Lời Tòa Soạn: Ngay từ sau 30 tháng Tư 75 dân Miền Nam chạm ngay một thách thức vội vã, thô thiển nhưng đầy ngạo mạn, đó là khái niệm “Ai thắng ai!” bao trùm lên mọi địa hạt quân sự, chính trị, kinh tế, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học… toàn bộ sách báo Miền Nam bị thiêu hủy.
Sau 40 năm thì câu trả lời đã rõ. Về văn học, sách của một số tác giả Miền Nam được in lại trong nước.
Sách của nhà văn Trần Vũ được chọn in. Báo chí tường thuật buổi hội đàm về tác phẩm Trần Vũ. Báo Tuổi Trẻ và báo Quân đội Nhân dân cũng tường thuật lại sự kiện này, tuy trước đây họ từng tùng xẻo những bài tiểu luận Trần Vũ đăng trên báo TRẺ. Trẻ xin giới thiệu bài tường thuật cuộc hội luận này của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.
KỲ 2
2
Trần Vũ – văn của thể lỏng và những cú twist
Độc giả: Xin hỏi chị Diệu Thủy, sự khó khăn để ra được cuốn sách này là gì, cái khó là ở chỗ Trần Vũ là một nhà văn hải ngoại hay cái khó là do văn phong, ngôn ngữ của tác phẩm?
Diệu Thủy: Trần Vũ là một người viết thẳng và không kiêng dè bất cứ điều gì.Trần Vũ không hẳn hoặc cố tình như những người viết khác đặt các vấn đề chính trị một cách thô sơ trực tiếp lên trang viết, nhưng anh không kiêng dè bất cứ vấn đề nào đến trong suy nghĩ và sáng tạo. Khi in sách Trần Vũ đề nghị tôi không-cắt-bất-cứ-một-từ-nào. Tôi đã phải đọc toàn bộ sáng tác của Trần Vũ, chọn dần từng bước một, để xem chúng tôi có thể tiếp cận được cái ranh giới hợp lý đến đâu. Kết quả là chúng tôi đã có được cuốn sách này. Văn của TrầnVũ mọi người hay nhắc “Giấc mơ Thổ”, “Mùa mưa gai sắc”, và nếu tính những truyện đó là điểm mười, thì cuốn này theo tôi cũng phải được điểm tám.
Độc giả: Các diễn giả có đánh giá cao nhà văn Trần Vũ. Trước đây tôi thấy có Nguyễn Huy Thiệp đã viết về cái ác, và từng nói trong truyện “Mưa Nhã Nam” – “Em có ghê tởm điều thiện như là điều ác không”. Mong các diễn giả cho biết kỹ hơn sự viết về cái ác của Trần Vũ?
Trần Ngọc Hiếu: Câu anh trích của Nguyễn Huy Thiệp theo cảm nhận của tôi mang một nội hàm hơi khác. Ðiều thiện xét cho cùng là những quy phạm đạo đức trong đời sống và vì là những quy phạm nên nó rất nhàm tẻ. Ðề Thám trong câu chuyện đó đã không thể vứt bỏ tất cả để đi với người con gái ông yêu, mà đưa cô ấy về nhà, về lại với trật tự. Tôi nhận ra không có cuộc nổi loạn nào khó hơn nổi loạn trong chính đời thường. Cái ác của Trần Vũ theo tôi thuộc về phạm trù khác: đấy là cái ác cái dâm vừa thuộc về căn tính tiềm tàng trong mỗi chúng ta mà chúng ta muốn che đậy, vừa là một phần của lịch sử và hay bị ngụy trang thành cái đẹp.
Mai Anh Tuấn: Trần Vũ khi viết hay dừng lại miêu tả cảnh bạo lực, bạo dâm như một kỹ thuật quan trọng trong điện ảnh, bắt ta phải đối diện, suy ngẫm, đón nhận chứ không như nhiều nhà văn khác là thường lướt qua. Hay một số nhà văn hay viết về cái xấu cái ác như là một cách phản ánh xã hội, đọc nó người ta sẽ than rằng cái ác lên ngôi, nhân tính không còn v.v. Trần Vũ không làm việc đó, không phản ánh các ác cái xấu để chúng ta cất tiếng phê phán xã hội và phóng chiếu vào thực tế xã hội. Trần Vũ bắt chúng ta nhìn sâu vào quá khứ, lịch sử, vào căn tính và khiến chúng ta rùng mình nhiều hơn.
Độc giả: Trong truyện Trần Vũ có các yếu tố loạn luân không? Tôi rất tò mò về các mối quan hệ của các nhân vật trong tập truyện.
Trần Ngọc Hiếu: Ðiều mà bạn băn khoăn thì hồi đầu tiên tôi đọc Trần Vũ, tôi cũng chẳng hiểu gì. “Cái chết sau quá khứ”, mối quan hệ của các nhân vật không định hình, đến cuối mới ngờ ra. “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”, đến cuối mới biết hai nhân vật là một. Truyện của Trần Vũ tạo ra cảm giác vừa đọc vừa phải đoán. Một trong những kỹ thuật viết quan trọng nhất là phải thắng lại tính khả đoán của độc giả. Văn của Trần Vũ có một yếu tố mà bây giờ nhiều nhà văn không đầu tư, đấy là sự hấp dẫn của cốt truyện. Nhiều người cứ nói về đổi mới nghệ thuật tự sự, truyện không có cốt truyện mới là trào lưu xu hướng. Nhưng mà tôi nghĩ một trong những thứ làm cho nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn là đầu tư vào cốt truyện. Các mối quan hệ trong truyện Trần Vũ bị lỏng, và nó đúng là trạng thái của lịch sử, lịch sử không mạch lạc như chúng ta được học.
Lỏng, mơ hồ mới là thực tại, mới là lịch sử. Nên truyện của Trần Vũ có một kỹ thuật rất hay là đồng hiện. Ðồng hiện sẽ xóa mờ không gian, trộn lẫn thời gian, hư và thực, tạo cho văn Trần Vũ đọc rất giống một thể lỏng. Ðấy là điều ta khó bắt gặp trong văn học Việt Nam đương đại. Văn Nguyễn Huy Thiệp không có sự lỏng ấy, các quan hệ xã hội trong truyện của ông rất định hình, nên đọc vẫn vào. Ðọc Trần Vũ lần đầu tiên thấy khó, vì hóa ra mối quan hệ của nhân vật không phải thế này mà lại là thế kia.
Độc giả: Tôi thích Trần Vũ vì cách kể chuyện quá hay. Đọc Trần Vũ thích nhất là những cú twist, nó khiến cho tôi đọc rất háo hức, cảm thấy sắp bị đánh lừa. Vậy nghệ thuật tạo twist của Trần Vũ là như thế nào?
Trần Ngọc Hiếu: Twist chính là những bất ngờ của câu chuyện. Trần Vũ hay tạo sự bất ngờ nhưng sự bất ngờ này đã được chuẩn bị từ trước. Ta có thể cảm thấy không thể chấp nhận được cái kết này nhưng hóa ra mọi thứ đã được chuẩn bị. Và đấy là thứ rất kinh khủng. Nó làm cho ta cảm giác khi đọc đến cuối cùng lại cảm thấy hình như mình chưa đọc và phải lật lại. Ví dụ truyện “Trưa nắng Hàm Ninh” với tôi nó gần với thể loại truyện noir, tức là truyện hình sự vì nó kết lại bằng không khí cực kỳ mơ hồ. Ta có cảm giác ngờ ngợ Trần Vũ đưa ta đối diện với một vụ giết người. Nhưng cái hay là anh vẫn dùng thủ pháp mơ hồ hóa. Nếu như ai đọc kỹ truyện này sẽ để ý rằng liệu chị Minh có phải bị giết chết hay không, bị trở thành một thành phẩm trong cái thứ nước mắm mà pá Hổi nghĩ là thứ nước mắm trác tuyệt hay không. Trong rất nhiều những đoạn trước đó, nhiều lần nhân vật ví “tôi” giống con cá, chị Minh giống như con cá… Những chi tiết đó lại được miêu tả bằng hành văn từ từ, và nếu như đọc hời hợt chúng ta lại cảm giác mấy thứ này không nằm trong mạch sự kiện và skip nó. Nhưng hóa ra tất cả những thứ nhỏ nhỏ đó dẫn ta đến một bất ngờ.
Tóm lại nếu muốn twist mà không gây cảm giác giả tạo thì phải chuẩn bị từ trước. Ðiều này rất gần với kỹ thuật kể chuyện gọi là kỹ thuật cấu tứ, mà ngày trước tôi học tiểu thuyết cổ điển các thầy hay gọi là kỹ thuật phục bút. Anh muốn tạo ra sự bất ngờ thì trước đó anh phải rào đón. Truyện “Gia phả”, nhiều đoạn hẫng, nhưng hóa ra đã được chuẩn bị trước. Ðoạn đầu Trần Thị ngắm bức tường, cuối cùng Thiếu đế cũng nhìn bức tường, đó là dấu hiệu về thời gian lịch sử quy hồi. Lúc trước Trần Thị khao khát nhìn nó, bây giờ Thiếu đế ân ái với nó, thủ dâm với nó. Tôi luôn luôn tin là bản thảo bản nháp của Trần Vũ rất dày vì phải làm việc đi làm việc lại. Những thứ tưởng chừng vu vơ gài cắm thế này chắc chắn nhà văn phải làm việc rất nhiều lần, chứ không phải viết một lần là xong post lên facebook được nghìn like!
Mai Anh Tuấn: Tôi thấy sự hấp dẫn của văn chương Trần Vũ ngoài yếu tố kỹ thuật, còn là cách miêu tả thiên nhiên, khung cảnh bậc thầy, như một âm bản rửa mãi không hết. Người ta nói Trần Vũ có sự thông minh của người sách vở, Nguyễn Huy Thiệp có sự thông minh của người hiểu đời. Cách viết mỗi người do đó khác biệt nhau. Nhưng ở khía cạnh nào đó, tôi nghĩ những người viết trẻ nên học lối viết có tính hiện đại cao như Trần Vũ, nơi ông dùng khá nhiều thủ pháp của điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh. Những người viết trẻ cũng cần tiếp cận nhiều ngành nghệ thuật hiện đại.
Độc giả: Tại sao trong văn học có hiện tượng là người ta dùng thứ tiếng khác tiếng mẹ đẻ để viết văn tốt hơn, phát triển hơn, như Linda Lê? Tại sao viết tiếng Việt lại khó với họ, xin nói kỹ hơn?
Trần Ngọc Hiếu: Thực ra việc lựa chọn ngôn ngữ đối với một nhà văn phức tạp và có nhiều vấn đề hơn là việc sử dụng một công cụ thông thường. Ngôn ngữ mang bản chất xã hội lịch sử, nhưng rất tiếc là ở trường đại học không bao giờ dạy điều đó. Bản chất xã hội của ngôn ngữ là nó sinh ra trước chúng ta, nó không chỉ trao cho chúng ta các khả năng mà còn tạo ra áp lực. Nhà văn hiểu rằng chọn một ngôn ngữ nghĩa là không chỉ dùng các lợi thế của nó mà còn chịu các áp lực từ nó. Vì thế nếu muốn thắng áp lực thì phải chọn ngôn ngữ khác.
Trước đây chúng ta hay nghĩ không có gì thân thuộc hơn tiếng mẹ đẻ. Nhưng trải nghiệm cá nhân đối với ngôn ngữ thời kỳ này đặc biệt đa dạng và phức tạp. Chúng ta không thể lấy trường hợp Trần Vũ để minh họa cho việc vì sao phải viết tiếng Việt. Chúng ta chỉ biết rằng Trần Vũ chọn tiếng Việt là có lý do, nó gắn với ý thức của anh về căn tính, rằng mình thuộc về đâu.
Mai Anh Tuấn: Về việc viết tiếng Việt thì qua chị Thủy có thể hỏi Trần Vũ là tại sao việc viết của Trần Vũ dừng lại khá sớm, và giai đoạn viết sau thiên về khảo cứu, tùy bút. Câu chuyện này phần nào cũng trả lời cho chúng ta về số phận của những người viết tiếng Việt bên ngoài biên giới, nếu họ không được xuất bản trong nước. Việc Trần Vũ trở lại trong nước là đầy mới mẻ hấp dẫn với chúng ta khi mà đời sống văn chương ở đây đang khá bình lặng.
Diệu Thủy: Thưa quý vị, gần hai tiếng đồng hồ chúng ta đã ngồi đây nghe một câu chuyện hấp dẫn, và chính bản thân tôi cũng cảm thấy nghe được nhiều điều mới mẻ. Tôi cũng tin là việc in tập sách này làm giàu có thêm văn học tiếng Việt, và ghi dấu sự hợp lưu các dòng văn học viết bằng tiếng Việt. Cảm ơn L’Espace, cảm ơn anh Trần Ngọc Hiếu và Mai Anh Tuấn, cảm ơn các bạn. Tất cả đã làm nên một buổi tối thú vị như hôm nay.
NHDT ghi