Quê tôi không phải là một xứ đạo truyền thống. Thời tôi 10 tuổi trở xuống, nơi linh thiêng huyền bí mà tôi thường la cà tha thẩn chơi một mình là đình thờ Thành Hoàng tọa lạc nguy nga ở giữa xóm và đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Tôi biết sơ sài về nhân vật Trần Hưng Đạo qua những bài đọc lịch sử trong sách và bài hát Bạch Đằng Giang. Đền thờ Thánh Trần ở đầu xóm, cạnh con lộ chính đi từ trung tâm thị trấn vô xóm, cách nhà tôi một quãng khá xa và tôi phải đi bộ khoảng 20 phút mới tới đền Thánh Trần.

Cây Noel – Garden Grove

Lúc này tôi đã biết đọc chữ, đọc được dòng chữ “Ðền Thờ Ðức Thánh Hưng Ðạo Ðại Vương” chạm trổ trên hoành phi bằng chữ quốc ngữ. Từ ngoài cổng đền đi vô trên con đường nhỏ trải sỏi trắng khoảng hơn 100 thước mới tới cánh cửa đền bằng gỗ đen luôn đóng kín im ỉm. Hai bên lối vô có đặt nhiều chậu bông lớn, trồng nhiều cây cổ thụ, xung quanh đền là cánh đồng trống không có nhà dân. Buổi chiều, bóng cây đổ xuống sân ngoài và lối đi của đền, chung quanh không một bóng người, phong cảnh thâm u, tiếng gió thổi qua hàng cổ thụ vi vu gợi hình ảnh và nỗi sợ hãi “ma giấu” nhiều hơn là oai lực thánh thần. Tôi hỏi mẹ tôi sao đền Thánh Trần vắng tanh không có người, không mở cửa? Mẹ tôi nói mỗi năm chỉ mở cửa một lần để làm lễ cúng giỗ Ngài thôi. Bình thường xã có mướn một người làm cỏ, tưới cây, trồng bông, quét dọn bụi bặm… Một tuần người đó mới làm một ngày. Tôi hỏi trong đền thờ Thánh Trần có gì lạ không? Mẹ tôi nói thì cũng giống y chang đền Thành Hoàng vậy đó. Tức là cũng có bàn thờ, hai con hạc đứng trên lưng hai con quy, có thêm tượng con voi bự. Chiều tối mày đừng có tới đó, ma giấu đó. Người ta đồn rằng mỗi đêm trăng thì bên trong đền nghe tiếng chân đi và tiếng voi giậm chân, voi hí. Chính điều này lại cho tôi thích một mình tới đền Thánh Trần để “khám phá” vì tò mò. Buổi chiều không đi học, tôi một mình đi tới đền Thánh Trần quanh quẩn ngoài sân bẻ bông, nhổ cây me đất mọc tràn lan trong các chậu bông. Cây me đất lá có vị chua như me, có thể dùng nấu canh chua hay giã nát lấy nước cốt chữa bệnh ho, đau họng. Mỗi lần tôi “mò” tới đền Ðức Thánh Trần, khi trở về nhà tôi đều chìa mớ dây me đất ra để “chạy tội.”

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

Ở miền Tây Nam kỳ không có làng, nên cũng không có lũy tre làng và cái cổng làng như vùng nông thôn miền Bắc. Nông thôn miền Tây trải rộng, mênh mông và nhìn thông thống không bị bất cứ vật gì cản trở che khuất tầm nhìn. Từ xa chỉ thấy mênh mông bát ngát ruộng lúa “cò bay thẳng cánh.” Khác với miền Bắc các ngôi chùa thường được dựng ở đầu làng, dưới gốc đa cổ thụ đầu làng hoặc cạnh cổng làng, chùa ở nông thôn miền Tây có thể nằm chơ vơ giữa đồng, gần các nghĩa địa hoặc cạnh đường đi nhưng khuất sâu vào trong. Tôi nhớ là ở xóm tôi thời đó có ngôi chùa nhỏ của ni cô mà tôi chưa một lần vô chùa.

Ðình thờ Thành Hoàng ở ngay giữa xóm, cạnh chợ trung tâm xóm và cũng gần nhà làm việc của xã. Ðình Thành Hoàng là nơi đông vui quanh năm. Ðối diện đình là bến sông, có khoảng đất trống rộng và cây còng cổ thụ. Sân đình rất rộng lót gạch bông, bãi đất trống trước sân đình cũng có nhiều cây còng cổ thụ. Ðây là nơi đám con nít trong xóm tha thẩn chơi mỗi buổi trưa hè, lượm trái còng khô rụng dưới gốc về đập ra lấy hột rang ăn. Sau mùa gặt lúa là tới mùa hát đình, các đoàn hát được rước về hát sáng đêm trước sân đình cho “thần đình coi.”

Khi cha mẹ tôi chuyển nhà về thị xã, ở đây cũng có chùa, cũng có đình, và có thêm nhà thờ Công giáo. Tôi chẳng mấy khi vô chơi ở sân nhà thờ Công giáo ở bên kia sông. Ký ức thời xa xưa của tôi là hình ảnh ông linh mục mặc áo đen cầm roi rượt đuổi đám con nít vô sân nhà thờ “phá phách.” Khi lớn thêm tí nữa, thường ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, biết tự mình đi coi hát thì những ngày lễ lớn của chùa hay nhà thờ là dân chúng được thoải mái coi cải lương miễn phí ở sân khấu ngoài trời của đoàn cải lương nhà nước “hát phục vụ.”

Xem thêm:   Cô giáo "phản động"

Năm 1997, xứ tôi nổi tiếng vụ “Cha Trương Bửu Diệp hiển linh” ở nhà thờ Tắc Sậy, cách nhà tôi khoảng 15 cây số. Thời gian này cũng là lúc tôi biết chánh xứ nhà thờ Tắc Sậy là ông Linh mục Nguyễn Ngọc Tỏ. Do phòng làm việc của tôi (điều tra) và phòng làm việc của an ninh tôn giáo ở gần nhau nên khi rảnh rỗi thường qua lại nói chuyện chơi. Từ đó tôi biết được ông Linh mục Tỏ giao du thân mật với an ninh tôn giáo, thường rủ nhau đi “nhậu có gác tay.” Vì sự tai tiếng này mà ông Linh mục Tỏ bị Giáo phận Cần Thơ thuyên chuyển về xứ đạo khác. Nghe đâu ông Linh mục Tỏ cũng làm nhiều cách phản đối vì nhà thờ Tắc Sậy là “cây tiền” nhờ khách thập phương tứ xứ có đạo lẫn không có đạo đổ về “cúng dường” mong được “cha Diệp ban ơn.”

Ở những nơi như vậy, con nít lớn lên trở nên coi thường tôn giáo là lẽ tất nhiên. Và tôi càng không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó bỗng dưng tôi lại là tín hữu Công giáo. Nhưng ở đời thì ai biết được sự “ngẫu nhiên” nó rơi trúng đầu mình như thế nào, nên người nào đi tu mới được gọi là “có ơn Thiên triệu,” nghĩa là ơn Thiên chúa kêu gọi đến thay mặt Chúa đi rao giảng Tin Mừng cho thế gian. Một thiếu nữ bình thường ngây thơ trong trắng vừa đính hôn, sống trong ngôi làng nhỏ heo hút chưa bao giờ nghĩ rằng mình bỗng nhiên trở thành Mẹ Thiên chúa được thế gian ca tụng đời đời, vậy mà việc ấy vẫn xảy ra.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Khi tôi bị giam ở trại giam Chí Hòa, nhỏ bạn tù tên Huỳnh Thị Hữu Duyên nó thường càm ràm với tôi là “Không biết tại sao má con đặt con tên Hữu Duyên, tên gì xấu quá!” Tôi trả lời: “Không! Tên Hữu Duyên rất đẹp. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.” Nó thấy tôi mỗi tối đều đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện nên hỏi tôi nó không có đạo thì có cầu nguyện được không? Cầu nguyện như thế nào? Tôi trả lời: “Ðược! Bất cứ ai cũng có thể cầu nguyện, không nhứt thiết phải có đạo, chỉ cần có lòng thành với Thiên chúa. Chỉ con người từ bỏ Thiên chúa chớ Thiên chúa không từ bỏ ai.” Tôi lấy dây nilon đen thắt cho nó một chuỗi Mân Côi, dạy nó đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Sáng Soi và cách cầu nguyện. Trong phòng giam không có giấy mực gì để viết nên đó là hai Kinh dễ đọc, dễ thuộc nhứt. Vậy là hàng đêm nó cũng chăm chỉ đọc kinh và cầu nguyện để sớm ra tù.

Ở Việt Nam, gia đình nào có đạo mới trang hoàng hang đá, cây thông trong nhà để đón Giáng sinh. Ở Mỹ thì khác, không cần phải có đạo, nếu có tiền bạc dư dả, gia đình nào cũng trang trí dây đèn màu, cây thông, người tuyết, ông Santa, xe kéo, tuần lộc,… sáng rực rỡ ở sân trước nhà. Trong nhà thì có cây thông lớn treo nhiều đồ chơi và dây đèn màu lấp lánh. Ngày Giáng sinh, mọi người đổ xô đến nhà thờ. Người có đạo thì tham gia Thánh Lễ, rước mình Thánh Chúa, người không có đạo cũng đến để xem lễ, để cầu nguyện. Ðừng ngại cầu nguyện vì bạn không có đạo, với Thiên chúa thì điều kỳ diệu nào cũng có thể xảy ra. Tôi đã có ơn được điều kỳ diệu ấy, còn bạn tại sao không?

TPT