Lời Giới Thiệu: Quý độc giả của Trẻ đã từng hồi hộp, say mê ngay cả  bàng hoàng khi đọc những trang hồi ký của cựu Thiếu Tá Vương Mộng Long K20 về sự chiến đấu và hy sinh đầy bi tráng nhưng không kém phần lẫm liệt của Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân trong trận Pleime do chính ông chỉ huy. “Nhóm lửa trong mưa” một bài viết ngắn của tác giả về một chút bối cảnh mà con người cố sinh tồn trong tù ngục của cộng sản.

Bảo Huân 

Thuở đó, vào đầu năm 1981, chúng tôi, bảy người tù cải tạo của Trại Z30C Hàm Tân, Thuận Hải chiều nào cũng quây quần bên nhau, vây quanh một nồi canh rau muống.

Rau trong nồi chỉ là phần canh của trại chia cho mỗi người góp lại, thêm một muỗng bột nêm Vị Hương và vài con tôm khô.

Trong cơn đói kém, trước mắt chúng tôi, nồi canh rau muống còn quý hơn cái Lẩu số 1 của nhà hàng Tài Nam buổi thịnh thời.

Bảy anh em chúng tôi đều xuất thân từ Trường Võ-Bị Quốc Gia Việt-Nam, thứ tự từ trên xuống dưới, lớn nhất là anh Trần Ngọc Toàn, khóa 16, kế đó là anh Nguyễn Nho, khóa 19, rồi tới bốn người khóa 20, Vương Mộng Long, Trần Hữu Bảo, Lê Ngọc Răng, và Lê Tấn Tài, nhỏ nhất là Tạ Văn Quang, khóa 24.

Những người khác thì được giao nhiệm vụ xách nước, nhặt rau, bổ củi, nêm nếm, dọn mâm, riêng tôi, Võ Bị Vương Mộng Long, được phân nhiệm làm hai công tác cố định là nhóm bếp và rửa chén.

Tôi là dân đi rừng chuyên nghiệp, với một bó xơ ruột cây buông đã khô, chỉ một phút sau tôi đã nhóm xong một bếp lửa hồng, hết việc!

Ðói kinh niên, nên nồi canh rau muống mỗi ngày cũng giúp chúng tôi lấp được phần nào cái khoảng trống trong dạ dày.

Một bữa đẹp trời, “Ông Già Ba Tri” Lê Ngọc Răng cắm câu được một con cá lóc to bằng cổ tay. Con cá xấu số là cư dân hiếm hoi của Suối Kiết, Hàm-Tân.

Nồi canh rau muống hôm nay có cá chắc là ngọt lắm!

Tôi chưa chuẩn bị xong mớ bùi nhùi thì trời nổi cơn giông, rồi những hạt mưa từ trên cao rớt xuống ào ào…

Quanh tôi, những bếp lửa tắt ngúm! Các ông bạn tù ùn ùn vác nồi niêu chạy vào phòng ăn tránh mưa.

Tôi có cái bếp di động làm bằng tôn; tôi vác nó vào phòng ăn, rồi nhóm lửa.

Khói của mớ bùi nhùi làm cho vài vị tù đứng cạnh đó khó thở, ho khù khụ.

Anh Toàn khều tay tôi,

– Coi chừng thằng cán bộ Liến! Nếu thấy khói trong nhà ăn thế nào nó cũng vào kiểm tra!

Tôi phẩy tay,

– Kệ mẹ nó! Trời nắng thì mình nấu ngoài sân, trời mưa mình nấu trong nhà, mình có bếp chứ có nấu trên sàn nhà đâu mà lo!

Nước bắt đầu reo “Ục! Ục!” thì trời quang đãng trở lại, tù lục tục kéo nhau ra sân, tiếp tục nhóm bếp.

Tôi định xách bếp ra sân, thì Võ Bị Lê Tấn Tài ngăn tôi lại,

-Khỏi di chuyển! Hai phút nữa là xong! 

Chuyên viên nêm nếm Lê Tấn Tài vừa thả con cá lóc vào nồi canh thì nghe tiếng quát,

– Cá… cá… các a… a… anh làm cá… á… ái… gì trong này? A….a… ai cho phép đốt lửa trong nhà ăn?

Tên cán bộ Công-An Việt-Cộng này nói cà lăm. Chúng tôi nghe đã quen. Tên y là Liến, Liến Cà Lăm.

Bảy ông Võ Bị đứng ngây ra nhìn nhau.

Cải tạo viên Lê Ngọc Răng xoa hai tay, cười cầu tài,

– Trình cán bộ ngoài kia mưa to quá, anh em có cái bếp di động nên nấu tạm trong này.

Cán bộ Liến lườm ông Răng một cái rồi lớn tiếng hỏi,

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

– Cái bếp này là của ai?

Tôi đáp,

– Của tôi!

– A… a… anh Long! A… a… anh đem cái bếp và cái nồi vi phạm kỷ luật này ra ngoài văn phòng trực trại cho tôi!

– Tôi không đem!

– Tô… tô… tôi ra lệnh cho anh! Ðem nó ra phòng trực cho tôi ngay!

– Cán bộ nói rằng cái nồi và cái bếp vi phạm kỷ luật! Tôi không vi phạm kỷ luật! Tôi không đem!

Nghe tôi lý sự cù nhầy, cán bộ Liến tức quá, đứng phùng mang trợn mắt, nhìn tôi, rồi ngoái đầu ra cửa,

– A… a… anh Mão và… ào… ào… vào đây ngay!

Có tiếng đáp từ ngoài hiên,

– Dạ!

Người tù đi theo cán bộ Liến để kiểm tra hôm đó là cải tạo viên Hoàng Mão, Ðội phó thống kê của Ðội 3 trại cải tạo Z30C.

Liến chỉ tay ra lệnh cho Mão,

– A… a… anh đem cái nồi và cái bếp này ra phòng trực trại!

– Dạ!

Cải tạo viên Hoàng Mão có vẻ miễn cưỡng, từ từ tiến về phía cái lò lửa đang cháy phừng phừng.

Khi Mão đi ngang mặt tôi, tôi nghiến răng nhắn vào tai anh ta,

– Ð! Mẹ mày!

Sau đó bảy anh tù đói khổ chỉ còn cách giương to mười bốn con mắt buồn rầu nhìn nhau.

Anh Ðội phó thống kê Hoàng Mão thì lặng thinh như người máy, cúi mặt đi về hướng cổng, tay xách cái lò có nồi canh cá đang sôi.

Cán bộ Liến chỉ mặt tôi ra lệnh,

– A… a… anh ra phòng trực trại chờ gặp tôi!

Liến rời phòng ăn, rảo bước về phía những cái bếp đang bốc khói sau nhà.

Tôi dợm bước đi thì anh Răng dúi vào tay tôi cái áo tơi nylon của ai đó treo trong phòng ăn,

– Mặc cái áo tơi này vào, nếu có bị cùm thì ban đêm cũng đỡ lạnh!

Tôi ra tới cổng thì cải tạo viên Hoàng Mão cũng từ phòng trực quay trở lại, anh ta nhìn trước, nhìn sau rồi chỉ tay về hướng đầu hồi,

– Tau giấu nồi canh của mi ở góc hiên. Nhớ ra đó mà lấy! Còn cái bếp lò thì đành phải mất thôi!

Thì ra anh đội phó này cũng còn lương tâm! Tôi cảm thấy hối hận vì vài phút trước đây tôi đã nặng lời chửi anh ta!

Hoàng Mão cũng là dân Võ Bị, bạn cùng khóa của tôi. Nó không phải là Trật Tự hay Thi Ðua, nhưng không biết vì lý do gì mà chiều nào nó cũng đi theo cán bộ để điểm danh và khóa cửa buồng của chúng tôi.

Chừng nửa giờ sau thì cán bộ Liến trở về.

Y chỉ cho tôi ngồi xuống ghế, vứt cho tôi một tờ kiểm điểm đã in sẵn.

Tôi điền vào khoảng trống sau hai chữ “Vi phạm” một câu sau đây:

“Nấu bếp trong nhà ăn khi trời mưa”

Rồi ký tên.

Liến cũng ghi quyết định của y trên giấy:

“Hình phạt cảnh cáo”

Rồi y cũng ký tên.

Trước khi cho phép tôi về buồng, Liến hăm he,

– Nhờ co… o… ó… ó… có anh Mão làm chứng rằng anh lao động tốt nên tôi tha không phạt cùm! Tôi cảnh cáo anh lần đầu. Nếu còn tái phạm thì biết tay tôi đó!

Tôi vào cổng, nồi canh cá không còn ở đầu hồi. Chắc các bạn tôi đã thấy và mang nó đi rồi.

Trong phòng ăn, sáu anh bạn Võ Bị của tôi đang ngồi quanh nồi canh, họ không biết tình trạng của tôi ra sao, nên chưa động đũa.

Tôi bước vào phòng. Thấy tôi, các bạn tôi cùng mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm.

Võ Bị Lê Tấn Tài vớt con cá lóc ra cái đĩa to, tay anh cầm cái muỗng và đôi đũa, cẩn thận chia thịt con cá ra làm bảy phần bằng nhau,

– May quá! Long không bị cùm. Nếu Long mà bị cùm thì anh em chắc không ai nuốt nổi những miếng cá thơm tho này.

Võ Bị Tạ Văn Quang bỗng chửi đổng,

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

– Ðù má thằng Hoàng Mão chó săn!

Tôi đưa tay bịt miệng chú Quang,

– Ðừng chửi nó! Oan cho nó! Nó giấu nồi canh cho mình đó! Nếu là Trật Tự Liễn hay Thi Ðua Di thì nồi canh đã mất, mà tôi cũng bị cùm rồi!

Trật Tự Liễn, không rõ họ gì là người Bắc Di Cư, gốc Xây Dựng Nông Thôn, còn Thi Ðua Di là cựu Trung tá Trần Mộng Di gốc cựu quận trưởng. Hai tay này là trợ thủ đắc lực rất tin cậy của cán bộ Liến.

Tôi từ từ kể cho bạn mình nghe những gì mà tôi đã chứng kiến ngoài rào trại và trong phòng trực chiều hôm đó. Nghe xong, anh chàng nóng tính Tạ Văn Quang mới hết ấm ức.

Từ ngày mất cái bếp di động, mỗi lúc trời mưa, các bạn tù của tôi lại có thêm nhiệm vụ cắt cử hai người căng một tấm vải nhựa che cho tôi.

Cứ thế, qua ngày, lâu lâu nồi canh rau muống tôm khô của chúng tôi lại có một con cá lóc cắm câu của Ông Già Ba Tri Lê Ngọc Răng.

Một ngày tháng Sáu, trời mưa tầm tã.

Tôi cố hết sức mình để nhóm bếp.

Lửa cháy vừa hết một nhúm bùi nhùi, chưa kịp bắt vào củi, thì gió lại thổi ào ào tưới nước, làm cho khói trắng bốc lên, mịt mù.

Nước mắt trào ra cay sè, tôi tưởng như mình sắp đui.

Bên cạnh bếp của tôi là bếp của anh tù cải tạo cựu thiếu tá khóa 13 Hải Quân.

Miệng anh ta cứ ư ử, rên,

“Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt,

Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…”

(Thơ Nguyên Sa)

Ban Mê Thuột 1988 – Hai cựu tù cải tạo: Th/tá Vương Mộng Long (con rể) & Tr/tá Đinh V. Võ (bố vợ)

Tôi thấy vào giờ phút đó, giọng ca móc họng này sao mà dễ ghét!

Ðốt hết ba bó bùi nhùi mà củi chưa chịu cháy, tôi tức quá quát lên,

– Câm đi! Mày cứ lải nhải cầu trời mưa! Ông mà điên tiết thì ông đấm gãy răng mày bây giờ!

Nghe tôi hăm, thằng phải gió đó đã không sợ mà còn trơ mặt thách thức,

-Thì ông cứ đấm gãy răng tôi đi! Tôi không thèm đánh lại ông đâu! Ông ghét mưa, là quyền của ông, còn tôi thích mưa, là quyền của tôi!

Rồi không thèm nhìn mặt tôi, nó tiếp tục rên,

– Tháng Sáu năm xưa, trời mưa, tôi gặp em… Tháng Sáu năm xưa mình làm đám cưới! Vậy mà sáu năm qua rồi, mình không trông thấy nhau! Giờ này anh đang ở Z30C Hàm-Tân, Thuận-Hải. Anh không biết giờ này em đang ở đâu? Em ơi! Giờ này em ở đâu?… Em ở đâu?

Mưa dần dần bớt cơn nặng hạt. Cuối cùng bếp của tôi cũng cháy.

Rảnh rang rồi, tôi nhìn lại, lắng nghe, lúc này hình như giọng ca của thằng phải gió có vẻ hơi run, hơi nghẹn ngào?

Tôi bước về phía nó, nghiêng đầu nhìn vào mặt nó, thì ra nó đang khóc!

Nó đội cái nón lá rộng vành, nước mưa không hắt vào mặt nó được, nhưng tôi nhìn thấy, rõ ràng, nước mắt nó đang chảy thành dòng trên gò má phong sương, sạm nắng.

Nước mắt nó rớt xuống cằm, rồi rơi trên ngực nó.

Nó cởi trần, người nó đang bốc hơi…

Anh tù cải tạo này xuất thân là một thủy thủ, nhưng hình như anh ta lại mang tâm hồn của một thi nhân. Lúc nào tôi cũng thấy anh mơ mơ, màng màng.

Ðã có lần anh tâm sự với tôi rằng, ngày 30 tháng Tư năm 1975 anh đã lái tàu tới Phi Luật Tân, rồi được người Mỹ đưa qua đảo Guam.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Nhưng sau đó, vì thương con, nhớ vợ, lại nghe lời đường mật của dân biểu Nhữ Văn Úy kêu gọi, anh đã làm người “Guam Quay” leo lên tàu Việt Nam Thương Tín trở về.

(Guam Quay: là danh từ chỉ những người Việt tị nạn trở về trên tàu Việt Nam Thương Tín).

Tôi chẳng biết sáu năm qua, anh ta đã ở những trại giam nào; cho tới đầu năm 1981 thì tôi và anh gặp nhau trong Ðội 7 ở Trại Z30C Hàm-Tân, Thuận- Hải.

Từ ngày về Việt-Nam, anh ta chưa có tin tức gì của gia đình.

Bỗng cách đây vài tuần, có người lên thăm anh.

Trước lúc quẩy đôi quang gánh theo chân cán bộ để ra cổng, anh đã hớn hở khoe với tôi,

– Vậy là sau sáu năm đợi chờ, cuối cùng “nàng” cũng đi thăm tôi. Sáu năm dài, một nách ba đứa con thơ. Chắc “nàng” vất vả, khổ sở lắm! Tôi phải cảm ơn “nàng”!

Chiều đó, gánh một gánh quà rất nặng trở về Ðội 7, nhưng tôi thấy mặt anh rầu rĩ không vui.

Từ ấy, anh cũng tránh trò chuyện với bạn tù cùng buồng.

Một hôm, vào giờ giải lao, tôi thấy anh đứng một mình giữa đồng không, ôm cán cuốc mắt ngước nhìn trời, tôi thắc mắc,

– Có tâm sự gì buồn?

Ðôi mắt anh mở to, đờ đẫn,

– “Nàng” đã đi rồi!

Tôi gợi chuyện,

– Vậy mấy tuần trước, anh có người thăm, người đó là ai?

– Bà mẹ vợ của tôi, đi cùng đứa em gái của nàng.

– Nàng đâu rồi?

– Nàng đã đi rồi! Nàng đã đem con vượt biên cùng người tình mới!

– Lâu chưa?

– Hai năm! Ðợt Hoa Kiều ra đi bán chính thức.

Tôi không hỏi tiếp, khơi vết thương lòng của người khác là điều tôi phải tránh.

Nhìn tôi, anh hỏi,

– Này! Ông có thể cho tôi một lời cố vấn được không?

– Cố vấn chuyện gì?

– Chuyện nhà, tôi nói cho ông nghe, để ông có ý kiến gì giúp tôi không?

– Nói đi!

– Bà già vợ tôi lên thăm, đem theo một gánh quà và một cô em vợ. Dì nó nhỏ hơn vợ tôi một giáp. Ngày tôi cưới vợ tôi, thì dì nó còn bé, nay thì dì nó đã mười chín tuổi. Bà mẹ vợ tôi nói thế này: “Con Hòa nó đi theo người ta mất rồi! Nay mẹ đem con Thuận lên để đền cho con. Bao giờ con được tha, mẹ sẽ làm đám cưới cho con với nó.”

Anh ngừng lại một giây, tôi thấy đôi mắt anh rơm rớm lệ.

Anh cúi xuống để cho cằm anh đè trên đầu cán cuốc, rồi nói như than,

– Ông xem! Tình yêu có phải là đồ vật đâu mà người ta có thể đem một đổi một?

Nghe anh bạn nói, tôi chỉ biết lắc đầu,

– Chuyện này thì mình chịu! Không cố vấn gì cho bạn được!

Thế rồi tháng Sáu đi qua.

Hết mưa tháng Sáu, qua mưa tháng Bảy.

Rồi hết mùa Ngâu, rồi sang Trung Thu, rồi tới Nguyên Ðán.

Lần lượt theo nhau, các bạn tôi, Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Nho, Lê Tấn Tài, Trần Hữu Bảo, Lê Ngọc Răng, Tạ Văn Quang và anh Hải Quân Khóa 13 đều được thả.

Tới cuối năm 1985 tôi bị chuyển sang Trại Z30D Hàm Tân, Thuận Hải.

Ít lâu sau khi chuyển sang Z30D, tôi nghe được tin vui, các anh Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Nho cùng bạn Thủy Thủ “Guam Quay” vượt biên thành công, đã tới đất Mỹ.

Rồi bạn tù cựu quân nhân chế độ cũ của tôi ở Z30D cũng dần dần theo chân nhau bước qua cổng; tôi vẫn còn ở đây.

Sau mỗi đợt phóng thích, trại đều “biên chế” lại.

Tôi bị đưa vào những căn nhà giam kiên cố hơn, nghiêm ngặt hơn, sống chung với tù vượt biên, tù phản cách mạng, tù chiêu hồi.

Hai mùa tháng Sáu, tháng Bảy đi qua, tôi tiếp tục nhóm bếp, nhưng chỉ đứng dưới mưa một mình…

VML-K20