Ao Bà Om

Nắng vàng rực rỡ tràn ngập miền Tây Nam Bộ, thỉnh thoảng những cơn mưa như trút nước bất ngờ ập đến bung vỡ trên mặt đất. Nước chảy xối xả trên mái hiên tuôn vào những chum vại, tràn ra ngoài sân. Nước như reo vui với chúng tôi bên ngoài khung cửa, bên quán ăn trưa ven đường. Không khí mát lạnh, lòng tôi hân hoan như trẻ con ngày nhỏ ngồi bên hiên nhà ngắm mưa trong tiếng nhạc từ máy thu thanh Ba mở bên phòng.

Tiếng hát ngày nhỏ đã xa, nhưng tiếng hát của bạn bè tôi vây quanh lúc này làm tôi náo nức, chúng tôi vui, khi họa sĩ Lê Ký Thương trở về, chúc mừng tình bạn đẹp của các anh trong tạp chí Ý thức ngày cũ. Trên đường đi họa sĩ Cóc đột ngột ngã bệnh, các anh quyết định nghỉ tại Cần Thơ đêm đó không về Trà Vinh, trên xe nhìn Bs Đỗ Hồng Ngọc, Bs Thân Trọng Minh chăm sóc bạn chu đáo mà thấy đời đẹp biết bao khi ta có bạn bè.

Sáng hôm sau, anh Lê Ký Thương hồi phục, các anh thuê xe đến Trà Vinh để cùng nhập với đoàn. Cả đoàn ăn mừng trong quán ăn trưa có tên “Ban Mai” dưới cơn mưa tầm tã. Chúng tôi cùng nhau hát vang trong tiếng đàn ghita của anh Đoàn Đình Thạch.

Trà Vinh bao phủ một lớp sương mờ, không khí bảng lảng liêu trai như trong tiểu thuyết hoang đường khi chúng tôi đến Ao Bà Om, khu rừng cổ thụ kỳ dị. Nơi này mang dáng dấp rõ nét của nền văn hóa Khmer trong những ngôi chùa cổ như chùa Ang, chùa Hang, chùa Nodol, trong đó chùa Ang được coi là ngôi chùa cổ nhất xây dựng từ thế kỷ thứ 10 cách đây hàng  ngàn năm.

Các ngôi chùa cổ này mang đậm hài hòa giữa nền văn hóa Khmer và Ang Kor. Từ cổng, gò mái, cột chùa đến kiến trúc bên trong đều khoác lên mình chiếc áo tượng hình của đầu chim, tiên nữ, thần rắn Naga. Đến đây, tôi càng thấu hiểu nền văn hóa rực rỡ của nước Chân Lạp xưa là như thế nào, phải là những triều đại hùng mạnh mới xây dựng nên Angko, xây dựng nên những đền chùa tráng lệ mà ngày nay người sau vẫn còn ngỡ ngàng.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Điểm chung các ngôi chùa ở Trà Vinh đều nằm giữa rừng cây cổ thụ bao quanh, phần lớn là sao, dầu, từ lâu là nơi trú ngụ của các loài chim. Chính điều này làm nên sự hấp dẫn và khác biệt, trong khung cảnh tĩnh lặng của rừng cây là tiếng chim ríu rít  trên cành, làm nên một không gian bình yên, an lạc.

Buổi sáng tôi đến mưa phùn giăng lối, Ao Bà Om mờ sương phả vào không gian một khung cảnh huyền bí, sen trên mặt hồ lác đác, những cây cổ thụ với những cội rễ kỳ quái mọc tràn trên mặt đất với những hình thù độc đáo. Anh Mã Lam làm nhiếp ảnh gia tặng tôi những tấm ảnh lạ, tôi trở thành người mẫu bất ngờ như ca từ trong một bài hát của nhạc sĩ Văn Cao:

“Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian 

Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần …

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian 

Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…”

Lần đầu tiên tôi đắm mình vào chốn thiên thai trong một buổi sáng mưa phùn huyền ảo.

Cổ thụ ở Ao Bà Om

-oOo-

Đêm yên tĩnh, tôi chìm đắm trong tiếng đàn ghita của người đàn ông phòng bên cạnh, bức tường không cách âm, giai điệu bài hát văng vẳng bên tai nghe như lời thì thầm, anh hát hết bài này sang bài khác, những ca từ mê hoặc của các ca khúc tiền chiến, dòng nhạc mà tôi yêu thích:“Ai lướt đi ngoài sương gió/ Không dừng chân đến em bẽ bàng/ Ôi vừa thoáng nghe em/ Mơ ngày bước chân chàng/ Từ xa đường vắng/ Đêm mùa thu chết/ Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng …”  (Buồn tàn thu – Văn Cao) rã rời sau một ngày ngao du khắp nơi, tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng hát như có như không.

Sáng sớm hôm sau, lên xe tôi chào cả nhà và cảm ơn anh chàng đạo diễn phim, anh ngạc nhiên vì lời cảm ơn,  đêm qua có người đã hát quá hay, suốt đêm mải miết như hát ru, nhờ vậy mà tôi ngủ ngon. Các anh chị bật cười, đó là một trong những giọng hát của nhóm Quán Văn lâu nay nên không có gì phải bất ngờ em ơi.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Xe chạy qua những cánh đồng xanh ngát, xa xa là những hàng thốt nốt, đặc sản ở xứ này, kênh, rạch và rừng cây chạy dài trên con đường cái quan.

Chiều nay chúng tôi đến Rừng Tràm Trà Sư

Nằm cách biên giới Việt Nam và Campuchia 10 km, Rừng Tràm Trà Sư thuộc vùng núi Thất Sơn huyền bí của “thủ phủ” Núi Cấm, là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Từ Châu Đốc đến Rừng Tràm Trà Sư khoảng 50 phút đi xe, đến huyện Tịnh Biên theo đường lộ 948 đến cầu Bưng Biền tại km số 6 rẽ trái tiếp tục đi theo một con đường trải nhựa khoảng 4km là đến Rừng Tràm Trà Sư.

Chúng tôi dừng ở trạm xe, bắt đầu từ đây muốn vào bìa rừng phải tangbo bằng xe Honda ôm. Nếu thích đi bộ cũng thú. Người lái xe Honda ôm là dân địa phương, có cả phụ nữ, nhưng phần đông là thanh niên còn trẻ, có lẽ họ chỉ làm theo mùa vụ.

Đi xem khu du lịch Rừng Tràm phải đi 2 đoạn đường, đoạn đầu tiên băng qua khu rừng ngập nước phải đi tắc ráng (tên gọi một phương tiện đường thủy có gắn động cơ của người miền Tây Nam Bộ), đoạn thứ hai, đến nơi dừng chân đi sâu vào Rừng Tràm có nhiều chim muông phải đi bằng xuồng chèo.

Một không gian thoáng đãng trong lành bao phủ quanh tôi, tôi lạc vào một nơi lạ lẫm, chung quanh là nước được phủ lên trên một lớp bèo kết thành những tấm thảm xanh dài bất tận. Tôi thốt lên sự kinh ngạc khi trước mặt bèo là bèo, từ bèo hoa dâu, bèo cám, bèo cái, nở đẹp như đóa hồng, rồi lục bình điểm xuyết hoa tím ngát, một màu xanh ngút ngàn của thảm bèo trải rộng trước tầm mắt, mùi lá cây ngai ngái, mùi rong rêu của nước đầm ẩm mục, thoang thoảng hương tràm trong những nụ hoa trắng muốt phía xa quyện vào nhau tạo thành mùi đặc trưng của rừng nước không thể pha lẫn nơi nào. Những con cò trắng cổ cao đang bước đi trên nước, chúng dạn dĩ đến nỗi, nhìn chúng tôi lướt qua mà không thèm vỗ cánh. Tôi cố tìm những “đàn cò lông bông” như cách gọi của thằng Cộc trong “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc mong bắt gặp những đàn cò trắng bay về tổ khi chiều về mà người dân nơi đây nói nhiều đến nỗi nhìn như một đám mây bay. Từng đàn chim đậu trên cây đang chao lượn dưới sóng nước, có những con chim màu xanh biếc bay chuyền trên cành. Màu xanh của chúng đẹp đến sững người. Đã đọc nhiều truyện về vùng đất phương Nam của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, giờ đây tôi mới được tận mắt thấy cây dừa nước ra sao, rễ cây đước chĩa ngược lên trời như thế nào, và chỉ cần đưa cánh tay ra ngoài thuyền là có thể chạm vào làn da xù xì của thân cây. Con thuyền chở tôi đi len lỏi giữa Rừng Tràm. Trước mắt tôi hiện lên bức tranh hoang dã tuyệt đẹp trong các câu chuyện của nhà văn Sơn Nam. Tôi nhớ đến hình ảnh khán giả ở rạch Tà Tưng ngồi xuồng xem hát bội trong rào, bên ngoài hàng rào sấu nằm nghếch mõm chờ và cọp lượn lờ rình rập (“Hát bội giữa rừng”).

Rừng Tràm Trà Sư

Hình ảnh ông Năm Hến bắt cá sấu trong rừng U Minh Hạ, vừa đi vừa dắt đàn sấu với những câu hát nghe rùng rợn vẫn ám ảnh tôi ngày nào:

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

“Hồn ở đâu đây?

Hồn ơi! Hồn hỡi!

Xa cây xa cối

Xa cội xa nhành

Đầu bãi cuối gành

Hùm tha sấu bắt,

Bởi vì thắt ngặt

Manh áo chén cơm.

U Minh đỏ ngòm

Rừng Tràm xanh biếc…”

(“Bắt sấu rừng U Minh Hạ” – Sơn Nam)

Sống trong môi trường khắc nghiệt nên con người muốn sinh tồn phải dũng mãnh chiến đấu với thiên nhiên.

Bao lớp cha ông tiên phong từ miền Trung tràn vào Nam đã ngã gục vì rừng thiêng nước độc, hết lớp thế hệ này tiếp đến thế hệ khác.

Họ như rừng mắm chắn giữ đất liền giữa đầm lầy và biển khơi. Mai kia mắm ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc lên. “Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận…” (“Rừng mắm” – Bình Nguyên Lộc)

Đất mà tôi đang đứng dưới chân mình có biết bao hồn người.

Tôi gọi đó là hồn đất.

BM