Ði lính, có năm bảy kiểu đi lính. Có người yêu nghiệp lính. Có người bị bắt đi lính. Người đến tuổi bị động viên rồi yêu “nghề” lính. Cũng có người giận hờn người yêu, giận gia đình, quyết định xin đi lính, về sau “lỡ”, muốn trốn cũng không được nên phải ở lại cho tới ngày tàn cuộc. Và lính thì nhiều binh chủng, nên tùy theo binh chủng mà lính sẽ đóng quân hoặc trên cạn dưới bờ, hoặc rừng sâu biển cả…

Thời tôi mới lớn, chiến tranh liên miên, nhiều người ra đi không bao giờ trở lại. Nhiều người được giải ngũ trở về nhưng hình hài không còn toàn vẹn, như những bài thơ, bài hát nghe hằng ngày trên đài phát thanh, đài truyền hình, hay đọc hàng ngày trên báo chí sách vở. “Anh trở về chiều hoang trốn nắng/poncho buồn phủ kín đời anh/Anh trở về bờ tóc em xanh/chiếc khăn sô trên đầu vội vã…” hay “ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê”, “xin một lần nữa, một lần nữa/vẫy tay chào buồn anh đi…”

Ðời lính vốn khắc khổ, khó nhọc, những tháng năm chiến tranh khốc liệt, càng nhiều chuyện đau lòng. Bất trắc lúc nào cũng có thể xảy ra với người ở chiến trường, lẫn cả ở hậu phương. Có những người chiến binh oai hùng nơi trận mạc nhưng không thể giữ gìn được sự sống cho người thân ở nhà vì những đợt pháo kích vào thành phố, những ụ mìn đối phương lén đặt trên đường, những quả lựu đạn tung vào quán xá… Tôi còn nhớ cáo phó, chia buồn đăng dày đặc trên trang sau của hằng bao nhiêu nhật báo ngày ấy. Có một từ ngữ rất buồn, “cố”, khi đặt trước chức vị của một người lính, chẳng hạn cố thiếu úy, cố trung úy, cố đại úy… nghĩa là họ đã được lên lon, được thăng chức sau khi hy sinh đền nợ nước.

Lính nhiều binh chủng, nên quân trang, quân phục cũng khác nhau. Nhà tôi vốn ít người trong quân đội nên thuở ấy phải khó khăn lắm tôi mới phân biệt được sự khác nhau giữa những bộ quân phục của lính Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù hay Biệt Cách Dù, Thủy Quân Lục Chiến… Hẳn nhiên càng không thể nào phân biệt những huy hiệu được may trên vai áo. Tôi đoan chắc rất nhiều người thời ấy cũng đã lơ ngơ giống như tôi về điều này. Tuy nhiên ngược lại, có những binh chủng khi nghe đến tên hầu hết mọi người đều có thể hình dung ra quân phục của họ, nhất là những thiếu nữ bắt đầu biết mơ màng đến người khác phái, bắt đầu biết nhận và đọc thư tình như… tôi, sẽ nhận ra ngay những người lính thuộc Không Quân và Hải Quân.

Bảo Huân

Ngôi trường những năm trung học của tôi ở cạnh bờ sông, có hai cổng, một cho nam sinh và một cho nữ. Cổng nữ sinh nằm trên con đường dẫn vào phi trường, và qua bên kia bán đảo Sơn Chà. Sau này tôi biết ra Duyên đoàn 14 Hải Quân đồn trú tại Tiên Sa, và một doanh trại Không Quân ở khu vực này. Quân cảng lại khá gần trường tôi, nên không hiểu có phải “ngẫu nhiên” mà các anh Hải Quân trong bộ quân phục trắng, các anh pilot trong những bộ đồ bay vẫn hay có mặt trên con đường này. Tôi nhớ nhạc sĩ Y Vân viết một trong những bài hát rất dễ thương vào thời đó về các chàng trai áo xanh:

Anh về Thủ Ðô chúng tôi chờ mong.

Với vạn niềm tin với muôn tình thương.

Ðiểm tô phố phường người trai áo xanh.

Phố hoa pha màu lá rừng…

Thật vậy, đường phố chúng tôi đi học về mỗi ngày, giữa những tà áo trắng, giữa những vạt nắng tinh khôi, thỉnh thoảng có điểm chen màu lá hoa rừng. Tuy tôi không rành lắm những luật lệ về quân trang quân phục, nhưng biết ngày ấy lính ra đường, mà giày không đánh bóng, quần áo lè phè, mũ mão không đàng hoàng thì thế nào cũng bị quân cảnh chận lại và có thể bị phạt.

Ông anh họ tôi nhập ngũ vào khoảng giữa thập niên 60, tôi không nhớ rõ năm nào, chỉ nhớ lúc tôi vẫn còn là học sinh tiểu học. Nghe nói anh là lính Không Quân mà chẳng bao giờ mặc đồ bay, cũng không mặc đồ lính trận, tôi thắc mắc dữ lắm. Tôi  không dám hỏi anh, nhưng khi biết ra anh không là pilot, ngành phi hành, nên chẳng được mặc jumpsuit, một bộ áo liền quần rất đặc biệt, hoàn toàn khác với tất cả quân phục của những binh chủng khác, tôi đã vô cùng thất vọng. Ðã thế anh không còn đội mũ của lính phi công, loại mũ ca lô có màu xanh sẫm gắn huy hiệu binh chủng một bên trông rất oai, cũng không beret, nón sắt, nón rừng giống những người lính khác mà chỉ đội một chiếc mũ lưỡi trai màu đen, trông y như… học sinh trung học.

Khá… thất vọng về anh, tôi bèn sang “tâm sự” với thằng bạn láng giềng, đứa cũng có “nỗi niềm” tương tự như tôi vì bố đi lính mà nằm trong ban quân nhạc. Thằng này đã đau khổ than thở với tôi rằng trông bố nó không “ngon lành” gì cả. Bởi thay vì mang súng lục, súng trường, thậm chí có người còn lái cả thiết giáp thì bố thằng này chỉ biết thổi kèn saxophone; đi lính mòn mỏi bao nhiêu năm mãi cho gần tới ngày miền Nam mất mới được thăng làm thượng sĩ nhất. (Mà cũng chính vì lâu như vậy nên khi đã được lên lon rồi, gia đình tôi vẫn theo thói quen gọi bố mẹ thằng này là ông bà trung sĩ!)

Bảo Huân

Ông trung sĩ mỗi bận về phép thường được xe của đơn vị chở đến tận nhà cùng với cây kèn saxophone đựng trong một hộp da rất lớn. Phía đằng trước nhà, vợ ông mở quán cháo lòng tiết canh, nên khi về ông thường hay chơi với anh em thằng bạn tôi ở nhà sau. Và tối tối từ nơi ấy hay vang lên tiếng kèn của ông với những bài hát quân hành. Thỉnh thoảng, có thể nói là bất chợt, ông bỗng thổi Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn, Nửa Hồn Thương Ðau của Phạm Ðình Chương… rất ngọt ngào.

So với những người cùng lứa tuổi thời đó ít khi được học âm nhạc, biết sử dụng nhạc khí, phải kể ông trung sĩ là người tài hoa, nghệ sĩ. Vậy mà thằng bạn tôi còn thấy bố nó không “ngầu” như những người lính thuộc binh chủng khác, thì làm sao tôi có thể nghĩ ông anh họ của mình “ngon” cho được. Tôi nghe nói anh nằm trong hàng ngũ kỹ thuật Không Quân nhưng chẳng biết thật sự anh làm việc gì. Nếu đem anh đọ với những chàng lính không quân vẫn xuất hiện sau những chuyến phi vụ, đến đón người yêu trước cổng trường tôi với xe jeep, với bộ đồ áo liền quần, với mũ ca lô xanh gợi cảm, thú thật là có thương cảm cách mấy đi nữa cũng đành phải nói anh chẳng oai phong một tẹo nào! Sau này lớn hơn chút nữa, tôi biết ông anh họ tôi đã thiếu vài ba xăng-ti-mét chiều cao để trở thành phi công, lại rớt tú tài một nên không thể làm sĩ quan, tôi càng chán nản. Quân phục anh mặc, chúng tôi thường thấy cũng chỉ màu xanh lá, tôi nghĩ nếu không nói anh là lính thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa thì chắc chẳng thể phân biệt anh với Bộ Binh, thậm chí Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân…

Một hôm, không nhớ tôi và con em… ngoan ngoãn sao đó với anh, mà anh bỗng nổi hứng chở hai chị em vào phi trường.

Vào độ tuổi chúng tôi dạo ấy, được đi máy bay đã là chuyện hiếm có, bạn bè của tôi vẫn thường nói chúng tôi rất may mắn vì được gia đình cho đi xa bằng đường hàng không nhiều lần. Hôm anh cho chúng tôi sờ vào thân, vào cánh, vào quạt của máy bay, sau đó còn được nhìn thấy những chiếc phản lực cất cánh, lên xuống ở một chỗ rất gần phi đạo, tôi mới thấy mình “hên”. Nhưng khi hỏi công việc của anh là gì, anh trả lời một câu có vẻ hơi… khó tin – “sửa máy bay”, làm hai chị em tôi không biết nói gì hơn! Chúng tôi đã đứng nhìn sững những chiếc phi cơ lớn, hỏi nhau, trông chúng chắc chắn và đồ sộ đến vậy sao có thể bị… hư đến nỗi phải sửa. Và ông anh họ chúng tôi chỉ cao hơn một thước sáu, người ốm nhách, mới đi lính có mấy năm chớ mấy thì biết gì mà sửa!

Ði lính thời tao loạn, tướng hay binh sĩ đều cực khổ giống như nhau. Cái chết đều lơ lửng bên mình giống như nhau. Nhưng có lẽ buồn hơn, khổ hơn là khi không còn được mang trên mình chiếc áo lính, không còn được kể là người nặng nợ non sông. Lúc tàn cuộc, trở thành người bại trận thì bị những kẻ chiến thắng gán lên mình bằng đủ loại danh từ nhơ bẩn, đủ mọi lời khinh miệt.

Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, tôi gặp lại thằng hàng xóm cũ ở Sài Gòn. Vào thời điểm đó cả hai chúng tôi đều chưa đủ già để nói chuyện thời cuộc, nhưng cũng không còn nhỏ để không hiểu chuyện mất còn. Thằng bạn tôi nói:

– Ngày trước bố mình hay nói đến mấy chữ “tổ quốc, danh dự, trách nhiệm”. Khi nghe con cái trong nhà hỏi sao bố không đi lính gì khác, không làm gì khác hơn là chơi kèn cho ban quân nhạc, bố mình đã trả lời là đối với tổ quốc thì mỗi người góp một tay, với bất cứ khả năng chuyên môn nào mình có được mà làm lợi ích cho đất nước đều tốt cả. Lúc đó mình đã không hiểu được điều bố mình nói, chỉ nghĩ phải cầm súng chiến đấu trực tiếp mới anh hùng, mới bảo vệ được non sông. Mình không nghĩ đơn vị của bố mình khi dùng nhạc quân hành để khích lệ tinh thần anh em binh sĩ, góp phần làm nổi bật chiến công của các đơn vị bạn là cũng đã làm tròn trách nhiệm của người đang tham gia cuộc chiến.

Thằng bạn nói thêm cách buồn rầu:

– Bây giờ mình có muốn làm được chuyện như bố mình cũng đâu có thể…

Mấy mươi năm qua, những lời lẽ tuy rất đơn giản nhưng đầy sự hiểu biết của thằng bạn vẫn ở trong lòng tôi. Càng ngày tôi càng hiểu ra rằng những người lính ở hậu phương làm những công tác âm thầm, trong đó có ông anh họ tôi, cho dẫu không lập nên được những chiến công hiển hách như người ở tiền tuyến, không được người đời biết đến tên như những vị đã nằm xuống trên chiến trường, nhưng sự đóng góp của họ không phải là không có hy sinh, không phải là nhỏ cho dân tộc.

Có một từ ngữ tôi ít dùng, mà cũng không mấy người dùng, “chinh nhân”, nhưng cứ mỗi bận nghe đến từ ngữ này, là tôi lại bồi hồi. Tôi xót xa nghĩ đến những giọt máu, những giọt mồ hôi của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã đổ xuống vì quê hương đất nước một thời chinh chiến.

HN