêng và trong văn chương viết bằng tiếng Việt nói chung?

Mai Anh Tuấn: Xin chào quý vị. Hôm nay đúng là có nhiều bạn trẻ, những người tưởng như xa lạ với văn chương Trần Vũ. Đây là điều bất ngờ đối với tôi. Văn Trần Vũ kén khách, nhưng không phải cứ đông người đọc mới là có giá trị. Cộng đồng đọc như thế này cho thấy nhà văn có sức hút riêng.

Qua quan sát ngắn của tôi khi tập truyện này ra mắt đầu năm 2019, dường như có dư luận đâu đó tỏ ra thất vọng, rằng những gì chúng ta tưởng tượng về Trần Vũ hóa ra chỉ như vậy thôi ư. Không biết họ đã đọc tập truyện này như thế nào mà lại có tiếng thở dài như vậy. Nhưng riêng cuốn này, đối với cá nhân tôi, đặt trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam đương đại, hoàn toàn xứng đáng là một tập truyện hay. Đôi khi chúng ta có một sự ghen tị nào đó về sự xuất hiện xa lạ của một tác giả bên kia chân trời, nhưng cần có thái độ đọc đúng để nhìn ra giá trị của tác giả.

Sự xuất hiện của Trần Vũ trong văn học hải ngoại thế nào? Anh rời Việt Nam với tư cách thuyền nhân năm 1979. Theo nhà văn Vũ Khắc Khoan thì phong trào thuyền nhân sau biến cố 30 tháng 4 lại là bước trưởng thành của văn học hải ngoại. Từ năm 1975 nhiều văn nghệ sĩ, trí thức của miền Nam cộng hòa đã ra đi và đặt tiền đồn đầu tiên cho văn học hải ngoại, định hình một cộng đồng văn chương ở hải ngoại. Trường hợp Trần Vũ thuộc thế hệ thứ hai, thế hệ mà lúc rời khỏi Việt Nam về cơ bản chưa phải là tác giả, Trần Vũ lúc ấy mới là một cậu thiếu niên 17 tuổi. Anh bắt đầu trưởng thành, viết văn, tạo dấu ấn trong bối cảnh văn học viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại đã có đời sống tương đối ổn định.

Sách của Trần Vũ mới in ở Việt Nam

Trần Vũ xuất hiện trên văn đàn hải ngoại vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, cùng với Nguyễn Hoàng Nam, Lê Thị Thấm Vân, Khế Iêm, Đỗ Kh…. Khi ấy một số tạp chí tiếng Việt đã xuất bản đây đó ở Pháp, ở Mỹ. Như vậy văn chương tiếng Việt không còn quá hẻo lánh như thời Nguyễn Mộng Giác nữa. Thế hệ thứ hai do đó có những điểm khác biệt với thế hệ thứ nhất. Trần Vũ ra mắt tập truyện đầu tay năm 1988, lúc còn trẻ, mới 26 tuổi – đầu tay nhưng rất chắc tay, bây giờ đọc mà cũng không dễ lý giải, tiếp cận được ngay, đó thực sự là một tài năng. Phong độ đó vẫn tiếp tục được duy trì ở tập thứ hai. Trần Vũ viết nhiều thể loại khác nhau, sưu khảo chiến tranh, lịch sử, tham gia tích cực cho tờ Hợp Lưu và có thời gian còn làm chủ biên. Đấy là tờ tạp chí xuất bản năm 1991, có vai trò tiên phong trong sự thúc đẩy giao lưu kết nối văn học trong nước và hải ngoại, dù sự giao lưu ấy cũng không dễ dàng gì, chịu nhiều sóng gió, nhưng ít nhất cho thấy những người trong nước và ngoài nước có thể ngồi lại với nhau cùng bàn câu chuyện văn chương chữ nghĩa. Năm 2000 với sự phát triển của internet thì không chỉ tác phẩm của Trần Vũ là nhiều tác giả bên ngoài khác cũng được độc giả trong nước tiếp cận. Chính tôi cũng như chị Thủy đọc Trần Vũ trên internet và ông đã là niềm si mê của tôi thời điểm đó. Với sinh viên của tôi sau này tôi cũng yêu cầu đọc Trần Vũ như một sự bắt buộc.

Tôi nhấn mạnh là từ thế hệ di dân thứ hai có điểm khác cơ bản với thế hệ trước. Đối với một số tác giả chạy khỏi Việt Nam từ 1975 thì một trong những cảm hứng lớn là viết về chính những biến động trong đời sống tị nạn, đời sống di dân. Và rất nhiều sáng tác lúc đó của nhiều tác giả mang nặng cảm giác về chính trị, mang nhiều sự thù hằn. Với Trần Vũ thì những cảm giác đó không rõ, không hiển thị nhiều như các thế hệ trước. Cách viết, chủ đề đều có sự khác biệt. Lưu ý là thời điểm Trần Vũ xuất hiện, các tạp chí văn học, đời sống sinh hoạt văn chương tương đối sinh động, nhưng văn chương tiếng Việt vẫn là thiểu số ở nơi họ sống, chính Trần Vũ lo lắng rằng sẽ không còn độc giả tiếp cận văn học tiếng Việt. Với nỗ lực của chính anh và những người cùng thế hệ thì ít nhất văn chương tiếng Việt vẫn tồn tại, đấy là đóng góp lớn cho thế hệ sau này. Các bạn có thể cũng biết là Linda Lê, nhà văn sinh năm 1962 như Trần Vũ, đã từ chối tiếng Việt để viết tiếng Pháp.

Trần Vũ theo tôi là một tác giả văn xuôi nổi bật của văn học Việt Nam, một gương mặt truyện ngắn xuất sắc, có dấu ấn, xứng đáng để chúng ta đón nhận khi ông quay trở lại Việt Nam.

Diệu Thủy: Khi Nhã Nam xuất bản cuốn sách này thì anh Trần Ngọc Hiếu có nhắn riêng với tôi là cuốn sách này hay quá. Lời đó làm tôi rất cảm động và là niềm vui cho một người biên tập. Anh Hiếu bày tỏ sự ấn tượng của mình đối với nghệ thuật viết của Trần Vũ, và cũng nói rằng những người viết trẻ rất cần đọc Trần Vũ để tham khảo. Vậy xin anh chia sẻ ý kiến của anh về nghệ thuật viết của Trần Vũ, điều gì làm cho Trần Vũ trở nên khác biệt?

Trần Ngọc Hiếu: Trước khi trả lời câu hỏi của Thủy thì cho tôi nói thêm một ý mà Mai Anh Tuấn vừa nói. Cuốn sách này của Nhã Nam khi ra mắt vấp phải một số những phản hồi mà Mai Anh Tuấn dùng một từ khá nhẹ nhàng là “tiếng thở dài” đối với sự hiện diện của Trần Vũ ở Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, một trong những may mắn đối với văn học Việt Nam đương đại, đó là nó vẫn còn những độc giả nghiệt ngã và khó tính. Một khi người ta còn nghiệt ngã và khó tính là người ta còn đòi hỏi ở nền văn học ấy nhiều hơn thế. Tôi chưa bao giờ thấy mình có đủ thẩm quyền trở thành một loại độc giả nghiệt ngã, nhưng những cách đọc nghiệt ngã ấy gợi cho tôi nhiều câu hỏi. Và một trong những câu hỏi mở đầu cho tọa đàm hôm nay, là văn chương Trần Vũ đứng ở đâu, thời điểm này sự hiện diện của Trần Vũ ở Việt Nam làm chúng ta suy nghĩ điều gì.

– Phải nói thật một điều, ngôn ngữ là thứ giúp chúng ta che đậy suy nghĩ thật hơn là để phát lộ sự thật. Chúng ta hay gộp Trần Vũ với rất nhiều những nhà văn sinh sống ở nước ngoài và sáng tác bằng tiếng Việt như Lê Minh Hà, Thuận, Nguyễn Văn Thọ… và gọi chung là văn học hải ngoại. Nhưng chữ “hải ngoại” làm mờ đi tính chất phức tạp của cộng đồng người viết bằng tiếng Việt ở bên ngoài biên giới Việt Nam. Theo tôi văn học viết tiếng Việt ở nước ngoài có hai bộ phận, một là văn học lưu vong, Trần Vũ thuộc về cộng đồng này, và hai là văn học xuyên quốc gia, thì Lê Minh Hà, Thuận, Nguyễn Văn Thọ… thuộc về bộ phận này.

Chưa bao giờ khái niệm “văn học Việt Nam” lại đứng trước thách thức như bây giờ. Tiêu chí nào để xác định một tác giả là của văn học Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam? hay viết bằng tiếng Việt? Nhã Nam từng in cuốn tản văn tiếng Việt của Joe Ruelle người Canada, thì đó là một hiện tượng của văn học Việt Nam hay là của Canada? Và khi tổ Văn học Việt Nam Hiện đại ở khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm cho sinh viên làm luận văn về Linda Lê thì tôi rất bất ngờ, coi Linda Lê là thuộc văn học Việt Nam thì chúng ta nên hiểu khái niệm đó thế nào đây? Tôi nghĩ đã đến lúc đặt Trần Vũ vào bản đồ rộng hơn là khuôn khổ địa lý: bản đồ của cộng đồng người viết tiếng Việt. Thời điểm này định vị Trần Vũ là công việc phức tạp, đòi hỏi cái nhìn tinh tế, cận nhân tình hơn là thở dài kiểu “anh ta chỉ thế này thôi ư”.

Nếu nói về Trần Vũ thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến là cách Trần Vũ lựa chọn tiếng Việt để viết văn. Đây là câu chuyện phức tạp nhất và tôi nghĩ nhiều nhất. Linda Lê bằng tuổi Trần Vũ, rời Việt Nam sớm hơn Trần Vũ hai năm, và không theo con đường vượt biên. Linda Lê có một câu nói nổi tiếng lý giải vì sao cô ấy không viết tiếng Việt, rằng viết tiếng mẹ đẻ trong hoàn cảnh của cô không khác gì làm tình với xác chết! Đấy là lý do cô ấy giống như một người cải đạo, vứt bỏ tiếng Việt đi để viết tiếng Pháp và trở thành người viết tiếng Pháp có dấu ấn. Đây cũng là trường hợp của nhiều nhà văn di dân trên thế giới. Hay như những hiện tượng gần đây được quan tâm, là người Việt viết tiếng Anh như Nguyễn Thanh Việt – được giải Pulitzer, Ocean Vương – được giải TS Eliot, Nguyễn Hoa – được đề cử giải Griffin Prize 2017, và Kim Thúy với Ru – giải Canada Reads. Họ có thể bằng hay kém tuổi Trần Vũ, nhưng không có cảm giác phải gắn kết bằng được với tiếng mẹ đẻ.

Khách tham dự cuộc tọa đàm

Bởi theo tôi tiếng Việt ở nước ngoài là thứ tiếng hai lần ngoại biên. Ngoại biên lần thứ nhất trong tương quan với chúng ta. Khi Thủy mời tôi và Mai Anh Tuấn đến cuộc tọa đàm này thì tôi nghĩ là chúng tôi đều không có thẩm quyền nhiều lắm để nói, bởi vì tiếng Việt chúng ta đang dùng là tự nhiên như hít thở khí trời. Chúng ta rất khó hình dung trải nghiệm của Trần Vũ khi anh ấy thích nghi với đời sống nước ngoài trong rất nhiều phương diện nhưng khi viết văn chỉ có thể chọn tiếng Việt. Đấy là thứ tiếng vừa bị ngoại biên hóa với trong nước, vừa bị ngoại biên hóa với văn hóa chính mạch ở nước anh cư trú. Văn học hải ngoại thời kỳ này đang gặp khó khăn. Vì bây giờ là thế hệ thứ ba rồi, họ ngày càng cảm thấy vấn đề của họ không phải tôi là ai mà là tôi thích nghi được với văn hóa chính mạch càng nhanh càng tốt. Quận Cam bây giờ người Việt đa số là người già, dùng tiếng Việt vẫn có thể tương tác được với nhau, nhưng những người trẻ đã rời đi. Thế nên việc Trần Vũ lựa chọn tiếng Việt với tôi là một lựa chọn đầy can đảm, vì anh dùng thứ tiếng hai lần ngoại biên để viết. Tôi nghĩ bởi chỉ có tiếng Việt mới là thứ ngôn ngữ chạm được vào cái chấn thương, những trải nghiệm về lịch sử của anh. Giả sử viết tiếng Anh thì sẽ gần như làm mất đi cái không khí, hay cái gì đó gắn với da thịt, thân thể. Ngôn ngữ gắn chặt với thân thể, và một trong những khía cạnh khiến tôi thích đọc Trần Vũ là anh có một hệ ngôn ngữ thân thể rất sống động. Rất ít các nhà văn Việt Nam có khả năng miêu tả các trạng thái cơ thể sống động như Trần Vũ. Tôi nhắc lại, lựa chọn tiếng Việt của Trần Vũ là lựa chọn can đảm, vì viết thứ ngôn ngữ đó là đối diện với chấn thương, những chấn thương vừa có tính cá nhân vừa có tính lịch sử. Cho nên viết văn chính là một cuộc hành xác khắc nghiệt.

Có một truyện tôi rất thích trong tập này, khó nói là truyện chấn thương nhưng đối với tôi nó lại là minh họa theo cách những chấn thương cá nhân đôi khi là sự dội trở lại những chấn thương lịch sử, đấy là truyện “Phố cổ Hội An”. Trong truyện này nhân vật Lữ vừa dùng tính dục vừa dùng rất nhiều những câu chuyện chém giết tàn sát để mê hoặc Loan, khiến Loan gần như bị cuốn hút về cả bạo lực trong lịch sử lẫn bạo lực trong tình dục. Chấn thương cá nhân và chấn thương lịch sử liên đới với nhau rất mật thiết. Cần đặt sáng tác của Trần Vũ trong một dòng văn học rộng lớn của thế giới – dòng văn học chấn thương, mà lâu nay chúng ta chỉ có mỗi một đại diện là Nỗi buồn chiến tranh. Tôi nghĩ trong cộng đồng lưu vong một một cá nhân kể xuất sắc lịch sử chấn thương của cộng đồng mình, đó là Trần Vũ. Và ít nhiều trong tập này chúng ta có thể đọc điều đó dù đây chưa phải là những truyện chạm đến vấn đề ấy một cách nhức nhối nhất.

– Vậy sự lựa chọn về ngôn ngữ dẫn đến điều gì? Khi đọc tôi luôn luôn quan tâm đến sự biến đổi của văn học ở cấp độ vi mô, tức là cấp độ lời văn. Lấy mốc từ 1986 trở đi, nói đến văn học đương đại chúng ta hay nghe người ta nói về đổi mới nhân vật, đổi mới nhiều thứ… Nhưng rất thiếu người quan sát về đổi mới trong sự cải tạo câu văn xuôi. Theo tôi có ba người đứng lên đóng vai trò cải tạo. Thứ nhất là Nguyễn Huy Thiệp, ông đưa vào lối hành văn rất khô, tiết chế tối đa cảm xúc, đối lập với thứ văn chương sử thi luôn bão hòa chất trữ tình. Thứ hai là Phạm Thị Hoài, người đưa ngôn ngữ văn xuôi về lại cái khẩu ngữ sống động, có tính bông đùa, cợt nhả, làm một cuộc carnaval trong tiếng Việt. Thứ ba là Trần Vũ. Văn Trần Vũ không khô. Tôi thử đọc một truyện tôi rất thích là “Trưa nắng Hàm Ninh” để xem có bao nhiêu câu chỉ có cấu trúc chủ vị, thì rất ít, rất ít. Câu văn của Trần Vũ trùng điệp, không phải kiểu cố gắng trùng điệp tạo nhạc tính theo kiểu Thuận cứ lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ nào đó. Mà cách của Trần Vũ là làm ngôn ngữ đặc quánh lại. Nếu dùng ba từ để mô tả điều mà văn Trần Vũ gợi ra thì đó là: ngột ngạt, u ám, và đặc quánh. Văn Trần Vũ có vẻ thong thả, không tốc độ như văn Phạm Thị Hoài, nhưng sự thong thả đó làm chúng ta cảm thấy bất nhẫn, vì nó dồn vào miêu tả những cảnh bạo lực, bạo dâm. Người viết văn sẽ ý thức ngôn ngữ không bao giờ chỉ là công cụ, ngôn ngữ là thứ để chúng ta chất vấn. Viết văn không phải là sử dụng ngôn ngữ mà là đập vỡ ngôn ngữ. Nói như bà Elfriede Jelinek người đạt giải Nobel năm 2004 là: tôi gõ vào ngôn ngữ để ngôn ngữ khạc ra sự thật. Cách mà Trần Vũ lao động với chữ thì Đoàn Cầm Thi là người sớm nhận ra: Trần Vũ coi ngôn ngữ như là thân thể và hành xác ngôn ngữ để nó không né tránh, mà phải gợi ra được những chấn thương, những cái u uẩn nhất, riêng tư nhất, dễ bị dập vùi bởi nhiều nhân tố lịch sử.

Tại sao chọn tiếng Việt trong khi có khả năng viết bằng ngôn ngữ khác? Thế hệ của Trần Vũ không chỉ bị ám ảnh bởi biến cố khách quan mà còn đối diện bài toán nan giải: mình gắn kết với ai và mình thuộc về đâu. Và Trần Vũ khẳng định tôi vẫn thuộc về tiếng Việt, thuộc về lịch sử của tôi, nên Trần Vũ không say mê viết tiểu thuyết kiểu T mất tích như Thuận, hay như Thư gửi Mina của Thuận đã đẩy bối cảnh ra ngoài Việt Nam trong khi Trần Vũ, kể cả trong truyện ngắn kỳ lạ “Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam”, thì vẫn là câu chuyện Việt Nam. Vấn đề Trần Vũ là vấn đề khó với tôi, không dễ nói và dễ đọc, nhưng vì thế mà đáng đọc đi đọc lại.

Tôi nghĩ đối với công việc viết văn của những người viết trẻ, có một cách học viết đấy là thông qua việc đọc những tác giả đáng đọc, những tác giả trao cho ta kinh nghiệm, trao cho ta nhận thức về nghề nghiệp. Tôi nghĩ người tập viết văn sẽ học được nhiều ở Trần Vũ.

– Nếu tôi biên tập cuốn truyện này tôi sẽ làm cho nó nhất quán hơn nữa, để truyện này toàn những nhân vật xưng tôi, hoặc chúng tôi. Hiện chỉ có “Phố cổ Hội An” là lạc hệ thống, trần thuật từ ngôi thứ ba. Theo tôi việc lựa chọn ngôi kể không bao giờ chỉ là vấn đề kỹ thuật, bởi khi ta lựa chọn ngôi kể là nó gắn liền với vai kể – mình là ai. Nhân vật xưng tôi trong tập truyện này rất đa dạng, thậm chí còn không phải là người mà là ma, trong truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ”.

Ở thời điểm này tôi đang nghiên cứu một cái gọi là Queer theory. Queer tạm gọi là thứ bản dạng phía dưới không theo xu hướng dị tính của đa số. Queer theory trao cho chúng ta việc chất vấn những chuẩn mực – tất cả những chuẩn mực trong đời sống không phải là tự nhiên và đáng là đối tượng để chất vấn nhiều hơn. Văn chương là phương tiện để chất vấn chuẩn mực ấy. Khi đọc Trần Vũ tôi thấy màu sắc queer hiện lên rõ nét. Có khá nhiều truyện miêu tả tình dục đồng giới nữ. Truyện “Gia phả” có cảnh u Đào và Trần Thị có hành động tính dục với nhau. Truyện “Cái chết sau quá khứ”, truyện tàn bạo bậc nhất, thì “tôi” có quan hệ đồng giới với Ngự và Ngọc Trản. “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”, cực hay, lần đầu tiên có nhân vật xưng tôi nhưng “tôi” lại là người bị rối loạn nhân cách. (Ai viết văn thì biết để nhân vật tôi bị rối loạn nhân cách tự kể chuyện về mình là một bài toán cực khó về kỹ thuật kể chuyện. Nếu chúng ta đọc Âm thanh và cuồng nộ trong đó có nhân vật Benjy là người thiểu năng mất trí thì tác giả chỉ trần thuật từ ngôi thứ ba.) Trần Vũ trong truyện “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” đã dùng thủ pháp phân thân, và để nhân vật “tôi” ngôi thứ nhất nhìn “tôi” ngôi thứ ba với ánh mắt thèm khát.

Tham dự viên đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm

Đọc Trần Vũ ta rơi vào hàng loạt thứ nhức đầu, không phải vì đọc không “rút ra được bài học” gì như các thầy cô giáo cấp ba hay dạy học sinh. Khó là đọc truyện Trần Vũ khiến ta phải thắc mắc mối quan hệ giữa các nhân vật là mối quan hệ nào. Truyện “Cái chết sau quá khứ” thì mối quan kệ giữa “tôi” và lão Chu bị làm mờ đi. Theo tôi đấy là thủ pháp queer hóa trong văn chương. Truyện “Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam”- truyện rất lạ, các nhân vật có mối quan hệ giao hoan kiểu cực kỳ lệch chuẩn.

Đồng tính đã ít được nhắc trong lịch sử rồi, đồng tính nữ càng bị đè nén. Khi nghiên cứu Queer theory tôi thấy nhiều người đặt trọng tâm ở gay chứ không quan tâm đến điểm nhìn lesbian. Tôi nhận ra đồng tính nữ là thứ cũng bị hai lần ngoại biên, và trạng thái đó tương hợp với tiếng Việt mà Trần Vũ sử dụng. Phải dùng thứ ngôn ngữ ấy mới diễn đạt được những gì khuất lấp nhất, cay đắng nhất, nhỏ nhất trong lịch sử. Văn học khác lịch sử, những gì lịch sử bỏ quên thì đó là chỗ của văn học.

Theo tôi khi người kể chuyện xưng tôi thì cái tôi đó phải mang căn tính. Người ta rất ít dạy phân tích người kể chuyện từ góc độ căn tính. Năm ngoái rộ lên cuộc tranh luận có nên dạy “Chí Phèo” trong trường phổ thông nữa hay không. Tôi cho là vẫn nên dạy, nhưng tất cả lý do mọi người đưa ra rằng nó bạo lực quá, rằng Chí Phèo là nhân vật lệ thuộc hoàn cảnh… là những diễn dịch rất thô sơ. Trên thực tế điều gượng nhất khi đọc truyện “Chí Phèo” đấy là cảnh Chí Phèo cưỡng hiếp Thị Nở. Nhưng trong cái đêm Thị Nở bị cưỡng hiếp thì không có điểm nhìn của Thị Nở. Các diễn dịch rằng nhờ Chí Phèo cưỡng hiếp mà Thị Nở được làm đàn bà, và nhờ cưỡng hiếp Thị Nở mà Chí Phèo thành đàn ông, thì thứ đó rất đáng sợ. Nếu dạy điều đó trong thời kỳ này thì đó là một diễn ngôn về cưỡng hiếp và cưỡng hiếp như thế thì hóa ra hợp lý quá?

Bởi vậy tôi thích cách Trần Vũ cực kỳ ý thức khi mình xưng tôi. Cái tôi mang căn tính đó không chỉ kể chuyện mà còn chất vấn lịch sử. Ngay cả truyện lạc hệ thống là “Phố cổ Hội An” nếu như đọc kỹ, toàn bộ điểm nhìn là của Loan, truyện được kể từ điểm nhìn bên trong, tức là những gì Loan cảm thấy. Người phụ nữ trong truyện của Trần Vũ luôn cảm thấy thế giới rõ nét nhất trên thân thể của mình. Cho nên dạy văn ngoài chuyện tìm đề tài, ý tưởng đã đến lúc cần nói về việc lựa chọn ngôi kể, và ngôi kể đó gắn liền với trách nhiệm xã hội của anh, nó mang căn tính nào, trường nhìn của nó đến đâu, nó có thể đi đến những khám phá nào, chất vấn nào. Đọc văn không phải để lấy bài học mà cùng nghĩ với những gì tác phẩm đặt ra.

Diệu Thủy:

Cảm ơn anh Trần Ngọc Hiếu. Anh vừa nói để cho thống nhất thì tôi nên bỏ “Phố cổ Hội An” ra, nhưng tất nhiên là không đời nào tôi bỏ cả, bởi đó là một truyện rất hay và chính anh Hiếu cũng rất thích nó. Và tôi nghĩ “Phố cổ Hội An” vẫn thống nhất với các truyện khác ở cảm hứng lịch sử, ở tính bạo lực như một điểm nhất quán trong văn chương Trần Vũ. Trong truyện này có những cảnh khiến tôi cảm thấy rất kinh dị, như cảnh Lữ đút cho Loan ăn cá sống chẳng hạn, nó làm tôi nổi gai. Có thể nói tính bạo lực là một sự nhận diện của văn chương Trần Vũ. Tôi mong anh Mai Anh Tuấn chia sẻ thêm suy nghĩ của anh về cách Trần Vũ sử dụng yếu tố bạo lực để viết tác phẩn của mình và dùng nó như một phương tiện lý giải nhân sinh.

Mai Anh Tuấn:

Lối viết đặc sắc của Trần Vũ đúng là khó ai có thể bắt chước. Tôi không chắc những bản dịch tiếng Anh tiếng Pháp có thể đảm bảo được yếu tố ngôn ngữ hay không. Đặt trong bối cảnh văn học đương đại thì riêng sự ma mị và quái quỷ trong ngôn ngữ đã đặt Trần Vũ ở một vị trí rất khó lẫn. Trần Vũ còn nhiều truyện hay khác, xứng đáng để trở lại, mong Nhã Nam và chị Thủy dũng cảm chiến đấu với cái gọi là cơ chế để in thêm một tập nữa.

Bạo lực, bạo dâm trở đi trở lại, nhiều chiều trong văn Trần Vũ. Bạo lực gắn với quá khứ, bạo dâm gắn với con người cá nhân vô danh hoặc hữu danh. Nó chảy trong mạch lịch sử và cũng có mặt ở hiện tại. Tôi nghĩ cách Trần Vũ viết về bạo lực, bạo dâm không phải là ngẫu nhiên mà là một chiến lược viết của tác giả, bằng những nhìn nhận quá khứ, bằng những trải nghiệm không lấy gì làm ngọt ngào trong chiến tranh. Trần Vũ có bài viết mà tôi ấn tượng là bài “Lưng trần”, ở cuối có nói rằng lưng trần của phụ nữ là đoạn lưng đẹp nhất, còn lưng của đàn ông Việt chỉ toàn  những vết chém mà thôi.

Trải nghiệm về chiến tranh, những gì Trần Vũ đã chứng kiến đủ để anh có cái nhìn khái quát về một đặc tính xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam mà tôi không ngại nói, rằng ẩn trong máu mỗi người Việt Nam là bạo lực và bạo dâm. Cái ngưỡng để Trần Vũ trở lại trong nước nằm ở cái khó đó. Khi nhìn nhận đặc tính của cộng đồng và lịch sử của nó là bạo lực và bạo dâm, ta mới thấy khủng khiếp. Ít ở cộng đồng nào mà lịch sử có nhiều cuộc chém giết, những câu chuyện huynh đệ tương tàn nhiều như vậy. Truyện “Gia phả”, có đoạn Trần Thủ Độ chiếm đoạt Trần Thị Dung và nói: Dâng hiến cho ta là dâng hiến cho đất nước, làm gì mà phải khóc lóc kêu gào. Và không ở đâu mà cảm hứng tình tình dục lại nảy sinh từ hưng phấn với những chuyện bạo lực chém giết đậm đặc như “Phố cổ Hội An” miêu tả.

Trần Vũ đúng là có cảm hứng lịch sử, có vốn hiểu biết lịch sử, viết lịch sử không thua kém ai. Nhưng cái riêng khác, độ khó, là ở chỗ chất vấn nhiều về bạo lực và bạo dâm. Phải chăng vết chàm của quá khứ hiện hình trong cuộc sống hiện tại rõ như chỉ tay chúng ta, như một phần của căn tính, của chiến tranh ly loạn, của mất mát đứt lìa. Và những người trải qua biến cố như vậy họ tìm đến chỗ ấy như một nơi chốn để sáng tạo, để cắt nghĩa cho chính bản thân mình. Cho nên văn của Trần Vũ vừa lôi cuốn vừa hất đẩy chúng ta ra khỏi trang viết, bắt chúng ta đối diện tận cùng với bản tính ác, dâm trong mỗi con người mà những diễn ngôn của đạo đức và văn hóa che lấp đi. Sự trở lại của Trần Vũ hôm nay khiến chúng ta giật mình. In cuốn sách này là sự lựa chọn táo bạo của Nhã Nam và của cá nhân chị Thủy.

NHDT